Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

Bản tin ngày 23-5-2020

Bản tin ngày 23-5-2020

BTV Tiếng Dân
23-5-2020
Trung Quốc phá vỡ cam kết quân sự hóa quần đảo Trường Sa, Mỹ phẫn nộ
Hôm 22/5, báo Express của Anh đưa tin, căng thẳng Mỹ — Trung tiếp tục sôi sục khi một tài liệu vừa được tiết lộ cho thấy, Bắc Kinh đã phá vỡ cam kết về kế hoạch quân sự hóa khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Bài viết có tiêu đề Cơn thịnh nộ ở Biển Đông: Mỹ phẫn nộ sau khi Bắc Kinh phá vỡ cam kết về quân sự hóa được tiết lộ, trong đó có đoạn: “Bắc Kinh tuyên bố sẽ không đặt bất kỳ vũ khí nào trên quần đảo Trường Sa đang tranh chấp như là một phần của cam kết bầu cử năm 2015”.
Tuy nhiên, một báo cáo sau đó được tìm thấy từ sự phát triển quân sự và an ninh của Hoa Kỳ liên quan đến Trung Quốc chỉ ra rằng, Bắc Kinh đã phá vỡ cam kết khi bắt đầu vũ trang trên đảo vào năm 2018bằng cách đặt tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không tầm xa trên các tiền đồn ở quần đảo Trường Sa.
Báo cáo cho hay, các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông là vi phạm cam kết năm 2015, khi Chủ tịch Tập Cận Bình nói, Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa quần đảo Trường Sa.
Báo cáo cũng cho biết thêm, Trung Quốc sẵn sàng sử dụng các biện pháp cưỡng chế – cả quân sự và phi quân sự – để thúc đẩy lợi ích của mình và giảm thiểu sự phản đối từ các quốc gia khác.
***
Cũng tin Biển Đông, hôm 22/5, trang BenarNews dẫn tin từ Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana cho biết, Philippines đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc nâng cấp các cơ sở trên một hòn đảo mà quốc gia này kiểm soát ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.
Nguồn tin này cho hay, trong ba năm qua, Manila đã xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng trên trên hòn đảo Thị Tứ, một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và các quốc gia khác đều có yêu sách lãnh thổ chồng chéo lên nhau.
Đảo Thị Tứ chụp từ vệ tinh hôm 22/5/2020 cho thấy đường băng gần như hoàn thành. PhotoLabs INC
Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana nói họ đã hoàn thành được 95% đường băng trên đảo Thị Tứ và sẽ còn tiếp tục được mở rộng, kéo dài.
Nguồn tin cho biết, Philippines đầu tư dự án cơ sở hạ tầng trên đảo Thị Tứ khoảng 31,4 triệu USD, bắt đầu vào năm 2017, bao gồm việc tân trang lại các đường băng, nhà máy điện và khử mặn, và một đài phát thanh.
Trong khi đó, hôm 22/5, Tạp chí Forbes đưa tin, Việt Nam đã mua tàu ngầm từ nhà sản xuất Triton Submarines, có trụ sở tại Florida, dùng để… chở khách du lịch!
Nguồn tin này nói rằng, tập đoàn Vingroup tuyên bố hồi đầu tháng rằng, họ đã mua một chiếc tàu ngầm DeepView 24 để thu hút khách du lịch, hoạt động ngoài khơi đảo Hòn Tre ở Biển Đông, có thể chở tới 24 hành khách đi… ngắm cảnh dưới đại dương.
Việt Nam tiếp tục bắt giam các nhà báo tự do trước thềm đại hội đảng
Sáng 23/5, tại Hà Nội, nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy, đã bị bắt khẩn cấp và khám xét nơi ở. Theo biên bản khám xét cho thấy, cơ quan tiến hành vụ bắt giữ này là An ninh Điều tra-Công an TP. HCM.
Biên bản khám xét nhà ông Nguyễn Tường Thụy. Photo Courtesy
Đây là điều chưa từng có tiền lệ khi lần tiên Công an TP.HCM “bắc tiến” trong việc đánh án liên quan đến an ninh quốc gia. Điều này cho thấy, vụ bắt giữ ông Thụy có thể liên quan đến vụ án do Công an TP.HCM đang phụ trách điều tra.
Ông Nguyễn Tường Thụy. Ảnh trên mạng
Một người bạn thân thiết với ông Thụy, bà Nguyễn Thúy Hạnh viết trên Facebook, rằng an ninh đã đọc lệnh khởi tố ông Thụy về tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Bà Hạnh cũng cho biết, ông Thụy đã bị dẫn giải vào Sài Gòn, giam tại khám Chí Hoà.
Ông Nguyễn Tường Thụy, sinh năm 1950, là một nhà báo tự do, còn được biết đến trong vai trò là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một tổ chức không được chính quyền công nhận.
Trước đó, Chủ tịch của Hội này là ông Phạm Chí Dũng đã bị Công an TP.HCM khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 21/11/2019.
Cách đây hai ngày, ông Phạm Thành, một nhà văn, nhà báo sống tại Hà Nội cũng bị khởi tố và bắt tạm giam theo điều 117 Bộ luật Hình sự về tội “tuyên truyền chống nhà nước”.
Điều này cho thấy có vẻ giới cầm quyền cộng sản VN đang mở cuộc đàn áp nhắm vào các cây viết có khả năng mang lại sự thách thức cho Đảng Cộng sản trước thềm đại hội đảng khóa 13 vào đầu năm sau.
Sau khi ông Nguyễn Tường Thụy bị bắt, vợ ông Thụy viết trên facebook: “Tôi tự hào về chồng tôi đã không run sợ trước bạo lực cường quyền!
Công an TP.HCM bắt giam Phó trưởng công an phường bảo kê và tổ chức đánh bạc
Theo Cổng thông tin điện tử Công an TP.HCM hôm 22/5 thông báo, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án “đánh bạc” và “tổ chức đánh bạc” ở quận Tân Phú và bắt tạm giam 12 đối tượng, trong đó có Đoàn Hồng Phúc là Phó trưởng công an phường 6, quận 6.
Thông báo còn nêu rõ “Đây là thông tin chính thức của CATP Hồ Chí Minh, những thông tin được đăng tải khác với nội dung nêu trên đều không phải thông tin từ công tác điều tra vụ án.”
Có vẻ như Cơ quan Công an TP.HCM đang lo lắng về các nguồn tin khác đang lan truyền trên mạng xã hội, cáo buộc hàng loạt sĩ quan công an của đơn vị này phạm pháp nghiêm trọng, liên kết chặt chẽ với nhau từ trên xuống dưới trong vụ án này.
Đại úy Đoàn Hồng Phúc. Nguồn: Facebook Hoàng Dũng
Trước đó, hôm 20/5, facebook Hoàng Dũng bất ngờ đưa tin, Bộ Công an đã “đánh úp” một ổ bạc tại quận Tân Phú vào ngày 5/5, do Đại úy Đoàn Hồng Phúc (còn gọi là “Phúc béo”) – Phó trưởng Công an phường 6, quận 6, cầm đầu.
Trong bài viết ngày 20/5, “Phúc béo giang hồ dưới vỏ bọc công an”, ông Hoàng Dũng cho biết: “Năm 2005, sau ra trường về làm tại Đội Hình sự quận Tân Phú và ngay những ngày đầu với tính cách ma cô, giang hồ, cộng với cái ý nghĩ làm giàu bằng nghề công an, Phúc béo đã kết thân với Thanh Tuấn (giờ là Trưởng phường Phú Thọ Hòa), Dũng xỉn (giờ làm Bình Chánh), Hoàng lùn, Nghĩa bệt để hình thành nhóm lợi ích và sau đó, lần lượt Phúc béo lôi kéo Huy hô, Đoàn Tuấn, Tấn Quốc, Tiến thiếu gia (con trai trưởng quận) và một số người khác tham gia. 
Nhóm này liên kết chặt chẽ với nhau và giàu lên rất nhanh chóng nhờ thế giới ngầm mà chúng tạo ra tại địa bàn Tân Phú. Về độ giàu có, thì Phúc béo và Thanh Tuấn hiện nay tài sản chí ít cũng 500 tỷ/người với hàng chục đất sản khắp Sài thành”.
“Thấy quá béo bở, dễ dàng trong làm ăn, Phúc béo và một số người trên đã trực tiếp liên kết với giới cờ bạc và cán bộ công an phụ trách tệ nạn cờ bạc ở Cục hình sự tại HCM và công an thành hồ như: Ông Hướng, ông Ba Quang, ông Vinh đen, ông Tấn… để ‘tổ chức đánh bạc’ thay vì bảo kê như trước đây. Đồng thời, Phúc béo ‘đầu tư’ sang các ngành nghề khác để ‘rửa tiền’ như mở Karaoke có phòng bay lắc, gái phục vụ từ A đến Z, mở quán Bar, dịch vụ đòi nợ thuê, bãi xe, công ty vận tải…”
Bài viết còn cho biết các hoạt động phi pháp của Phúc béo tồn tại được trong một thời gian dài là nhờ sự giúp đỡ “vô tư” và “nhiệt tình” của đại tá Nguyễn Thị Mỹ Lan, hiện đang là Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Công an TP.HCM.
Được biết, vào năm 2018, báo Sài Gòn Giải phóng có bài viết ca ngợi Đoàn Hồng Phúc là “khắc tinh của tội phạm”.
Vào đầu năm nay, công chúng vô cùng bàng hoàng trước sự việc Thượng úy Lê Quốc Tấn – sĩ quan Công an TPHCM đã tham gia đánh bạc và sau đó dùng súng bắn chết 5 người trên sòng bạc tại huyện Củ Chi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.