Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Tổng thống Trump chà đạp lên luật pháp quốc tế như thế nào?

 

Tổng thống Trump chà đạp lên luật pháp quốc tế như thế nào?

Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Donald Trump, không chỉ thể hiện là người thù địch với các thể chế đa phương, ông còn sẵn sàng chà đạp lên hệ thống luật pháp quốc tế.

Như đầu tháng này, TT Trump công bố sắc lệnh hành pháp trừng phạt các Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) bằng cách phong tỏa tài khoản và cấm gia đình họ đặt chân vào Hoa Kỳ, vì tiến hành điều tra về tội ác chiến tranh của binh lính Mỹ tại Afghanistan.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 2/9 mô tả cuộc điều tra này là “bất hợp pháp”. Phía Hoa Kỳ lập luận rằng họ không phê chuẩn Quy chế Rome về ICC nên họ không công nhận quyền tài phán của ICC.

ICC nhanh chóng bác bỏ lập luận này và cho biết họ có đủ thẩm quyền điều tra và xét xử vụ việc, căn cứ vào thẩm quyền lãnh thổ, bởi nơi xảy ra vụ việc là Afghanistan và quốc gia Afghanistan đã phê chuẩn trở thành thành viên của Quy chế Rome về ICC.

Việc binh lính Mỹ có phạm tội ác chiến tranh ở Afghanistan như cáo buộc hay không, vẫn chưa thể xác định được. Nhưng với cách ứng xử của Trump – đe dọa và ra lệnh trừng phạt nhắm vào các cá nhân là Công tố viên độc lập của ICC – là một hành động chưa từng có tiền lệ từ các chính phủ – vì đây là cách hành xử chỉ có ở phiến quân và các tổ chức mafia mới sử dụng đến.

Thông thường, các quốc gia khi đối diện với cáo buộc này, họ luôn có một chính sách ứng phó rất mềm dẻo và khôn ngoan. Một mặt luôn thể hiện quốc gia mình có trách nhiệm và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng mặt khác cũng cố gắng bảo vệ hình ảnh và binh lính của quốc gia mình.

Nhưng với sự ngạo mạn thường thấy ở TT Trump, ông ta đã hành xử rất ngang ngược, lệnh cho Ngoại trưởng Mike Pompeo đăng đàn đe dọa các Công tố viên, bất chấp luật pháp quốc tế, cũng như khinh miệt cơ quan xét xử hình sự của Liên Hợp Quốc.

Bà Balkees Jarrah, cố vấn cấp cao của Human Rights Watch gọi vụ việc này là “sự đáng xấu hổ xuống mức thấp nhất của Hoa Kỳ về các cam kết đối với công lý cho nạn nhân của những tội ác tồi tệ nhất“.

Với lối hành xử như vậy, rõ ràng uy tín và vị thế của Hoa Kỳ đã xuống mức thấp nhất trong những năm TT Trump cầm quyền. Chỉ mới đây thôi, sự thất bại ê chề của Donald Trump trong việc lôi kéo các quốc gia khác tái lập lệnh trừng phạt Iran đã cho thấy rõ điều này.

Cả ba quốc gia đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ là Anh, Pháp và Đức đã nói không với lệnh trừng phạt Iran. Các quốc gia này làm vậy không phải vì họ muốn bảo vệ cho quốc gia độc tài này, mà bởi họ không chấp nhận cho việc Donanld Trump chà đạp lên luật lệ quốc tế, phá vỡ các thể chế đa phương – thông qua việc đơn phương xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.

Thông điệp “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Trump, sau gần 4 năm cầm quyền, dường như là một khẩu hiệu dùng để mị dân và trang trí cho quyền lực của ông ta. Bởi, không một quốc gia nào có thể trở nên vĩ đại dưới sự dẫn dắt của một con người sẵn sàng chà đạp lên luật pháp và công lý.

____

Mời đọc thêm:

– Thông cáo báo chí của ICC hôm 5/3/2020, cho phép Công tố viên mở cuộc điều tra về tội ác chiến tranh của Taliban, Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan, và quân đội Hoa Kỳ thực hiện ở Afghanistan vào năm 2003: https://www.icc-cpi.int/Pages/item.aspx?name=pr1516

– Thông cáo báo chí của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ hôm 2/9, về sắc lệnh trừng phạt các Công tố viên của ICC: https://www.state.gov/actions-to-protect-u-s-personnel-from-illegitimate-investigation-by-the-international-criminal-court

– ICC ra thông cáo báo chí lên án mạnh mẽ sắc lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vào các Công tố viên của ICC: https://www.icc-cpi.int/Pages/item.aspx?name=pr1535

– Human Rights Wacht lên tiếng chỉ trích chính phủ Mỹ đã đe dọa các Công tố viên ICC: https://www.hrw.org/news/2020/03/19/us-again-threatens-international-criminal-court

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.