Gian thương giáo dục trông giống cái gì?
Hoàng Hải Vân
Tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực hôm qua, Phó tể phụ Vũ Đức Đam rất hùng hồn đề nghị khuyến khích sử dụng lại sách giáo khoa cũ. Ngài cũng tuyên bố không được đưa sách tham khảo vào trường học, ngài còn mạnh mẽ hơn khi yêu cầu cấm cả mọi hình thức “khuyến khích” đưa sách tham khảo vào nhà trường.
Phó tể phụ đang ở cõi trên, tuyên bố của ngài chẳng xi nhê gì đối với Thượng thơ Phùng Xuân Nhạ cùng cõi ta bà Bộ Giáo dục của ông.
Sách thì do cõi ta bà của Bộ GD in, rồi Bộ sửa. Khuyến khích dùng sách cũ chưa sửa có được không? Bộ nói từ năm nay có nhiều bộ sách giáo khoa để lựa chọn, nhưng cũng do Bộ làm, do Bộ in, lựa chọn đường nào đây?
Sách tham khảo cũng do Bộ làm, do Bộ in. Cấm mọi hình thức khuyến khích đưa vào trường học, Bộ sẽ đưa chúng đi đâu đây?
Đi đâu cũng phải đến học trò, chẳng lẽ Bộ đưa đi bán giấy vụn à?
Lẽ ra, nhiệm vụ của nhà nước là chỉ xác lập các chương trình học cho từng cấp, cho từng lớp. Mỗi cấp, mỗi lớp cần được trang bị những tri thức gì. Sách giáo khoa chẳng qua là các tài liệu soạn ra để chuyển tải tri thức đó cho học trò. Mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả sẽ có những cách chuyển tải khác nhau, cho nên các sách giáo khoa cùng một môn học có thể được viết theo các cách khác nhau theo tài năng của từng tác giả. Thầy giáo và học trò sẽ chọn sách nào dễ truyền đạt nhất và dễ tiếp thu nhất. Từ sau khi tiến hành công cuộc Đổi Mới đất nước tới nay, nhà nước vẫn chưa hiểu được đạo lý đơn giản đó. Cho nên, Bộ Giáo dục ôm hết, từ lập chương trình cho đến viết sách, in sách, bán sách, biến thành một nhà buôn bán tri thức, bắt buộc trẻ nhỏ và cha mẹ chúng thành khách hàng.
Buôn bán tri thức là không tốt nhưng chưa phải xấu. Cái xấu là lợi dụng vị thế nhà nước không cho người khác cung cấp để một mình mình cung cấp, gọi là buôn bán độc quyền. Nhưng việc buôn bán độc quyền đó cũng chưa phải quá xấu. Cái quá xấu là nhằm tối đa hóa lợi nhuận nên chỉ cho hàng hóa của mình tồn tại trong một thời gian ngắn để buộc khách hàng phải mua cái khác, tức là sửa sách để cho học trò không dùng sách cũ được mà buộc phải mua sách mới. Cái này là gian thương, thậm chí còn tệ hơn là gian thương.
So sánh gian thương giáo dục với bọn rải đinh cho người đi đường bị chọc lủng lốp xe để mang đến cho chúng vá thì hơi quá, nhưng về bản chất là giống nhau.
P/s : Tôi hoàn toàn không có ý nói gian thương giáo dục là sản phẩm của chế độ. Chế độ này đã từng có một nền giáo dục đáng ngưỡng mộ thời Giáo sư Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng Giáo dục và Giáo sư Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng Đại học.
H.H.V.
Nguồn: Fb Hoàng Hải Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.