Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Trường hợp Vũ Đức Đam: Thất bại của ảnh hưởng phương Tây đối với giới lãnh đạo Việt Nam

 

Trường hợp Vũ Đức Đam: Thất bại của ảnh hưởng phương Tây đối với giới lãnh đạo Việt Nam

Jackhammer Nguyễn

30-12-2020

Hàng nội được trọng hơn hàng ngoại

Đương kim phó thủ tướng Vũ Đức Đam là một người được phương Tây tư bản chủ nghĩa đào tạo. Sau khi học hết trung học tại Việt Nam ông được sang Vương quốc Bỉ học kỹ sư. Nước Bỉ nằm ngay sát trung tâm tư bản chủ nghĩa và thị trường chứng khoán đầu tiên trên thế giới, Amsterdam.

So sánh với các ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, ông Đam là người duy nhất được đào tạo như thế, dù ông không phải là UV Bộ Chính trị. Các ông khác, nếu có học ở nước ngoài thì học ở các nước cộng sản cũ, trước khi bức màn sắt sụp đổ, như các ông Nguyễn Phú Trọng (Liên Xô), Vương Đình Huệ (Slovakia), Phạm Minh Chính (Rumani), Nguyễn Thiện Nhân (CHDC Đức).

Đa số các vị khác đều là sản phẩm nội hóa Made in Vietnam cộng sản cả. Một số vị có sang các quốc gia tư bản tham gia một số khóa huấn luyện nào đó, nhưng chủ yếu là dung dăng dung dẻ, vui là chính mà thôi.

Theo tác giả Ranna Mitter, trong bài Thế giới mà Trung Quốc muốn, thì tại Hoa lục, sau vài chục năm mở cửa thông thương với phương Tây, đã có một số lượng đông đảo người được đào tạo từ phương Tây, nhưng ảnh hưởng của họ lại không có bao nhiêu so với tầng lớp cán bộ chính trị trưởng thành trong nước.

Nhân vật được xem là bộ óc lý luận ý thức hệ của Trung Quốc hiện đại là Vương Hổ Ninh, một người tuy thành thạo tiếng Pháp, nhưng hoàn toàn là một sản phẩm nội địa.

Giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay cũng không nằm ngoài mô hình Trung Quốc này. Tin hành lang trước đại hội đảng thứ 13 nói rằng, ông Vũ Đức Đam được đưa vào danh sách đề cử Bộ Chính trị, nhưng cuối cùng bị gạt ra.

Trước đây có trường hợp ông Phan Thanh Bình, một người được đào tạo ở Pháp, chỉ mon men vào đến Ủy viên Trung ương đảng.

Biệt lệ ngoại giao

Có một biệt lệ để khẳng định quy luật trên, đó là trường hợp một số viên chức cao cấp của bộ ngoại giao, như đương kim bộ trưởng Phạm Bình Minh. Ông Minh là con trai của cựu bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, được đào tạo tại trường Luật Quốc tế và Ngoại giao Fletcher, trực thuộc Đại học Tufts của Hoa Kỳ. Ông Minh cũng là đương kim ủy viên Bộ Chính trị của đảng Cộng sản.

Ông Nguyễn Quốc Cường, từng là đại sứ Việt Nam tại Mỹ, cũng học ở Fletcher, tạo nên nhóm Fletcher trong Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Thế nhưng Bộ Ngoại giao là bộ không có tiếng nói quan trọng trong chính trị Việt Nam. Đường lối đối ngoại đã được Đảng Cộng sản vạch ra, thậm chí công việc hàng ngày của các cán bộ ngoại giao ở nước ngoài cũng phải chịu lệ thuộc vào Ban Đối ngoại Trung ương của Đảng.

Chừng nào phương Tây sẽ có người của chúng ta?

Trong hệ thống cộng sản trước đây, gồm 13 quốc gia, có nhiều vị lãnh đạo Việt Nam được các nước cộng sản “anh em” đào tạo. Các vị cựu du học sinh này lên tới những chức vụ rất cao, chẳng hạn như ông Trần Đức Lương (học địa chất học tại Nga) làm chủ tịch nước. Còn những người giữ chức thấp hơn thì rất đông.

Hệ thống cộng sản Liên Xô và Đông Âu sụp đổ trong ba năm 1989-1991, làm sụp đổ luôn cái lò đào tạo cán bộ lãnh đạo cộng sản Việt Nam, cũng như các kỹ sư, kỹ thuật viên. Phương Tây dần thay thế vị trí đào tạo người cho Việt Nam, nhưng đến ba mươi năm sau, ảnh hưởng của phương Tây vào giới lãnh đạo Việt Nam chỉ lên đến mức cao nhất là ông Vũ Đức Đam. Có thể gặp rất đông kỹ sư, nhân viên tài chính trong các công ty ở Việt Nam, nhưng cán bộ chính trị thì rất hiếm.

Người ta cũng đã từng nghĩ rằng, tầng lớp con cái các viên chức cao cấp, trung cấp của Đảng sẽ được phương Tây đào tạo ngày càng đông, sẽ dần thay thế ý thức hệ xã hội chính trị ở Việt Nam. Nhưng điều đó đã không, hay là chưa xảy ra.

Tất cả những người con của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều được đào tạo ở phương Tây, nhưng phe phái của họ đã thất bại trong tranh chấp quyền lực vừa qua. Trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh ở Đà Nẵng cũng tương tự như vậy.

Có vẻ như trong hệ thống được gọi là “dân chủ tập trung” của đảng Cộng sản, các cán bộ cần có nhiều vây cánh từ các đảng bộ địa phương để leo lên, vì thế các viên chức được đào tạo ở phương Tây hiện nay chỉ quanh quẩn ở các trung tâm đô thị lớn, không có được môi trường để tạo vây cánh như thế.

Ông Vũ Đức Đam được xem là một cán bộ có năng lực khi ông điều hành tốt việc chống dịch Covid-19, và cũng không có điều tiếng gì về nhũng lạm, nhưng từ Bỉ về nước, ông được chọn ngay vào các vị trí trong bộ máy ở tầng trên, ở Hà Nội, không có thời gian tạo vây cánh từ bên dưới.

Hơn 30 năm kể từ khi Cộng sản Việt Nam thật sự giao thương với phương Tây, hàng chục ngàn người Việt đã được phương Tây đào tạo và về nước. Ảnh hưởng quyền lực mềm của phương Tây lên xã hội trong nước cũng ngày càng mạnh, nhưng ảnh hưởng đó lên tầng lớp lãnh đạo lại rất chậm.

Sau thất bại Vũ Đức Đam, liệu phương Tây có tiếp tục mở rộng được ảnh hưởng lên tầng lớp lãnh đạo Việt Nam?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.