Vì sao nhiều người Mỹ giờ này vẫn quyết ủng hộ Trump ‘lật kèo’?
24-12-2020
Lý do nhiều nghị sĩ Cộng hòa vẫn ra mặt ủng hộ Trump dù Biden đã thắng thật ra rất dễ hiểu.
Đã hơn một tháng nay, nước Mỹ ồn ào vì những vụ kiện của ông Trump và những cuộc biểu tình của người ủng hộ ông. Trong khi đó các thành viên của đảng Cộng hòa cũng thay nhau đứng về phía Trump. Thậm chí còn nộp đơn lên tòa án tối cao và đưa ra những ý định về việc “lật kèo” vào ngày Quốc hội thông qua kết quả bầu của đại cử tri.
Vì sao người ủng hộ ông Trump lại “lì” như vậy? Thật ra thì trong cuộc bầu cử nào cũng vậy, phe thua cuộc đều rất ấm ức và trong nhiều trường hợp không chấp nhận kết quả.
Năm 2016 chẳng hạn, bà Clinton thua đau, thậm chí là bà thắng cả phiếu phổ thông, nhưng vẫn thua phiếu đại cử tri, hàng triệu người cũng tổ chức biểu tình, hô to khẩu hiệu “Không phải tổng thống của tôi” để phản đối ông Trump.
Để giữ hòa khí, từ trước đến giờ các ứng viên thua cuộc đều nhanh chóng nhận thua và kêu gọi người ủng hộ họ chấp nhận kết quả. Bà Clinton đã nói rằng, ông Trump sẽ là tổng thống của tất cả chúng ta, chúng ta phải để cho ông ấy có cơ hội để lãnh đạo đất nước. Đó là cách mà các ứng cử viên thua cuộc bảo vệ nền dân chủ và giữ cho đất nước được trật tự, yên ổn.
Việc kiện cáo và đưa ra những cáo buộc vô căn cứ trên truyền thông trong khi không đưa ra được bằng chứng nào trước các tòa án khác nhau là chưa có tiền lệ. Những người ủng hộ tất nhiên tin tưởng ứng cử viên của họ nên không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều cử tri vẫn tin rằng ông Trump thắng hay, quả quyết là có gian lận. Tất nhiên họ chả đưa ra được bằng chứng nào cả, bởi nếu có thì họ đã tới đưa bằng chứng cho các luật sư của Trump, chứ đâu có tụ tập hô hào inh ỏi mà không làm gì thiết thực.
Đáng nói hơn là vì sao các quan chức trong phe Cộng hòa lại hùa theo ông Trump, từ việc trì hoãn chúc mừng ông Biden tới việc kiện cáo, như là thống đốc bang Texas đi kiện bốn bang chiến trường khác mà ông Biden đã thắng. Chỉ cần để ý một chút là ai cũng thấy rằng các quan chức này đều giữ chức vụ do người dân bầu ra.
Nói cách khác, họ đều phải trông chờ vào sự ủng hộ của cử tri đảng Cộng hòa để giữ ghế trong lần tranh cử tiếp theo. Các hạ nghị sĩ cứ hai năm phải tranh cử một lần trong khi thượng nghị sĩ là sáu năm. Nếu làm các cử tri phe mình nổi giận thì họ mất ghế.
Mặt khác, việc tham gia vào những vụ kiện giúp ông Trump chỉ là việc “màu mè”, có tác dụng làm vừa lòng cử tri trong khi chẳng thay đổi được kết quả. Như vụ kiện của bang Texas chẳng hạn, ai có chút kiến thức về luật pháp cũng biết rằng tiểu bang này đi kiện tiểu bang kia vì những việc nội bộ là thua ngay từ đầu. Ví dụ như một gia đình vợ chồng ly dị, hàng xóm nộp đơn kiện nói là vụ ly dị kia không đúng pháp luật thì tòa nào mà nhận đơn, bởi người đi kiện không có dính dáng gì tới việc bị đưa ra tòa.
Các kế hoạch “lật kèo” cũng thua chắc. Để có cơ hội chiến thắng thì đơn khiếu nại của các nghị sĩ Cộng hòa phải được lưỡng viện Quốc hội thông qua. Đảng Dân Chủ đang nắm hạ viện, làm sao mà họ thông qua được.
Nói tóm lại là các động thái liên quan tới việc bênh vực ông Trump của các quan chức Cộng hòa chỉ là đòn gió nhằm làm vừa lòng các cử tri đang thất vọng. Chính những người này cũng biết rõ là họ sẽ thua nên họ càng yên tâm. Một mặt họ được lòng cử tri, mặt khác họ không thay đổi kết quả bầu cử và cũng không vi phạm hiến pháp hay tạo ra tiền lệ nguy hiểm.
Các cử tri Cộng hòa đang bực tức thật ra đang bị “xỏ mũi” bởi cả ông Trump lẫn các quan chức. Những ai thuộc đảng Cộng hòa nhưng không cần sự ủng hộ của cử tri, hay quan tâm tới luật pháp hơn là làm vừa lòng cử tri, đều không làm như vậy.
Ông William Barr, bộ trưởng Tư pháp chẳng hạn, đã thẳng thừng tuyên bố là không có gian lận bầu cử. Ghế của ông không do dân bầu ra, mà ông cũng chả sợ bị mất chức. Vào lúc này ông Barr cùng lắm là bị sa thải. Ông Biden sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 và ông Barr cũng mất ghế sau ngày này, có bị sa thải sớm ít bữa cũng chả sao (*). Ông Barr vì vậy chả sợ ai và đã tuyên bố như trên.
Kết cục chỉ có nước Mỹ là trở thành “trò cười” của nhiều người trên khắp thế giới.
Nhưng người Mỹ bầu cử trong hòa bình và rồi ai thua thì cũng đều nhanh chóng chấp nhận ý dân và luật pháp, ngay cả khi họ thua tức tưởi như bà Clinton.
_____
(*) Ghi chú của Tiếng Dân: Thật ra, ngày 14/12, Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã có thư từ chức, ngày làm việc cuối cùng của Barr là 23/12, tức hôm qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.