Bản tin ngày 24-12-2020
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
VnExpress đưa tin: Trực thăng Trung Quốc diễn tập tấn công đảo. Kênh CCTV của TQ thông báo, một lữ đoàn của lục quân TQ, đóng quân tại khu vực bờ biển phía đông nam nước này, đã tổ chức diễn tập tấn công vượt biển tại khu vực ngoài khơi phía nam tỉnh Phúc Kiến. Những hoạt động diễn tập có nội dung “đổ bộ” đều là chỉ dấu cho tham vọng của TQ nhắm vào một số thực thể chưa bị chiếm ở Biển Đông.
Báo Người Việt có bài: Nguyễn Chí Vịnh công khai chủ trương ‘thuận hòa với Trung Quốc’. Trong khi báo chí “lề đảng” lên án bá quyền Trung Quốc, thì ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12, tướng Vịnh trả lời phỏng vấn báo VietNamNet, có nói rằng: “Trong hoạt động đối ngoại, đầu tiên chúng ta quan tâm đến quan hệ với các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc, làm sao để có mối quan hệ thuận hòa, đặc biệt là đường biên giới ổn định, hòa bình”.
Tướng Vịnh nói tiếp: “Ở Biển Đông, dù còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng ta vẫn giữ được những gì mà chúng ta đang giữ và không ngừng đấu tranh để bảo vệ chủ quyền chính đáng theo luật pháp quốc tế. Trong khi đó, các hoạt động lao động hòa bình trên biển như dầu khí, đánh cá, nghiên cứu biển, giao thông, du lịch vẫn phát triển“.
Cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc kiểm tra liên hợp, theo VOV. Tin cho biết, lực lượng Cảnh sát biển VN và TQ đã tổ chức chuyến kiểm tra liên hợp trên vùng biển cạnh đường phân định Vịnh Bắc bộ năm 2020. Phía VN có tàu 8004 và 8003, phía TQ có tàu 4303 và 22603 tham gia.
Trang An Ninh Thủ Đô có đồ họa: Mỹ bác tin chiến hạm mang tên lửa Tomahawk bị Trung Quốc ‘xua đuổi’ ở biển Đông.
RFA có bài: Khoảng trống quyền lực ở Washington đe dọa tới Biển Đông. Sau ngày bầu cử 3/11/2020 đến ngày tổng thống mới nhậm chức 20/1/2020 là giai đoạn chuyển giao quyền lực, nhưng ông Trump liên tục tấn công bầu cử Mỹ, tức nền dân chủ. “Nhiều người lo ngại về khoảng trống chính trị kéo dài tại Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump có những động thái thách thức kết quả bầu cử, điều mà giới chức cho rằng có thể ảnh hưởng đến cán cân quyền lực giữa lực lượng vũ trang mà Mỹ và Trung Quốc triển khai trong khu vực”.
Mời đọc thêm: Mỹ nói gì về việc Trung Quốc tuyên bố trục xuất tàu khu trục John S. McCain ở Biển Đông? (TG&VN). – BIENDONG POC tổ chức thành công “Hội nghị tổng kết công tác ATSKMT 2020 và triển khai nhiệm vụ 2021” (PT).
Những tấm bằng giả ở ĐH Đông Đô
Vụ điều tra bằng giả ở ĐH Đông Đô là một trong những vụ điều tra kỳ lạ nhất, cho thấy đằng sau là một quá trình đấu qua, đá lại. Vụ việc bắt đầu được đưa ra ánh sáng từ đầu tháng 8/2019, ngày 20/8/2019 đã có quyết định truy nã Hiệu trưởng trường này, nhưng rồi không biết có chuyện gì, khiến vụ này chìm vào im lặng suốt gần một năm trời.
Đến tháng 6/2020, công an mới khởi tố thêm 2 cán bộ của ĐH Đông Đô. Sau khi khởi tố thêm 2 bị can, vụ việc lại rơi vào “im lặng” cho đến cuối tháng 11/2020, Bộ Công an đề nghị truy tố 10 bị can liên quan đến vụ ĐH Đông Đô. Đến ngày 15/12/2020, khi đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khẩn trương truy bắt Chủ tịch trường ĐH Đông Đô Hùng Sara, bộ máy tuyên truyền của chế độ mới thật sự được “tháo rọ mõm” để bắt đầu khơi dậy vụ này trong mấy ngày qua.
Một vụ điều tra bằng giả, ở một đất nước mà bằng giả nhan nhản từ đầu ngõ này đến cuối hẻm kia, nhưng có diễn biến gay cấn, lúc lên lúc xuống rồi lại lên, còn hơn cả vụ truy bắt Trần Bắc Hà, từng là một trong các đại gia “tư bản đỏ” quyền lực nhất VN.
Trang Bảo Vệ Pháp Luật có bài: Cần công khai danh tính người “mua” bằng tại trường Đại học Đông Đô. Tựa bài báo lặp lại ý nguyện của một số người, ngay từ khi ĐH Đông Đô bắt đầu bị “khui” ra, hơn một năm trước. Tin từ cơ quan điều tra xác nhận, đã có ít nhất 626 trường hợp bị phát hiện sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh do ĐH Đông Đô cấp, nhưng cơ quan điều tra mới chỉ thu giữ… 67 văn bằng gốc.
LS Đặng Văn Cường nhận định: “Việc xác minh danh tính hơn 600 người không đi học nhưng vẫn nhận bằng là điều cần thiết để xem xét xử lý bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự. Việc công khai thông tin của những người đã nhận bằng mà không qua đào tạo này đến với các cơ quan, tổ chức, Nhà nước là cần thiết, nhằm tránh việc các đối tượng sử dụng bằng cấp giả thăng quan tiến chức”.
Báo Giáo Dục VN đặt câu hỏi: Công khai danh tính người dùng bằng giả trường Đông Đô có vướng luật? PGS. TS Bùi Văn Nhơn bình luận: “Một người làm nghiên cứu khoa học mà gian dối thì không thể chấp nhận được. Đó là chưa nói đến việc, có thể họ chỉ lấy cái bằng Tiến sĩ để tiến thân. Đó là một việc càng nguy hiểm hơn. Do vậy trước hết cần công khai danh tính đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có ý kiến xử lý những trường hợp nếu đã cấp bằng Tiến sĩ này”.
Báo Lao Động đưa tin: Lý do trường ĐH chưa công khai người dùng bằng giả của Đại học Đông Đô. Một số trường ĐH và cơ sở giáo dục sau ĐH như Học viện Khoa học xã hội, ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí – Tuyên truyền… có được danh tính các học viên cao học và nghiên cứu sinh sử dụng bằng giả từ ĐH Đông Đô, nhưng các trường này đều chưa công khai danh tính những người dùng bằng giả, vì cho rằng đó là “thẩm quyền của cơ quan điều tra”. Tức là họ sợ “đụng chạm”, nên đẩy trách nhiệm sang phía công an.
Báo Pháp Luật Plus có bài: “Người có uy tín” – đâu rồi sự minh định từ ngữ? Tựa bài có liên quan đến bài báo trên báo Thanh Niên ngày 6/8/2019: ‘Mua bằng’ của Trường đại học Đông Đô đều là ‘người có uy tín’, một trong các bài báo cung cấp thông tin quan trọng về vụ ĐH Đông Đô trước khi vụ điều tra chìm vào im lặng trong gần một năm trời.
Theo Pháp Luật Plus, “ý nghĩa thực sự của cụm từ đẹp đẽ này đã bị xuyên tạc, hay nói cách khác, khái niệm đang bị đánh tráo. Theo kiểu gì cũng rất nguy hiểm cho sự minh bạch của từ ngữ và cái cách người ta ứng xử với nhau”.
Nhìn diễn tiến vụ điều tra ĐH Đông Đô, có thể thấy, những người mua bằng của trường này đều là những nhân vật tai to mặt lớn của chế độ, để có thể khiến một vụ điều tra bằng giả gặp trắc trở, còn hơn cả điều tra quan chức cấp tỉnh ủy, thành ủy. “Uy tín” đó phải ở mức khiến đích thân Thủ tướng phải làm thay việc của Bộ trưởng Bộ Công an: Yêu cầu khẩn trương truy bắt cựu Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Đô, để vụ việc không “chìm xuồng” được nữa.
Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi từ vụ Trường ĐH Đông Đô: xử lý thế nào với ‘học giả, bằng thật’? Đại diện Bộ GD&ĐT phát biểu: “Vụ việc của Trường ĐH Đông Đô là trường hợp cá biệt với một số cá nhân cố tình làm sai, cố tình vi phạm. Về nguyên tắc trong đào tạo, các trường đã được mở ngành đào tạo chính quy (trong đó có các ngành ngôn ngữ), đã đào tạo sinh viên chính quy tốt nghiệp ra trường thì cũng có năng lực đào tạo văn bằng 2, với chỉ tiêu thuộc tổng chỉ tiêu phù hợp với năng lực đào tạo của trường”.
Zing đặt câu hỏi: Kiểm soát đào tạo văn bằng 2 thế nào sau vụ ĐH Đông Đô? TS Nguyễn Đức Nghĩa giải thích lý do ĐH Đông Đô dễ dàng cung cấp bằng giả: “Vấn đề là tại sao các học viên không dùng các chứng chỉ quốc tế mà lại đi tìm học văn bằng 2? Một phần bởi việc học văn bằng 2 dễ hơn. Trong khi các chứng chỉ quốc tế đòi hỏi ôn luyện, thi cử nghiêm túc, khó hơn. Đó là thực tế không thể phủ nhận. Để xảy ra tình trạng đó là do các trường đào tạo không nghiêm túc chứ không phải tại tấm bằng”.
Mời đọc thêm: ĐH Đông Đô cấp văn bằng tiếng Anh giả là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, đạo đức (TT). – Đề nghị sớm xử lý vụ bằng giả tại Trường ĐH Đông Đô (VNN). – Lý do gì mà chưa công khai danh tính người dùng bằng giả Đại học Đông Đô? (GDVN). – Nhiều giảng viên nhiều trường đại học lớn có tên trong danh sách “khách mua bằng giả” của ĐH Đông Đô? (TĐ). – Tiến sĩ, giảng viên dùng văn bằng 2 Đại học Đông Đô: Các trường xử lý thế nào? (VTC). – Những sự kiện giáo dục đáng chú ý trong năm 2020(TP).
“Công bộc” của dân
VTV có bài: Những cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong năm 2020. Trong số các cán bộ cấp cao đã bị khai trừ đảng, đáng lưu ý nhất là các trường hợp: Nguyễn Đức Chung, từ Chủ tịch UBND TP Hà Nội, có cơ hội tham gia “võ đài” Đại hội 13, trở nên thân bại danh liệt, vừa nhận án tù 5 năm. Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ CT, với sai phạm liên quan đến cựu Bộ trưởng Bộ CT Vũ Huy Hoàng, nhưng bà này đã bỏ trốn và bị truy nã. Nguyễn Văn Hiến, cựu đô đốc và cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, lãnh án 4 năm tù vì đã bán rẻ đất quốc phòng, liên quan đến cựu thượng tá Đinh Ngọc Hệ.
Công an vừa bắt Cục phó Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ, báo Gia Đình và Xã Hội đưa tin. Ông Vi Ngọc Khang, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Phú Thọ bị bắt và bị khám xét nơi ở, cùng với các đồng phạm là Chu Ngọc Hoàng, Bùi Mạnh Công, Hà Minh Tuyền, đều là KSV thị trường, thuộc đội QLTT số 8, Cục QLTT tỉnh Phú Thọ, để điều tra hành về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
VnEconomy đặt câu hỏi: Tổng cục Quản lý thị trường nói gì về 4 cán bộ bị bắt khẩn cấp?Đại diện Tổng cục QLTT phát biểu: “Tổng cục Quản lý thị trường kiên quyết đấu tranh đối với những hành vi sai phạm và sẵn sàng loại khỏi bộ máy những cán bộ tha hóa, biến chất làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng Quản lý thị trường”. Nhóm cán bộ QLTT tỉnh Phú Thọ bị bắt vì trước đó đã có đơn tố cáo một số hành vi vi phạm của những người này.
Sở TN&MT tỉnh Kon Tum kỷ luật hàng loạt cán bộ vì sai phạm liên quan đến đất đai, báo Thanh Niên đưa tin. Những người bị kỷ luật gồm có ông Nguyễn Quang Vinh, cán bộ chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Kon Tum, bị cách chức; ông Đặng Xuân Tâm, GĐ chi nhánh VPĐKĐĐ TP Kon Tum, bị kỷ luật cảnh cáo; bà Trần Thị Đào, GĐ VPĐKĐĐ tỉnh Kon Tum và ông Võ Văn Hường, Trưởng phòng Đăng ký cấp giấy chứng nhận, VPĐKĐĐ tỉnh Kon Tum, đều bị kỷ luật khiển trách.
Lý do: Giai đoạn 2012 – 2019, tại TP Kon Tum diễn ra tình trạng người dân xây dựng nhà ở thương mại, phân lô, bán nền trái luật, do sai phạm của nhiều cán bộ, nhân viên các cơ quan liên quan. Một số cán bộ, công chức, viên chức “có biểu hiện thiếu trách nhiệm, có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, UBND tỉnh Kon Tum đã chuyển hồ sơ vụ việc qua Cơ quan CSĐT Công an tỉnh để điều tra làm rõ, xử lý”.
Mời đọc thêm: Điểm tên những cán bộ cấp cao dính kỷ luật trong năm 2020 (KT). – Hơn 100 cán bộ Trung ương quản lý bị kỷ luật là “hồi chuông cảnh tỉnh” cho những ai đang có ý đồ chạy chức, chạy quyền (TQ). – Tạm giữ 4 cán bộ Cục Quản lý thị trường Phú Thọ (TN). – Tạm giữ 4 công chức Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ (Tin Tức). – Cục phó Quản lý thị trường Phú Thọ và 3 cán bộ bị bắt giữ: Thông tin mới nhất (VTC). – Kỷ luật hàng loạt cán bộ ‘giúp’ phân lô trái phép ở Kon Tum (TP).
Tin nước Mỹ
Chỉ còn ngồi ghế Tổng thống chưa đầy một tháng nữa, Trump ân xá cho 26 cá nhân, VOA dẫn nguồn tin từ Reuters. Tổng thống Trump vừa ân xá cho cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của mình, ông Paul Manafort và cựu cố vấn Roger Stone, nhằm “xóa bỏ những bản án quan trọng nhất trong vụ điều tra về sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ”hồi năm 2016, đã giúp đưa Trump ngồi cái ghế quyền lực nhất.
Cũng theo Reuters, “ông Trump đặc biệt chú tâm vào việc công kích kết quả điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về sự can thiệp của Nga vào chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 mà ông Trump nhiều lần lên tiếng chỉ trích và bác bỏ”. Ông Trump đang tận dụng triệt để đặc quyền được ghi trong Hiến pháp Mỹ, chỉ dành cho Tổng thống.
Làm càn đến mức dung túng cho người cùng phe cánh: Tổng thống Trump ân xá cho bố chồng của Ivanka, theo báo Tuổi Trẻ. Sui gia của ông Trump, Charles Kushner, là bố của Jared Kushner, cố vấn của ông Trump, một nhà phát triển bất động sản đã được ân xá. Ông Charles Kushner “bị kết án 2 năm tù sau khi nhận tội năm 2004 cho 18 cáo buộc gồm trốn thuế, tài trợ các chiến dịch bất hợp pháp. Việc ông Trump ân xá cho sui gia đã được dự báo từ trước”.
Đài CBS có clip: Ông Trump ân xá cho các ông Paul Manafort, Roger Stone và Charles Kushner.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa chỉ trích loạt lệnh ân xá của Trump, theo VnExpress. Thượng nghị sĩ Ben Sasse của đảng Cộng hòa, từ bang Nebraska chỉ trích vụ ông Trump đồng loạt ân xá cho các đồng minh: “Điều này đã thối nát đến tận lõi rồi”, đồng thời cho rằng “những kẻ mang trọng tội như Manafort và Stone” đã “trắng trợn và liên tiếp vi phạm luật pháp cũng như gây hại cho người dân Mỹ”.
Hậu quả của những trò kiện tụng “bầu cử gian lận” mà không có bằng chứng: Lãnh đạo cấp cao Dominion kiện luật sư Powell, Giuliani, và một số đài truyền thông, theo VOA. Tin từ Reuters cho biết, một lãnh đạo cấp cao của công ty Dominion Voting Systems đã đâm đơn kiện Ban vận động tái tranh cử của Tổng thống Trump ra tòa ở Colorado. Lý do, các nhân vật này cùng các đài đã giúp ông Trump lan truyền nhiều thuyết âm mưu, liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống.
Tin cho biết, “ban vận động tranh cử của ông Trump không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters về vụ kiện. Một cuộc gọi đến văn phòng của luật sư Powell ở Texas sau giờ làm việc không có người trả lời. Reuters cũng không thể liên lạc được với ông Giuliani để hỏi phản ứng”.
Ông Trump tiếp tục thể hiện quyền lực của một tổng thống vịt què: TT Trump phủ quyết dự luật quốc phòng ‘vi hiến’, theo BBC. Lý do ông Trump tìm cách phủ quyết dự luật quốc phòng 740 tỉ Mỹ kim: “Ông Trump phản đối các điều khoản về hạn chế rút quân khỏi Afghanistan và châu Âu, và phản đối việc đổi tên các căn cứ quân sự hiện được đặt theo tên các lãnh đạo Liên minh miền Nam thời nội chiến Mỹ…”. Vụ rút quân rõ ràng đang khiến ảnh hưởng quốc tế của Mỹ suy giảm.
Mời đọc thêm: Trump ân xá: Paul Manafort, Roger Stone và Charles Kushner được khoan hồng (BBC). – Ông Trump ân xá và giảm án cho 20 người trước lễ Giáng sinh(TT). – Trump ân xá cho thông gia (VNE). – Tổng thống Trump phủ quyết dự luật quốc phòng vì không muốn có ‘quà’ cho Trung Quốc (TN). – Tổng thống Trump phủ quyết dự luật ngân sách quốc phòng Mỹ (VOV). – Hơn một triệu người Mỹ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 (VOA).
***
Thêm một số tin: Năm 2020: Thiên tai bất thường, thiệt hại tăng nặng hơn do ‘nhân tai’ (RFA). – Ông Nguyễn Thành Tài sắp ra tòa cùng nữ đại gia Diệp Bạch Dương (NLĐ). – Một Giáng sinh lạ lùng của du học sinh Việt Nam (TT). – EU và Vương quốc Anh ‘đạt thỏa thuận giờ chót về thương mại hậu Brexit’ (BBC).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.