Tạm hoãn động thổ Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ
Vĩnh Long
Giới trí thức Việt Nam cho hay ngày 23/9/2020, lễ động thổ Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đã không diễn ra như dự kiến. Chủ đầu tư đưa ra lý do tạm hoãn vì dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Dự án do Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ (CTC) làm chủ đầu tư, Tập đoàn Vingroup nắm số vốn chi phối (97,15%).
Dự án khu đô thị lấn biển chỉ cách vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ 18 km, cách Khu du lịch sinh thái Vàm Sát 17,5 km. (Nguồn: Tư liệu dẫn qua tài khoản Gaspard L/avaaz.org; được Việt hóa)
Ngày 23/9/2020, người sáng lập Nhà Chống lũ và Quỹ Sống – chị Phạm Thị Hương Giang (thường gọi là Jang Kều) cho biết trên trang cá nhân: Tập đoàn VinGroup đã hoãn lễ động thổ Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với lý do dịch bệnh COVID-19.
Trước đó vài ngày, tại thông báo số 7276 do Văn phòng Chính phủ gửi UBND TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chính quyền TP này xem xét, trả lời những kiến nghị xung quanh Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Chỉ đạo này là động thái trả lời cho kiến nghị xem xét lại và đánh giá độc lập toàn bộ Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, TP.HCM của một số cá nhân và tổ chức xã hội được gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội, UBND TP.HCM ngày 16/7/2020.
Mặc dù vậy, trong văn bản chỉ đạo chính quyền TP.HCM trả lời các kiến nghị, ông Phúc cũng đồng thời nhắc lại việc dự án này được ký phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư trước đó là dựa trên cơ sở tham vấn của nhiều Bộ và tổ chức chính quyền, tổ chức đảng tại TP.HCM.
“Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đã được Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM xem xét rất kỹ lưỡng, họp nhiều lần và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ đã xử lý kiến nghị của TP.HCM tổng thể, đầy đủ, theo đúng quy định của pháp luật, nhất là vấn đề về môi trường.
Trên cơ sở đó Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nêu trên.” – theo nội dung Thông báo 7276.
Thông báo 7276 cũng nêu rõ trong quá trình triển khai thực hiện dự án, UBND TP.HCM “chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật nếu để sai phạm”.
Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ là một trong những dự án kinh tế bị vấp phải nhiều chỉ trích của các chuyên gia nhiều ngành trước những nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường, văn hóa, và xã hội của TP.HCM – thành phố lớn nhất phía nam và các vùng lân cận.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ thông qua Báo cáo tiền khả thi vào năm 2004, TP.HCM cấp phép xây dựng năm 2007, và đã san lấp 15,5 hécta. Năm 2019, các ý kiến phản biện được đưa ra thưa thớt nhưng đầy đủ trên cả báo trong nước và quốc tế, và thực sự nổ ra mạnh hơn khi ngày 12/6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (văn bản do ông Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng ký) điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng diện tích dự án từ 600 ha thành 2.780 ha. Ngày 3/7/2020, chủ đầu tư gửi văn bản tới UBND TP.HCM thông báo dự kiến ngày làm lễ động thổ là 23/9/2020.
Trong bản thỉnh nguyện thư (đang đạt 6.109 chữ ký trên 7.500 chữ ký mục tiêu), tập thể các cá nhân và tổ chức xã hội đồng quan điểm: “Việc xây dựng khu đô thị này là một rủi ro rất lớn về các vấn đề xói lở, ngập lụt, thoát nước, biến đổi hệ sinh thái, ảnh hưởng lớn đến môi trường và xã hội, phá hỏng quy hoạch vùng sinh thái Cần Giờ, đi ngược lại chiến lược ‘Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển của thế giới’, tạo sức ép vượt quá khả năng tài nguyên ở Cần Giờ có thể cung ứng, có nguy cơ trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước và xã hội trong tương lai”.
137,6 triệu m3 cát san lấp cho dự án dự kiến sẽ được khai thác tại các tỉnh ĐBSCL, gồm sông Cửa Đại (Bến Tre), sông Tiền (Đồng Tháp), sông Hậu (Sóc Trăng). “Ai phải trả giá cho số cát san lấp khổng lồ này?” là câu hỏi được đặt ra và đòi hỏi được trả lời nghiêm túc, trước bối cảnh ĐBSCL vốn đang phải đối mặt với hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn, xói lở ngày càng nghiêm trọng cùng nguy cơ bị “tan rã” do phù sa bị chặn bởi các đập thủy điện trên dòng chính Mekong.
Trong một bài báo đăng trên The Straits Times ngày 23/12/2019, PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý Nước và Biến đổi Khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM, dự báo trong vòng 10 đến 20 năm tới, khu vực Cần Giờ sẽ thấp hơn mực nước biển ít nhất khoảng vài cm. Ông này cảnh báo rằng khi ấy, gánh nặng tài chính của việc bảo vệ vùng đất lấn biển sẽ rơi vào ngân sách quốc gia chứ không phải vào nhà đầu tư dự án. Và chi phí này có thể rất lớn.
V.L.
Nguồn: trithucvn.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.