Bản tin ngày 21-5-2020
BTV Tiếng Dân
21-5-2020
Biển Đông: Mỹ gia tăng sự hiện diện, Trung Quốc quấy rối
Ngày 21/5, theo BBC, Lầu Năm Góc nói Trung Quốc đang thách thức quân đội Mỹ, qua vài cuộc chạm trán ‘không an toàn’ trên Biển Đông trong thời gian đại dịch Covid-19, việc này làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa hai nước.
Bên cạnh đó, Mỹ tố tiêm kích Trung Quốc 9 lần quấy rối ở Biển Đông từ giữa tháng 3, theo VnExpress.
Trước đó, hôm 20/1, VOA đưa tin, Hải quân và Không quân Mỹ liên tiếp hoạt động nhằm đẩy lùi Trung Quốc ở Biển Đông. Theo nguồn tin này, các tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương đã “trồi lên” để tiến về phía biển Đông.
Không lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương cũng không đứng ngoài cuộc khi các máy bay ném bom B-1 đã thực hiện một phi vụ ở Biển Đông vào hôm thứ Ba. Đây là một thông điệp rất rõ ràng của Mỹ dành cho Trung Quốc về sự hiện diện của mình trong việc theo đuổi chính sách “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Không chỉ có Mỹ, Australia quan ngại hành vi ‘bắt nạt’ của Trung Quốc ở Biển Đông, hôm 20/5.
Báo Công an Nhân dân cũng có bài: Đằng sau sự hiện diện gia tăng của Mỹ ở Biển Đông – Bài viết cảnh giác về sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”? Nhưng không phải! Hóa ra bài báo khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải và ủng hộ các đồng minh và đối tác trong việc theo đuổi hợp pháp những lợi ích kinh tế của họ.
Ông Phạm Thành bị bắt tạm giam và xét nhà
Theo thông tin mạng xã hội, vào lúc 8 giờ sáng ngày 21/5, Công an Hà Nội đã đọc lệnh bắt giam và khám nhà ông Phạm Chí Thành, người được công chúng biết đến với bút danh Phạm Thành – chủ trang blog Bà Đầm Xoè.
Nhà hoạt động Nguyễn Vũ Bình dẫn nguồn tin từ gia đình cho biết, bà Nghiêm, vợ nhà văn Phạm Thành cho hay, chồng bà bị đọc lệnh tạm giam 4 tháng tại Nhà tù Hỏa Lò nhưng không biết ông bị khởi tố với tội danh gì.
Đến tối cùng ngày, các cơ quan chức năng vẫn chưa có thông báo chính thức về vụ bắt giữ.
Ông Phạm Thành sinh năm 1952, cư ngụ tại Hà Nội. Ông từng học Đại học Tuyên huấn Trung Ương (tiền thân của Học viện Báo chí Tuyên truyền), và là cựu Thư ký toà soạn Đài Tiếng Nói Việt Nam.
Nhà văn, nhà báo Phạm Thành là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết như: Hậu Chí Phèo(xuất bản 1991), Cò Hồn Xã Nghĩa (xuất bản 2014); Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo” (xuất bản 2019)… Chủ đề của các tác thẩm này tập trung phê phán những sai lầm của đảng cộng sản và giới lãnh đạo cầm quyền.
Theo công luận đồn đoán, ông Phạm Thành bị khởi tố và bắt tạm giam vì các tội danh liên quan đến “an ninh quốc gia” bởi tác phẩm chỉ trích ông Nguyễn Phú Trọng.
Vào năm ngoái, trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, ông Thành bày tỏ quan điểm: “Tôi đã 41 năm theo Đảng và Nhà nước rồi, bây giờ ngoảnh lại thấy dân tộc này cái gì cũng tụt lùi, nguyên nhân tại đâu? Nguyên nhân là chúng ta không có dân chủ, nguyên nhân là Đảng Cộng sản duy trì sự độc tài!”
Em trai của Trần Đại Quang làm thứ trưởng Bộ Công an
Báo chí trong nước đưa tin, ông Trần Quốc Tỏ, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an vào hôm 20/5.
Được biết ông Trần Quốc Tỏ là em trai của cố chủ tịch nước Trần Đại Quang, từng là Bộ trưởng Bộ Công an, đã qua đời vào năm 2018 khi đang đương chức Chủ tịch nước vì “virus hiếm”.
Ông Tỏ là em út trong gia đình có 4 người con trai, theo các tên gọi “Vinh-Quang-Sáng-Tỏ”. Người anh trai cả là Trần Đại Vinh được dư luận biết đến khi được đôi vợ chồng Đường “Nhuệ” khoe là “cha đỡ đầu”.
Dư luận cũng không mấy ngạc nhiên khi ông Trần Đại Vinh có mối quan hệ mật thiết với băng nhóm xã hội đen Đường “Nhuệ” khi bị triệt phá. Trước đó, nhà báo Huy Đức đã “bật mí”, ngay cả ông Trần Đại Quang cũng có mối quan hệ mật thiết với các ông trùm xã hội đen.
Trong bài “Giang hồ và Đen”, vào năm 2019, ông Huy Đức viết: “Nhiều năm nay về Nghệ An, gặp vài cựu lãnh đạo địa phương, cứ lúc nào nói về tội phạm, các bác lại thở dài, kể chuyện: Ngày còn làm Bộ trưởng, Trần Đại Quang về thăm, tỉnh đã làm cơm đón tiếp ở Vinh; cận trưa được báo, Đại tướng sẽ ăn trưa ở Thái Hòa.
Nghe đến Thái Hòa, nhiều vị trong thường vụ lắc đầu lè lưỡi vì biết chắc Đại tướng sẽ ăn cơm nhà một ông trùm nổi tiếng. Khi Trần Đại Quang đã là Chủ tịch nước, một số lãnh đạo tỉnh vẫn còn phải ‘tháp tùng’ ông ta lên Thái Hòa… Các nhà báo ở một tỉnh miền Trung kể, các anh rất xấu hổ khi chứng kiến vài sỹ quan công an khúm núm trước một ông trùm khi ông này đang ngồi với sếp họ”.
Tòa kết án vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình
Trưa 21/5, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ra phán quyết sơ thẩm về vụ án gian lận điểm thi THPT tại tỉnh Hòa Bình vào năm 2018. Hội đồng xét xử tuyên phạt:
– Khương Ngọc Chất (cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh): 6 năm tù.
– Nguyễn Quang Vinh (cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GDĐT Hòa Bình): 8 năm tù.
– Đỗ Mạnh Tuấn (cựu Hiệu phó trường nội trú huyện Lạc Thủy): 3 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 7 năm tù về tội Nhận hối lộ. Tổng hợp hình phạt là 10 năm tù.
– Diệp Thị Hồng Liên (cựu Phó phòng Khảo thí): 3 năm tù;
– Nguyễn Khắc Tuấn (cựu chuyên viên phòng khảo thí): 5 năm tù.
– Những bị cáo còn lại nhận mức án từ 18 tháng tù treo đến 2 năm tù.
Vụ án này không chỉ thu hút sự chú ý của dư luận, mà còn đọng lại trong lòng công chúng những câu nói bao biện cho sự tha hóa tột cùng: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” — ‘Bị cáo nâng điểm thi và phạm tội vì lòng tốt không đúng chỗ‘ — “Nâng điểm vì muốn mở rộng cánh cửa tương lai cho học sinh” — “Sếp dặn chỉ cần nhận tội, vợ con bên ngoài để các anh lo”… và rất thô thiển như cựu Trưởng phòng An ninh chính trị: “Đời tôi kêu oan chưa xong thì đến đời con, đời cháu tôi cũng phải kêu oan để chứng minh tôi không phạm tội“!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.