Những câu hỏi về vụ Hồ Duy Hải và Lê Đình Kình (Bài 12a)
Nghiêm Huấn Từ
20-9-2020
Tiếp theo: Bài 1: Nếu lâm nạn, liệu cách ứng phó nào tối ưu? Bài 2: Chống oan sai: Khó như lên Trời! Bài 3: Vì sao Hồ Duy Hải chưa thể bị thi hành án; Bài 4: Sai trái phiên tòa giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải; Bài 5 và bài 6: Chặng đường gian lao đi đến phiên giám đốc thẩm; Bài 7A: Khúc khuỷu con đường tới phiên tòa tái thẩm; Bài 7B: Đồng chí Nguyễn Hòa Bình và phiên tòa tái thẩm; Bài 8: Hoán đổi vị thế giữa bên “Buộc tội” và “Gỡ tội”; Bài 9: Liệu “kiến nghị” của VKS có cứu được Hải? Bài 10: Phiên tòa tái thẩm: Hy vọng sống của Hồ Duy Hải; Bài 11: Vụ Lê Đình Kình: Xử như một vụ án chính trị
***
Vụ Lê Đình Kình: Nạn nhân tiêu biểu của Luật Đất Đai
I.– Vụ án 30 bị cáo quy tội vào một cá nhân vắng mặt
Vụ Lê Đình Kình có 29 bị cáo đứng trước tòa. Gọi tên vụ án như vậy, vì mọi tội của 29 người này mà cáo trạng nêu ra, nếu được gộp lại, chính là tội của một bị cáo vắng mặt tại phiên tòa. Đó là cụ Lê Đình Kình. Phải giết được nhân vật này mới đưa được 29 nhân vật còn lại ra trước tòa án.
Câu hỏi là, tại sao Viện KS Hà Nội không đưa tất cả 30 người ra tòa? Câu trả lời là không ai đủ liều lĩnh để dám làm như vậy. Xin nói sau.
1- Mục tiêu cuộc đột kích ngày 9-1-2020: Xử tử Lê Đình Kình
a- Cuộc hành quân đột kích vào thôn Hoành lúc rạng sáng 9-1-2020, huy động tới 3000 cảnh sát cơ động, có mục tiêu số 1 là xử tử người đứng đầu nhóm Đồng Thuận: Ông Lê Đình Kình. Có như vậy mới thực hiện được mục tiêu thứ hai: Đánh gục 29 người còn lại của nhóm này trước một tòa án.
Nhóm Đồng Thuận – thành lập trước đó 7 năm (2013) – nhằm giữ lại cánh đồng Sênh, mặc dù chính quyền Hà Nội quyết “thu hồi” nó thật nhanh, thật sớm. Cho đến khi chính quyền nhận ra: Không diệt nhóm này, không xong.
Đây là vụ án có 30 bị cáo, nhưng người đứng đầu bị tử hình từ trước, mà không cần, không thể và không dám đưa ra tòa.
b- Tại sao không đưa Lê Đình Kình ra tòa?
Rốt lại, tội của ông Lê Đình Kình là chống lại ý đồ “thu hồi” cánh đồng Sênh. Nói rõ hơn, ông chống lại bằng những biện pháp khiến phía “thu hồi” không thể đối phó một cách đường đường, chính chính. Vì phi nghĩa, đuối lý.
– Trước hết, suốt đời lăn lộn với dân tại nơi ông sinh ra và “nằm xuống”, ông Lê Đình Kình rất hiểu lịch sử của cánh đồng Sênh, hiểu cả lòng dân và nguyện vọng của dân đối với nó. Thứ hai, cách đấu tranh của ông là kiên quyết, kiên nhẫn. Điều này gây khó chịu, khó xử cho phía Nhà Nước (muốn “thu hồi” chóng vánh, nhanh gọn). Thứ ba, ông có lý lẽ vững chắc, hiểu luật và dùng biện pháp đối thoại, ôn hòa, được lòng dân. Thứ tư, ông là đảng viên rất tin đảng, có số tuổi đảng và tuổi đời mà ngay đồng chí Nguyễn Phú Trọng (cây đa trong Bộ Chính trị) cũng còn lâu mới đạt tới…
– Chỉ riêng việc lừa và đánh gãy xương đùi của ông đã đủ khiến dân phẫn nộ, cạn lòng tin với chính quyền và càng tín nhiệm, kính trọng ông. Đưa một người như vậy ra tòa thì thật là dại dột, ngu ngốc.
c- Chặt đầu rắn
Chế độ CS (từ năm 1917 ở Liên Xô, và về sau ở các nước XHCN) có biện pháp rất hữu hiệu để tiêu diệt các phong trào thách thức quyền lực của đảng, ngay từ khi phong trào mới nhen nhóm. Đó là, chỉ cần chặt lìa cái đầu con rắn, lập tức 99% còn lại của con rắn chỉ còn là cái xác, mất phương hướng, quằn quại ít lâu, rồi bất động.
Cách lý tưởng là đưa ra tòa, kết tội công khai những nhân vật đứng đầu, bằng những bản án “bỏ túi” nghiêm khắc quá mức cần thiết, để răn đe số còn lại (với mức án “khoan hồng”). Nhưng nhiều khi không thể (và không dám) làm như vậy với những nhân vật được đông đảo dân chúng biết tới, thậm chí còn yêu kính, tín nhiệm… Chính quyền phải chọn những cách làm ám muội. Ví dụ, bắt cóc, ám sát, thủ tiêu, gây tai nạn “ngẫu nhiên”…
Không ai tưởng tượng nổi cách làm đê tiện, bẩn thỉu ở các nước XHCN nặng căn nông nghiệp. Ví dụ lịch sử là cách thức đồng chí Mao Trạch Đông (tổng bí thư) tử hình đồng chí Lưu Thiếu Kỳ (chủ tịch nước). Thực chất, đó là thi hành án tử mà không cần phiên tòa và không cần bản án. Tuy nhiên, cách thi hành án với cụ Lê Đình Kình thì khó có tính từ nào mô tả cho ngắn gọn: Ám muội? Dã man? Tàn bạo? Trắng trợn? Ngu xuẩn? Đê tiện v.v… Xin quý vị tự chọn một tính từ thích hợp.
d- Tên gọi vụ án
– Đây là vụ án oan. Oan thấu trời, xuyên đất. Bị cáo tàn tật, cao tuổi, bị giết trong đêm bằng cách bắn vào ngực, vào đầu ở cự ly rất gần, khiến viên đạn phá thành một mảng lớn ở phía sau, đồng thời ngã bật ngửa… Nơi bị giết là ngay tại nhà mình, trong buồng ngủ của mình… Đã vậy, thể xác còn bị chó tha, phanh thây. Hơn nữa con cháu còn bị án tử và chung thân… Cái chết thương tâm dường ấy lẽ ra phải được làm sáng tỏ ở phiên tòa xét xử minh bạch dưới ánh sáng công lý.
– Về mức độ oan khiên và uất nghẹn thì các vụ Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Hồ Duy Hải… còn thua, và thua xa vụ này. Các vụ đã dẫn, chỉ là nỗi oan cá nhân, còn những người trong gia đình và dân làng không bị đe dọa và kết án. Do vậy, chớ nên gọi tên vụ án theo địa danh (như cách gọi “vụ Tiên Lãng”, “vụ đồng Nọc Nạn”…).
Nếu gọi đây là “vụ Đồng Tâm” – nghĩa là chúng ta muốn chia nỗi oan ức của một người cho hàng ngàn dân cùng chia sẻ; nhưng đây là ngược lại: Nỗi oan mất đất cuả hàng ngàn dân đã được một người gánh chịu. Rất tiêu biểu. Danh tính người oan xứng đáng lưu truyền lịch sử, để tố cáo một chế độ phi nhân. Cũng như hiện nay, đa số dân ta đã quen gọi “vụ Nguyễn Trãi” thay cho cái tên chính thức “vụ Lệ Chi Viên” (vụ Vườn Vải – lại càng ít người dùng). Và nhiều người biết cái tên “vụ Đoàn Văn Vươn” hơn là “vụ Tiên Lãng”… Xin tùy quý vị minh xét thêm.
2- Các nguyên nhân dẫn tới oan sai vụ Lê Đình Kình
a- Nguyên nhân trực tiếp: Quyết chiếm và quyết giữ cánh đồng Sênh
– Sau cuộc xâm lược của các đồng chí Trung Quốc (1979), năm sau (1980) vị Chủ tịch hội đồng bộ trưởng (thủ tướng) Đỗ Mười nước ta ra Nghị Định “thu hồi” đất để mở sân bay quân sự Miếu Môn. Về hai chữ “thu hồi”, xin được để trong ngoặc kép và sẽ bàn sau, vì rất đáng nhấn mạnh và bàn luận. Còn tại đây, chỉ nêu rằng, mục tiêu duy nhất của Nghị Định là để làm sân bay quân sự, mà không nêu thêm mục tiêu nào khác. Trên bản đồ quy hoạch cũng cho thấy như vậy: Khu đất này có hình chữ nhật, kích thước chiều dài rất lớn, phù hợp với những đường băng cho máy bay chạy lấy đà, cất cánh. Nó rất không phù hợp để xây dựng xí nghiệp, nhà máy…
– Suốt 40 năm qua, hàng mấy trăm hecta đất (nói trên) bị quản lý lỏng lẻo, gây lãng phí, mà đến nay vẫn chẳng thấy cái gọi là “sân bay quân sự Miếu Môn” nào hết. Nguyên nhân? Nếu sân bay quân sự Miếu Môn được dự tính ra đời là do cuộc xâm lược đầy tàn bạo từ nước bạn Trung Quốc (1979) rồi sau đó tịt ngòi… là do kết quả đầy hữu nghị với đảng bạn từ hội nghị Thành Đô (1990).
b- Nhưng có điều bất ngờ, ít ai nhận ra
Khu đất dự định làm sân bay bỗng dưng được các văn bản Nhà Nước gọi (chung chung) là đất “quốc phòng” (!). Nhằm mục đích gì vậy? Đó là ý đồ tiếp tục chiếm dụng nó, dành cho một công ty thuần túy kinh doanh (xây nhà máy), chỉ cần nó thuộc Bộ Quốc phòng… để hợp lệ.
Điều này, chính Luật Đất Đai của đảng CSVN cũng không cho phép (dự án đất đai sau nhiều năm không thực hiện, phải trả lại nguyên trạng), nhưng các đồng chí đảng viên cấp cao lại có quyền “vận dụng” theo ý mình: Một, đổi tên đất sân bay thành cái tên chung chung “đất quốc phòng” và hai, để có lý do chuyển cái đất “quốc phòng” này cho một công ty kinh doanh, chỉ cần “do quân đội thành lập”.
Quốc gia nào cũng có quân đội, nhưng quân đội (theo nghĩa lương thiện) có được phép làm kinh doanh hay không (?) là câu hỏi cần được trả lời. Đã vậy, khi chuyển đất (dự định làm) sân bay, sang đất kinh doanh, các đồng chí lãnh đạo cấp cao lại “nhân tiện” chiếm nốt cả diện tích 58 ha của cánh đồng Sênh, nằm bên ngoài 16 chiếc cọc bê tông quây mốc địa giới “sân bay”. Người biết rõ nhất “đất của cánh đồng Sênh xưa nay vẫn là đất canh tác” chính là cụ Lê Đình Kình.
Dân phản đối, nhưng các đồng chí vẫn quyết tâm chiếm cánh đồng Sênh, mặc dù trong tay các đồng chỉ chẳng có văn bản hợp pháp nào khác ngoài cái Nghị Định do cụ Đỗ Mười ký, mà nội dung chẳng dính dáng gì tới cánh đồng Sênh nằm ở bên cạnh.
Tóm lại, “quyết chiếm” và “quyết giữ” cánh đồng Sênh là nguyên nhân trực tiếp và duy nhất khiến xảy ra vụ án. Xin đừng ai mắc lừa chuyện này, như được nêu trong cáo trạng.
Dưới đây sẽ nói sự giống nhau và khác nhau giữa vụ Lê Đình Kình với vụ Hồ Duy Hải (như tên loạt bài này).
c- Nguyên nhân gần: Đó là những quy định trong Luật Đất Đai
Cái câu “đất đai thuộc sở hữu của chúng mày, nhưng do chúng ông đại điện và có toàn quyền quản lý” thì nhiều người đã thuộc, đã đọc đúng “nghĩa đen” của nó. Nó được nhắc lại vô số lần, trong muôn ngàn lần nó gây ra thảm họa cho dân.
Ở đây, chỉ xin nhắc lại một số bài viết cách nay cả chục năm, nhưng điều đáng phục là do một hậu sinh khả kính viết ra – mà sinh thời cụ Bùi Tín đã phải có lời khen. Tác giả này khi tìm hiểu Luật Đất Đai, đã sớm phát hiện ra hai từ điển hình, mang đầy đủ bản chất của luật này: “Luật cướp đất“. Đó là các từ “thu hồi” và “cưỡng chế”.
– “Thu hồi” là lấy về những gì đã ban ra, phát ra, bán ra, tung ra… Về gốc gác, nó không có nghĩa xấu. Ví dụ, thu hồi một tấm bằng (đã phát ra, vì phát hiện người nhận chưa xứng đáng). Thu hồi một thứ hàng hóa (dù đã đưa vào thị trường, vì chất lượng chưa đảm bảo – dẫu phải bồi thường cho người mua). Một khoản tiền cứu tế bị thu hồi vì người nhận nó đã khai man về gia cảnh… Nhưng khi nhảy vào ngự trị trong Luật Đất Đai, từ “thu hồi” mang nghĩa bất bình đẳng, bất minh, bất công, bất chính, bất lương… trong quan hệ giữa “chúng ông” và “chúng mày”.
Đảng CS tự nhận là vô sản khi mới thành lập, đến khi cướp được chính quyền, lập tức coi đất đai – mà người dân đang sở hữu (từ khi ĐCS chưa ra đời) – là của “chúng ông”. Nay ban cho “chúng mày” tạm sử dụng. Khi nào cần, chúng ông sẽ “thu hồi”. Cụ Đỗ Mười ký nghị định “thu hồi” đất để làm sân bay… là một ví dụ. Chính quyền Hà Nội đang rắp tâm “thu hồi” cánh đồng Sênh (để gộp vào diện tích sân bay cho nó thêm phần… méo mó) là ví dụ khác. Có ai thống kê nổi số ví dụ mà từ “thu hồi” đã được áp dụng vào cuộc sống dân lành?
– Còn cái từ “cưỡng chế” thì ai cũng hiểu nghĩa bạo lực của nó. Nó cũng có mặt rất sớm trong Luật Đất Đai, nói lên ĐCS đã (sáng suốt) dự tính trước rằng Luật này sẽ bị dân phản đối mỗi khi đất đai của dân bị thu hồi. Vì từ “thu hồi” (theo nghĩa trong Luật Đất Đai) thực chất là tước đoạt. Nói vắn tắt: Thu hồi là mục đích, cưỡng chế là biện pháp. Đó là cách hành xử của Luật Đất Đai.
– Nhóm Đồng Thuận 30 người của ông Lê Đình Kình bị xóa sổ chính vì muốn dùng những điều luật nhỏ và dùng đối thoại để giữ lại cánh đồng Sênh mà người dân thôn Hoành đã khai thác và canh tác từ rất lâu đời. Làm sao chính nghĩa có thể thắng nổi hai chữ “thu hồi” và “cưỡng chế” to tổ bố trong Luật Đất Đai của ĐCS? Giống như, làm sao 30 người hẩu lốn, trang bị thô sơ và ô hợp (nam, phụ, lão, ấu) chống nổi 3000 quân tinh nhuệ?
d– Nguyên nhân xa
Đó là đường lối tập thể hóa trong kinh tế và xã hội. Trong nền kinh tế thị trường, mọi tư nhân là chủ tài sản của mình. Đó là quyền sở hữu. Một khi bị tập thể hóa, quyền này bị tập trung vào tay Nhà Nước do ĐCS thành lập.
Bạn đọc U70 (trở xuống) hãy hình dung thế này: Thập kỷ 60, nông dân được chia đất (có quyền sở hữu), nhưng ngay sau đó họ phải đưa ruộng đất vào hợp tác xã nông nghiệp (trong phong trào tập thể hóa). Làm ăn tập thể nhanh chóng thất bại (liểng xiểng), các hợp tác xã nông nghiệp tan vỡ từng mảng.
Khi người nông dân ra khỏi hợp tác xã họ vẫn có thể đem theo ruộng đất, nhưng lúc này họ mất quyền sở hữu, mà chỉ được giao “quyền sử dụng”, nghĩa là, từ năm 1988 trở đi đất đai của người dân bị đe dọa “thu hồi”. Nguyên nhân nào vậy? Đó là quy định trong Luật Đất Đai, ra đời năm 1988.
đ– Nguyên nhân gốc
Đó là CNCS, một chủ nghĩa không thừa nhận quyền tư hữu, mà đây là một trong những quyền cơ bản của con người. Nói khác, CNCS thực chất là thứ chủ nghĩa chống con người. Dẫu sao, vẫn có những người thật lòng yêu CNCS mà một nguyên nhân là chủ nghĩa này cho phép họ “thu hồi” tài sản của dân (gồm cả đất đai).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.