Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

Ngoại giao vaccine của Việt Nam

 

Ngoại giao vaccine của Việt Nam

BTV Tiếng Dân

4-6-2021

Tình hình chống dịch ở Việt Nam hơn một năm qua bằng các phương pháp khoanh vùng, cách ly, truy vết… có thể thấy, phương pháp này chỉ có thể làm chậm sự lây lan của virus, chứ không thể dập được dịch. Trong khi các nước trên thế giới tìm mọi cách để mua vaccine chống dịch, lãnh đạo CSVN quá tự tin với phương pháp chống dịch của mình, bất cần vaccine, để rồi bây giờ tụt xuống cuối bảng so với các nước láng về chiến dịch chích ngừa cho dân. 

Giới chức VN nhận ra điều này dù muộn màng, bây giờ họ tìm mọi cách để có vaccine, dù là vaccine do Trung Quốc chế tạo. Thông Tấn Xã VN đưa tin: Bộ Y tế phê duyệt vaccine Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm Trung Quốc. Ngày 3/6, Bộ Y tế ban hành Quyết định 2763/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện vaccine của Tập đoàn dược Sinopharm của TQ, cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Vaccine được duyệt là Vero Cell, được sản xuất tại Viện Sinh phẩm Bắc Kinh.

Vaccine phòng Covid-19 của Tập đoàn dược Sinopharm bên TQ. Ảnh: VOV

Trong tình hình số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở VN vẫn tăng ở mức 3 chữ số mỗi ngày, vụ phê duyệt này mở ra thêm “lối thoát” cho tình hình VN đang rất “khát” vaccine. Nhưng về mặt chính trị, đó là sự khuất phục ngấm ngầm của lãnh đạo VN trước “bạn vàng”.

Trước đó, có chuyên gia quốc tế cảnh báo về thủ thuật “ngoại giao vaccine” của TQ: Tận dụng các bộ máy sản xuất quy mô lớn, TQ có thể cung cấp hàng chục triệu liều vaccine cho các nước nghèo, tranh thủ mở rộng ảnh hưởng chính trị.

Ngày 7/4, chính quyền Đài Loan cáo buộc, TQ dùng “ngoại giao vaccine” để cô lập hòn đảo này. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan, ông Joseph Wu cho biết: “Đây là thời điểm mà chúng ta có thể nhận thấy Trung Quốc đại lục đang đẩy mạnh chính sách ngoại giao vắc xin ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là khu vực Trung và Nam Mỹ… Bắc Kinh ra điều kiện rằng nếu chính phủ Paraguay sẵn sàng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, thì họ sẽ nhận được vài triệu liều vắc xin Covid-19 từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bắc Kinh tăng cường gây áp lực với chính phủ Tổng thống Mario Abdo Benítez”.

TQ còn sử dụng “ngoại giao vaccine” ở khu vực các nước Trung Á, một “cửa ngõ” quan trọng của chiến lược “Vành đai và Con đường” để tiến vào châu Âu. Ngoại trưởng TQ Vương Nghị đề nghị tăng cường hợp tác khu vực về vaccine Covid-19 với các đối tác từ Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan trong cuộc họp vào ngày 13/5 tại Tây An, phía tây bắc tỉnh Thiểm Tây.

Đi kèm với thỏa thuận về vaccine, các nước Trung Á này cũng phải thảo luận về việc xây dựng một “con đường lớn liên kết giữa Á-Âu”, tham gia phát triển các dự án cơ sở hạ tầng do TQ tài trợ, ủng hộ TQ trong vấn đề Tân Cương. Chương trình “ngoại giao vaccine” của TQ cho thấy, kết quả tương đối khả quan ở hầu hết những nơi nó đi qua, kể cả châu Âu, nơi đã từng suýt chặn được “Vành đai và Con đường”.

Đến đầu tháng 2/2021, Đức kêu gọi EU chấp nhận vaccine của Tập đoàn Sinopharm, còn Hungary là thành viên EU bỏ qua các bước cấp phép của liên minh này để trực tiếp mua vaccine của Sinopharm, cho thấy “ngoại giao vaccine” đã tăng cường ảnh hưởng của TQ ở châu Âu. “Vành đai và con đường” của TQ giờ đang có dấu hiệu tái sinh thông qua “ngoại giao vaccine”.

Trước đợt bùng phát dịch thứ 4, lãnh đạo VN vẫn tìm cách tránh vaccine TQ, chủ yếu tìm cách mua vaccine của Mỹ, châu Âu và Nga. Hơn một tháng bùng phát dịch vừa qua, giới chức y tế VN vất vả lắm mới thấy chút hy vọng kiểm soát tình hình các ổ dịch phía Bắc, thì ổ dịch ở Sài Gòn đã nhanh chóng lan về các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ, thậm chí tới cả Tây Nguyên. Chỉ riêng nhu cầu chích ngừa cho dân ở thủ phủ miền Nam, số lượng vaccine hiện tại không thể đáp ứng.

Trước vụ phê duyệt vaccine của Sinopharm, ngày 30/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Mỹ hỗ trợ tiếp cận nguồn cung vaccine Covid-19. Đến ngày 2/6, ông Phúc lại gửi thư đến Tổng thống Vladimir Putin, mong được ưu tiên tiếp cận vaccine Nga. Truyền thông nhà nước không nói rõ kết quả của hành động ngửa tay xin vaccine từ 2 nước từng là cựu thù và “anh cả” của chế độ đảng trị ra sao, nhưng vụ phê duyệt khẩn cấp vaccine TQ cho thấy, kết quả không mấy khả quan của 2 lần “ngửa tay xin” trước đó.

Trước đợt bùng phát dịch thứ 4, VN luôn tuyên truyền về khả năng “tự lập, tự cường”, tự sản xuất vaccine. Đến khi có dịch thì VN ngửa tay xin vaccine từ “đế quốc Mỹ”. Đúng là Mỹ đang thừa vaccine và đã lên kế hoạch phân phối 80 triệu liều vaccine, nhưng cho các nước đang cần từ khắp nơi trên thế giới, không phải cho riêng VN.

Xin từ Mỹ nhưng không xong, VN chuyển sang xin vaccine từ Nga, từng là “anh cả” của “thành trì CNXH”. Nhưng nước Nga vẫn chưa đủ vaccine chích ngừa cho dân của họ. Nguồn tin từ RFI cho biết, tính đến ngày 26/5, Nga mới chỉ tiêm chủng được 11% dân số, vẫn còn xa mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng. Cho nên, ngay cả “anh cả” cũng chỉ có thể cười khách sáo trước “thằng em” đã từng đánh Mỹ cho Liên bang Soviet.

Xin Mỹ cũng không được, xin Nga cũng không xong, trong số 3 siêu cường đứng đầu thế giới cả về “quyền lực cứng” và “quyền lực mềm”, VN chỉ còn con đường chấp nhận phê duyệt vaccine của TQ. Lãnh đạo cũng tính tới phản ứng của người dân chống TQ, nên đã thêm vào khái niệm “phê duyệt có điều kiện”, nhưng khi đàm phán ở thế dưới, thì lấy đâu ra tư cách mà đặt điều kiện?

VOV dẫn lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Vaccine COVID-19 về Việt Nam chưa nhiều do nguồn cung khan hiếm”. Trong cuộc họp sáng nay, ông Đam thừa nhận, bất chấp các nỗ lực “đi xin” khắp mọi nơi, vaccine về VN vẫn chưa nhiều. Ông Đam lưu ý, nguồn cung vaccine khan hiếm không phải do VN thiếu kinh phí. Vừa tuyên truyền VN không thiếu tiền mua vaccine xong, ông Đam vận động “người dân, cộng đồng doanh nghiệp đóng góp công sức, trí tuệ, kinh phí vào phòng, chống dịch nói chung, tiếp cận nguồn vaccine nói riêng”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường còn đổ lỗi cho tình hình thiếu vaccine ơ Việt Nam: ‘Có lô vắc xin Covid-19 đang về Việt Nam thì được điều chuyển sang nước khác’, Thanh Niên đưa tin. Thứ trưởng Cường nói rằng, “trên thực tế có trường hợp cách đây vài hôm, khi vắc xin đang trên đường về thì họ lại điều sang Lào, Campuchia“.

Nhưng các Facebooker chỉ ra, đó là những lời đổ lỗi quen thuộc của lãnh đạo Việt Nam. Blogger Mẹ Nấm viết: “Trong tuần vừa qua, chỉ có Lào nhận 100.000 liều Pfizer từ chương trình COVAX thôi. Cả hai quốc gia Lào và Campuchia không có nhận vaccine AstraZeneca”.

“Việt Nam không đủ điều kiện để COVAX duyệt cấp vaccine Pfizer tại thời điểm họ trình hồ sơ. Nên tạm xem là không có chuyện hàng bị đảo chiều thay vì về Việt Nam lại về Lào hay Cambodia được. Riêng với vaccine AstraZeneca thì Ấn Độ vừa duyệt xuất cho Cambodia 1 triệu liều sớm hơn cho năm nay. Vậy hàng nào Việt Nam đợi mà bị đảo chiều?

Mời đọc thêm: Việt Nam phê duyệt vaccine COVID-19 của Trung Quốc (VTC). – Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine phòng Covid-19 Vero Cell của Trung Quốc(VnEconomy). – Việt Nam phê duyệt khẩn cấp vac-xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc(RFI). – ‘Vaccine Covid-19 về Việt Nam chưa nhiều không phải vì thiếu tiền’ — Viễn cảnh ảm đạm ở các nước thiếu vaccine (VNE). – Nhiều nước dần phụ thuộc vào nguồn vaccine COVID-19 Trung Quốc (LĐ). Mời đọc lại: Trung Quốc triển khai chính sách ngoại giao vaccine (NN).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.