Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

Vì sao những nước giàu tài nguyên lại hay có chế độ độc tài?

 

Vì sao những nước giàu tài nguyên lại hay có chế độ độc tài?

Dương Quốc Chính

28-12-2020

Chúng ta thấy các nước dầu mỏ phần nhiều vẫn là quân chủ chuyên chế hoặc độc tài hay dân chủ giả cầy, mà những nước nhiều dầu mỏ nhất thì Mỹ cũng khó cà khịa, diễn biến, để dân chủ hóa. Một số nước giàu tài nguyên khác lại mắc căn bệnh Hà Lan, lại sống trong nghèo khổ. Tại sao vậy?

Những nước quá lệ thuộc vào tài nguyên thì hầu hết các mỏ đều là của nhà nước. Vì thế nên nhà nước độc quyền khai thác và phân phối lại thu nhập từ tài nguyên. Điều đó dẫn đến nước đó có một nền kinh tế gần như bao cấp, kinh tế kế hoạch, vì nhà nước nắm toàn bộ nguồn lực kinh tế và có quyền ban phát quyền lợi cho các phe nhóm, ngành kinh tế khác. Khi có quyền lực về kinh tế như vậy thì lãnh tụ sẽ biến thành độc tài dễ dàng và khối tư nhân sẽ rất yếu thế so với nhà nước, không thể tạo được sức ép với chính quyền do không có ưu thế về kinh tế. Kẻ nào nắm được kinh tế, kẻ đó sẽ có quyền lực chính trị.

Ngoài ra, khi có quá nhiều tài nguyên và sự phân phối lại thu nhập tương đối công bằng, tầng lớp bình dân vẫn có thu nhập tương đối cao (khi giai cấp thống trị đã quá giàu) thì chả ai có nhu cầu phản kháng với nhà cầm quyền cho dù mất tự do ngôn luận, không có nhân quyền. Thường người ta đói quá mới có động cơ làm cách mạng. Chính vì vậy mà Mỹ cũng chả thể nào kích động được để Arab Saudi, hay Brunei, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất… từ bỏ chế độ quân chủ chuyên chế. Người ta dân chủ hóa, tự do kinh tế là để phát triển kinh tế. Đây họ lại đang quá giàu một cách dễ dàng, thì thiếu động cơ để đòi tự do, dân chủ.

Nước Nga hay Venezuela có kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt, thì nếu chế độ độc tài (Dân chủ giả cầy) này sập thì sẽ có chế độ độc tài khác thay thế, trừ khi tư nhân hóa các mỏ (điều ấy khó xảy ra) hoặc khi họ cạn kiệt tài nguyên.

Ngược lại, một số nước có ít tài nguyên như Nhật, Hàn quốc, Israel… họ buộc phải tìm cách phát triển mà không cần nhiều tài nguyên, đó là tự do kinh tế và dân chủ hóa. Đó là con đường phát triển kinh tế duy nhất của các nước nghèo tài nguyên. Khi có tự do kinh tế và dân chủ hóa thì khối tư nhân rất phát triển, bộ máy nhà nước bị thu gọn, vai trò của nhà nước sẽ hạn chế so với tư nhân. Vì vậy mà tự do, dân chủ cũng trở nên bền vững. Lúc đó dân chủ để giàu và càng giàu càng dân chủ. Ở các nước đó sự giàu có là từ dưới lên, dân giàu đóng nhiều thuế thì nước mạnh. Dân nuôi nhà nước, thì nhà nước phải phục vụ nhân dân, quan phải là đầy tớ của dân. Còn ở các nước giàu nhờ tài nguyên thì sự giàu có từ trên xuống, nước giàu (nhờ tài nguyên) rồi mới phân bổ sự giàu có cho người dân. Vì thế mà dân ơn chế độ, ơn lãnh tụ, độc tài từ đó mà ra.

VNCH ngày xưa tuy có thể chế dân chủ trên lý thuyết (Hiến pháp dân chủ) nhưng thực tế vẫn còn độc tài tương đối nhiều. Ngoài lý do chiến tranh cần tập trung nguồn lực ra thì lý do cơ bản nữa là do viện trợ quá nhiều. Viện trợ nhiều cũng giống như nhiều dầu mỏ. Chính quyền được chi tiêu quá nhiều tiền chùa thì sẽ sinh ra kinh tế bao cấp, kế hoạch (nặng hay nhẹ) và tham nhũng. Đó là lực cản để VNCH phát triển bền vững để chiến thắng. Hàn quốc có ít viện trợ hơn nhiều, lại nghèo tài nguyên hơn, nên họ có thể phát triển tốt hơn (tất nhiên còn một số lý do khác đã và sẽ viết ở stt khác).

VN bây giờ thiếu may mắn là có tương đối nhiều tài nguyên, lượng tài nguyên đủ để ngân sách không chết đói, vì thế động lực để canh tân đất nước không đủ mạnh. Nhưng tài nguyên cũng không đủ nhiều để giàu có, vì thế mà nền kinh tế cứ dặt dẹo nghèo bền vững mà không chết hẳn. Rất may là gần đây giá dầu giảm, các tài nguyên khác cũng gần như cạn kiệt, rừng cũng chả còn, lại cộng thêm có đồng chí X và các anh em vay và phá ác liệt, dẫn đất nước vào thế sắp tiến lên CNXH (xuống hố cả nút). Đấy là động cơ lớn nhất để buộc phải tư nhân hóa và tự do hóa nền kinh tế. Điển hình là vụ bán Sabeco vừa rồi. Tốt nhất là bán được càng nhiều càng tốt các doanh nghiệp nhà nước. Vay được nhiều tiền và dễ vay quá khi còn nghèo, cũng như có nhiều viện trợ, sẽ không có động cơ thay đổi.

Bộ máy nhà nước càng nhỏ thì tư nhân càng to và càng dễ dân chủ hóa (Phản động càng nhiều). Bao giờ bán luôn được PVN, EVN, Viettel… (ít ra là tư nhân hóa) thì VN mới có thể có dân chủ được. E rằng người ta chỉ tư nhân hóa nửa vời, vừa đủ để không làm sụp đổ nền kinh tế và cũng không làm sụp đổ chế độ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.