Người Mỹ gốc Á châu có thể đã giúp ông Biden thắng ở Georgia
Tác giả: Jeff Le
Dịch giả: Joaquin Nguyễn Hòa
23-12-2020
Lời người dịch: Bang Georgia là bang chiến trường đã góp phần làm nên chiến thắng của ông Biden trước đương kim tổng thống Donald Trump. Trong chiến thắng của ông Biden ở Georgia, lá phiếu của người gốc Á đã góp phần quyết định. Liệu những người Mỹ gốc Á có thể giúp đảng Dân chủ thắng tiếp hai chiếc ghế trong cuộc đua Thượng viện liên bang từ Georgia, trong cuộc đua ngày 5/1/2020 sắp tới?
Xin giới thiệu bài phân tích của ông Jeff Le, một người Mỹ gốc Việt trên báo Politico. Ông Jeff Le là đối tác chính trị của Dự án An ninh Quốc gia Truman. Ông Le từng là trợ lý Chánh Văn phòng của thống đốc Jerry Brown, bang California.
***
Hồi học lớp năm, tôi hỏi cha mẹ tôi vài chuyện về chính trị, ông bà trả lời tôi rằng: Mình là thuyền nhân, tốt nhất mình nên tránh chính trị con ạ.
Cũng như nhiều người tị nạn Việt Nam, ông bà định cư ở miền Nam Georgia, chỉ chuyên tâm vào việc làm ăn, chăm sóc một trại gà thả vườn, vun quén cho giấc mơ Mỹ của gia đình: Làm ăn phát đạt, tìm kiếm cơ hội cho con cái.
Nhưng năm 2020 là một năm mở mắt cho ông bà, cũng như nhiều người khác của cộng đồng người Mỹ gốc Á và dân đảo Thái Bình Dương (Asian American and Pacific Islander, viết tắt là AAPI). Kinh tế suy sụp, cộng với việc trở thành nạn nhân bị kỳ thị chủng tộc, hậu quả của dịch Covid-19, họ bắt đầu quan tâm tới chính trị.
Tại Georgia, cộng đồng AAPI chiếm từ 3 đến 4,5% dân số, một trong những cộng đồng phát triển nhanh nhất trong tiểu bang, và là cộng đồng phát triển nhanh nhất ở liên bang. Cử tri người Mỹ gốc Á là nhóm cử tri tăng nhanh nhất Georgia. Theo số liệu của Đảng Dân chủ, so với năm 2016 thì số người Mỹ gốc Á đi bầu trong năm 2020 tăng tới 90%. Đây là một con số vô cùng quan trọng cho ông Biden.
Trong năm 2020, có đến 30 ngàn người Mỹ gốc Á đi bầu lần đầu tiên, và theo thăm dò thì cứ một người bầu cho ông Trump thì có 2 người bầu cho ông Biden. Điều đó có nghĩa là, có 20 ngàn người Mỹ gốc Á lần đầu tiên đi bầu và bầu cho Biden. Biden thắng Georgia chưa tới 13 ngàn phiếu. Nếu trừ đi 20 ngàn người này thì ông ấy không thắng được Georgia.
Nhưng chiến thắng của Biden không có nghĩa là khối cử tri Á châu ở Georgia là một khối cử tri Dân chủ chắc chắn. Cộng đồng này rất đa dạng về văn hóa, tuổi tác, giàu nghèo. Họ có đến 50 sắc tộc khác nhau và nói khoảng 100 ngôn ngữ. Cả hai đảng chính trị Dân chủ và Cộng hòa đều chưa tiếp xúc với họ bao nhiêu. Theo con số của một tổ chức phi lợi nhuận của cộng đồng AAPI, một khảo sát hồi tháng 9/2020 cho thấy, chỉ có 30% người gốc Á được đảng Dân chủ tiếp xúc, 24% được đảng Cộng hòa tiếp xúc.
Và điều quan trọng nhất là, một số đông không hiểu các thông điệp chính trị nói gì vì được viết bằng tiếng Anh.
Sở dĩ vừa qua có đông đảo người Á châu đi bầu như vậy là do các nhóm vận động dân sự, chứ không phải các ban tranh cử của hai đảng.
Các cộng đồng Á châu này theo dõi thời sự qua các kênh tin tức bằng tiếng của họ, chẳng hạn như người Việt theo dõi kênh truyền hình SBTN. Ngoài ra họ còn tìm kiếm thông tin qua các mạng xã hội như KakaoTalk (người Hàn quốc), TikTok, WhatsApp, WeChat và Facebook. Đây là những nơi mà các đảng chính trị cần nhắm vào để lôi kéo cử tri châu Á.
Nhưng các mạng xã hội này cũng là nơi phát tán tin vịt rất kinh khủng, chẳng hạn như việc dán nhãn hai ứng cử viên đảng Dân chủ, Jon Ossoff và mục sư Rafael Warnock là “xã hội chủ nghĩa cực đoan”, hay “cộng sản”. Cha mẹ tôi cùng một số người bạn, sau khi tuyên bố là sẽ bầu cho đảng Dân chủ, bèn bị một số người Việt bảo thủ gọi là “đồ cộng sản”, một điều khó có thể tưởng tượng được. Thế là ông bà phải unfriend một số người trên Facebook, rồi đôi khi lại bị đe dọa nữa.
Để chống lại tin vịt như vậy, phải có người tình nguyện theo dõi để kiểm tra tin nào đúng, tin nào sai, như trang VietFact Check chẳng hạn, và các ban vận động tranh cử Thượng viện vào ngày 5/1 phải đẩy mạnh việc này.
Để giành phiếu của cử tri gốc Á, không chỉ nhắm vào vùng xung quanh Atlanta không thôi, mà còn cả vùng nông thôn nữa, vì có đến 50 ngàn người Georgia gốc Á sống ở nông thôn. Ngoài ra, cũng phải biết đặc điểm tôn giáo của các cộng đồng, chẳng hạn như người Filipino gắn chặt với các nhà thờ Công giáo.
Có hai vấn đề mà cử tri gốc châu Á muốn nghe các ứng cử viên nói, đó là việc phục hồi các doanh nghiệp nhỏ đang bị sa sút vì Covid-19. Tuy chiếm 6% dân số toàn quốc, nhưng người Á châu chiếm tới 26% dịch vụ bán thức ăn, và 17% dịch vụ bán lẻ. Thứ hai là sự bất bình đẳng lộ rõ trong đại dịch. Một phần ba y tá chết vì Covid-19 ở Mỹ là người Philippines, trong khi họ chỉ chiếm 4% y tá toàn quốc.
Một vấn đề rất quan trọng là nạn kỳ thị chống người châu Á vì đại dịch Covid-19, nhất là sau khi Donald Trump gọi bệnh này là kung flu. Có khoảng 2500 vụ người châu Á bị tấn công, quấy rối vì lý do sắc tộc, được báo cáo từ tháng 2/2020 đến tháng 8/2020. Cử tri châu Á sẽ ủng hộ ứng cử viên nào lên án các vụ kỳ thị này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.