Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

Sân golf Phan Thiết – Bài 2: Nhận diện nhóm lợi ích

Sân golf Phan Thiết – Bài 2: Nhận diện nhóm lợi ích

Phan Bình Minh
23-5-2020
I. Nhóm lợi ích
Xét về nhu cầu phát triển xã hội thì có các nhóm lợi ích là cần thiết. Các nhóm lợi ích cùng chung mục tiêu sẽ vận động, gây áp lực xã hội thúc đẩy các mục tiêu bằng cách sử dụng các hình thức tuyên truyền vận động để tác động đến dư luận hoặc chính sách của chính phủ; họ đã và tiếp tục đóng góp một phần quan trọng trong sự phát triển của hệ thống chính trị và xã hội. Tuy nhiên, điều đó chỉ ở các nước dân chủ, phát triển.
Còn ở Việt Nam, thì “nhóm lợi ích” được hiểu theo góc độ khác, thuần túy về lợi ích kinh tế. Từ khi công cuộc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng nổi lên, cụm từ “nhóm lợi ích” được sử dụng nhiều; lúc này “nhóm lợi ích” thực chất là sự cấu kết, thông đồng giữa những đại gia với quan chức có quyền lực trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị để bòn rút tài sản quốc gia, của nhân dân. Mục tiêu cuối cùng của nhóm lợi ích là tạo ra lợi ích nhóm, bất chấp gây thiệt hại cho dân tộc.
Thời gian vừa qua nhiều vụ án lớn đã đưa ra xét xử, gần đây là thương vụ MobiFone mua AVG, báo chí vẫn nói nhiều về “nhóm lợi ích”. Dù vụ án kết thúc nhưng vẫn không thấy “nhóm” nào, ít nhất là theo nghĩa đen: có trưởng nhóm, có mục tiêu, có kế hoạch, …
Dư luận hiện nay cũng đặt câu hỏi về “nhóm lợi ích Sân Golf Phan Thiết”; bài viết này cố gắng nhận diện nhóm lợi ích này: ai đại diện, ai tham gia, mục tiêu, kế hoạch thực hiện.
II. Bóng dáng một ông trùm
1. Chân dung một anh hùng
Chỉ cần nhập Google từ khóa “Anh hùng lao động Nguyễn Văn Đông” thì thấy nhiều bài viết về Nguyễn Văn Đông. Báo lề phải viết khá nhiều, nội dung chủ yếu ca ngợi anh hùng (dạng người tốt việc tốt) các báo na ná nhau, đại loại:
Nguyễn Văn Đông sinh năm 1962, quê ở xã Đức Phú, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tốt nghiệp trung học phổ thông, người thanh niên tên Đông vào nam, khát khao cháy bỏng đổi đời cơ cực cho mình, cho gia đình và quyết tâm làm giàu. Từ làm thuê, đến kinh doanh nhỏ, rồi thành lập xí nghiệp phát triển thành công ty đến nay là một Tập đoàn kinh tế hùng mạnh của tỉnh Bình Thuận với đảng bộ lớn nhất nước. Nào là vị anh hùng, đại gia nhưng sống giản dị, đạm bạc; nào là lo toan cho người nghèo, …
Thậm chí, báo Nhân dân không biết viết thêm cái gì cho anh hùng, đến năm 2010 copy bài trên báo Tiền Phong từ năm 2005 để ca ngợi (tác giả cần tiền nhuận bút hay ân sủng từ người anh hùng?). Xem bài “Ông chủ doanh nghiệp tư nhân trở thành Anh hùng”, đăng trên Tiền Phong ngày 30/09/2005. Gần 5 năm sau, bài báo này được báo Nhân Dân đăng lạivào ngày 17/09/2010 (hình 2.1.)
Hình 2.1. Báo Nhân Dân năm 2010 bên phải, copy bài trên báo Tiền Phong từ năm 2005 để ca ngợi “anh hùng” Nguyễn Văn Đông.
Những bài viết để chạy quảng cáo có nội dung dạng như vậy trên báo lề phải dày đặc, nhất là sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào Phan Thiết gặp Nguyễn Văn Đông, và sau này là sự hợp tác giữa Nguyễn Văn Đông và Phùng Quang Hải (Chủ tịch Tổng công ty 319; con Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh) để thực hiện dự án Sân bay Phan Thiết.
Hình 2.2. Báo chí của Đảng ca ngợi ước vọng thầm kín của Nguyễn Văn Đông. Nguồn: Nhân Dân
Trước năm 2015 báo lề phải viết khá nhiều về anh hùng lao động Nguyễn Văn Đông, sau đó một số báo bắt đầu rút bài xuống. Ngay trên web http://www.rangdonggroup.com.vn/ của Rạng Đông cũng rút bài (hình 2.2.).
Báo chí cách mạng Việt Nam có đặc điểm là: biết khá nhiều, nhưng đưa tin chỉ một phần cùng một hướng cho một mục đích hoặc theo chỉ đạo nào đó. Ví dụ như trường hợp Nguyễn Xuân Anh – Bí thư thành phố Đà Nẵng. Trước đó báo chí của Đảng ca ngợi: Nào là bí thư trẻ của một thành phố đầu tàu miền Trung năng động; nào là dám nghĩ, dám làm, quyết đoán; nào là mẫu mực, học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nhưng khi Trung ương vừa có thông báo chính thức kỷ luật Nguyễn Xuân Anh thì báo chí “hướng về Đà Nẵng: nã đạn”. Từ chuyện xe cộ, nhà đất; đến chuyện chuyên quyền, độc đoán; thậm chí lôi cả chuyện vợ con, học hành bằng cấp ra luôn!
Hình 2.3. Ngay chính trên website http://www.rangdonggroup.com.vn/ cũng rút bài ca ngợi Anh hùng Nguyễn Văn Đông
Với Anh hùng Nguyễn Văn Đông cũng vậy, chưa biết khi nào báo chí cách mạng Việt Nam mới được chỉ đạo công bố hết sự thật.
2. Thêm một phần sự thật
Ngược thời gian về trước, năm 1979 xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Khi Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng kêu gọi tổng động viên, cả dân tộc phải tiếp tục gồng mình gánh tiếp hai cuộc chiến đẫm máu, hao người ở biên giới phía Bắc và chiến trường Campuchia. Ở Quảng Ngãi, các tỉnh miền trung, Tây Nguyên mỗi năm có 2 đợt tuyển quân bổ sung liên tục cho chiến trường Campuchia, kéo dài cho đến sau năm 1985.
Học sinh tốt nghiệp cấp III, một số rất ít học các trường đại học, trung học chuyên nghiệp; còn đa số nam thanh niên phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nhiều người học cùng lứa với Nguyễn Văn Đông (sinh 1960-1965) lên đường nhập ngũ làm “nghĩa vụ quốc tế”. Còn số rất ít được tiếp tục đi học, nhưng với điều kiện lý lịch tốt và học xuất sắc.
Trước đổi mới năm 1986, chế độ xét lý lịch để cho đi học rất ngặt nghèo, trong gia đình có người tham gia chế độ cũ là lý lịch nhóm 3, nặng hơn nữa là nhóm 4 không được đi học. Thậm chí sau năm 1986 vẫn còn xét lý lịch khắc khe, nổi tiếng là vụ Nguyễn Mạnh Huy ở Quy Nhơn được báo Thanh Niên đăng tải gây xúc động dư luận lúc đó.
Nói về lý lịch, Nguyễn Văn Đông có lý lịch chính trị gia đình rất xấu. Đông có ông Nội và Bác ruột tham gia nhánh đạo Cao Đài ở Đà Nẵng, thân phát xít Nhật theo chính sách Đại Đông Á, có liên quan với tổ chức Việt Nam Phục quốc đồng minh hội, đã gây nhiều khó khăn cho mặt trận Việt Minh. Nên Tổng khởi nghĩa năm 1945, cách mạng xếp những người này vào “đối tượng có nợ máu” với nhân dân và bị xử tử hình tập thể.
Còn cha của Đông, trước 1975 là hạ sĩ quan Việt Nam cộng hòa, lợi dụng quan hệ với một số tướng tá đã lừa đảo gia đình quân nhân cán chính, bị an ninh quân đội bắt nhốt. Sau năm 1975 tiếp tục lừa đảo người dân Quảng Ngãi, bị bắt giam ở trại giam Kim Sơn, Nghĩa Bình. Vào trại giam rồi mà cũng tiếp tục lừa đảo cán bộ công an lấy tiền mua xi măng thời bao cấp, lại bị bắt và biệt giam.
Mẹ của Đông trước 1975 buôn bán nhỏ, tích cóp cùng với tiền, vàng của chồng làm “dịch vụ” chạy giấy tờ cho các gia đình quân nhân cán chính để mua vàng tích lũy, lúc đó vàng khá rẻ. Sau năm 1975, những người mua nhà đất, gửi tiền ngân hàng đều bị mất, nhưng mẹ của Đông mua vàng nên bảo toàn được tài sản.
Rõ ràng, với lí lịch quá “đen” như vậy, thì Nguyễn Văn Đông không thể nào đi học được. Còn nếu ở quê hương cách mạng Đức Phú, Mộ Đức thì Đông phải thực hiện nghĩa vụ quân sự của thanh niên, làm “nghĩa vụ quốc tế” ở chiến trường Campuchia, mà nhiều gia đình nơm nớp, lo lắng mỗi khi chậm thư hoặc nghe có báo tử về xã.
Anh em Nguyễn Văn Đông cần phải trốn nghĩa vụ quân sự, còn mẹ Đông “chạy nợ” vì rất nhiều người bị lừa đảo từ trước và sau 1975 của chồng đã gây sức ép đòi nợ, nhưng bà không trả. Chính vì vậy mà mẹ và anh em Đông buộc phải rời bỏ quê hương đi vào phương nam, trong khi cha Đông đang bị giam giữ ở trại giam Kim Sơn, tỉnh Bình Định. Ra tù cha Đông về quê Mộ Đức, vẫn tiếp tục lừa đảo nhưng với “quy mô” nhỏ hơn. Sau này giàu có, đại gia Nguyễn Văn Đông có mang tiền về quê trả nợ cho một số người, còn mẹ Đông thì thỉnh thoảng về thăm quê làm “từ thiện”.
Vì trốn nghĩa vụ quân sự, nên không thể đến những khu đô thị, thành phố lớn. Lúc đó, đa số dân Quảng Ngãi hay đến những vùng như Đức Linh, Tánh Linh, Long Thành, Bà Rịa. Người trước giới thiệu người sau đến khai khẩn đất đai, cưu mang nhau để định cư trên vùng đất mới. Mẹ con Đông đến Bắc Ruộng, là một xã thuộc huyện Tánh Linh tỉnh Thuận Hải. Đây là vùng đất kinh tế mới có nhiều người ở Mộ Đức và bên ngoại của Đông vào lập nghiệp trước đó, sau này phân tách đơn vị hành chính cấp xã có những địa danh của các xã ở Mộ Đức như Đức Phú, Đức Tân.
Dân ở đây đa số làm nông và làm rừng, vào rừng lấy gỗ bán cho các đầu nậu cung cấp cho những người làm nhà. Thanh niên có sức khỏe đi “buôn lậu” chuyển sản phẩm nông nghiệp, lâm sản đến các vùng khác và mua hàng nơi khác về địa phương.
Lưu ý, thời bao cấp ngăn sông cấp chợ – thời này có câu “nằm ngửa thấy Trần Kiên, nằm nghiêng thấy Đỗ Mười”, hàng hóa bị bắt tịch thu. Những người kinh doanh, lưu thông hàng hóa thường bị gọi những từ mang tính miệt thị như “con buôn / dân buôn, buôn lậu, con phe, … ”, thậm chí chửi nhau bằng câu “đồ con buôn” để chỉ người xấu xa, không ra gì.
Với số vàng tích lũy được, mẹ Đông mở quầy tạp hóa ở chợ Măng Tố và đầu tư cho các con làm ăn, anh của Đông mở tiệm vàng. Phần Đông cũng đi buôn như những người khác, mẹ đưa tiền cho đi buôn nhưng không thành công. Có hai lần buôn trầm hương bị công an bắt lấy sạch; Đông chuyển qua làm “bầu số đề” một thời gian lại bị công an huyện Tánh Linh bắt giam hai tháng về tội đánh bạc, em của Đông phải chạy trốn tận Cà Mau lánh một thời gian. Mẹ và anh Đông ở ngoài lo chạy để vụ này qua. Sau này ra tù, Đông chuyển qua làm xây dựng, phát lên là nhờ làm đường giao thông miền núi. Lợi dụng làm đường cho xe cẩu khai thác gỗ chuyển cho các đầu nậu ở thành phố Hồ Chí Minh. Gỗ ở khu vực Đức Linh, Tánh Linh là rừng già toàn nhóm I, quý hiếm rất có giá.
Tất cả các thông tin nói trên cơ quan công an Quảng Ngãi, Bình Thuận đều có, một số báo chí cũng cho người điều tra xác minh chi tiết và ly kỳ hấp dẫn hơn. Tóm lại, phần này chỉ đưa thêm tóm tắt một phần sự thật của người anh hùng, đó là:
Một: Nguyễn Văn Đông trốn nghĩa vụ quân sự, gia đình chạy nợ vào Măng Tố lập nghiệp – chứ chẳng phải “đau đáu ước mơ làm giàu để lo cho mình và giúp đỡ người khác”.
Hai: Anh em Nguyễn Văn Đông khởi nghiệp từ tiền, vàng mà cha mẹ Đông lừa đảo ở Quảng Ngãi trước và sau 1975 – chứ chẳng phải “khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng”.
3. Trở thành Anh hùng
Giai đoạn đất nước chuyển mình từ kinh tế kế hoạch tập trung, bao cấp, sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã phát sinh nhiều lỗ hỗng pháp lý bị lợi dụng để làm giàu. Các đại gia lo sợ khả năng bị truy cứu, truy tố và thậm chí nhiều người bị tử hình như vụ án EPCO – Minh Phụng nổi tiếng [2.1].
Chuyện Nguyễn Văn Đông trở thành một hùng lao động là một chiến lược dài, được tính toán kỹ càng và nhiều người giúp sức, nhưng tóm tắt lại như thế này.
Mục đích: nếu được anh hùng, trước hết là không bị án tử hình, những sai phạm sẽ được ân giảm hoặc cho qua, với mác anh hùng sẽ có điều kiện tiếp cận các quan chức cao hơn.
Thời cơ: đó là năm 2001, Trung ương điều ông Nguyễn Ánh Minh về Bình Thuận làm Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2001-2005.
Ông Nguyễn Ánh Minh (hình 2.4.) quê ở xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII, IX; là Phó ban Tổ chức Trung ương. Là Ủy viên trung ương duy nhất, với kinh nghiệm Phó ban Tổ chức trung ương về làm Bí thư Bình Thuận nên ông ổn định nhân sự Bình Thuận dễ dàng, trở thành lãnh chúa cát cứ một vùng.
Lúc này Rạng Đông là một doanh nghiệp lớn trong tỉnh, Giám đốc Nguyễn Văn Đông lại là Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh (hình 2.5). Hai người cùng quê hương Quảng Ngãi, thân tình hơn anh em ruột. Có người nói: “Ánh Minh là Rạng Đông, tuy hai mà một”.
Hình 2.4. Ông Nguyễn Ánh Minh, Ủy viên Trung ương đảng khóa VIII, IX – Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận 2001-2005. Nguồn: Tư liệu Văn kiện ĐCSVN
Với quan điểm tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương phát triển, nên từ đó ở Bình Thuận, Rạng Đông kinh doanh không có đối thủ. Phần lớn các dự án giao thông do Rạng Đông thực hiện. Đặc biệt là các dự án đổi đất lấy hạ tầng (sau này Luật Đầu tư công gọi là dự án BT) đã tạo điều kiện cho Rạng Đông thâu tóm hàng chục ngàn hecta đất dọc trục đường giao thông.
Năm 2003 thực hiện thi hành án tử hình Tăng Minh Phụng[2.1] là cho nhiều đại gia lo lắng; đồng thời Luật Thi đua khen thưởng 2003 cũng có hiệu lực. Vậy là Bí thư Nguyễn Ánh Minh có trách nhiệm giúp đỡ để người anh em đồng hương Nguyễn Văn Đông trở thành anh hùng. Nhưng điều vướng mắc là lý lịch của Nguyễn Văn Đông.
Với kinh nghiệm và quan hệ của người từng làm Phó ban Tổ chức Trung ương đảng, ông Nguyễn Ánh Minh tư vấn cho Nguyễn Văn Đông để có một bộ lý lịch đẹp, hoàn hảo và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở các tỉnh như Bình Thuận, Quảng Ngãi.
Một thuận lợi nữa, Chủ tịch nước giai đoạn đó (1997-2006) là ông Trần Đức Lương, cũng là “người Quảng Ngãi”, quê ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ.
Vậy là Nguyễn Văn Đông trở thành Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
Đến nay vẫn còn nhiều người viết đơn tố cáo Nguyễn Văn Đông khai gian dối lý lịch để phong anh hùng. Nếu nhà nước đã biết lý lịch Nguyễn Văn Đông như vậy rồi mà vẫn chấp nhận phong Anh hùng thì rõ ràng “Anh hùng Nguyễn Văn Đông” này đã làm tủi hổ anh linh những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh để bảo vệ và mở rộng đất nước. Họ kiên trì đề nghị nhà nước thu hồi phong anh hùng Nguyễn Văn Đông cũng như trường hợp anh hùng Hồ Xuân Mãn [2.2] ở Thừa Thiên Huế.
Hình 2.5. Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Rạng Đông, Đại biểu HĐND tỉnh
4. Và Đại biểu Quốc hội
Cùng một thời điểm, một con người không thể bảo đảm được hai vị trí là đại gia, doanh nhân và ĐBQH. Bởi lẽ:
– Không có thời gian làm tròn vai trò ĐBQH: không ông chủ doanh nghiệp tư nhân với hàng ngàn lao động nào mà có thể bỏ ra một năm 2-3 tháng trời chỉ để ngồi họp. Trong khi có những cơ hội, vụ việc cần phải trực tiếp giải quyết hàng ngày, hàng giờ quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp.
– Mâu thuẫn mục tiêu: trong khi ông chủ doanh nghiệp tư nhân phải đặt mục tiêu tối đa hóa lợi ích cho cá nhân, doanh nghiệp của mình; thì ĐBQH phải đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên hàng đầu.
Nhưng khi các đại gia, ông chủ doanh nghiệp tư nhân quyết định làm ĐBQH thì đó lại là một thương vụ cũng phải được hạch toán chi phí, tính hiệu quả đầu tư. Với tư cách ĐBQH, các đại gia với tố chất kinh doanh trong máu, sẽ thấy ngay hiệu quả:
– Có cơ hội thiết lập quan hệ trực tiếp với quan chức cấp cao của chính phủ, các bộ ngành trung ương.
– Có điều kiện thấy được bức tranh tổng thể liên quan đến kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng; nắm được thông tin quy hoạch, kế hoạch, các dự án vĩ mô ở tầm quốc gia.
– Có quyền chất vấn quan chức để hạn chế nhiều vấn đề tiêu cực liên quan tới quản lý nhà nước về doanh nghiệp, dự án đầu tư. Ít nhất là cũng bảo vệ được cho doanh nghiệp mình.
– Đó là chưa nói đến dùng đặc quyền của ĐBQH tác động quan chức để tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, giành ưu thế về cho doanh nghiệp của mình. .v.v…
Quốc hội Việt Nam một thời nổi lên các doanh nhân đại gia; với những đợt sóng dư luận, như ĐBQH: Đặng Thị Hoàng Yến, Châu Thị Thu Nga, Đỗ Thị Huyền Tâm, .v.v…
Muốn và trở thành ĐBQH khóa XII (2007-2011) là chuyện rất đơn giản trong trò chơi thủ tục của những người làm tổ chức; hoàn toàn nằm trong khả năng của đại gia Nguyễn Văn Đông cùng với quyền hạn và năng lực, kinh nghiệm của Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Ánh Minh.
Hình 2.6. Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Tập đoàn Rạng Đông, Đại biểu Quốc hội. Nguồn: Quốc hội
Còn vấn đề bằng cấp cử nhân, luật sư (có người nêu ra) là chuyện nhỏ đối với đại gia Nguyễn Văn Đông, và nếu lên đến giáo sư, tiến sĩ cũng quá bình thường trong xã hội.
Một thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự cùng với gia đình trốn nợ vào Bình Thuận, Nguyễn Văn Đông làm nhiều nghề (giai đoạn đó là phi pháp) từ buôn chuyến, bầu số đề, thậm chí từng có tiền sự. Sau này thành lập tổ hợp xây dựng, phát triền lên gặp thời cơ trở thành: “người anh hùng của dân tộc”, “người đại biểu của nhân dân” tất cả mọi người, mọi thời đại phải ngưỡng mộ (!).
Trong suốt nhiệm kỳ 5 năm làm ĐBQH, rất hiếm hoi thấy hình ảnh “ông nghị” Nguyễn Văn Đông (hình 2.6) trên nghị trường, trong các phiên thảo luận hoặc phát biểu nào trước báo chí. Như trên đã nói: trở thành ĐBQH là một “thương vụ” của các đại gia, và thương vụ này thành công với người anh hùng Nguyễn Văn Đông, các dự án mang tầm quốc gia ở Bình Thuận về cho Tập đoàn Rạng Đông.
Báo đảng, báo lề phải chỉ mới viết một phần theo hướng tích cực, ca ngợi. phần còn lại đến khi nào đưa ra thì phải chờ …. Bài viết này chỉ đưa thêm một phần sự thật.
III. CẢNH BÁO CỦA LỊCH SỬ
Trước năm 2015, có một vị lão thành cách mạng nghỉ hưu sống trên đường Trần Phú, thành phố Phan Thiết. Anh ruột Ông tham gia cách mạng từ năm 1928, vào đảng Cộng sản Đông Dương khi thành lập, thực dân Pháp bắt đầy khổ sai, chết năm 1935, được công nhận liệt sĩ năm 1996. Còn Ông thoát ly gia đình, tham gia thanh niên cứu quốc từ trước năm 1945. Cách mạng tháng 8/1945, Ông làm Chủ tịch Ủy ban tổng khởi nghĩa tổng Quy Đức. Chính quyền Việt Minh thành lập, Ông làm Phó công an huyện Mộ Đức một thời gian, sau đó tham gia tình nguyện quân Hạ Lào.
Ông biết rõ gia đình ông Nội, cùng với vụ cách mạng xử tử ông Nội và Bác ruột Nguyễn Văn Đông (chúng tôi không nêu tên người thế hệ trước, đã mất). Chính Ông là người phi ngựa cầm lệnh hỏa tốc từ Trung ương về để ngăn chặn sự lạm sát của quần chúng nhân dân giai đoạn tổng khởi nghĩa.
Ông đã nói với Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Ánh Minh:
Ủng hộ nhà nước mở cửa, đổi mới, phát triển nhiều thành phần kinh tế. Tỉnh Bình Thuận tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Đông làm ăn thì đồng ý, nhưng phong Anh hùng thì cần phải cân nhắc rất thận trọng. Bởi lẽ:
Một, việc xử những người theo đạo Cao Đài theo phát xít Nhật như ông Nội, Bác ruột Nguyễn Văn Đông giai đoạn đầu tổng khởi nghĩa là đúng chủ trương của đảng. Nếu không xử những người này thì không thể thành lập và ổn định được chính quyền cách mạng.
Hai, cha con Nguyễn Văn Đông giàu có từ nguồn tiền của kẻ bất hảo. Phong “Anh hùng” chẳng khác gì vinh danh sự bất hảo; khuyến khích công dân bất chấp đạo lý, vi phạm pháp luật (lúc đó: cấm buôn bán, cấm bài bạc, lô đề) để làm giàu bằng mọi giá;
Ba, “Anh hùng” là của dân tộc, là vinh danh sự hy sinh, cống hiến cao cả. Phong “Anh hùng” cho kẻ trốn nghĩa vụ quân sự, chỉ lo cho bản thân là xúc phạm những người lính, anh linh liệt sĩ đã thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của người thanh niên lúc đó là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở chiến trường Tây Nam và biên giới phía Bắc.
Câu chuyện Ông kể thường kết thúc bằng câu: lợi ích vật chất quá lớn, nên bằng mọi cách tụi nó đã đưa thằng Đông con nhà Tr. thành anh hùng, rất nguy hại về sau.
Thực tế: cho đến nay vẫn còn nhiều người yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ và trả lời việc phong Anh hùng cho Nguyễn Văn Đông.
Đón xem bài 3. “TỈNH RẠNG ĐÔNG”
Ghi chú:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.