Bitexco Power quyết xin dự án điện gió chồng lấn đất rừng
Nguyễn Cảnh
Công ty CP Năng lượng Bitexco vẫn đeo bám dự án điện gió Hòa Thắng 1.3 nằm chồng lấn đất rừng và trong khu vực dự trữ khoáng sản.
Sau khi gọt dũa vì chồng lấn quy hoạch, dự án mà Bitexco Power theo đuổi, hiện còn diện tích khoảng 170ha (so với hơn 2.400ha ban đầu)
Công ty CP Năng lượng Bitexco (gọi tắt là Bitexco Power) đề xuất đầu tư nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.3 tại xã Hòa Thắng, xã Hồng Thái và thị trấn Chợ Lầu thuộc huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Với diện tích đất khảo sát lên tới 2.460ha, công suất dự kiến 20MW, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hồ sơ dự án không vượt qua các vòng thẩm định của sở ngành, địa phương (huyện Bắc Bình) để báo cáo, đề xuất tới tỉnh do vị trí dự án chồng lấn quy hoạch các lĩnh vực khác như: Quy hoạch titan, quy hoạch lâm nghiệp…
Cụ thể, khu vực xin đăng ký khảo sát, nghiên cứu theo đề xuất của Bitexco Power thuộc khu vực quy hoạch của dự án điện gió Hòa Thắng 1.3 diện tích khảo sát 2.460ha, công suất 20MW đã được Bộ Công thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030 hồi tháng 8/2012.
Theo Sở Công thương tỉnh: Qua rà soát quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt (gọi tắt là Quy hoạch 1546) thì có khoảng 100ha chồng lấn với dự án thuộc quy hoạch titan khu vực Tiểu khu Lương Sơn II, hiện Bộ Tài nguyên và môi trường đã cấp phép thăm dò cho Tổng Công ty Đông Bắc.
Bên cạnh đó, phần diện tích còn lại khoảng 2.360ha nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia quặng titan đã được Thủ tướng phê duyệt.
Liên quan tới quy hoạch lâm nghiệp, khu vực đăng ký khảo sát, nghiên cứu để lập hồ sơ đầu tư dự án nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.3 có khoảng 2.286ha đất thuộc quy hoạch 3 loại rừng (trong đó 2.219ha thuộc rừng phòng hộ, 67ha thuộc rừng sản xuất).
Theo quy định tại Điều 20 Luật Lâm nghiệp, việc cho chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên diện tích 2.219ha rừng phòng hộ và 67 ha rừng sản xuất thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Trước những trở ngại này, trên cơ sở đề xuất của Sở Công thương, tỉnh Bình Thuận đã có giải pháp gỡ khó bước đầu cho doanh nghiệp.
Công văn của tỉnh nêu rõ, tỉnh đồng ý chủ trương cho Bitexco Power khảo sát, nghiên cứu để làm cơ sở xem xét lập hồ sơ đầu tư dự án tại vị trí nêu trên (nếu đủ điều kiện), trên cơ sở công ty phải loại trừ chồng lấn với các loại quy hoạch.
Đồng thời, việc UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho Bitexco Power khảo sát, nghiên cứu không đồng nghĩa với việc chấp thuận đầu tư sau này.
Nhà đầu tư có văn bản cam kết chịu toàn bộ chi phí khảo sát mà không có bất cứ khiếu nại nào nếu sau khi nghiên cứu khảo sát không đủ điều kiện để triển khai lập hồ sơ đăng ký đầu tư dự án theo quy định.
Căn cứ chủ trương trên của tỉnh, Bitexco Power vừa báo cáo một số nội dung liên quan tới dự án sau khi rà soát chồng lấn.
Theo đó, về quy hoạch khoáng sản, nhà đầu tư đã điều chỉnh loại trừ khoảng 39ha (thuộc khu vực quy hoạch titan Tiểu khu Lương Sơn II, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép thăm dò cho Tổng công ty Đông Bắc) ra khỏi diện tích nghiên cứu.
Đối với phần diện tích còn lại (khoảng 2.421ha) thuộc khu dự trữ quặng titan (theo Quyết định 645 của Thủ tướng), Bitexco Power nhắc lại thông tin UBND tỉnh đã báo cáo Thủ tướng về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan theo Quyết định 645 nêu trên để đầu tư phát triển các dự án kinh tế khác.
Bitexco Power cũng viện dẫn nội dung tại Nghị định 51/2021/NĐ-CP về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia cho phép những khu vực có lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển các dự án công nghiệp thân thiện môi trường theo quy hoạch ngành. Nhắc lại mục tiêu dự án là phát triển nguồn năng lượng tái tạo thân thiện môi trường, đồng thời dự án đã được phê duyệt quy hoạch điện lực, nên phù hợp để triển khai theo quy định tại Nghị định 51 – nhà đầu tư khẳng định.
Bitexco Power cho biết trong khu vực nghiên cứu có một số dự án đang xin khảo sát (điện gió Cường Phong, điện gió Hòa Thắng 1A, điện gió Hòa Thắng 1B, điện gió do Công ty Waynergy Pte.LTd đề xuất). Tuy nhiên, các đề xuất của những nhà đầu tư này đều không phù hợp quy hoạch được Bộ Công thương duyệt và chưa nhận được văn bản chấp thuận cho khảo sát của UBND tỉnh.
Liên quan tới diện tích 2.286ha chồng lấn với quy hoạch 3 loại rừng (rừng tự nhiên, rừng phòng hộ), nhà đầu tư cũng loại trừ ra khỏi diện tích đăng ký đầu tư điện gió Hòa Thắng 1.3.
Như vậy, sau rà soát, điều chỉnh chồng lấn với các quy hoạch, diện tích còn lại thuộc phạm vi có thể khảo sát, nghiên cứu dự án điện gió là khoảng 169ha và diện tích chiếm dụng đất thực tế để đầu tư khoảng 7ha.
Mới nhất, đầu tuần tháng 6/2021, Sở Công thương tỉnh báo cáo tỉnh về việc đã đủ điều kiện để cho chủ trương Bitexco Power khảo sát, lập hồ sơ dự án hay chưa. Trong đó, nổi bật là luận giải của sở này về vấn đề chồng lấn vùng quy hoạch khoáng sản quốc gia.
Toàn bộ khu vực đề xuất chủ trương khảo sát, lập hồ sơ đầu tư Dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.3 của nhà đầu tư nằm trong khu vực quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia quặng titan đã được Thủ tướng phê duyệt. Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.3 được duyệt quy hoạch với công suất 20 MW.
Sở cho biết, theo quy định tại Nghị định 51/2021/NĐ-CP và Thông tư 07/2019/TT-BXD, Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.3, công suất 20 MW (công trình cấp II) không thuộc đối tượng không được phép đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Đồng thời, Bitexco Power mới đang giai đoạn báo cáo, đề xuất chủ trương khảo sát, lập hồ sơ đầu tư dự án (chưa thực hiện thủ tục trình đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư).
Do đó, việc UBND tỉnh có văn bản chấp thuận cho chủ trương khảo sát (nếu có) sẽ là cơ sở để Bitexco Power tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đo gió; lập và đưa vào hồ sơ thủ tục trình đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án các nội dung về đánh giá tác động, mức ảnh hưởng đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng khoáng sản, giải pháp bảo vệ khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ theo quy định tại Nghị định 51/2021/NĐ-CP.
Tới nay, dự án vẫn đang chờ tỉnh quyết định cho phép khảo sát, lập hồ sơ.
Tại Bình Thuận, ghi nhận 2 dự án điện gió được Thủ tướng có văn bản cho phép đầu tư trong khu vực dự trữ titan. Một là điện gió Hòa Thắng 1.2 (công suất 100MW, vốn đầu tư 4.736 tỷ đồng, tại xã Hòa Thắng, thị trấn Chợ Lầu) do Công ty CP Năng lượng Hòa Thắng (trực thuộc Vietracimex) làm chủ đầu tư. Hai là điện gió Thái Hòa (Hòa Thắng 4) có công suất 90MW, tổng mức đầu tư 3.879 tỷ đồng, do Công ty CP Năng lượng Pacific – Bình Thuận làm chủ đầu tư.
Bitexco Power thành lập năm 2007, do ông Vũ Quang Hội làm chủ tịch hội đồng quản trị. Trong danh mục cổ đông sáng lập, ngoại trừ Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco đã chuyển nhượng, đáng chú ý có các cổ đông ngoại như: Quỹ đầu tư (Hoa Kỳ) III L.P.Trung Quốc Đông Nam Á, Asean China Investment Fund III L.P và Tập đoàn Orix (Nhật Bản).
N.C.
Nguồn: The Leader
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.