Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Bộ Giáo dục không có quyền “đẻ” ra cụm từ khó hiểu!

 

Bộ Giáo dục không có quyền “đẻ” ra cụm từ khó hiểu!

Mai Bá Kiếm

28-5-2021

Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh ký ban hành Kế hoạch 455 gồm 9 nhiệm vụ liên quan đến công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm. Trong đó, có 2 nhiệm vụ gây hiểu lầm chết người là:

“Phối hợp thí điểm tại một số địa phương thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông”.

Và, “Xây dựng, triển khai kế hoạch dự phòng nghiện ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên”.

Báo chí phê bình cụm từ “thử ma túy cho thanh thiếu niên…” bị hiểu lầm là cho các em “thử dùng ma túy”; và “kế hoạch dự phòng nghiện ma túy cho thanh thiếu niên” là “kế hoạch trù bị nghiện ma túy” cho các em.

Sau đó, Bộ GDĐT phải ra văn bản số 2043 để đính chính hai cụm từ trên không có nghĩa tiêu cực như vậy. “Thử ma túy” là “xét nghiệm ma túy”; giống như “thử bia” là “xét nghiệm bia”, “thử thuốc lá” là “xét nghiệm thuốc lá”, “thử đồ” là “xét nghiệm quần áo”, “thử xe” là “giám định xe”.

“Thử” có nghĩa là dùng món gì đó lần đầu, và cũng mang nghĩa “xét nghiệm”, nhưng khi nó đã mang nghĩa đầu thì không có nghĩa sau và ngược lại. Thí dụ “thử máu”, “thử nước tiểu”, “thử phân”, “thử thai”… có nghĩa là “xét nghiệm” thì không có nghĩa “ăn, uống các món đó lần đầu”.

“Thử ma túy”, “thử rượu” được hiểu là “dùng thử ma túy hay rượu”, chứ không ai nghĩ là “xét nghiệm chất ma túy”, “xét nghiệm nồng độ cồn”.

Cách đây 2 tháng, Bộ GD&ĐT ra Quyết định “Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn, tiếng Đức hệ 10 năm thí điểm” khiến toàn thể phụ huynh và các nhà báo hiểu lầm rằng: Tiếng Hàn và tiếng Đức sẽ là “môn học bắt buộc”!

Sau đó, “thông ngôn” Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, phải “thanh minh thanh nga” với báo chí rằng, từ “bắt buộc” trong Quyết định có nghĩa là “không bắt buộc” khi thực hiện quyết định này!

Ông Thành nói, do quy định “7 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật, Hàn, Đức” là “ngoại ngữ 1” (là môn bắt buộc), và 6 môn còn lại là “ngoại ngữ 2” (là môn tự chọn) nên mới gây hiểu lầm. Thí dụ, nếu chọn tiếng Hàn là “ngoại ngữ 1” là môn bắt buộc, thì học sinh có quyền tùy chọn 1 trong 6 ngoại ngữ còn lại (Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật, Đức) làm “ngoại ngữ 2”.

Năm 2014, “Chương trình Cambridge” dạy tiếng Anh trong 34 trường THCS và THPT thí điểm bị phá sản. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho dạy tiếp tiếng Anh “Chương trình Cambridge” nhưng bị “biến đổi gen” thành “Chương trình Tích hợp” ở TPHCM và Bình Dương. Trong khi, ở Hà Nội “Chương trình Cambridge” bị “biến chủng” thành “Chương trình Song bằng”.

Bộ Giáo dục bào chế ra “tích hợp” (integrated?) và ”song bằng” (double diploma hay parallel diploma?), dù rằng “tích hợp” và “song bằng” có cùng một chương trình!

Bộ Giáo dục cũng “đẻ” ra các “cụm từ” quái gở không thua Bùi Hiền! Có cần “thử thai” Bộ Giáo dục không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.