Lòng dân thể hiện thế nào?
24-12-2020
Anh em Tuyên giáo, sách giáo khoa lịch sử rất hay nói đến lòng dân để lý giải nguyên nhân thành/bại của các thế lực chính trị trong lịch sử, để trực tiếp hay gián tiếp tuyên truyền là đảng ta phải được lòng dân nên mới quang vinh muôn năm đến tận bây giờ. Vậy lòng dân là thế nào, nó bộc lộ ra sao?
Để hiểu về lòng dân thì phải tìm hiểu về các thể chế chính trị, về dân chủ, nhân quyền và dân quyền. Như ta đã biết, chỉ có chế độ dân chủ thì ý chí, nguyện vọng của người dân mới được công khai thể hiện và cách thức cân đo lòng dân chính xác nhất cho đến giờ chính là việc tự do bầu cử và ứng cử, dân chủ trực tiếp hay gián tiếp. Phe nhóm, đảng phái nào giành được phiếu bầu cao nhất, với cơ chế bầu cử minh bạch, thì tức là phe đó được lòng dân nhất. Nếu không thông qua trưng cầu dân ý hay bầu cử thì chả có gì có thể đánh giá được lòng dân một cách chính xác.
Nói cách khác, khi không đong đếm được lòng dân thì khái niệm đó chỉ dùng để tuyên truyền mị dân, hòng lôi kéo đám đông, đây là thủ đoạn chính trị mà tổ chức chính trị nào cũng phải làm và đảng CS (không chỉ VN) là làm xuất sắc nhất.
Các chế độ chính trị khác đều không tôn trọng ý chí nguyện vọng của người dân. Như chế độ phong kiến, vua là con trời, có “thiên mệnh” quản lý dân đen, quan lại là cha mẹ dân (quan phụ mẫu). Vua quan coi quân và dân như cỏ rác, như nô lệ, được tùy ý định đoạt về tài sản và cả sinh mệnh. Mọi tài sản quốc gia đều của nhà vua, dân đen cũng coi như tài sản của vua mà thôi. Vì thế, vua quan mà nói đến lòng dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, thì 99,99% là mị dân, khi cần lợi dụng sức mạnh toàn dân. Đến khi giành được mục tiêu thì lập tức thân phận người dân lại bị đẩy xuống đáy như con sâu cái kiến.
Trong lịch sử VN có lần trưng cầu dân ý hạn chế đầu tiên là hội nghị Diên Hồng. Vua Trần Thánh Tông mời các bô lão về dự hội nghị, để xin ý kiến nên hòa hay nên đánh quân Nguyên Mông. Nhưng sau đó mấy năm, tướng Trần Khánh Dư lại có câu nói bị người đời sau phê phán, nhưng lại thể hiện rõ bản chất của vua quan phong kiến nói chung: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”.
Với các cuộc khởi nghĩa nông dân cũng vậy, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… ban đầu dựng cờ là dựa vào nông dân, khi chế độ phong kiến đương thời đã thối nát hoặc khi chính quyền ngoại bang đô hộ đang rối ren, thế yếu. Dân đen lúc đó khổ cực, vào đường cùng rồi thì ủng hộ mấy ông kia nổi loạn, hi vọng vào tương lai tươi sáng hơn. Khi thế lực khởi nghĩa đủ mạnh thì họ thừa sức bắt lính, ép dân theo họ. Như phong trào Tây Sơn, anh em Nguyễn Huệ cũng nổi tiếng sắt máu, nhân dân sống ở vùng đất do Tây Sơn kiểm soát sống rất khổ cực vì phải đi lính, cung cấp lương thực cho các cuộc chiến liên miên. Quân Tây Sơn cũng rất tàn bạo khiến cho dân chúng ở những vùng có quân Tây Sơn đi qua rất khiếp sợ. Đừng tưởng Tây Sơn đánh đâu thắng đó là do được lòng dân.
Như vậy, cái gọi là lòng dân chỉ là những đốm sáng le lói trong chế độ phong kiến, khi mà thế lực thống trị cần đến sức mạnh toàn dân. Khi giành được quyền lực ổn định rồi thì dân lại biến thành nô lệ, thậm chí các tướng thân hữu cũng bị thanh trừng như trường hợp Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông diệt Nguyễn Trãi… Còn trường hợp nhà Tây Sơn thì khi Quang Trung chết là dân không sợ nữa, Quang Toản bị dân bắt đem nộp cho Nguyễn Ánh, chỉ sau có vài năm chiến tranh.
Một chế độ mà dựa trên lòng dân thì làm sao lại có thể lại dễ dàng bị dân quay lưng lại như vậy? Nói tóm lại, lòng dân ở chế độ phong kiến là thứ xa xỉ, mị dân, chủ yếu do người đời sau suy diễn ra để tuyên truyền cho phe nhóm của mình. Phận con sâu cái kiến thì chỉ ngoi lên được khi nhà cầm quyền suy yếu, còn khi chính quyền mạnh thì lòng dân là vô nghĩa, bị đè bẹp dễ dàng bởi bạo lực. Chính vì tính chất phi dân chủ nên chế độ phong kiến mới sụp đổ trên toàn cầu hoặc biến thể sang chế độ quân chủ lập hiến (dân chủ).
Còn với các chế độ chính trị hiện đại, chế độ độc tài chuyên chế (độc tài) hay độc tài toàn trị (toàn trị) cũng coi dân hệt như dưới thời phong kiến. Ý chí nguyện vọng của người dân cũng chả được chính quyền đếm xỉa đến. Chỉ khi chưa giành được chính quyền hoặc thế lực chưa ổn định, còn có chiến tranh giành độc tôn quyền lực, thì chính quyền tỏ ra dân chủ để mị dân, họ cưỡng bức, đe dọa kèm theo tuyên truyền, dùng lợi ích trước mắt để thu phục nhân tâm.
Đảng ta hay các đảng CS “bạn” đều y hệt như nhau. Quy trình đều là giương cao ngọn cờ đánh đuổi ngoại xâm, đánh đổ áp bức, bóc lột, cướp của người giàu, chia cho người nghèo bất chấp luật lệ, dân đen thấy hay quá, tự dưng có cơm ăn đầy đủ, có ruộng đất, thế là theo ùn ùn. Lòng dân là thế, nhưng đó là dân bị lừa. Đến khi hòa bình rồi, chính quyền trong tay rồi, thì chính quyền lại thu lại ruộng đất, tư liệu sản xuất đã chia cho dân, biến thành tài sản XHCN, của toàn dân, nhưng bản chất là của chính quyền. Tài sản do dân sản xuất ra nhưng họ chỉ được giữ lại một phần, còn lại phải nộp cho nhà nước, có loại thuế nào cao hơn?
Năm 54, khi được tự do di dân giữa hai miền, có gần một triệu người từ Bắc vào Nam, mà chỉ có 140 ngàn người, đa số là cán bộ tập kết và thân nhân họ ra Bắc. Lý do tại sao? Nhưng đó chưa phải là căn cứ hoàn toàn xác đáng, vì một năm sau mới là cao trào của CCRĐ, dân Bắc vẫn chưa hiểu rõ về CNCS đâu, nếu năm 1955 – 1956 cho tự do di cư lần nữa thì lượng vào Nam chắc đông gấp bội.
Trước năm 1975, phe CS tuyên truyền là Việt Cộng được lòng dân nên mới chiến thắng, nhưng thực tế cứ có chiến sự thì dân giàu cũng như nghèo đều chạy tuốt về đô thị và SG. Dân quê, sống ở vùng VC kiểm soát cũng ùn ùn bỏ quê về SG, khiến đô thị này nở ra nhanh chóng trong các năm chiến sự ác liệt. Điển hình nhất là năm 1968, tiếng là Tổng tiến công và nổi dậy, nhưng chả có ma nào nổi dậy! Năm 1975, đảng ta rút kinh nghiệm, không tin vào bọn dân Ngụy hèn nhát nữa, nên kéo xe tăng vào chiếm SG, không có kêu gọi dân nổi dậy làm gì cho phức tạp.
Dân VNCH trước 1975 thì nhiều ông ùn ùn theo cách mạng, sau 1975 thì ùn ùn vượt biên để bầu cử bằng chân. Đặc biệt là các ông trí thức thiên tả thuộc thành phần thứ 3 (không CS, không quốc gia), giúp một phần lớn cho chiến thắng của CS nhưng sau 1975 lại vượt biên vãn! Một chính quyền dựa trên lòng dân thì tại sao sau có mấy năm lại bị dân chổng mông lại như thế? Lý do từ trước đến giờ chỉ có là do bị thế lực thù địch bao vây cấm vận, dân đói quá nên mới đi, mà bọn vượt biên toàn bọn phản động!
Một chế độ đã vỗ ngực tự nhận là được lòng dân thì tại sao không dám để tự do đa nguyên đa đảng, tự do bầu cử, ứng cử? Được lòng dân rồi thì bầu cử kiểu gì chả thắng, thế lực thù địch làm sao mà chen chân vào được? Hỏi tức là trả lời!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.