Để tổ chức đại diện người lao động phát huy hiệu quả trong thực tế
Tham gia buổi tọa đàm có các đại biểu đến từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức OXFAM tại Việt Nam và một số tổ chức xã hội, các luật sư và chuyên gia pháp lý, các nhà báo cùng một số cá nhân quan tâm.
Đã có bốn bài tham luận được các diễn giả trình bày tại buổi tọa đàm, tập trung phân tích những quy định mới của Bộ Luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021) về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Các bài này cũng phân tích việc Việt Nam nội luật hóa các quy định của Công ước 87 và Công ước 98 của ILO, về tổ chức hoạt động và mối quan hệ giữa công đoàn cơ sở thuộc hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực, Chính phủ Việt Nam sẽ và cần quy định chi tiết như thế nào về các điều khoản được giao trong luật về việc thành lập, đăng ký hoạt động, tài chính và nhiều vấn đề liên quan khác của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Nhìn chung các ý kiến tại tọa đàm đều nhận định, việc hình thành các tổ chức đại diện người lao động song hành với hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là xu thế tất yếu trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới. Việc này không phải chỉ nhằm đáp ứng điều kiện gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA mà còn phù hợp với đòi hỏi ngày càng cao của người lao động và yêu cầu hoàn thiện pháp luật lao động của Việt Nam.
Ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam khi ban hành Bộ Luật Lao động năm 2019, song cũng còn rất nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của luật vì cho đến thời điểm này thì dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vẫn chưa được đưa ra lấy ý kiến nhân dân trong khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là luật đã có hiệu lực.
Ngoài ra, một số điều khoản trong luật được quy định rất chung chung nhưng lại không được giao cho Chính phủ quy định chi tiết thì sẽ áp dụng trên thực tế như thế nào? Nhiều khó khăn, thách thức mà các tổ chức đại diện người lao động sẽ phải đối mặt khi thành lập và hoạt động cũng đã được nêu ra như tính hợp pháp của quá trình chuẩn bị thành lập, nguồn tài chính và kinh phí hoạt động, quyền liên kết của các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở với nhau.
Các đại biểu cũng đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các tổ chức đại diện người lao động tương tự như đã và đang hỗ trợ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (nếu không thì sẽ là bất bình đẳng), cần có quy định về việc chia sẻ quyền sử dụng khoản kinh phí công đoàn (2% quỹ lương do người sử dụng lao động đóng) giữa tổ chức đại diện người lao động và công đoàn cơ sở…
Đáng chú ý là các ý kiến cho rằng các tổ chức đại diện người lao động không nên tập trung vào việc cạnh tranh thu hút thành viên mà cần hợp tác với nhau vì mục tiêu chung là quyền lợi của người lao động, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần từ bỏ quan điểm gắn vấn đề đa đại diện với an ninh quốc gia hay thể chế chính trị bởi kinh nghiệm quốc tế cho thấy đa đại diện chưa bao giờ là mối đe dọa đối với bất kỳ chế độ chính trị nào.
Điều đáng tiếc nhất của buổi tọa đàm là do thời lượng có hạn, phần thảo luận đã bị cắt ngắn nên nhiều người tham gia đã không có cơ hội phát biểu ý kiến. Tuy vậy, tọa đàm diễn ra trong vòng hơn 3 giờ đồng hồ đã giúp những người tham dự có được những góc nhìn rõ nét hơn về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở cũng như các khó khăn, thách thức có thể phải đối mặt và những vấn đề cần phải giải quyết để quy định pháp luật rất mới mẻ này sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
VIU đưa tin từ Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.