Hãy cấp phép cho những ông, bà chủ báo chí tư nhân
Hà Nguyên
(VNTB) – Dường như cơ quan quản lý đang khá lúng túng trước việc người dân ‘livestream’ trên các kênh như youtube, facebook với sự tương tác của công chúng.
Những kênh truyền thông này chính là các tờ báo nói, báo hình độc lập mà cơ quan quản lý chỉ có thể điều chỉnh bằng pháp luật, hoàn toàn không cách gì ‘định hướng tư tưởng’ như lâu nay với hệ thống báo chí nhà nước.
Sở dĩ gọi là không thể ‘định hướng tư tưởng’, vì trên thực tế hiện tượng người của công chúng livestream phơi bày những góc tối của người khác có ảnh hưởng tới cộng đồng, hiện chỉ có thể giải quyết bằng tư pháp như vụ một tòa án ở TP.HCM vừa thông báo thụ lý vụ kiện giữa 2 nữ doanh nhân vì nội dung livestream bị cho là xúc phạm danh dự, uy tín.
Vậy thì vì sao lại không cho phép hình thành nền báo chí tư nhân?
Khi ấy, ‘kênh Đại Nam” của quý phu nhân Huỳnh Uy Dũng sẽ dễ dàng hơn trong yêu cầu ‘định hướng’ từ cơ quan tuyên giáo chẳng hạn…
Giả dụ như Luật Báo chí phiên bản tu chỉnh 2022, sẽ viết lại toàn bộ Chương III của Luật Báo chí phiên bản 2016 “Tổ chức báo chí”, cụ thể, Điều 14 “Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí” sẽ được mở rộng hơn – đại để sẽ thêm vào đó ‘điều khoản thứ 3’ và vẫn giữ nguyên 2 điều khoản hiện tại, như sau:
“1. Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.
2. Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học.
3. Các doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp được thành lập cơ quan báo chí, và không phải chịu sự điều chỉnh liên quan đến Điều 15 của Luật này”.
Căn cứ pháp lý cho đề xuất bổ sung Điều 14.3 Luật Báo chí, đó là ở Điều 7 của Luật Doanh nghiệp hiện tại có nội dung như sau, trong đó cho thấy khoản 1 và khoản 11 của Điều 7 là tương thích pháp lý với đề nghị bổ sung Điều 14.3 Luật Báo chí:
“Điều 7. Quyền của doanh nghiệp
1. Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.
2. Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
3. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.
4. Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.
5. Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
6. Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
7. Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
8. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.
9. Từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.
10. Khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
11. Quyền khác theo quy định của pháp luật”.
Dĩ nhiên ở đây các ông, bà chủ doanh nghiệp báo chí tư nhân vẫn phải chịu sự định hướng tư tưởng không khác gì với báo chí nhà nước hiện tại, vì Luật Báo chí có quy định ở Điều 4.2.b: “Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, Mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Như vậy, rất đơn giản, chỉ cần ông, bà chủ doanh nghiệp báo chí nào dám từ chối “bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng” thì cứ việc thẳng tay trừng trị bằng cách cùng nhau ra tòa – có nghĩa điểm khác biệt duy nhất là không thể đưa ra mệnh lệnh hành chính, kiểu ‘thay ngựa giữa dòng’ bằng việc ‘đưa người này – người kia’ từ cơ quan Đảng về ‘ngồi’ ghế Tổng biên tập khi tờ báo tư nhân ấy dám làm Đảng mích lòng…
H.N.
VNTB gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.