Hiện tượng “quà Tết” – Nhìn nghiêng từ xã hội học
28-12-2020
[Cái không khí nhốn nháo, chầu chực, khúm núm, vui vẻ của những giáo viên đứng trước nhà một hiệu trưởng, với chiếc phong bì để trong giỏ trái cây, trong những “dịp” lễ tết luôn khiến tôi thấy rùng mình và kinh sợ. Nhưng điều ghê sợ nhất là người ta “đi” như trong ngày hội, với nét mặt rạng rỡ, ít thấy ai “tư lự” về sự khốn khổ ấy].
Cuốn Khảo về quà tặng (1925) của Marcel Mauss là sách kinh điển của ngành xã hội học, soi chiếu bản chất của quà tặng dưới lăng kính của chủ nghĩa cấu trúc để từ đó giúp nhìn thấy “trạng thái” của một xã hội từ một hiện tượng trong mối liên đới tổng thể của nó.
Theo Marcel Mauss, “quà tặng” là một hình thức trao đổi “hàng hóa” trong các xã hội nguyên thủy. Ở đó, nó không thuần túy là “cống nạp” nhưng cũng chưa phải là “kinh tế thị trường”, nó là một trạng thái bán khai. Tuy nhiên, trong khi ở các xã hội hiện đại, hình thức này đã bị bỏ lại từ rất lâu, thì ở những cộng đồng “chậm tiến” hình thức “trao đổi quà tặng” này vẫn còn phổ biến và ngày càng thể hiện ra nhiều sự biến tướng khó lường. Đó là một quá trình tiến hóa ngược vô cùng phức tạp mà không thể chỉ quy giản về ý thức văn hóa hay đạo đức.
Hiện tượng “tặng biếu” trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là ở các cơ quan nhà nước, ngày càng hiện nguyên hình là một hình thức hối lộ và tham nhũng. Nhưng vấn đề là tại sao?
Khi một xã hội không vận hành trên quy luật giá trị thì tất yếu nó phải dùng một phương tiện khác để duy trì hoạt động.
Khi quà tặng là một sự đổi chác có tính đáp ứng lợi ích đồng thời cho cả đôi bên thì cả 2 sẽ đều không có lý do chính đáng để khước từ nó (việc trao tặng). Có rất nhiều phương tiện như thế, tuy nhiên, thông thường bản tính con người sẽ lựa chọn cách nào đơn giản và tiện lợi nhất. Tạo ra giá trị (trí tuệ, tài năng, phẩm giá…) thì gian nan, nên thông thường người ta sẽ đi tắt bằng cách dùng của cải để đạt được những lợi ích lớn hơn sự đầu tư của mình. Người nhận quà, vì có quyền bính chuyên chế trong tay nên cũng đồng thời có quyền ban phát lợi ích cho kẻ khác, từ đó mà sự trao – nhận diễn ra.
Như thế, nếu không có một bộ quy tắc ứng xử mà chúng ta vẫn gọi là luật pháp, dựa trên một thiết chế chính trị đảm bảo tính khoa học, thì sẽ không thể chống lại được hiện tượng “tặng biếu” này. Tuy nhiên, đó dường như chỉ là một nửa giải pháp. Một xã hội không có tự do tư tưởng, tự do sáng tạo và không tôn trọng con người cá nhân, thì xã hội ấy không thể tạo ra giá trị. Một khi không tạo ra giá trị thì nó sẽ không thể phát triển. Tình trạng trì trệ ngày càng tỉ lệ nghịch với lòng tham của con người, từ đó, những bệnh hoạn sẽ phát sinh trong cơ thể xã hội như những khối u di căn rồi tàn phá cho đến khi suy kiệt và chết đi.
Hiện tượng “quà tết cho lãnh đạo” là biểu hiện giúp ta nhìn thấy bản chất của thiết chế chính trị và sự sa đọa văn hóa bị gây ra một phần lớn bởi thiết chế ấy. Người tặng không còn biết tự trọng, kẻ nhận đã trở nên vô liêm sỉ, cả hai cùng thỏa hiệp để đạt được và duy trì lợi ích của mình.
“Quà tặng” không đơn thuần là hối lộ tham nhũng tài sản, mà có bản chất sâu xa từ tham nhũng quyền lực. Nó tạo ra vây cánh và thiết lập một bộ máy dựa trên những quan hệ bất minh. Bản chất của quan hệ này không bao giờ có thể tự làm trong sạch bộ máy, mà ngược lại chỉ ngày càng sa đọa hơn. Việc chống tham nhũng, nếu không sửa lỗi hệ thống thì chỉ là dọn rác do mình xả ra và gọi đó là “thắng lợi”.
Tóm lại, “văn hóa quà tặng” ở Việt Nam ngày nay là một hiện tượng “quy hồi” về xã hội nguyên thủy, nó là một trạng thái man rợ và hoang dã hoàn toàn xa lạ với xã hội văn minh. Nhưng điều đáng sợ nhất là nó lại đang và đã trở thành “quy tắc” chính trong vận động của một xã hội ở thế kỷ 21 này.
*Chú thích: Tôi chắc chắn, rằng không bao giờ “cấm” được, nếu không sửa lỗi hệ thống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.