Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

NHỮNG BẰNG CHỨNG VỀ MỘT CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC

 

NHỮNG BẰNG CHỨNG VỀ MỘT CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC


NHỮNG BẰNG CHỨNG VỀ MỘT CUỘC 
CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC
 
Nguyễn Quang Thiều
23 tháng 9 lúc 20:37· 
 
Sáng nay ( 23/09), nhà báo Trần Mạnh Thường mang đến tặng tôi tập sách ảnh có tên NHÌN LẠI CUỘC CHIẾN BIÊN GIỚI PHÍA BẮC 1979 vì đây là ấn phẩm của Nhà xuất bản Hội Nhà văn và cũng vì tôi là người viết một lời giới thiệu ngắn cho tập sách đặc biệt này. Xin chúc mừng nhà báo Trần Mạnh Thường và xin giới thiệu với mọi người lời giới thiệu cuốn sách: NHỮNG BẰNG CHỨNG VỀ MỘT CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC.

Chiến tranh là điều không ai muốn, nhưng bất cứ cuộc chiến tranh nào đã nổ ra thì nhân loại không được phép lãng quên. Dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao cuộc chiến tranh tàn khốc vì nền độc lập và tự do của mình. Cuộc chiến tranh do quân xâm lược bành trướng Trung Quốc tiến hành năm 1979 trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta là một cuộc chiến tranh có những lý do đặc biệt mà chúng ta không thể nào quên và không được phép quên. 
 
Không chỉ bây giờ mà mãi mãi về sau, những người Việt Nam phải nhớ và hiểu đúng cuộc chiến tranh này. Để cuộc chiến tranh này không bị lãng quên và không bị mờ đi hay khác đi trong cái nhìn của hậu thế thì việc ghi lại một cách trung thực nhất những gì diễn ra dọc biên giới phía Bắc năm 1979 là sứ mệnh vô cùng quan trọng của các nhà báo, các nhà văn, các nhà sử học…Trong đó các nhà nhiếp ảnh trong nhiệm vụ của một nhà báo đóng một vai trò hết sức quan trọng.
 
Khi tiếng súng của cuộc chiến tranh đang rền vang và máu đang chảy dọc chiếu dài biên giới phía Bắc cũng là lúc nhà báo, nhà báo Trần Mạnh Thường đã có mặt ở đó với nhiệm vụ của một nhà báo chiến trường. Với vũ khí quan trọng nhất của mình là chiếc máy ảnh, ông đã chụp những bức ảnh về cuộc chiến tranh đó. Những bức ảnh là cái nhìn của ông về những gì đã diễn ra. Đó là một cái nhìn sống động và trung thực. Những bức ảnh phóng sự chiến trường trong các cuộc chiến tranh trên thế giới là bằng chứng thuyết phục nhất về sự thật cuộc chiến tranh đó. Nhà báo Trần Mạnh Thường là một trong những nhân chứng của cuộc chiến tranh này và những bức ảnh là những bằng chứng không gì có thể đánh tráo được về sự thật của cuộc chiến tranh xâm lược ấy.
 
Cho dù những bức ảnh là tĩnh nhưng toàn bộ những bức ảnh trong tập sách này lại tạo nên một sự chuyển động đầy khốc liệt của cuộc chiến tranh, sự hy sinh lớn lao của nhân dân và tinh thần chiến đấu kiên cường vì tổ quốc của những người lính Cụ Hồ. Đó là cảnh nhà cửa, trường học, bệnh viện, nhà trẻ, chùa chiền… bị quân xâm lược Trung Quốc tàn phá tan hoang, đó là hình ảnh những người dân chịu bao mất mát thương đau, đó là những anh bộ đội đã quên mình để bảo vệ tổ quốc, đó là những gì mà kẻ xâm lược phải nhận lấy như hậu qủa tất yếu của những kẻ xâm lược, đó là chủ nghĩa nhân đạo truyền thống của dân tộc Việt Nam đối với những đội quân xâm lược trong suốt chiều dài lịch sử của mình.
 
Những khuôn hình của nhà nghiếp ảnh Trần Mạnh Thường luôn tạo ra những cái nhìn tập trung, sắc lạnh, vừa chi tiết vừa bao quát và lột tả được toàn bộ những gì mà cuộc chiến đã diễn ra. Những bức ảnh trung thực cho người xem cảm như chính mình đã chứng kiến cuộc chiến tranh ấy. Toàn bộ hàng chục bức ảnh không làm cho người xem mang cảm giác của sự sắp đặt hay sự ‘’lãng mạn’’ nào đấy. Mỗi ánh mắt, mỗi gương mặt của người dân Việt Nam, của những chiến sỹ Việt Nam trong cuộc chiến đấu hiện lên rất rõ ý chí bất diệt vì chủ quyền dân tộc như ông cha họ đã minh chứng qua hàng ngàn năm lịch sử và cũng hiện lên sự man rợ và nỗi sợ hãi của những kẻ xâm lược. 
 
Thời gian dần dần xóa đi những vết tích đau thương của cuộc chiến tranh, nhưng sự thật về cuộc chiến tranh đó sẽ mãi mãi là bài học không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà cho các dân tộc nguy cơ bị xâm lược. Lịch sử phải được tôn trọng và được minh chứng. Và nhà báo nghệ sỹ Trần Mạnh Thường đã góp một phần quan trọng vào sự minh chứng ấy.
 
(Ảnh: bìa cuốn sách NHỮNG BẰNG CHỨNG VỀ MỘT CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC, Nhà XB Hội Nhà văn 2020).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.