Thứ Tư, 20 tháng 5, 2020

Vụ Hồ Duy Hải và chính trị chính danh

Vụ Hồ Duy Hải và chính trị chính danh

19-5-2020
Đều là môn sinh của trường công an, ông chánh án toà án tối cao Nguyễn Hoà Bình và ông viện trưởng viện kiểm sát tối cao Lê Minh Trí, một ông Bắc, một ông Nam, lại có ngôn ngữ thể hiện rất khác nhau.
Ông toà nói án rất chính trị. Ông kiểm sát nói án rất pháp lí. Ông toà ấn định bản chất. Ông kiểm sát biện giải trên hành vi.
Công luận xã hội yêu cầu cấp trên của hai bên phán xét đúng sai.
Quốc hội, có thể coi là cấp trên hợp hiến của toà và viện, chỉ có 3 đại biểu thực hiện nghiêm túc chức trách của mình lên tiếng bày tỏ chính kiến trước một vấn đề tối hệ trọng liên quan đến sinh mệnh của công dân và nền tư pháp.
(Không biết phê bình của ông phó toà tối cao Nguyễn Trí Tuệ với ý kiến của ba đại biểu nói trên có hiệu lực tới đâu, nhưng cho tới hiện nay các đại biểu dân bầu vẫn chưa bày tỏ ý kiến).
Người phát ngôn của Quốc hội, ông tổng thư kí Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí theo ngôn phong của hành pháp, “đang giao cơ quan chức năng của quốc hội nghiên cứu đề xuất”.
Tới đây lạc mất đường dây, không biết cơ quan chức năng của quốc hội là cơ quan nào?
Theo thiển ý, có lẽ ông Hạnh Phúc đề cập tới uỷ ban thường vụ quốc hội hay các uỷ ban chuyên môn của quốc hội?
Quốc hội theo hiến pháp thực hiện trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất bằng phiên họp có tối thiểu 2/3 số lượng đại biểu đương nhiệm tham dự. Quốc hội ít khi thể hiện quyền đại diện nhân dân bằng cách tiến hành phiên họp như vậy cho một vụ việc cụ thể như sự việc nói trên.
Còn hiến định đại biểu quốc hội là chủ thể thực hiện quyền đại diện của nhân dân thường xuyên.
Với danh nghĩa quốc hội, chủ tich quốc hội, hay tổng thư kí quốc hội được uỷ quyền, có thể trưng cầu ý góp ý của chuyên gia, các cơ quan nhưng không thể coi đó là ý kiến tham mưu, đề xuất giải quyết công việc như bộ máy hành chính nhà nước. Dù không có ý kiến góp ý nào thì quốc hội vẫn phải thực hiện chức trách của mình, không thể đổ do cơ quan tham mưu chưa đề xuât.
Nghe ông tổng thư kí quốc hội phát ngôn nhiều lần giao này giao nọ, tưởng tổng thư kí quốc hội có quyền như kiểu quyền hành pháp vậy.
Thành ra theo lối trả lời của ông Hạnh Phúc, nhân dân không thấy khả tín về một sự vụ đang nước sôi lửa bỏng và cấp thiết diễn ra trong đời sống xã hội.
Có thể cũng là chuyện không làm thay đổi bản chất theo lối nhận thức bừa phứa như diễn ra ở hội đồng thẩm phán.
Nhưng trong chính trị, ngôn ngữ thể hiện tính chính đáng của vai trò. Nói không hợp vai là quá phận. Quá phận thì không có chính danh, chính đáng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.