Trường lú lẫn
Phạm Đình Trọng
1. Cuối năm học thứ ba, khóa một viết văn Nguyễn Du chúng tôi đi thực tế để viết tác phẩm tốt nghiệp. Tôi, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Xuân Khoa, Nguyễn Trí Huân … trong đoàn đi Lâm Đồng do ông thầy tiến sĩ văn chương Hoàng Ngọc Hiến dẫn đầu.
Ở Lâm Đồng đoàn chúng tôi có thêm một thành viên mới, tỉnh ủy viên, trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lâm Đồng Hồ Phú Diên. Dáng người khô gày. Nước da tái xạm của người có những năm dài sống trong rừng. Con người trông khắc khổ, mỏi mệt đó tưởng sẽ coi chúng tôi như thứ của nợ đến quấy rầy. Nhưng không. Ông Hồ Phú Diên đã dành cho chúng tôi một tình cảm ấm áp, nồng hậu.
Trong con người gày guộc ấy có một trái tim mạnh mẽ và một nguồn năng lượng dồi dào, Ồng Hồ Phú Diên đã dẫn chúng tôi đi khám phá giang sơn Lâm Đồng của ông. Khi chúng tôi ở nhà khách tỉnh ủy Lâm Đồng đường Duy Tân, Đà Lạt, đến bữa, ông Diên lại đến đưa chúng tôi đi ăn. Ông Diên cùng ngủ trên sạp nứa trong căn nhà heo hút bên bờ con suối rộng giữa rừng Đạ Teh miền viễn tây Lâm Đồng với chúng tôi. Đó là nhà ông Kha, dân Nam Định giữa đồng bắng Bắc Bộ đói đất đã ngược sông Đồng Nai đi tìm đất. Bản Gor huyện Đa Teh thượng nguồn sông Đồng Nai heo hút nhưng đất sình mênh mông, màu mỡ đã giữ chân người nông dân đói đất lại.
Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lâm Đồng Hồ Phú Diên đến nhà ông nông dân Kha như về nhà mình. Là dân miền biển Bình Thuận nhưng trong suốt cuộc chiến tranh được gọi là “giải phóng miền Nam” ông Diên như già làng của những buôn người K’ho, người Mạ. Ông thuộc những lối mòn trong rừng Lâm Đồng còn hơn thuộc đường phố Đà Lạt. Làm nghề tuyên giáo từ những ngày ở rừng, ông Hồ Phú Diên cũng là già làng của làng Tuyên giáo Lâm Đồng.
Sau tuần nước, ông Diên kéo ông Kha đi đánh cá sông Đồng Nai về đãi khách. Quàng tấm lưới lên vai, ông Diên rủ thầy Hiến: Anh đi với chúng tôi để biết đất Lâm Đồng của chúng tôi giầu có như thế nào. Ba người bước xuống chiếc ghe máy đã đưa chúng tôi đến đây. Ông Diên nổ máy, lái ghe chạy ra sông Đồng Nai. Ngay chiều hôm đó chúng tôi được hai ông chủ rừng Lâm Đồng đãi một bữa đặc sản. Rượu ông Kha tự nấu và cá thượng nguồn sông Đồng Nai.
Cụng li không biết là đến lần thứ mấy, ông già làng Tuyên giáo Lâm Đồng thật thà than phiền rằng làm nghề gì cũng phải học. Cả đời làm nghề tuyên giáo nhưng ông có thiệt thòi là không được học lí luận bài bản ở trường đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Thôi đành học trong thực tế vậy. Tôi đi theo các anh cũng là để học. Học sự phát hiện những vấn đề của cuộc sống.
Tôi hơi bất ngờ khi ông trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Hồ Phú Diên vừa dứt lời thì ông thầy Hoàng Ngọc Hiến của chúng tôi liền bảo: Anh không được học trường đảng Nguyễn Ái Quốc là may. Học cái sai thì càng học càng ngu. Càng học càng lú lẫn. Đất nước mình khốn khổ như hiện nay là vì cứ lú lẫn mãi.
Như chỉ nói riêng với ông Diên, thầy Hiến nói nhỏ nhưng tôi ngồi cạnh nên nghe rõ. Ông Diên ngửa cổ uống cạn li rượu rồi giang tay ôm ông thầy tiến sĩ văn chương. Tôi hiểu hai ông phải hiểu nhau, tin nhau đến mức nào, thầy Hiến mới có thể nói ra điều như nghiền ngẫm sâu kín trong lòng và ông Tuyên giáo Diên mới có được vòng tay ôm chặt ông thầy văn chương thân thiết đến vậy.
2. Tưởng rằng chỉ có ông thầy nhiều chữ và lãng đãng nghệ sĩ Hoàng Ngọc Hiến mới dám bảo trường đảng cấp cao Nguyễn Ái Quốc là trường lú lẫn. Không ngờ, đọc hồi kí của nhà văn Nguyên Ngọc tôi đã được đọc những dòng nhà văn viết về một nhà chính trị chuyên nghiệp, ông Hồ Nghinh, ủy viên trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Nhà văn của Đất Nước Đứng Lên viết “Anh Hồ Nghinh, bí thư Quảng Đà. Anh Nghinh xuất thân gia đình nho học. Thân phụ anh từng làm huấn học, tức quan chức chăm lo việc học ở hai huyện Quế Sơn, Tiên Phước, Quảng Nam. Anh cũng đã học tú tài Tây ở Quốc học Huế. Ở con người ấy có thể nhận ra phong thái từ tốn, thâm trầm của nhà nho, lẫn tinh thần tự do, tự trị của người có Tây học”.
Tú tài Tây là đã học xong trung học, đã làm chủ hai ngoại ngữ lớn là tiếng Anh và tiếng Pháp, có nền tảng văn hóa khá cao trong xã hội. Khi xếp bút nghiên đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp, những nhà văn, nhà văn hóa lớn sau này như Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Dương Tường, Phạm Toàn, Vũ Bão, Bùi Ngọc Tấn … chỉ mới vừa bước vào trung học.
Con người điềm tĩnh, thâm trầm, chín chắn của dòng dõi nho học, con người tú tài Tây học, con người chính trị ỏ tầm quốc gia Hồ Nghinh đã chân thành căn dặn nhà văn Nguyên Ngọc khi nhà văn đến từ biệt trước khi rời Đà Nẵng ra Hà Nội nhận trách nhiệm lãnh đạo hội Nhà Văn Việt Nam: “Ra ngoài đó, muốn làm gì thì làm, nhưng mình dặn một điều, đừng có đi học trường Nguyễn Ái Quốc nghe, chỉ đần người đi!”
Viết về lời khuyên của bậc đàn anh trong cuộc đời và trong hoạt động chính trị, nhà văn Nguyên Ngọc còn viết thêm về nỗi chán chường khi phải miễn cưỡng cắp sách đến trường đảng cấp cao Nguyễn Ái Quốc: “Tôi đã không làm được điều anh dặn, khi ông Tố Hữu buộc tôi đi học trường này trước lúc về làm Bí thư đảng đoàn Hội Nhà Văn. Cũng may là chán quá tôi đã bỏ dở giữa chừng, lấy cớ Ban Bí thư trung ương đã lập đảng đoàn rồi, cử tôi là người chủ trì, tôi phải về làm việc ngay”.
Hoàng Ngọc Hiến và Hồ Nghinh đều là người có học. Đều là đảng viên cộng sản. Ông Hồ Nghinh còn là lãnh đạo cấp cao của đảng. Sau hiệp định Genève 1954, ông Hồ Nghinh được đảng tin tưởng ém lại Quảng Nam, làm bí thư tỉnh ủy bí mật trong lòng nhà nước thù địch Việt Nam Cộng Hòa và ông đã là bí thư tỉnh ủy vững vàng, kiên cường suốt từ 1954 đến 1975 ở mảnh đất bị càn quét, tróc nã, trả thù khủng khiếp nhất về chính trị và bị đánh phá đẫm máu nhất về bom đạn. Sau 1975, ông Hồ Nghinh vào trung ương, làm phó ban Kinh tế trung ương. Hai con người trí tuệ và sắc sảo đó đều bảo học trường đảng cấp cao Nguyễn Ái Quốc làm cho con người lú lẫn, đần độn thì không thể không có hạt nhân của sự thật.
3. Ông Nguyễn Phú Trọng vào Bộ Chính trị rồi làm bí thư thành ủy Hà Nội từ tháng 1.2000. Vừa ngồi vào ghế quan cai trị cao nhất đất văn hiến, ông Trọng liền được dân kinh kì Hà Nội tặng cho biệt danh Trọng Lú. Cái tên Trọng Lú tồn tại trong dân gian từ đó đến nay và chắc chắn sẽ còn trong ngàn năm bia miệng. Đã học trường đảng Nguyễn Ái Quốc ở Việt Nam lại lặn lội sang tận xứ bạch dương tuyết trắng vào học trường đảng cộng sản Liên Xô thì làm gì không lú nặng!
Từ nhiều năm nay, những người lãnh đạo từ cấp tỉnh, thành, từ cấp bộ trở lên đều phải có bằng cao cấp lí luận chính trị, tức là đều phải qua trường đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, đều phải có bằng lú lẫn, theo cách nói của nhà văn hóa Hoàng Ngọc Hiến, đều phải có bằng đần độn, theo cách nói của nhà chính trị chuyên nghiệp Hồ Nghinh. Bộ máy quản lí nhà nước với những người lãnh đạo cấp cao lú lẫn và đần độn đó, làm sao đất nước không đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, làm sao đất nước không trì trệ, lạc lõng với nhân loại văn minh!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.