Liệu Campuchia còn che giấu điều gì khác?
Sơn Minh Ngọc
2021-06-06
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tại cuộc gặp ở Phnompenh hôm 1/6/2021. US Embassy in Phnom Penh, AFP
Chuyến công du của Thứ trưởng ngoại giao Mỹ
Chuyến viếng thăm Đông Nam Á mới đây của Thứ trưởng ngoại giao Mỹ - bà Wendy R. Sherman, vừa kết thúc. Đây là chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của một quan chức cấp cao của tân chính quyền Mỹ kể từ khi ông Biden lên nắm quyền hồi tháng 1/2021. Tại Đông Nam Á, nữ Thứ trưởng ngoại giao Mỹ đã "tái khẳng định cam kết của Washington đối với vai trò trung tâm của ASEAN và xử lý hàng loạt vấn đề song phương và khu vực…”.
Theo nhận định của Sebastián Strangio (1) - Một nhà báo và cũng là một chuyên gia về Đông Nam Á thì sự lựa chọn điểm dừng chân là Thái Lan và Indonesia trong chuyến công du này không có gì đáng ngạc nhiên, khi Bangkok là đồng minh hiệp ước của Mỹ, còn Jakarta đóng vai trò trung tâm của khu vực Đông Nam Á.
Cả Thái Lan và Indonesia đều đang ở tình thế đặc biệt liên quan cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar. Bangkok là nước láng giềng ngay sát Myanmar và có mối quan hệ gần gũi với giới tướng lĩnh quân đội Myanmar, trong khi Jakarta lâu nay vẫn đóng vai trò dẫn dắt trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng ở Myanmar.
Tuy nhiên, chuyến viếng thăm của nữ quan chức ngoại giao Mỹ này lại có điểm dừng chân khác nữa là Phnom Penh, điều này tạo nên nhiều chú ý cho giới nghiên cứu. Nhiều nhà nghiên cứu phương Tây đã cáo buộc Campuchia càng ngày càng phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng không giấu giếm mối quan hệ “nồng ấm” với Trung Quốc trong suốt thời gian vừa qua. Trung Quốc đang là đối thủ lớn nhất và đáng lo ngại nhất của Mỹ bây giờ.
Ngược lại, quan hệ Mỹ - Campuchia thời gian qua tỏ ra “băng giá”. Mỹ đã cấm vận một số quan chức Campuchia, đồng thời tỏ ý lo ngại trước việc Campuchia phá bỏ một căn cứ cũ của Mỹ và có khả năng sẽ biến nó thành một căn cứ quân sự bí mật cho Trung Quốc.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng đối với Mỹ là việc Campuchia sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2022. Do đó, Phnom Penh sẽ đóng một vai trò thiết yếu đối với mọi kế hoạch gia tăng can dự của Mỹ đối với ASEAN.
Strangio nhận định, với tam giác quan hệ Campuchia-Trung Quốc-Mỹ, cùng với chính sách hiện nay của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á, thì mục đích lớn nhất trong chuyến công du của bà Sherman là đối phó lại ảnh hưởng đang gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc ở khu vực này.
Truyền thông khu vực cho biết, bà Sherman đã có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Koy Kuong không tiết lộ chi tiết về các cuộc hội đàm, chỉ nói rằng các cuộc hội đàm này đề cập đến những vấn đề song phương, đồng thời khẳng định “quan hệ Campuchia-Mỹ là tốt và không có gì thay đổi".
Hình minh hoạ. Thủ tướng Campuchia Hun Sen (phải) nhận vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinopharm của Trung Quốc từ Đại sứ Trung Quốc Wang Wentian hôm 7/2/2021. AFP
Căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Campuchia?
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã tiếp tục bày tỏ quan ngại về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Campuchia, đồng thời muốn chính quyền Phnom Penh giải thích về việc phá bỏ những cơ sở quân sự do Mỹ tài trợ tại Campuchia.
Là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm Campuchia trong nhiều năm qua, bà Sherman đã bày tỏ quan ngại và đưa ra đề nghị nói trên trong khuôn khổ cuộc gặp Thủ tướng Hun Sen hôm 1/6. Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông cáo rằng: "Thứ trưởng Sherman bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc và việc xây dựng các cơ sở tại căn cứ Hải quân Ream. Thứ trưởng Sherman đã tìm kiếm sự giải thích về việc phá hủy hai tòa nhà do Mỹ tài trợ tại căn cứ Ream mà không đưa ra bất kỳ thông báo hoặc giải thích nào, đồng thời nhận thấy rằng một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Campuchia sẽ làm suy yếu chủ quyền của Campuchia, đe dọa an ninh khu vực và tác động tiêu cực đến quan hệ Mỹ-Campuchia" (2). Cũng tại cuộc gặp trên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman đã hối thúc ban lãnh đạo Campuchia "duy trì một chính sách ngoại giao cân bằng và độc lập, vì lợi ích tốt nhất của người dân Campuchia”.
Lầu Năm góc hồi năm 2020 cho biết, Washington quan ngại về những báo cáo cho rằng trụ sở chỉ huy chiến thuật của Hải quân Campuchia tại căn cứ Hải quân Ream đã bị phá dỡ và yêu cầu phía Campuchia giải thích về sự việc này. Trụ sở này chỉ dài khoảng 30 m và là nơi chứa một số tàu tuần tra nhỏ. Đến tháng 10/2020, Campuchia cho biết họ đã san bằng trụ sở này để phục vụ cải tạo mở rộng thêm và sẽ chuyển trụ sở đã bị phá dỡ đến vị trí khác, song phủ nhận những thông tin về sự liên quan đến Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Mỹ cho biết, có bằng chứng công khai "quan trọng" cho thấy Trung Quốc đang thực hiện một dự án cải tạo lớn tại căn cứ Ream (3). Báo chí cũng cho biết những "báo cáo đáng tin cậy” nói rằng dự án này sẽ bao gồm một khu vực đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của Bắc Kinh.
Ngày 2/6, truyền thông Campuchia đưa tin về việc Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh của nước này xác nhận Trung Quốc đang "tình nguyện" giúp hiện đại hóa và mở rộng căn cứ Ream - căn cứ hải quân lớn nhất của Campuchia. Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh còn khẳng định thêm là Trung Quốc hỗ trợ Campuchia nâng cấp quân cảng Ream mà không hề có điều kiện ràng buộc nào.
Lính Hải quân Campuchia ở căn cứ hải quân Ream tại tỉnh Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức cho báo chí hôm 26/7/2019. AFP
“Hung tin” đối với Việt Nam
Việc quan chức Campuchia chính thức thừa nhận Trung Quốc giúp đỡ xây dựng căn cứ Ream, mặc dù năm ngoái kiên quyết phủ nhận liên quan đến Trung Quốc cho thấy, dường như những lo ngại của Mỹ và một số quốc gia khác về sự hiện diện của Trung Quốc ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia là có cơ sở. Nếu như vậy, đây có thể là nguy cơ đối với an ninh khu vực. Đây có lẽ không chỉ là “hung tin” đối với Mỹ, mà còn đối với cả Việt Nam.
Việt Nam trước đây là quốc gia láng giềng quan trọng, có ảnh hưởng lớn đối với Campuchia. Thủ tướng Campuchia hiện nay, Hun Sen là người trước đây rất thân thiết với Việt Nam. Ông là người nói tiếng Việt thành thạo, thậm chí ông đã viết luận án tiến sĩ tại Học viện chính trị quốc gia tại phía Nam.
Việt Nam cũng có đường biên giới trên đất liền với Campuchia dài 1.245 km. Cho đến nay, hai quốc gia mới chỉ hoàn thành phân giới cắm mốc được khoảng 80%. Việt Nam rất muốn sớm hoàn tất việc phân giới cắm mốc giữa hai bên, nhưng có nhiều vị trí phía Campuchia vẫn chưa đồng ý cho nên việc phân giới cắm mốc vẫn chưa thể hoàn tất như dự kiến sau hơn nửa thế kỷ. Hai bên đã tiến hành ký kết Hiệp định về Đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia từ ngày 27-12-1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ký ngày 10-10-2005.
Càng về sau này, ảnh hưởng của Việt Nam đối với Campuchia càng mờ nhạt trước Trung Quốc. Campuchia đã tích cực tham gia dự án “Vành đai Con đường” với Trung Quốc, thậm chí khu vực tỉnh Sihanoukville có các đặc khu Trung Quốc cùng nhiều người Trung Quốc tới đây sinh sống. Campuchia còn là bên ủng hộ tích cực Trung Quốc trong các cuộc đàm phán COC. Năm 2012, Campuchia với vai trò chủ nhà đã ngăn chặn các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN ra thông cáo chung trong đó có nội dung lên án các hành vi hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông. Việt Nam là quốc gia đang tìm cách chống lại các hành động và yêu sách phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông. Chính vì vậy, việc chính quyền Campuchia có những tuyên bố bất nhất về việc xây dựng căn cứ Ream cùng với vai trò của Trung Quốc cho thấy, đây là vấn đề mà Việt Nam không thể xem thường. Bởi vì có thể Campuchia còn che giấu nhiều vấn đề khác.
Trước mắt, Việt Nam cần yêu cầu Campuchia giải thích thoả đáng các thắc mắc này, vì một căn cứ quân sự trá hình của Trung Quốc tại khu vực Vịnh Thái Lan sẽ có thể tạo ra những đe doạ cho an ninh của Việt Nam, cũng như an ninh trong khu vực biển Đông.
Thêm nữa, Việt Nam cần tính đến việc đặt ra các kịch bản nhằm “vô hiệu hoá” căn cứ quân sự này nếu xảy ra chiến sự trên biển Đông. Đây là viễn cảnh mà nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã từng cảnh báo.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Nguồn: rfa.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.