Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Thất bại thương mại ê chề của Trump

 

Thất bại thương mại ê chề của Trump

Project Syndicate

Tác giả: Anne O. Krueger

Dịch giả: Mai Vũ Phạm

22-9-2020

Kể từ khi lên nắm quyền vào đầu năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, Mỹ có thể bảo đảm các “thỏa thuận” tốt hơn với các đối tác thương mại trên thế giới bằng cách đàm phán song phương với họ. Nhưng sau ba năm rưỡi, bằng chứng đã rõ ràng: chính sách thương mại của Mỹ đã đạt được mục tiêu ngược lại với các mục tiêu mà Trump đã đặt ra.

Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nền kinh tế toàn cầu đã hoạt động vượt khỏi những giấc mơ ngông cuồng nhất của các kiến ​​trúc sư thời hậu chiến, mang lại lợi ích chưa từng có về y tế, giáo dục, mức sống, giảm nghèo, và thịnh vượng. Mấu chốt của thành công này là sự tăng trưởng và tự do hóa thương mại quốc tế. Điều này có thể thực hiện được nhờ sự lãnh đạo của Mỹ trong việc tạo ra và quản lý một hệ thống thương mại đa phương.

Hệ thống đó – trước hết được ghi nhận thông qua Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT), sau đó là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – đã thiết lập quy tắc luật quốc tế về thương mại toàn cầu, không phân biệt đối xử giữa các đối tác thương mại và diễn đàn đàm phán cắt giảm thuế quan và loại bỏ các thương mại rào cản khác. WTO đã thành công thông qua GATT vào tháng 1 năm 1995, và đến năm 2000, thuế quan trung bình đối với các nhà sản xuất ở các nền kinh tế phát triển là khoảng 2%, thấp hơn nhiều so với mức của năm 1948. Thương mại quốc tế đã tăng từ khoảng 20% ​​GDP toàn cầu trong những năm đầu sau chiến tranh lên tới 39% vào năm 1990 và 58% vào năm 2018.

Nhưng hệ thống thương mại đa phương mở đã bị xói mòn nghiêm trọng trong vài năm qua. Giá trị đồng đô la thương mại thế giới giảm 3% trong năm 2019, ngay cả khi GDP thế giới vẫn tăng. Sự đảo ngược này phần lớn là kết quả của việc Mỹ chuyển hướng sang chủ nghĩa song phương và chủ nghĩa bảo hộ kể từ nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 1 năm 2017. Trump dường như tin rằng Mỹ đủ mạnh để bảo đảm các “thỏa thuận” tốt hơn bằng cách đàm phán một đối một (chính xác là bắt nạt) với các đối tác thương mại. Nhưng trong khi Mỹ là một quốc gia thương mại lớn, nó thật sự chỉ chiếm 4% dân số thế giới và chưa đến 1/5 GDP toàn cầu. Chỉ riêng những con số đó đã lý giải sự hoài nghi về tính hiệu quả của hoạt động dọa nạt song phương của Trump.

Hơn nữa, đã có đủ thời gian để chúng ta có đánh giá kỹ lưỡng giải pháp thương mại của Trump. Mục tiêu của ông khi nhậm chức là giảm cán cân thương mại song phương của Mỹ và dỡ bỏ hoặc giảm bớt các rào cản thương mại và thuế quan đối với hàng hóa Mỹ nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu Mỹ. Tuy nhiên, Trump đã không đạt được bất kỳ mục tiêu nào trong số những mục tiêu đề ra.

Thâm hụt mậu dịch tổng thể và thâm hụt song phương không thể được giải quyết bằng chủ nghĩa bảo hộ, và cả hai chỉ số này đã trở nên tồi tệ dưới thời Trump. Thâm hụt mậu dịch tổng thể của Mỹ đã tăng từ 750 tỷ USD năm 2016 lên 864 tỷ USD vào năm 2019, và hiện đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 7 năm 2008. Và xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc, mục tiêu chính trong chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Trump, chỉ tăng 1,8% trong năm tính đến tháng 8 năm 2020, trong khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã tăng khổng lồ 20%, do đó làm tăng thâm hụt thương mại song phương.

Như trong các cuộc chiến thương mại, cả hai quốc gia đều chịu thiệt hại nặng nề từ việc tăng thuế quan ăn miếng trả miếng. Người tiêu dùng Mỹ hiện phải trả nhiều tiền hơncho các hàng hóa từ Trung Quốc, và Mỹ đã phải trả khoảng 28 tỷ USD tiền bồi thường cho nông dân Mỹ. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã buộc phải trả nhiều tiền hơn cho đầu vào, và do đó đã mất thị phần vào tay các đối thủ nước ngoài hiện có lợi thế về chi phí. Và, có thể dự đoán được, Trung Quốc đã tăng thuế nhập khẩu của chính họ đối với hàng hóa Mỹ, làm suy yếu xuất khẩu của Mỹ.

Tương tự, chính quyền Trump cũng “đàm phán lại” Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Hàn (KORUS) được cho là nhằm giải quyết “các vấn đề mới” như sự trỗi dậy của nền kinh tế kỹ thuật số. Quan trọng, những vấn đề này đã được lưu ý trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do chính quyền Barack Obama đàm phán, là Hiệp định mà Trump đã ngay lập tức từ bỏ khi nhậm chức. Sau khi ký kết một hiệp định thương mại tự do tương tự mà không có Mỹ – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – các thành viên còn lại của hiệp định TPPhiện đang được hưởng quyền tiếp cận miễn thuế vào các thị trường của nhau, trong khi Mỹ phải chịu thuế quan cao hơn so với các nước này.

Vì vậy, cho đến nay, từ việc giảm bớt các rào cản mà hàng xuất khẩu của Mỹ phải đối mặt, Trump đã cố gắng tăng chúng gần như trên diện rộng. Theo TPP, các nhà sản xuất lúa mì Mỹ sẽ được Nhật Bản miễn thuế 38% đối với tất cả lúa mì nhập khẩu. Nhưng giờ đây, TPP đã được thay thế bằng CPTPP, các nhà xuất khẩu lúa mì của Canada và Australia sang Nhật Bản sẽ nhận mức thuế thấp hơn so với các doanh nghiệp Mỹ. Nhật Bản và Liên minh châu Âu còn ký kết với nhau một hiệp định thương mại tự do loại bỏ thuế đối với ô tô và các hàng hóa khác, khiến cho các nhà sản xuất Mỹ đau đầu hơn.

Danh sách các “mục tiêu riêng” của Trump vẫn tiếp tục. Việc Mỹ áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu chỉ gây bất lợi cho các ngành cần sử dụng thép của Mỹ. Thị trường lao động ngành sắt thép cũng đã giảm trong hai năm qua.

Mặc dù hầu hết các đồng minh của Mỹ đã và đang nhận được những yêu cầu thay đổi thương mại của chính quyền Mỹ, nhưng rất ít yêu cầu đã đạt được. Những thay đổi chính đối với NAFTA là ô tô và phụ tùng, và tác động chỉ là tăng cường bảo hộ chống lại hàng nhập khẩu từ Mexico.

Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, chính quyền Trump đã làm suy yếu WTO nghiêm trọng bằng cách ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới vào hội đồng phúc thẩm, do đó khiến cơ chế giải quyết tranh chấp không hoạt động. WTO là một tổ chức toàn cầu có 164 thành viên, chiếm 96,4% thương mại thế giới và 96,7% GDP thế giớiThế giới rất cần nó để hoạt động bình thường.

Chính quyền Trump sẽ có cơ hội thành công lớn hơn nhiều nếu giải quyết các vấn đề thương mại đang tồn tại thông qua WTO. Việc hình thành các liên minh với các nước thương mại có cùng quan điểm và sửa đổi các quy tắc của WTO một cách đa phương vẫn luôn hiệu quả hơn, so với việc đơn phương theo đuổi các mục tiêu nhỏ hẹp, riêng rẽ từng phần. Chủ nghĩa song phương của Trump và việc chối bỏ WTO đã phá hoại toàn bộ hệ thống thương mại quốc tế và gây tổn hại lớn laocho các công ty và các hộ gia đình Mỹ.

_____

Tác giả: Bà Anne O.Krueger là cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới và cựu Phó giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Bà cũng là Giáo sư Nghiên cứu Cao cấp về Kinh tế Quốc tế tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins, đồng thời là Nghiên cứu viên Cao cấp tại Trung tâm Phát triển Quốc tế tại Đại học Stanford.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.