Xuất khẩu gạo: Có nên ngưng lúc này hay không?
LTS: Hôm nay, Chính phủ Việt Nam đã ra quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo, với lý do bảo đảm an ninh lương thực do có thông tin Trung Quốc đang thu gom lúa gạo ở Việt Nam. Quyết định này, trước mắt ảnh hưởng rất lớn đến nông dân. Chiều nay, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu tạm ngừng việc cấm xuất khẩu.
Quyết định ngưng xuất khẩu gạo hiện đang gây tranh cãi. Chúng tôi xin được giới thiệu hai ý kiến dưới đây của nhà báo Trương Châu Hữu Danh và của cô Nguyễn Thị Phương Dung, Giám đốc Công Ty TNHH Một Thành Viên Dịch Vụ và Thương Mại Sông Tiền, liên quan tới quyết định cấm xuất khẩu gạo nói trên. Kính mời quý độc giả bổ sung ý kiến.
____
24-3-2020
Trương Châu Hữu Danh: Nông dân đứng tim
Chỉ trong một ngày, giá lúa gạo trong nước xuống ào ào vì chỉ đạo ngừng xuất khẩu. Chiều nay, giá gạo giảm 500.000 đồng/tấn nhưng thương lái không ăn, không chốt giá.
Nông dân như ngồi trên lửa.
Chiều nay, lại có kiến nghị của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tạm ngừng việc cấm xuất khẩu. Nông dân hồi hợp chờ.
Thực tế, lúa gạo Việt Nam hiện không hề thiếu. Giá gạo 504 tại kho vẫn ở mức 9.300 đồng/kg. Các doanh nghiệp vẫn còn đầy kho (khoảng 3 triệu tấn gạo, chưa kể lúa đang thu hoạch và một lượng lớn gạo An ninh lương thực trong kho Cục Dự trữ).
Cấm xuất khẩu ngay bây giờ, nông dân chết trước, thương lái chết sau, và đến ngân hàng…
Diễn biến CRN khó lường, Chính phủ lo lắng là đúng – nhưng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có văn bản ngay lúc này là cần thiết!
Cá nhân tôi nghĩ, các bộ ngành cần chậm lại một nhịp trước khi quyết.
Cảm ơn ông Trần Tuấn Anh!
***
Nguyễn Thị Phương Dung: Đừng để cảm xúc lấn át!
Bài học về xuất nhập khẩu gạo vẫn còn nguyên đó. Năm 2008, khi mà Việt Nam đang xuất gạo với giá 900 USD một tấn (giá hiện tại gần 400 USD) thì có lệnh ngừng xuất khẩu. Giá gạo giảm còn 300USD. Trong khi Thái Lan mở kho xuất đi ào ào thì dân mình cay đắng chở gạo đi bán lẻ trước cổng các khu công nghiệp. Có thể các bạn không trong ngành nhưng hoàn toàn có thể kiểm chứng từ nhiều nguồn.
Từ năm 2008 đến nay, gạo Việt Nam luôn trong tình trạng thừa để xuất khẩu và xuất với giá cực rẻ. Lượng gạo làm ra, trừ phần chế biến, bia rượu và thức ăn chăn nuôi thì dân mình ăn chỉ một nửa, nửa còn lại bán ra nước ngoài với giá bèo hơn chữ bèo (khoảng 6-7 triệu tấn).
Năm nay hạn mặn khốc liệt ven biển Tây Nam, nông dân trồng lúa điêu đứng, nhưng lúa gạo cả nước làm ra vẫn thừa nhu cầu trong nước. Lợi dụng dịch bệnh, dân mình có tâm lý tích cốc phòng cơ, giá bán lẻ bị đẩy lên. Nhưng giá lúa tại ruộng, giá gạo tại kho, vẫn cứ thấp – và không hề thiếu.
Thiếu làm sao được khi quanh năm đều có thu hoạch lúa chứ không rạch ròi mỗi năm 2 vụ như mười mấy năm trước.
Cấm xuất khẩu ngay bây giờ, khi mà nông dân đang thu hoạch trong cảnh mất mùa, thì người bị thiệt hại trước mắt là nông dân. Họ, đa số phải bán lúa tại ruộng để trả nợ đại lý vật tư nông nghiệp, trả nợ ngân hàng. Có người còn “bán lúa non”, ăn trước trả sau.
Nếu cấm xuất khẩu, thì người kinh doanh lúa gạo như tôi sẽ lời, vì giá bán lẻ đến khách hàng không hề giảm, trong khi giá mua sĩ bị giảm sâu.
Đến 2018, Việt Nam sản xuất hơn 30,7 triệu tấn gạo, để ăn hơn 9 triệu tấn, thừa hơn 21,6 triệu tấn. Mất mùa khốc liệt nhất năm 2016 giảm 1 triệu tấn lúa (tương đương 400.000 tấn gạo).
Con số trên chưa bao gồm gạo trong kho dự trữ an ninh lương thực quốc gia (vì con số này tôi không nắm rõ, nhưng nguyên tắc vẫn phải bảo đảm đủ lương thực cho ít nhất 1 vụ). Năm nay cho tình huống khốc liệt khác gồm hạn mặn, dịch bệnh, mất 1 triệu tấn gạo, thì vẫn còn thừa hơn 20,6 triệu tấn gạo. Sao cấm làm chi?
Tôi thấy nhiều người dùng cảm xúc để hoan hô việc cấm xuất khẩu gạo. Trong tình hình hiện nay, ai cũng lo lắng là lẽ đương nhiên. Nhưng với một quyết sách ảnh hưởng đến hàng triệu nông dân, xin đừng dùng cảm xúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.