Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

Nếu tôi là luật sư phía Trung Quốc?

Nếu tôi là luật sư phía Trung Quốc?

23-4-2020
Các thảo luận về tính pháp lý của Diplomatic Note 1958 không phải mới. Các anh chị bên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông bàn chuyện này từ tận 2010. Nhiều thầy cô mình biết như thầy Hữu Phước, thầy Hoàng Việt của Đại học Luật TPHCM và cô Trang từ Đại học KHXHNV TPHCM cũng có rất nhiều bài viết về việc Trung Quốc sử dụng công hàm nói trên.
Dưới đây là một số phản biện đứng trên phương diện Trung Quốc về công hàm để làm mới lại các thảo luận liên quan.
1. “Công hàm không đề cập trực tiếp đến việc từ bỏ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa” (Lập luận phổ biến nhất về công hàm).
Các loại văn bản ngoại giao ngắn như diplomatic notes, joint communiques đã được Tòa án Công lý Quốc tế ICJ bằng án lệ và các học giả quốc tế thừa nhận là có thể hình thành nên nghĩa vụ quốc tế dành cho một quốc gia. Trao đổi những văn bản này vì vậy có ý nghĩa rất lớn, không phải chỗ để chơi trò đánh lận con đen “trí khôn của ta đây”.
Anh có quyền im lặng trước Tuyên bố của Trung Quốc, nhưng khi anh đã gửi công hàm đồng ý thì hoặc là đồng ý toàn phần, hoặc là phải ghi nhận rõ mình bảo lưu (reservation) hay phản đối (protest) phần nào của tuyên bố.
Tuyên bố của Trung Quốc có đề cập cụ thể và minh thị việc xác lập hải phận của họ tại Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng ta đồng ý mà không thể hiện rõ bất kỳ lập trường nào khác tức là chúng ta chấp nhận toàn bộ các yêu sách.
Có tranh chấp, phía Trung Quốc chỉ cần dựa vào tập quán giải thích công ước quốc tế (General Rule of Intepretation) với các thành tố về good faith, ordinary meaning và context of purposes thì chắc chắn không thể cãi lại họ.
2/ “Việt Nam Cộng hòa (VNCH – Chính quyền miền Nam Việt Nam) có chủ quyền lãnh thổ đối với HS – TS tại thời điểm năm 1958. Tuyên bố của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (VNDCCH – Miền Bắc Việt Nam) vì vậy không có hiệu lực với HS – TS” (Lập luận khá phổ biến từ năm 2016, đã được Chính phủ Việt Nam đương nhiệm áp dụng – xem thêm ở ảnh góc phải).
Ảnh: internet
Lập luận này dựa trên nguyên tắc pháp lý latin “ultra vires”: Chúng tôi không thể thực hiện hành vi vượt quá thẩm quyền pháp lý của mình. Nhiều người vịn vào điểm này cho rằng chúng ta cứ thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của VNCH là xong.
Trước tiên, có thừa nhận VNCH hay không thì họ vẫn là một quốc gia từng tồn tại theo đúng Công pháp Quốc tế. Đừng quên rằng cả hai bên vĩ tuyến đều không được cho gia nhập vào Liên Hiệp Quốc đến mãi năm 1977. Chúng ta không có cơ sở pháp lý hay đạo đức nào để phán xét về tính chính danh của họ.
Thêm vào đó, không hiểu tại sao lại có sự nhập nhằng giữa công nhận tình trạng lãnh thổ (recognition of territorial situation) với kiểm soát hiệu quả (effective control).
Một quốc gia không nhất thiết phải kiểm soát hiệu quả một vùng lãnh thổ để có thẩm quyền công nhận các tuyên bố chủ quyền liên quan đến nó. Hai phạm trù này không liên quan gì đến nhau.
So sánh dễ hiểu: Việt Nam có kiểm soát, quản lý Đài Loan hay không? Không. Chúng ta hiện nay có chính thức thừa nhận Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc đại lục hay không? Xin thưa là có.
Nói thẳng ra, việc VNDCCH không quản lý HS – TS vào năm 1958 không ảnh hưởng đến trách nhiệm của VNDCCH trong việc tuân thủ các nghĩa vụ được chính mình thừa nhận trong công hàm nói trên.
***
Đây chỉ là hai phản biện dành cho các lập luận phổ biến nhất liên quan đến Công hàm 1958. Các thầy cô, anh chị nào có lập luận khác thì vui lòng để lại phía dưới em xin được phép tổng hợp thêm.
P.S: Cá nhân người viết nghĩ rằng việc đọc lại, suy ngẫm lập luận có thể có từ phía Trung Quốc là cách tốt nhất để chúng ta chuẩn bị cho các tranh cãi tương lai với Trung Quốc. Bài viết hiển nhiên không có mục tiêu mục tiêu ủng hộ cho các tuyên bố chủ quyền của quốc gia này trên Biển Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.