Lối thoát trong cơn khủng hoảng chính trị của Mỹ
Tác giả: Jeffrey D. Sachs
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm
27-11-2020
Các vấn đề an ninh, xã hội và môi trường của thế giới hiện nay rất phức tạp và liên kết nhau, nên chỉ có sự hợp tác mạnh mẽ trong và giữa các khu vực mới đủ để giải quyết. Để đạt được điều đó, thành công của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Joe Biden trong việc hàn gắn một nước Mỹ bị chia rẽ trầm trọng sẽ rất quan trọng.
Do sức mạnh quân sự, tài chính và công nghệ không tương xứng của Mỹ, sự suy sụp của nền chính trị thuần lý của Mỹ là một sự kiện nguy hiểm nhất đối với thế giới ngày nay. Khi thất bại trong cuộc bầu cử gần đây của Tổng thống Donald Trump là một bước cần thiết để khôi phục lại sự lành mạnh cho chính trường Mỹ, đây chỉ là bước đầu trong số nhiều điều cần thiết để ngăn chặn đà đi xuống của Mỹ và thuyết phục các nơi khác trên thế giới rằng, Mỹ không còn gây ra mối đe dọa cho chính đất nước mình hoặc những nước khác.
Có hai thách thức cấp bách mà Mỹ và thế giới phải đối phó sau cuộc bầu cử. Đầu tiên, Tổng thống đắc cử Joe Biden phải trải qua cuộc đấu tranh gian khổ kéo dài để khôi phục một số biện pháp ổn định chính trị trong nước. Thứ hai, các khu vực khác trên thế giới nên hình thành con đường riêng để hợp tác trong toàn cầu, thay vì chờ đợi vô vọng là Mỹ sẽ trở lại vị trí lãnh đạo toàn cầu.
Khủng hoảng về tính thuần lý của Mỹ
Trong năm nay, cuộc khủng hoảng sâu xa của nền chính trị Mỹ đã được chứng minh rõ theo hai cách. Đầu tiên, chính phủ liên bang đã thất bại nặng nề trong việc ngăn chặn đại dịch COVID -19, hoặc thậm chí ngay trong nỗ lực. Khi năm 2020 kết thúc, tỷ lệ ca nhiễm mới hàng ngày là 200.000, vượt xa mức cao nhất trước đó vào tháng 4 và tháng 7. Trong tuần từ ngày 15 đến ngày 21 tháng 11, Mỹ có gần 1,2 triệu ca nhiễm mới được xác nhận, trong khi Trung Quốc, đối thủ của cường quốc Mỹ, chỉ có 86 ca mới được xác nhận, mặc dù dân số lớn hơn gấp bốn lần Mỹ.
Thứ hai, Mỹ không còn có thể quản lý các cuộc bầu cử tổng thống theo các tiêu chuẩn dân chủ cơ bản. Mặc dù cuộc bỏ phiếu tự nó diễn ra trong vòng trật tự cao độ, với một số lượng lớn các cử tri đi bầu và tiến trình kiểm phiếu cẩn trọng, minh bạch, cuộc bầu cử đã không tạo ra sự đồng thuận cần thiết về kết quả. Trump đã tuyên bố chiến thắng một cách gian dối và gây ồn ào vào ngay đêm bầu cử, và sau đó, khi Biden dẫn đầu khi các lá phiếu gửi qua thư được tính, Trump đã trơ trẽn tuyên bố là bầu cử gian lận lớn mà không có bằng chứng xác thực. Tuy nhiên, tuyên bố của Trump đã được ủng hộ bởi các đảng viên cấp cao của đảng Cộng hòa, các nhà bình luận hàng đầu trong hệ truyền thông cánh hữu, số lượng nhóm Facebook đang phát triển và 75% đảng viên đảng Cộng hòa, một tỷ lệ cao đến mức kinh ngạc.
Nhiều người cố tình đổ lỗi cho COVID -19 và thất bại bầu cử là do chính Trump, và vai trò cá nhân của Trump chắc chắn là có ác ý và chủ yếu. Trump là một kẻ chạy theo theo xã hội và đạo đức giả, có những màn chính trị bao gồm việc gây chia rẽ, trốn tránh trách nhiệm và thúc đẩy ảo tưởng.
Nhưng có các yếu tố bên ngoài yếu tố Trump cũng đang đóng một vai trò. Xét cho cùng, đây là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ tư trong một thế hệ, sau đó là một cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp. Cuộc bầu cử năm 2000 chỉ được Tối cao Pháp viện chung quyết gây tranh cãi. Toà đã chấm dứt việc kiểm phiếu lại ở Florida, giao việc cho tiểu bang – và chức tổng thống – cho George W. Bush với 537 phiếu bầu.
Sau chiến thắng của Barack Obama vào năm 2008, Trump đã đặt ra những nghi ngờ về nơi sinh và quốc tịch của Obama. Cái gọi là giả thuyết về nơi sinh đã hủy hoại lòng tin của công chúng, trong cốt lõi đó là trò giả mạo. Cuộc bầu cử năm 2016 bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự can thiệp của Nga mà Trump vừa hoan nghênh, vừa phủ nhận. Hơn nữa, trong cả hai năm 2000 và 2016, ứng cử viên đảng Cộng hòa đã thắng phiếu của Cử tri đoàn, mặc dù thua phiếu phổ thông trên toàn quốc. Bất chấp việc Trump có những cá tính khác thường, hầu hết các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa, nhiều hãng truyền thông và hàng triệu cử tri đã ủng hộ và tạo điều kiện cho hành vi kỳ quặc của Trump. Trump không chỉ là một cá nhân rối loạn tinh thần, mà còn là triệu chứng cơ thể của một chính trị gia bị tổn thương nghiêm trọng.
Một đại cường thất bại?
Các biến cố của năm 2020 là sự bổ sung mới nhất cho một danh sách ngày càng nhiều hơn về những thất bại chính trị của Mỹ, cả trong đối ngoại lẫn đối nội. Kể từ năm 2000, chính sách đối ngoại của Mỹ luôn là bất thường. Các cuộc chiến do Mỹ lãnh đạo hoặc hậu thuẫn kể từ năm 2000 đã tạo ra những thảm họa chính trị và nhân đạo ở Afghanistan, Iraq, Syria, Libya và Yemen. Hai thành công trong chính sách đối ngoại của Obama là tham gia Thỏa thuận tại Paris về khí hậu và Đàm phán thỏa thuận Hạt nhân với Iran vào năm 2015, đều bị Trump đảo ngược, bất chấp sự phản đối gần như trong toàn cầu.
Tại quốc nội, Mỹ đã thất bại trong việc tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng đổ nát, bất chấp tần suất thiệt hại lớn do các thảm họa thiên nhiên như cháy rừng ở miền Tây và lũ lụt sau các cơn bão nhiệt đới tàn phá ngày càng gia tăng. Ngoài COVID -19, Mỹ đã phải hứng chịu một trận đại dịch mà Anne Case và Angus Deaton gọi một cách rùng rợn và chính xác là “các cái chết của sự tuyệt vọng” (do tự tử, dùng ma túy quá liều và nghiện rượu) trong các gia đình thuộc tầng lớp lao động, cũng như không có các đối sách có ý nghĩa. Thâm hụt ngân sách của Mỹ hiện đang ở mức cao kinh niên, khoảng 5% GDP – thậm chí đạt mức bất thường 16% của GDP vào năm 2020 do COVID -19 – nó phản ánh sự thiếu đồng thuận chính trị về các điều kiện tài trợ dài hạn của chính phủ liên bang và các ưu tiên.
Danh sách liệt kê còn tiếp tục kéo dài. Trong 20 năm qua phản ánh sự sụp đổ của tiến trình lập pháp, người ta hiếm thấy một chính sách liên bang được Quốc hội ban hành, mà thay vì thế, chắc chắn là nó được thực hiện theo sắc lệnh hành pháp của tổng thống. Có các trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như Đạo luật Obamacare năm 2010 và giảm thuế năm 2017, đã được chấp thuận bởi một tỷ lệ khích khao mà không có Đảng thiểu số hỗ trợ.
Có nhiều lời giải thích cho sự xáo trộn của nền chính trị Mỹ, chắc chắn do nhiều công việc đan xen nhau trong lúc đang tiến hành. Khảo sát chúng cho thấy rõ, là căn bệnh thuộc về nhân cách của Trump chắc chắn đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị của Mỹ, nhưng nhiệm kỳ tổng thống của Trump phản ánh sự suy giảm về khả năng giải quyết vấn đề và xây dựng sự đồng thuận của Mỹ trong suốt hơn bốn thập niên.
Các nguồn gốc của căng thẳng hệ thống
Trong số các yếu tố cơ bản khiến cho các thất bại của đất nước ngày càng thường xuyên hơn và các đợt bất ổn, các nhà quan sát đã xác định được một loạt các xu hướng kinh tế, văn hóa và chính trị.
Thay đổi công nghệ nhanh chóng
Mỹ và một số quốc gia có thu nhập cao khác đang hứng chịu “cú sốc tương lai” do nhà tương lai học Alvin Toffler dự đoán cách đây 50 năm. Sự chuyển dịch nhanh chóng sang thời đại kỹ thuật số đã làm xáo trộn và chia rẽ xã hội Mỹ một cách trầm trọng. Một hố sâu rộng lớn và ngày càng gia tăng đã xuất hiện giữa một tầng lớp có chuyên nghiệp cao, bao gồm những người có bằng cử nhân trở lên, hầu hết họ có thu nhập và mức sống ngày càng tăng, và những công nhân có bằng cử nhân có xu hướng giảm thu nhập, nhà bị tịch thu và ảnh hưởng của tự động hóa trong thị trường lao động. Trump đã thúc đẩy sự ủng hộ của các cử tri da trắng, tầng lớp lao động bất mãn để lên nắm quyền vào năm 2016.
Phản ứng dữ dội của giới da trắng
Mỹ đang trong tiến trình chuyển đổi trong lâu dài từ một quốc gia đa số là theo đạo Tin lành và người da trắng, nơi mà cho đến thập niên 1960, sự phân biệt đối xử theo luật pháp và trên thực tế diễn ra khá phổ biến, nay sang thành một quốc gia đa số không phải là người da trắng, nơi người da màu cuối cùng đã giành được quyền công dân. Kể từ những năm của thập niên 1970, điều này đã dẫn đến phản ứng thường là tức giận của giới da trắng. Obama đại diện cho giới tiên phong của xã hội mới đa chủng tộc, và trong một phong cách đặc biệt, Trump là một phản ứng tàn bạo dữ dội. (Trong những tuần sau cuộc bầu cử, Trump đã công khai và trơ trẽn thúc giục các thành viên ban bầu cử của đảng Cộng hòa không chứng nhận phiếu bầu từ hầu hết người Mỹ gốc châu Phi ở Detroit).
Kết thúc của nền chính trị dân chủ xã hội
Mỹ có một đặc tính theo dân chủ xã hội, do Đảng Dân chủ lãnh đạo, từ chính sách New Deal của Franklin D. Roosevelt (1933-45) đến Xã hội Vĩ đại của Lyndon Johnson (1963-1968). Chính phủ mở rộng để cung cấp một loạt các bảo trợ xã hội, liên kết với phong trào lao động có tổ chức đang phát triển. Tuy nhiên, khối đa số này đã sụp đổ sau năm 1968, chủ yếu là kỷ nguyên Phong trào đòi Dân quyền của những năm trong thập niên 1960 đã thúc đẩy một cuộc tháo chạy của các cử tri thuộc tầng lớp lao động da trắng và những người “Dixiecrat” miền Nam trong Quốc hội sang đảng Cộng hòa.
Đảng Cộng hòa trở thành đảng của những người da trắng có phản ứng dữ dội và những người bảo thủ xã hội, những người phản đối “chính phủ vĩ đại”, trong khi đảng Dân chủ trở thành đảng của các chuyên gia, thiểu số và những người theo tiến bộ xã hội, họ kêu gọi quyền theo chủng tộc, giới tính, tình dục và sinh sản. Sự đồng thuận trước đó cho các chính sách dân chủ xã hội sụp đổ.
Sự thức tỉnh theo tinh thần Phúc âm
Mỹ đã trải qua một đợt gia tăng tín ngưỡng và hoạt động truyền bá Phúc âm của người da trắng từ thập niên 1950 cho đến đầu thập niên 2010. Những người theo đạo Cơ đốc chính yếu đổ xô đến các nhà thờ Tin lành khổng lồ, bảo thủ về mặt xã hội, họ rao giảng thánh kinh theo một nghĩa đen, phản khoa học và chống chính phủ cuồng nhiệt. Thay vì tài trợ cho các chương trình xã hội bằng tiền thuế, các nhà truyền giáo đã nói với các tín đồ trong giáo phận là hãy phản đối việc trả thuế và thay vào đó là cung cấp một phần mười cho các nhà thờ để họ được ân sủng thiêng liêng.
Những giáo sĩ da trắng đã mạnh mẽ phản đối chương trình nghị sự về xã hội cấp tiến và dân quyền, cũng như sự bảo trợ xã hội của chính phủ. Họ là những người ủng hộ nồng nhiệt cho Chiến tranh Lạnh như một cuộc chiến thập tự chinh chống lại Liên Xô vô thần, và gần đây, họ đã ủng hộ các cuộc chiến tranh chống lại các chiến binh Hồi giáo và thương chiến chống Trung Quốc vô thần. Trong năm 2016 và 2020, phần lớn họ đã bỏ phiếu cho Trump.
Chế độ tài phiệt
Bế tắc trong chính sách đã phục vụ lợi ích của những người Mỹ giàu có nhất, những người đang hưởng lợi từ sự chuyển giao tài sản lớn nhất từ người nghèo và tầng lớp trung lưu sang cho người giàu trong lịch sử nhân loại, đồng thời họ được bảo đảm rằng, tình trạng tê liệt chính trị sẽ giúp cho họ không bị áp thuế liên bang mới. Chế độ tài phiệt đã được tiếp tay bởi các phán quyết liên tiếp của Tối cao Pháp viện, cho phép đóng góp vô danh cho chiến dịch tranh cử. Người ta ước tính rằng, có 14 tỷ đô la đã được chi cho cuộc bầu cử năm 2020, với mỗi đảng được hỗ trợ bởi hàng chục tỷ phú.
Các thể chế chính trị lỗi thời
Sự trường tồn của các thể chế chính trị là con dao hai lưỡi. Cốt lõi của hệ thống hiến pháp Hoa Kỳ có từ năm 1787. Nó bao gồm những bất thường về chức năng như Đại cử tri đoàn, bỏ phiếu chỉ cho một ứng cử viên ở các khu vực bầu cử và bầu cho một tổng thống quá nhiều quyền lực. Các thể chế này hiện đã được du nhập vào hệ thống chính trị của Hoa Kỳ, ngay cả khi chúng dẫn đến việc lá phiếu được đánh giá cao quá mức trong các tiểu bang thưa dân cư, một hệ thống lưỡng đảng bóp méo nghiêm trọng sự đại diện của công luận, một cơ quan hành pháp chuyên quyền, một Quốc hội gần như không hoạt động, và một Tối cao Pháp viện đã được các chính đảng trang bị vũ khí.
Truyền thông xã hội
Marshall McLuhan đã có lý khi cho rằng, những thay đổi cơ bản trong phương tiện truyền thông đã định hình lại chính trị và văn hóa. Các chương trình trên đài phát thanh và báo chí lưu hành cho đại chúng đã dẫn đến sự trỗi dậy của quan hệ công chúng, quảng cáo đại chúng, và chính trị được cá nhân hóa cao thông qua truyền thông đại chúng. Các phương tiện truyền thông xã hội mới đã dẫn đến sự tan rã của một cuộc thảo luận duy nhất cho cả nước và sự xuyên tạc thực tế ngày càng lan rộng. Với nhiều “sự thật” trong nhiều nhóm trên Facebook, sự đồng thuận về các sự thật cơ bản, chưa nói đến sự đồng thuận về ý nghĩa của chúng, tất cả đã sụp đổ.
Mỹ: Ngoại lệ đầy ảm đạm
Mỗi yếu tố trong số này đều chiếu sáng đến một khía cạnh của thực tế ngày nay. Một số yếu tố trong đó là quen thuộc đối với hầu hết các nền dân chủ có thu nhập cao. Giống như Hoa Kỳ, Tây Âu phải đối mặt với các sự bất bình đẳng đang dâng cao, đó là do công nghệ thay đổi, truyền thông xã hội thúc đẩy sự đồng thuận bị phá vỡ và chia rẽ chính trị trầm trọng hơn, gây ra bởi các căng thẳng kèm theo sự thay đổi cấu tạo các thành phần dân tộc trong xã hội. Ở Mỹ, sự thay đổi sắc tộc ngày càng tăng, phản ánh qua tỷ lệ dân số gốc Tây Ban Nha và châu Á, trong khi ở châu Âu, sự thay đổi phần lớn là do nhập cư từ Trung Đông và châu Phi trong bốn thập niên.
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố là đặc thù dành cho Mỹ. Châu Âu chưa trải qua sự sụp đổ của các chuẩn mực dân chủ xã hội, vốn đã ăn sâu vào luật pháp và thể chế của Liên minh châu Âu. Châu Âu không có nền chính trị theo tinh thần thượng tôn cho người da trắng cố thủ như của Mỹ, thứ mà những tội ác kinh thiên động địa của chủ nghĩa Quốc xã đã làm mất uy tín và bị bứng tận gốc rễ. Châu Âu cũng không có chủ nghĩa bảo thủ xã hội dựa trên tôn giáo và chính trị hóa được thấy trong những người Tin lành da trắng ở Mỹ. Nhờ vào lịch sử vô cùng hỗn loạn của châu Âu, đặc biệt là các cuộc chiến tranh và cách mạng trong thế kỷ XIX và XX, các nền dân chủ nghị viện thường thích nghi hơn và có cấu trúc tốt hơn so với mô hình tổng thống của Mỹ trong thế kỷ XVIII.
Đối với Mỹ sẽ không có các giải pháp táo bạo. Chỉ với may mắn và tài năng lãnh đạo tài ba, Mỹ mới có thể tự mình thoát ra khỏi tình trạng suy vi trong sự chia rẽ nội bộ và chiến tranh với nước ngoài, các vần đề vốn đã là đặc trưng của đất nước trong hơn 40 năm qua. Biden sẽ hướng tới việc hàn gắn những chia rẽ của người Mỹ, một nhiệm vụ mà Biden rất thích hợp.
Biden là người theo chủ trương trung dung, ôn hòa, thuần lý và thanh lịch. Biden hiểu nước Mỹ da trắng bất mãn cũng như bất kỳ nhà lãnh đạo chính trị nào của Mỹ, và Biden biết rằng cần giành được sự ủng hộ của các tiểu bang theo đảng Cộng hoà và đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội, chứ không phải cai trị trên đầu họ. Biden cũng không mang mối hận thù. Biden biết rằng cạnh tranh gay gắt là một phần của nền chính trị và khôn ngoan, né tránh trước những lời thóa mạ và tuyên bố vô nghĩa.
Nhưng những đặc điểm cá nhân rất thuận lợi này sẽ không đủ. Khi Obama, người tiền nhiệm của Trump, nhậm chức vào năm 2009, đảng Dân chủ kiểm soát cả hai viện của Quốc hội và ngay sau đó bắt đầu thông qua luật về bầu cử gần như dựa theo của đường lối của đảng đối với đảng đối lập là đảng Cộng hòa đang thống nhất. Việc bỏ phiếu theo đường lối đảng phái như vậy là không bình thường đối với Quốc hội Mỹ và là một biểu hiện rõ ràng của sự phân hoá chính trị.
Nhưng kể từ năm 2010, khi đảng Dân chủ mất đa số tại Hạ viện, chính phủ chia rẽ đã chiếm ưu thế, ngoại trừ giai đoạn 2017-18, khi đảng Cộng hòa kiểm soát Nhà Trắng và cả hai viện của Quốc hội. Điều này đã ngăn chặn gần như tất cả các sáng kiến lập pháp.
Các nền dân chủ nghị viện có thể hoạt động thường xuyên với việc bỏ phiếu theo đường lối của đảng phái, bởi vì chính phủ (gần như theo định nghĩa) có đa số hoặc đa số phiếu cần thiết để ban hành luật. Ngược lại, ở Mỹ, bất cứ khi nào tổng thống và ít nhất một viện của Quốc hội được kiểm soát bởi các đảng khác hoặc khi có một liên minh ngăn chặn hiệu quả trong Thượng viện gồm 100 nghị sĩ do quy tắc sàng lọc (yêu cầu có đa số với 60 phiếu bầu đối với một số luật), bỏ phiếu theo đường lối của đảng có nghĩa là tê liệt.
Một cơ hội mong manh cho Biden khi đạt được đa số hoạt động ở cả hai viện của Quốc hội, nếu đảng Dân chủ thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện ở Georgia vào ngày 5 tháng 1. Một cuộc truy quét cho Đảng Dân chủ sẽ mang lại cho mỗi đảng 50 ghế, với Phó Tổng thống tân cử Kamala Harris, việc bỏ phiếu thành ra ngang ngửa.
Tuy nhiên, có xác suất cao hơn khi Biden sẽ cần phiếu bầu của đảng Cộng hòa tại Thượng viện và thường là ở Hạ viện (khi một số đảng viên Dân chủ bỏ phiếu chống lại tổng thống). Điều này sẽ tạo ra các yếu tố thuộc về cấu trúc dẫn đến sự chia rẽ ở Mỹ, chống lại các yêu cầu hành động và thay đổi của lập pháp. Sau đó, Biden sẽ cần phải đưa trường hợp của mình cho người dân trong nỗ lực chiến thắng một số đảng viên Cộng hòa ôn hòa để khởi động lại các hoạt động của chính phủ liên bang.
Trong hệ thống của Hoa Kỳ, một tổng thống có thể làm nhiều việc mà không cần đến lập pháp. Trump xử lý toàn bộ chính sách đối ngoại, gồm cả thương mại và các lệnh trừng phạt, hầu như không có bất kỳ can thiệp nào của Quốc hội và Biden cũng vậy, chắc chắn sẽ cai trị với sắc lệnh hành pháp, ít nhất là trong một số lĩnh vực.
Tuy nhiên, cách thực hành này có một số bất lợi nghiêm trọng. Đầu tiên, đó là sự chuyên quyền. Thứ hai, nói chung, các sắc lệnh hành pháp không cung cấp tài chính liên bang, mà chỉ thay đổi về mặt lập quy. Thứ ba, các sắc lệnh hành pháp dễ dàng bị thay đổi bởi tổng thống kế nhiệm, và do đó không ràng buộc cho các chính phủ trong tương lai hoặc thúc đẩy những thay đổi dài hạn cần thiết đối với các khoản đầu tư cho kinh doanh.
Cơ quan hành pháp chủ động
Trong mọi trường hợp, Biden sẽ không có lựa chọn nào khác, ngoài việc dựa vào các sắc lệnh hành pháp khi bắt đầu nhậm chức. Biện pháp này là cần thiết để thiết lập lại vai trò của liên bang trong việc ngăn chận đại dịch COVID -19, điều này sẽ mang lại lợi ích to lớn trong việc vượt qua khủng hoảng. Tương tự như vậy, Biden sẽ không phải dựa vào Quốc hội để đưa Mỹ trở lại các hiệp ước và cơ quan của Liên Hiệp quốc, bao gồm cả Thỏa thuận tại Paris về khí hậu và Tổ chức Y tế Thế giới.
Biden rất có thể sẽ đưa Mỹ trở lại Thỏa thuận về Hạt nhân với Iran, cũng như các cơ quan và tiến trình khác của Liên Hiệp quốc, đồng thời hủy bỏ các biện pháp thuế quan và lệnh trừng phạt đơn phương do Trump áp đặt. Biden có thể sẽ công bố bằng sắc lệnh hành pháp về mục tiêu của Hoa Kỳ là đạt mức phát thải khí nhà kính ròng với hiệu ứng bằng 0 (“tính trung dung về khí hậu”) vào năm 2050, cho phù hợp với Liên Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc (đã đặt ra năm 2060 là năm cho mục tiêu).
Tuy nhiên, để đạt được nhiều hơn mục tiêu này, các cản trở tại Quốc hội phải chấm dứt, điều này chỉ có thể có nếu đủ cử tri đảng Cộng hòa và độc lập tham gia. Bằng sự khác biệt về nhân cách và tầm nhìn trong chính sách thực dụng, Biden có đủ kỹ năng để giành được sự ủng hộ như vậy. Vấn đề đặt ra là liệu những người Mỹ đang bị chia rẽ trầm trọng ngày nay có thể làm sống lại khả năng suy luận của tập thể mà nó đã say ngủ từ lâu không.
Biden sẽ phải thuyết phục các cử tri thuộc tầng lớp lao động da trắng bảo thủ rằng kiểm soát đại dịch COVID -19, dịch vụ chăm sóc sức khỏe rẻ tiền hơn, thuế cao hơn đối với người giàu và giảm nợ cho sinh viên có khó khăn là những chính sách dành cho họ và gia đình họ, chứ không phải là nhằm mục đích hẹp hòi trong các khu vực bầu cử dành riêng cho đảng Dân chủ mà những cử tri xa lánh. Để giành được sự ủng hộ của cả hai đảng, Biden phải đề ra đặc điểm kết hợp toàn diện trong các chính sách thuộc về dân chủ xã hội, thay vì dựa theo những lời kêu gọi thuộc về bản sắc.
Biden cũng phải thuyết phục cử tri nhiều hơn rằng việc chuyển sang năng lượng tái tạo và tránh xa nhiên liệu hóa thạch sẽ mang lại lợi ích tương tự trên toàn quốc. May mắn thay, hầu hết các tiểu bang của Hoa Kỳ, cả xanh (Dân chủ) và đỏ (Cộng hòa), đều có tiềm năng năng lượng mặt trời và gió chưa được khai thác. Hơn nữa, các tiểu bang của trung tâm công nghiệp (bao gồm Wisconsin, Michigan và Ohio) và phía bắc Appalachia (bao gồm Pennsylvania, Kentucky và Tây Virginia) sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng các tấm lá chắn mặt trời, tuabin gió và xe điện sẽ hình thành trung tâm của nền kinh tế carbon thấp. Gần đây, các thị trưởng của tám thành phố lớn ở các trung tâm công nghiệp đã kêu gọi loại chính sách tái công nghiệp hóa này để xây dựng nền kinh tế xanh mới.
Thế giới đi theo sau Mỹ
Bất cứ điều gì xảy ra ở Mỹ trong thập niên 2020, các bài học quan trọng cho các nơi khác trên thế giới đã rõ ràng. Quan trọng nhất, Mỹ sẽ là đối tác hợp tác tốt nhất trong thập niên tới. Quá nhiều thương tổn và phân hoá – và thường là do bị nhầm lẫn và định hướng sai – để đem lại sự lãnh đạo toàn cầu. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã vượt xa Hoa Kỳ và châu Âu về mặt kinh tế trong thời kỳ đại dịch và sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu vào năm 2021.
Trên hết, châu Âu cần nhìn xa hơn mối quan hệ căng thẳng với Mỹ để xây dựng chính sách đối ngoại của mình, bao gồm chính sách an ninh và năng lực quốc phòng, cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh trong các công nghệ kỹ thuật số mới. Hoa Kỳ dưới thời Biden sẽ là một đối tác tốt, nhưng không có gì thay thế được cho việc châu Âu đạt được mục tiêu “tự chủ chiến lược”. Hơn nữa, châu Âu là quốc gia dẫn đầu thế giới về các chính sách phát triển bền vững và nên sử dụng vị trí của mình để thúc đẩy tính bền vững về môi trường và hòa nhập xã hội trên toàn thế giới.
Liên minh châu Âu cần xây dựng các chính sách hợp tác của riêng mình với Trung Quốc, thay vì đi theo sau lưng Mỹ. Liên Âu cần tiếp tục dẫn đầu về các vấn đề quản trị toàn cầu như thuế kỹ thuật số, an ninh kỹ thuật số và quyền riêng tư kỹ thuật số, những lĩnh vực mà châu Âu đang đi trước Mỹ và sẽ vẫn như vậy trong thập niên tới.
Về phần mình, châu Á có cơ hội thoát khỏi tâm lý chiến tranh lạnh của Hoa Kỳ, bị ám ảnh bởi việc “kiềm chế” Trung Quốc và cô lập nước này với các nước láng giềng – một ý tưởng phi lý, tuy nhiên, gần đây đã làm sôi động cho cả hai Đảng của Hoa Kỳ.
Sức mạnh kinh tế và công nghệ ngày càng tăng của châu Á sẽ được hỗ trợ một cách tốt nhất do các thể chế khu vực mạnh mẽ. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới được ký kết, một khu vực thương mại tự do bao gồm mười Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, là một dấu hiệu đầy hứa hẹn cho sự hợp tác trong khu vực châu Á, và giữa châu Á và các nơi khác trên thế giới
Trên thực tế, chính quyền Biden nên hoan nghênh các sáng kiến khu vực và châu Âu mạnh mẽ như RCEP, và hướng tới việc đưa Mỹ trở thành đối tác hỗ trợ. Chúng ta đã qua thời đại của sự lãnh đạo bá quyền, dù là của Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác. Các vấn đề an ninh xã hội và môi trường của thế giới hiện nay rất phức tạp và liên kết với nhau nên chỉ có sự hợp tác mạnh mẽ trong và giữa các khu vực mới đủ để giải quyết.
Thành công của Biden trong việc hàn gắn một nước Mỹ bị phân hoá trầm trọng sẽ là điều cần thiết, không chỉ để khôi phục tính thuần lý chính trị và năng lực giải quyết vấn đề trong nước, mà còn tạo điều kiện cho sự đóng góp xây dựng của Mỹ vào sự hợp tác toàn cầu mà chúng ta khẩn thiết cần đến.
***
Jeffrey D. Sachs: Giáo sư khoa Phát triển Bền vững, Quản lý và Chính sách Y tế Đại học Columbia, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững Columbia và Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững Liên Hiệp quốc, Cố vấn Đặc biệt cho ba Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc.
Các cuốn sách của ông là The End of Poverty, Common Wealth, The Age of Sustainable Development, Building the New American Economy, A New Foreign Policy: Beyond American Exceptionalism.
Giới thiệu trang nhà của dịch giả: https://kimthemdo.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.