Dối trá trong chính trị của Mỹ
Tác giả: Norbert Seitz
Đỗ Kim Thêm, dịch
16-6-2021
13/6/1961: Kỷ niệm 50 năm ngày phổ biến “Tài liệu Ngũ Giác Đài” về chiến tranh Việt Nam
Chính Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng đã sưu tầm tài liệu của Ngũ Giác Đài về việc công chúng Mỹ đã bị lừa dối trong chiến tranh Việt Nam. Cho đến nay, việc xuất bản các tài liệu này vẫn còn hậu quả về niềm tin của người Mỹ đối với chính trị.
“Tên tôi là Daniel Ellsberg. Năm 1969, tôi làm việc tại Tập đoàn Rand với công việc nghiên cứu mà sau này được biết đến là Tài liệu Ngũ Giác Đài (Pentagon Papers), với 7.000 trang tối mật mà Hoa Kỳ đưa ra các quyết định về Việt Nam từ năm 1961 đến 1968“.
Từ năm 1969, Daniel Ellsberg đã được tuyển dụng bởi Tập đoàn Rand, Tổ chức nghiên cứu thân chính phủ. Cùng với các đồng nghiệp, Ellsberg đã làm việc tổng hợp cho một bộ sưu tập tối mật. Trọng tâm vấn đề là chính sách thay đổi về Việt Nam của chính phủ Hoa Kỳ trong hơn ba thập kỷ.
Từ tài liệu này mà một bộ sưu tập tài liệu đồ sộ của Bộ Quốc Phòng, được gọi là Pentagon Papers gồm có 47 tập với 7.000 trang, trong đó 3.000 trang mô tả về các sự kiện và 4.000 trang tài liệu đính kèm, băng ghi âm của những người liên quan trực tiếp cùng với các văn bản ghi nhớ, điện tín và lệnh bằng văn bản của họ. Tài liệu được phân tích bởi 36 tác giả, ký chú viên ẩn danh của chính phủ, các công chức, nhân viên giàu kinh nghiệm thuộc Bộ Ngoại giao và Quốc phòng, các sĩ quan và cả trí thức.
Daniel Ellsberg đã thay đổi tâm hồn mình sau chuyến đi thăm Việt Nam đầy kinh hoàng, ban đầu là một người ủng hộ trung thành cho chính sách chiến tranh của Hoa Kỳ, ông thành một nhà chống đối cực đoan. Cuối cùng, ông đã quyết định thực hiện bất tuân dân sự để khai sáng về những gì mà ông xem là công chúng Mỹ bị lừa dối đáng xấu hổ.
“Đến cuối năm 1969, tôi bắt đầu sao chép 7.000 trang tài liệu tối mật và đưa từng phần một cho Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Khi Lào và Campuchia cũng bị xâm lược, tôi đã đưa các tài liệu cho nhật báo New York Times vào năm 1971”.
Nhật báo New York Times là một phương tiện truyền thông quan trọng, vài tuần sau khi chiến tranh bùng nổ vào tháng 11 năm 1964, nhật báo đã đưa ra lời cảnh báo rất sớm để chống lại chính sách mới về Việt Nam của Tổng thống Johnson:
“Lại có những thay đổi đang được tiến hành ở Việt Nam. Nếu bây giờ một chính sách được thực hiện, nếu cuộc chiến tranh ở châu Á biến thành cuộc chiến tranh của Mỹ, thì đất nước chúng ta có quyền biết đến có những gì được cho là đã thay đổi cơ bản trong những tháng gần đây, một chính sách mới phải được biện minh”.
Nhưng cả nước không biết được tin gì. Một bản Báo cáo do Robert McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ủy quyền, chỉ dành cho nội bộ cơ quan sử dụng, hoặc chính xác hơn, đó là để tuyên truyền trong nước và lừa dối Quốc hội. Tuy nhiên, Báo cáo không thuộc phạm vi của Đạo luật Gián điệp, vì nó không chứa bất kỳ một bí mật quân sự nào. McNamara dường như không nhận ra điều đó.
Torben Lütjen, Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Kiel (Đức), coi đây là một đánh giá sai lầm gây nhiều hậu quả tai hại của vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng:
“McNamara tin rằng vì bằng cách nào đó người ta có thể xác định cách hoạch định chính sách. Đó là mục đích của các tài liệu này, nó không dành cho công chúng, nhưng bằng cách nào đó cho trong nội bộ. Về sau khi nhìn lại, người ta phải nói rằng, nếu người ta đã biết cuộc chiến diễn ra như thế nào và phải tiên đoán các diễn biến thì tất cả mọi chuyện rồi cũng sẽ đến với công chúng bằng cách nào đó, có lẽ đó không phải là một ý tưởng khôn ngoan để giao cho giới chuyên môn này được thực hiện”.
Dối trá về chiến tranh Việt Nam bùng nổ
Ngay khi bắt đầu công việc tại Ngũ Giác Đài, Daniel Ellsberg biết được rằng tuyên bố của Lyndon B. Johnson, người kế nhiệm cho Kennedy, về sự bùng nổ của chiến tranh Việt Nam chỉ là một lời nói dối: Không có cuộc tấn công nào của các tàu tuần tra Bắc Việt vào chiến hạm Mỹ ở Biển Đông gần Vịnh Bắc Bộ.
Tài liệu của Ngũ Giác Đài cũng ghi nhận, trong nhiều bối cảnh khác, hầu như là toàn bộ chính sách về Việt Nam dựa trên sự tự lừa dối và lừa dối. Với các tuyên bố được dàn dựng có chủ ý, công chúng đã bị lừa dối, ví dụ như ngụy tạo về số lượng các binh sĩ Mỹ tham chiến, các nạn nhân bị tổn thương hoặc mức chính xác gây hậu quả cho đối phương. Ban đầu việc “khoảng trống về mức độ khả tín” dể nhận ra, do đó, về sau nó trở thành một vực thẳm khổng lồ. Bernd Greiner, Giám đốc Sáng lập “Kolleg Kalter Krieg” ở Berlin và là tác giả viết về tiểu sử của Henry Kissinger xác nhận:
“Các tài liệu Ngũ Giác Đài là một mối liên kết trong toàn bộ chuỗi hành động, các biến cố, nó đã làm cho niềm tin nơi chính phủ, tổng thống và đôi khi nơi hệ thống chính trị và các định chế bị lung lay nghiêm trọng. Rõ ràng là bắt đầu với tài liệu Ngũ Giác Đài về Watergate, về tất cả các vụ bê bối khác liên quan đến chiến tranh Việt Nam, nhiều chính phủ kể từ thời Harry Truman đã nói dối công chúng về các vấn đề cơ bản trong chính sách an ninh và đối ngoại.
Mặt khác, tài liệu Ngũ Giác Đài cũng trình bày táo bạo rằng thực ra tất cả các vị tổng thống đều nhận ra rất sớm về tình hình chiến lược mà Hoa Kỳ đã sa lầy là không lối thoát. Họ đã sớm mất tinh thần lạc quan khi cho rằng có thể giành chiến thắng theo một cách nào đó và dù phải chịu trong những nghịch cảnh nhất định, họ tin rằng sẽ rất khó thoát thân mà không mất thể diện, khi cuộc chiến leo thang,” Torben Lütjen nói.
Nhưng làm thế nào Đông Nam Á, với những gì Henry Kissinger luôn nói, một “cường quốc đứng vào hàng thứ tư nhỏ bé” như Việt Nam trở thành khu vực định mệnh của Mỹ?
Bernd Greiner, chuyên gia về Mỹ, cho là: “Bởi vì Hoa Kỳ, trong sự tự tôn của đế quốc, có ý kiến rằng, họ có thể thực thi quan niệm của riêng mình ở đó về trật tự chính trị chống lại ý muốn rõ ràng của đa số dân chúng. Thứ hai, bởi vì họ quan niệm rằng họ có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh du kích với một lực lượng quy ước, tức là Quân đội Mỹ, hoạt động theo một logic hoàn toàn khác. Và trong cả hai điều kiện, hoàn toàn rõ ràng là nỗ lực này phải kết thúc trong thảm họa. Tuy nhiên, người ta thấy chỉ đúng sau 15 năm, vấn đề mới trở thành thảm họa và rút ra những hậu quả tương xứng”.
Bài tiểu luận mở đường của Hannah Arendts
Vào thời điểm đó, nhà triết học chính trị Hannah Arendt cũng phân tích sâu rộng rằng lợi ích của Hoa Kỳ trong một chiến thắng quân sự không thể hướng tới việc thắng lợi về lãnh thổ hoặc lợi thế về kinh tế, thậm chí viện trợ hoặc hoàn thành một lời cam kết cho một “người bạn” ở miền Nam Việt Nam không theo cộng sản. Và “kẻ thù” Cộng sản Bắc Việt thì sao? Theo ý của Arendt, “họ không có ý muốn cũng như sức mạnh để là kẻ thù của Hoa Kỳ”.
Trong bài tiểu luận “Sự thật và dối trá trong chính trị”, bà xác định rằng tài liệu Ngũ Giác Đài không phải là về việc phổ biến các lỗi lầm, ảo tưởng hoặc tính toán sai lạc, mà là về che giấu không đúng sự thật và dối trá có ý thức. Cái gọi là “các người giải quyết vấn đề” thuộc các cơ quan nghiên cứu đã chiếm ưu thế trong các khảo hướng “về các vấn đề” của chính sách đối ngoại khi ho dựa theo các lý thuyết trò chơi và phân tích hệ thống.
Hannah Arendt nói: “Cứu cánh không phải là quyền lực hay quyền lợi. Mục tiêu mà mọi người đều nghĩ đến là các hình ảnh tự tại. Khi mọi thứ chỉ ra sự thất bại, mục tiêu không còn là để tránh thất bại nhục nhã, mà là tìm cách và phương tiện để tránh thừa nhận và ‘giử thể diện’. Nuôi dưỡng hình ảnh như là vấn đề chính trị thế giới, không phải là chuyện chinh phục thế giới, mà là chiến thắng trong cuộc chiến về quảng cáo cho ý kiến của thế giới”.
Tài liệu Ngũ Giác Đài cũng nói rõ các chính sách Mỹ đã bỏ qua các báo cáo của CIA, cơ quan thông thạo tin tình báo của họ như thế nào. Ví dụ, ở Đông Nam Á, người ta đã xem thường lý thuyết Domino về ảnh hưởng lan toả trong khu vực của chủ nghĩa cộng sản đối với các quốc gia láng giềng, cho là đã lỗi thời. Tương tự như vậy, sự đối kháng mới nổi giữa Trung Quốc và Liên Xô đã bị che đậy với giả định lệch lạc về chủ nghĩa cộng sản thế giới còn như trong “nguyên khối” và do đó là đánh giá sai. Mối quan hệ phức tạp giữa các nước láng giềng Đông Nam Á và Trung Quốc, cách đơn giản là bỏ qua.
Những dối trá và che đậy trong chính trị của Napoleon Bonaparte cho đến quá khứ gần đây với Trump và Putin là chủ đề nghiên cứu mới được công bố của Helmut König, nhà sử học ở Aachen (Đức). Tiếp theo sau bài tiểu luận nổi tiếng của Hannah Arendt, König lưu ý rằng những lừa dối được ghi lại trong tài liệu Ngũ Giác Đài không còn nằm trong bảng kê thông thường của một “chiến lược hợp lý”, thường thì chiến tranh kết thúc bằng cách chiến thắng nhanh chóng. Nhưng trong chiến tranh Việt Nam, mọi thứ diễn ra khác đi.
“Ở đó, chúng ta có hiện tượng là các kẻ gian dối xây dựng các bóng ma trong thời gian dài, họ có liên quan đến thực tế của sự thật, quan hệ quyền lực liên quan đến Trung Quốc và chủ nghĩa cộng sản và vấn đề mức độ ảnh hưởng ngoại lai đứng đằng sau cuộc nổi dậy ở Việt Nam, nói cách khác, họ chưa nhận thức phù hợp đến thực tế này. Và điều gây khó chịu là, các giới chức tình báo biết điều này và họ cũng chuyển tiếp thông tin liên quan cho các giới tình báo khác. Trong một thế giới đã riêng của những người giải quyết vấn đề và tạo ra các hình ảnh, các tác nhân này đã thiên vị đến độ là họ không còn nhận thức ra được thực tế nữa”.
Nỗi lo sợ của Nixon trước các tài liệu mật tiếp theo
Sau khi New York Times xuất bản được ba phần trong tài liệu Ngũ Giác Đài, ngày 15 tháng 6 năm 1971, chính quyền Nixon đã thành công trong việc ngăn chặn việc in thêm theo lệnh của tòa án. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao đã quyết định vào ngày 30 tháng 6 năm 1971 với tỷ lệ số phiếu là 6:3, cho phép công bố thêm các tài liệu. Nhưng tại sao vụ việc này lại gây ấn tượng mạnh cho Tổng thống Nixon, mặc dù tài liệu này chủ yếu đề cập đến chính sách sai lầm về Việt Nam của hai người tiền nhiệm là Kennedy và Johnson?
Torben Lütjen cho biết thêm: “Đối với Nixon, sẽ có lựa chọn chiến lược, điều này thực sự cho thấy là các chính phủ khác đã thất bại như thế nào. Chúng ta đang cải thiện. Nhưng tôi nghĩ bởi vì thực ra sự hoang tưởng của Nixon và chiến dịch chống lại giới truyền thông đã bắt đầu rất sớm. Đó là khung cảnh mà Nixon đã nhìn thấy tất cả theo cách này, tất nhiên cũng chống lại cá nhân Ellsberg như một kẻ tiết lộ bí mật.
Những tài liệu Ngũ Giác Đài chỉ liên quan đến chính quyền Kennedy và Johnson. Và một số cố vấn của Nixon – trước hết là vị Tham mưu trưởng của Nixon, Haldeman – đã nói: ‘Chúng ta có thể ngủ yên, những người khác lo âu, chúng ta đang ở một vị thế tốt đẹp. Đây là cuộc chiến của họ và không phải là của chúng ta’.”
Nhưng Nixon lại có một nỗi sợ hãi khác. “Ông tin rằng những người đặc biệt như là Daniel Ellsberg, người đã rò rỉ các tài liệu Ngũ Giác Đài giao cho New York Times, tin rằng ông vẫn có thể sở hữu các tài liệu khác buộc tội chính quyền Nixon. Và nỗi ám ảnh cố định của Nixon gia tăng, đó là Ellsberg hoặc các đồng sự có thể có tài liệu về cách Nixon cố gắng ngăn chặn các cuộc đàm phán hòa bình với Bắc Việt trong chiến dịch tranh cử năm 1968, và cách ông muốn sử dụng để gây áp lực buộc Tổng thống Johnson không đạt được thỏa thuận ngừng bắn trước cuộc bầu cử tháng 11 năm 1968”.
Hơn nữa, Nixon sợ rằng một cái gì đó khác sẽ được đưa ra ánh sáng, cụ thể là vụ ném bom bí mật tại Campuchia. Ông đã ra lệnh ném bom, nhưng che giấu báo chí, và trong một số trường hợp, ngay trong nội các của chính mình.
Bernd Greiner cho biết: “Vì vậy, Nixon cũng tin rằng Daniel Ellsberg và những người khác cũng có thể công bố tài liệu này tại một số thời điểm trong tương lai gần. Bất cứ ai đưa ra tài liệu Ngũ Giác Đài cho công chúng cũng có khả năng thực hiện được bước thứ hai. Điều đó sẽ khiến Nixon dễ bị tổn thương”.
Đó là lý do tại sao Nixon dựa vào những người được gọi là “thợ sửa ống nước”, họ phải đảm bảo chận các lỗ hổng trong bộ máy chính phủ để bảo mật và không để bất kỳ tài liệu nào khác thoát ra được thế giới bên ngoài. Khi đội đặc công can thiệp bí mật này được tuyển dụng, những người trộm trong văn phòng bầu cử của Đảng Dân chủ, được cho là người kích hoạt cho vụ Watergate.
Richard Nixon cảm thấy mình đã đạt đến mức không thoái lui được, như về sau các băng ghi âm của Toà Bạch Ốc công bố có ghi chép:
“Tôi không quan tâm vấn đề được thực hiện như thế nào, nhưng hãy làm những gì cần phải làm để lấp cho các chổ hở rò rỉ. Nixon ngăn chặn việc tiếp tục công bố các tài liệu trái phép. Tôi không muốn nghe tại sao việc đó là không thể. Chính phủ không thể tồn tại, không thể hoạt động nếu tất cả mỗi người muốn làm và có thể tiết lộ tài liệu, như họ có thể nghĩ ra. Tôi không muốn bào chữa, tôi muốn kết quả. Tôi muốn nó được thực hiện bằng bất cứ giá nào”.
Nixon và các cộng sự viên trước đó đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp. Torben Lütjen nói: “Vào thời điểm đó, người ta cố tìm cách thâm nhập vào văn phòng bác sĩ tâm lý trị liệu của Daniel Ellsberg để lấy hồ sơ bịnh lý, để có thể chống phá Ellsberg trong công luận. Nhưng tôi cũng cho rằng tất cả sự vô đạo đức của chính phủ và cả vụ Watergate có thể đã xảy ra mà không cần có vụ tài liệu Ngũ Giác Đài”.
Bất chấp hậu quả tai hại của tài liệu Ngũ Giác Đài, chiến tranh Việt Nam đã có thể kéo dài thêm một năm rưỡi nữa cho đến khi cái gọi là “Hiệp định chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình ở Việt Nam” được ký kết tại Paris vào ngày 27 tháng 1 năm 1973.
Cuối cùng, Bắc Việt đã quyết định chiến đấu bằng cách quân sự có lợi cho họ, không phải chính quyền Nixon với các vụ đánh bom lan rộng tàn khốc và các cuộc tấn công tội phạm trong nước. Hoàn toàn bị ràng buộc trong vụ Watergate, bị Quốc hội kết án và chạy thoát trước khi có thủ tục truất phế, Richard Milhous Nixon, hay như người ta còn gọi ông là “Tricky Dick”, đã từ chức Tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 8 năm 1974.
“Chào buổi tối. Tôi sẽ từ chức Tổng thống Hoa Kỳ vào ngày mai”.
Các vụ bê bối về tài liệu Ngũ Giác Đài và sự thâm nhập vào Watergate đã gây ra hậu quả đáng kể cho mối quan hệ trong tương lai giữa nhà nước, chính trị và truyền thông. Họ đã gây ra một cuộc khủng hoảng uy tín mà từ đó cho đến ngày nay đất nước chưa thực sự phục hồi.
Bernd Greiner, nhà viết tiểu sử Kissinger nói: “Kể từ đó, niềm tin vào các định chế đã rơi tự do. trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận, tổ chức duy nhất vẫn được xếp loại đáng được tin cậy cao độ là quân đội. Sự ngờ vực này không còn dừng lại ở Tòa án Tối cao”.
Một chính phủ trong một nền dân chủ tự do lừa dối cử tri và quốc hội một cách có hệ thống, đó không còn là một cảm giác thời sự. Chuyện đáng tiếc là, trong thời đại đầy tin tức giả mạo, điều này có vẻ gần như thuộc về tình trạng bình thường. Jessica Gienow-Hecht, một nhà sử học tại Viện Nghiên cứu Bắc Mỹ John F. Kennedy tại Freie Universität Berlin, đồng ý:
“Chúng ta cũng đã quen với nhiều thứ ở Hoa Kỳ, các vấn đề rùm ben, gian lận bầu cử, Watergate, Iran-Contra, Monika Lewinsky, v.v… Năm 1971, cơ quan hành pháp, tức là cơ quan của tổng thống, vẫn được coi là một cơ quan liêm chính, có nghĩa là tổng thống là những người về mặt đạo đức trung thực hơn người Mỹ trung bình và do đó cũng là người truyền cảm hứng cho dân chúng”.
Trong thế kỷ 20, Phủ Tổng thống Hoa Kỳ đã rơi vào tình trạng căng thẳng. Các kỳ vọng đạo đức của công chúng là rất cao, nhưng mặt khác, dường như những yêu cầu này không thể đáp ứng một cách thẳng thắn về mặt đạo đức mà không có tìm cách lừa dối quốc hội và dân chúng.
“Theo ý nghĩa này, ngay cả trong năm 1971 không phải là một bước ngoặt, một chuyển điểm. Nhưng dưới áp lực của một tình huống dù sao cũng đã nóng, đó là điểm mà sự căng thẳng này trở nên khá rõ ràng. Và nó trắng trợn đến nỗi mà sự đồng thuận trong Phủ Tổng thống gần như tan vỡ. Vì vậy, tài liệu Ngũ Giác Đài trong năm 1971, việc công bố cùng với vụ bê bối Watergate, thực sự làm thu hẹp và biểu tượng của chúng không còn có thể nào hơn thế được. Bởi vì nó đánh dấu thời điểm mà công chúng Mỹ nhận ra rằng tổng thống của họ không phải là người tốt cũng không phải là người vô tội, cũng không phải là một dân tộc vô tội”.
Nhưng tài liệu Ngũ Giác Đài đã chạm tới một khía cạnh có hậu quả quan trọng khác. Daniel Ellsberg, người được tha bổng vào tháng 5 năm 1973, đã dẫn đến câu chuyện điều tra về việc những người trong cuộc xé rào tố cáo, nó đã dẫn đến những tiết lộ giật gân hơn nữa về vụ WikiLeaks của Julian Assange và các ấn phẩm của Edward Snowden. Những người “tiết lộ tin rò rỉ” không còn được coi là kẻ phản quốc, mà là những người khai sáng đáng nghênh đón. Hành vi can đảm của Daniel Ellsberg trong các việc này là mẫu mực.
“Ellsberg là một nhà báo điều tra rất tài năng và can đảm, hình ảnh của một phóng viên khách quan và không thân chính quyền. Việc làm này gây ấn tượng lâu dài và truyền nhiều cảm hứng. Ngày nay, có nhiều giải thưởng dành cho thể loại báo chí điều tra ở Mỹ tôn vinh ông. Đây là về sự tự tin của một Đệ Tứ Quyền trong nhà nước, một hình ảnh nghề nghiệp có liên quan nhiều đến công việc trinh thám, khai sáng và thậm chí với một cơ quan giám sát”.
_____
Bài liên quan: Tài liệu mật của Ngũ Giác Đài về Chiến tranh Việt Nam — Công luận và truyền thông phản chiến Mỹ làm miền Nam sụp đổ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.