Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

Facebook và chính phủ Việt Nam

Facebook và chính phủ Việt Nam

24-4-2020
Tôi hơi ngạc nhiên khi vài ngày qua đọc bài viết mà các nhà hoạt động viết, với nhiều suy nghĩ tích cực dành tặng Facebook và đổ tất cả mọi sự xấu xa bỉ ổi lên việc chặn máy chủ mà chính phủ Việt Nam thực hiện. Có nhiều bạn còn trích dẫn lời Sheryl Sanberg nói: Facebook không đặt máy chủ ở Việt Nam, trong dịp bà phải điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Chuyện các chính phủ đàn áp phương tiện công nghệ không mới. Myanmar dùng chính cơ chế của Facebook để khích động tàn sát và tiêu diệt người Rohingya vài năm trước. Facebook được cho là đã cúng tên và danh tính, vị trí của các nhà hoạt động người Thái cho quân đội, kết tội và bỏ tù họ vì những tội danh vô lý như… chê con chó của nhà vua.
Facebook là đơn vị cung cấp bộ máy quảng cáo chính thức giúp tổng thống Duterte thắng cử ở Phillipines. Và một chuyện to hơn, đầy đủ bằng chứng hơn là Facebook đã kệ mẹ cho công ty Cambridge Analytica khai thác và tận dụng hơn 80 triệu thông tin tài khoản người dùng, mà chẳng màng để ý cảnh báo thiên hạ, cho tới khi bị chính phủ Anh yêu cầu trả lời.
Những ai nhìn nhận nghiêm túc vai trò của Facebook trong hoạt động chia sẻ thông tin và đẩy mạnh các mục tiêu vận động của mình đều hiểu: Facebook quá tối ưu để từ chối, quá đông khán giả (như Việt Nam) để quay lưng, nhưng cũng là con dao hai lưỡi nếu không cẩn thận với nó.
Khi sự cố ở Myanmar nổi lên, Facebook công bố rằng họ có thuê những editor người nói tiếng Burmese để kiểm soát xem tin giả ở Myanmar lan đi thế nào (vì Facebook bị cáo buộc là nền tảng trực tiếp gây ra thảm sát người Rohingya ở Myanmar). Tuy nhiên, khi Reuters tìm hiểu vào năm 2015, Facebook có … 2 nhân viên hợp đồng ngắn hạn nói tiếng Burmese ngồi soát content từ nước ngoài (1). 2 nhân viên cho một quốc gia hơn 50 triệu người dùng.
Trong suốt những năm đó, ai theo dõi vấn đề Myanmar đều thấy Facebook là nền tảng chính để kích động thù hận giữa dân theo Phật Giáo Burmese và người Hồi giáo Rohingya. Thậm chí, thời đó, có khi tôi mở được cả video 1 nhà sư kêu gọi cả chùa đi giết người Hồi Giáo. Loại content như vậy, đầy Facebook Myanmar.
Sau này, khi đọc quyển “Mindf*k” của Chrystopher Wylie, người đã công bố hàng chục ngàn trang tài liệu chứng minh thông tin cá nhân của người dùng đã bị Cambridge Analytica (một công ty) ăn cắp và sử dụng ra sao cho các cuộc vận động và khích động đám đông theo mục đích của chính trị gia và các tỷ phú, thì hành động đầu tiên Facebook trả lời báo Guardian ở Anh và New York Times ở Mỹ là… dọa kiện hai tờ báo này và xóa tài khoản của Chrystopher Wylie, thay vì trả lời chính danh như một công ty.
Quá trình theo đuổi vụ Cambridge Analytica của các nhà báo tại Guardian và New York Times cho thấy, Facebook sẵn sàng hủy bằng chứng, xóa sạch dấu vết, nói dối và hủy tài khoản người dùng trong nháy mắt, chỉ để bảo vệ danh tính công ty của họ, nhưng đồng thời họ cũng sẵn sàng thỏa hiệp với chính phủ (như cung cấp team tư vấn quảng cáo cho các thủ tướng như Hun Sen ở Campuchia và Duterte ở Philippines), và sẵn sàng bắt tay khi cần tồn tại ở thị trường địa phương (tiết lộ danh tính người dùng cho chính phủ Thái).
Kể ra một chuyện dài và chẳng liên quan như vậy tôi chỉ muốn nói rằng, nếu bạn sử dụng Facebook như một nền tảng cho hoạt động hoặc các mục tiêu của mình, như bảo vệ trẻ em, phụ nữ, chống lại ngôn từ tàn bạo, thù địch, hay hoạt động chính trị, thì bạn phải là người thúc đẩy Facebook buộc phải quang minh chính đại hơn, buộc phải đàng hoàng và tuân phủ quy định mà chính phủ Mỹ tôn trọng với quyền tự do ngôn luận và quyền con người.
Không phải vì chính phủ Việt Nam đê hèn mà Facebook sạch sẽ hơn. Không phải vì những kẻ bịt miệng dư luận mà Facebook có quyền tắt, xóa, hủy account của những người hoạt động có nội dung chính danh và đàng hoàng.
Điều đó chỉ có thể đạt được khi Facebook bị kiểm soát như một công cụ mà nó phải tôn trọng người dùng, chứ không phải người dùng phải vỗ tay ca ngợi cảm thông cho nó bị chính phủ Việt Nam chèn ép.
Từ rất lâu, các nhà hoạt động tại Đài Loan, Philippines, Hong Kong, Anh Quốc đã liên tục theo dõi hoạt động của Facebook ở các thị trường của họ và thị trường nhạy cảm liên quan, để thực hiện các báo cáo cho thấy Facebook thỏa hiệp ra sao với các chính quyền sở tại để xóa/ẩn/hủy nội dung mà chính quyền không ưa thích. Đó là các giám sát song song mà người dùng có quyền thực hiện, để những công ty khổng lồ, ngưng nói dối về sự minh bạch mà họ không thực hiện.
Bạn không có lựa chọn dùng nền tảng khác, đừng nói với tôi là bạn… nghỉ chơi Facebook khi toàn bộ người dùng đang tập trung ở đó. Người hoạt động không có cái quyền xa xỉ đó. Nhưng họ có quyền giám sát và dọn dẹp sạch sẽ nền tảng mình đang sử dụng.
Chỉ có như vậy, thông tin mà bạn muốn truyền đi mới có con đường để đến tay người đọc.
Và con đường đó chưa bao giờ bằng phẳng, khi bọn bịt miệng ngoài kia đông như vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.