Nhà báo
17-6-2021
Năm 2013, điều sợ hãi sâu xa nhất trong lòng tôi là không thể quay về VN sau một năm trải nghiệm ở Harvard. Tôi nhận được rất nhiều lời khuyên ở lại, kể cả những người có quyền lực trong nước và bạn bè Mỹ. Tôi nói với các Nieman Fellows 2013, họ gồm 12 nhà báo Mỹ và 12 nhà báo đến từ phần còn lại của thế giới, “Tôi không có việc gì để làm ở đây cả”.
Tôi là một nhà báo chỉ sử dụng thông thạo tiếng Việt và những gì tôi viết là chỉ cho người Việt.
Phải làm việc, tranh luận với các nhà báo đến từ nhiều nơi trên thế giới, mới thấy, tự do ngôn luận, tự do báo chí là điều kiện tiên quyết để minh bạch một quốc gia. Tuy nhiên, mục tiêu của tự do không phải là có thể chửi tổng bí thư mà là để đi đến tận cùng sự thật. Tôi không nghĩ là ở trong các quốc gia thực sự dân chủ, đi đến tận cùng sự thật là một công việc dễ dàng, nhưng càng ở những quốc gia ít dân chủ hơn càng cần các nhà báo dám đi tới tận cùng sự thật.
Những nhà báo dám thách thức miếng cơm manh áo của mình thật là dũng cảm [kể cả các nhà báo trở thành anh hùng sau khi về hưu]. Nhưng đừng tưởng tất cả những người giữ mình trong hệ thống báo chí nhà nước là chỉ vì miếng cơm manh áo. Có không ít sự thật họ đã không thể nói ra nhưng nhiều nhà báo (có thẻ) đã phanh phui rất nhiều sự thật. Những sự thật mà chỉ khi công bố trên báo chí nhà nước nó mới gây tác dụng.
Đừng tưởng phải nói văng mạng thì mới là tự do. Đừng tưởng là ở trong các quốc gia tự do, các nhà báo cũng dễ dàng làm được thế. Bạn muốn lên MXH nói cho sướng miệng hay bạn muốn thực sự hữu ích đó là quyết định trách nhiệm không chỉ với bản thân mình.
Tôi là nhà báo không có cơ hội được qua trường lớp. Đi Mỹ học hai lần, mỗi lần một năm chỉ tập trung học chính sách công. Học nghề bằng việc đọc và quan sát các nhà báo đàn anh. Chính vì thế, làm nghề hơn 30 năm mà tôi không có “học trò” hay “đệ tử”. Nhiều khi, nhìn những nhà báo như Lê Đức Dục (Le Duc Duc), Lê Thanh Phong… sai bảo em út cũng rất chạnh lòng.
Tuy nhiên, tôi có một cuộc đời làm nghề khá hài lòng. Đã từng vào Nguyễn Cảnh Chân phỏng vấn tổng bí thư. Lại đã từng vào Chí Hòa phỏng vấn một tướng cướp tay bị còng ngồi bên trong song sắt (Phước Tám Ngón). Các đồng nghiệp trẻ đừng hỏi tôi phỏng vấn ai oai hơn. Tiêu chí của tôi là viết những gì có nhiều thông tin chứ không phải là viết về những điều vĩ đại hay đứng bên cạnh những người quan trọng nhất.
Chúc các đồng nghiệp của tôi luôn giữ được ngọn lửa đam mê và hành nghề trách nhiệm.
***
Huy Đức: Thân phận người Việt
Chúng tôi đã từng mượn thuyền của người Việt sống dọc bờ sông Mekong và Biển Hồ Campuchia để đi đánh cá linh, cá cơm. Họ sinh ra ở đây, nhiều người không biết gốc gác Việt Nam của mình ở đâu. Họ nói tiếng Khmer rành hơn tiếng Việt. Nếu Hun Sen đứng đầu một chính quyền có văn hóa thì phải coi cộng đồng ấy là “người Campuchia gốc Việt” chứ không phải là “người Việt”. Nhưng, cũng không nên chỉ trách Hun Sen.
Trong khoảng từ 2013 -2015, trong quá trình Campuchia soạn thảo chính sách ngoại kiều nhắm vào người Việt Nam. Chính phủ VN biết và trong thời gian đấy, nhiều cơ quan VN đã làm việc với CPC, nhưng, Nghị định 129 do Hun Sen ban hành năm 2016 đã làm bàng hoàng cộng đồng người Việt.
160 nghìn người CPC gốc Việt, hầu hết sinh ra và lớn lên ở CPC đã bị đối xử phân biệt: 90 nghìn người bị coi là bất hợp pháp, Hun Sen có thể đuổi bất cứ lúc nào; 70 nghìn người dù đã có CMND, sổ gia đình, passport của CPC… bị coi là “ngoại kiều”, họ phải chi 62 USD/ người để làm thẻ. Chính phủ Việt Nam thay vì bảo hộ thành công, đã chi cho 70 nghìn “khúc ruột trăm dặm” này mỗi người 62 USD để Hun Sen cấp thẻ ngoại kiều.
Các bạn có biết là trong khoảng thời gian kể từ khi VIệt Nam rút quân, có bao nhiêu người Trung Quốc ở CPC không? Không ai biết. Nhưng, số người Hoa đã có quốc tịch CPC, kể từ 1991 đã vượt qua con số triệu từ lâu lắm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.