Stylist Hồ Chí Minh
22-5-2020
Tổng kết tuần của tui về tuần lễ đáng lẽ được tổ chức rất rùm beng nhưng lại đi vào chiều sâu (hay ngõ cụt) xây miếu thuy. Từ bản vẽ công trình thôi cho thấy đền thờ gia tộc chủ tịch Hồ Chí Minh định ở Nghệ An là một sản phẩm ngược chiều văn hoá và tư tưởng chính trị của ông. Nói thẳng thắn, người ta khai thác bằng mọi giá bản quyền Hồ Chí Minh. Đó đang là kiểu chính trị dân tuý hết sức phổ biến.
Trong khi đó, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh về cuộc sống cá nhân của ông, lại có thể nhìn thấy:
Đó là người có gu thẩm mỹ vượt trội trong tầng văn hoá đại chúng. Có lẽ ở Việt Nam, cụ Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Bùi Quang Chiêu, Phạm Duy Tốn… là những người tiên phong cho văn hoá đại chúng (theo những gì xác thực được mà tui biết). Văn hoá đại chúng chính là sản phẩm thực hành xã hội tự do dân chủ, đương nhiên không phải trình showbiz hay trình đếm like, view.
Trong đương thời của mình, cụ Hồ là một stylist có nghề cho bản thân.
Đừng suy nghĩ theo hướng tác phong giản dị, khiêm tốn. Hút ba số thời đó phải là dân sành điệu, và tuyệt nhiên thuộc lớp “nhà có điều kiện”. Nếu còn làm một tạp chí về lối sống, tui nhất định sẽ triển khai cách tiếp cận Nguyễn Ái Quốc như một Fashionman hàng đầu ít người sánh kịp.
Mở ngoặc, chính trị học cần phải củng cố các bằng chứng để xem xét sáng kiến xác lập chức danh Chủ tịch nước của Hồ Chí Minh. Chức danh này nếu Việt Nam có và dùng trước cả bên Trung Quốc thì nên gợi ý nhắc nhở người anh em vàng giả phương bắc về bản quyền chính trị này. Nó cũng gợi ý đến khả năng tư duy về một chính thể cộng hoà, hội tụ trong quyền lực quốc gia sự thực hành trực tiếp quyền công dân và quyền tự quyết của các cộng đồng chính trị, tuyệt đại là kiểu cộng đồng lãnh thổ. Đó có thể là một thể chế phương đông kiểu mẫu của xã hội tự do, dân chủ mà Việt Nam đóng góp. Kiểu mẫu đó tạo ra một kiểu quyền lực mềm của Việt Nam, thế nước giữ vững độc lập, hoà bình và thịnh vượng.
Di sản Hồ Chí Minh chính yếu có lẽ là ở phương thức tư duy này. Khép ngoặc.
Trong hướng tiếp cận như một stylist có nghề, cụ Hồ từ sau khi thực hành sáng kiến Chủ tịch nước, luôn gắn với hình ảnh bộ đại cán. Nếu so sánh những lần cụ xuất hiện trong bộ vest sang trọng, có thể thấy cụ thể hiện mình đồng đẳng với những nhà lãnh đạo siêu hạng của châu Á và thế giới cộng sản. Làm rõ giả thuyết chiếc áo đại cán được ra đời ở một tiệm may thuộc xứ Bắc kì trở thành trang phục của lãnh tụ Tôn Trung Sơn, được vinh danh quốc phụ của Trung Hoa hiện đại, có thể tiếp cận ý thức về đẳng cấp của Hồ Chí Minh với các đồng chí của mình.
Tuy nhiên, tất cả những tiếp cận đó đều phụ thuộc vào tác động của thế hệ POP tiên phong mà cụ Phan Chu Trinh khởi đầu và kiên định. Nên ở Việt Nam, phải tôn cụ Phan Chu Trinh là một nhà khai sáng của dân tộc.
Cứ nghĩ đi, một đại khoa bảng, bỏ từ chương, cử tử, chức vị cao cấp trong guồng máy trung ương, tẩy ra khỏi não di sản thần dân để tìm thấy vai trò cá nhân của mỗi người dân trong việc kiến quốc, tầm vóc ấy hậu thế chưa ai có được.
Nếu có một nhân vật là danh nhân văn hoá xứng đáng nhất thì nhân vật đó là Phan Chu Trinh.
Lịch sử hiện đại của Việt Nam có lẽ nên tìm kiếm nhiều hơn ở góc độ văn hoá. Trên phương diện đó, chữ quốc ngữ được áp dụng chính thức là mặt chữ đại chúng giữ vai trò một cột mốc. Vì vậy, lịch sừ hiện đại Việt Nam có là kết quả của một phong trào vận động văn hoá. Văn hoá đại chúng là nền tảng cơ bản để tỉnh hồn quốc dân, hướng tới độc lập và kiến tạo quốc gia. Chưa có nhà cách mạng nào vượt qua Phan Chu Trinh tầm nhìn đó.
Ý nghĩa đó rất đặc biệt, vì nó được vận hành bởi những hoạt động của xã hội dân sự. Nguyễn Ái Quốc rồi Hồ Chí Minh cũng là một chính trị gia xuất chúng từ là nhà hoạt động xã hội dân sự xuất chúng.
Thể chế do Cụ Hồ sáng lập thành công khi còn vận hành, từ thiết kế đến triển khai, dựa vào một trong những trụ cột động lực chính yếu đó là xã hội dân sự. Từ khi xã hội dân sự chung đồng phục, rồi bị xoá sổ, những sai lầm chính yếu của chính trị cầm quyền đều có nguyên nhân từ việc không tuân thủ nguyên lí cách mạng này của lịch sử hiện đại ở Việt Nam.
Thể chế ấy học ở đâu sự từ bỏ nguyên lí cách mạng của cụ?
Hay các đồ đệ sợ chính kiểu thành công của cụ mà bẻ ghi?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.