Về vụ kỉ luật thầy giáo nhượng lại khẩu trang cho học trò ở Đầm Dơi, Cà Mau
2-3-2020
Tôi thấy nhiều người vào chửi hiệu trưởng, người ra văn bản về việc xử lí kỉ luật thầy giáo nhượng khẩu trang cho học sinh. Cái này tôi nghĩ không hợp lí lắm, vì có nhiều yếu tố cho thấy, thầy hiệu trưởng cũng như nhà trường phải làm việc này theo yêu cầu của cấp trên.
Vấn đề ở đây là vai trò của quản lí nhà nước đối với việc điều phối những mặt hàng có tầm quan trọng đặc biệt. Không phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ (tôi dùng từ này để gọi chung cho cả bộ máy chính trị các cấp của Việt Nam) trong thời gian qua trong công tác phòng chống dịch bệnh. Nhưng phải thấy rằng, việc quản lí về khẩu trang là việc mà Chính phủ làm tệ nhất.
Chính vì sự quản lí yếu kém này của Chính phủ mới dẫn đến việc kỉ luật oan sai các thầy cô giáo, chỉ vì phản ánh việc thiếu khẩu trang dẫn đến việc học sinh phải chế ra và mang khẩu trang giấy, và giúp đỡ, nhượng lại khẩu trang cho học sinh.
Việc đầu tiên là Chính phủ ra qui định không được bán khẩu trang quá giá. Tôi không biết khẩu trang có phải là mặt hàng được nhà nước quản lí giá trực tiếp như xăng dầu hay không. Nếu là mặt hàng do nhà nước quản lí giá, thì việc Chính phủ ra qui định phải đi cùng với việc ban hành giá theo từng giai đoạn, phù hợp với giá thành. Nếu Chính phủ muốn khẩu trang được bán với giá thấp hơn giá thành thì Chính phủ phải có chính sách bù lỗ cho đơn vị sản xuất và phân phối.
Ở đây, Chính phủ chỉ ra một lệnh không được bán quá giá qui định (thực lòng tôi cũng không biết giá qui định là giá nào), và rút giấy phép những cơ sở nào vi phạm. Việc xử lí mạnh tay những cơ sở vi phạm là việc làm đúng đắn, với điều kiện bản thân Chính phủ phải đưa ra qui định hợp lí. Tôi không có cơ sở để nói rằng qui định của Chính phủ về mặt hàng khẩu trang là đúng hay không đúng, nhưng tôi có thể chỉ ra những bất hợp lí trong việc quản lí mặt hàng khẩu trang của Chính phủ.
Nếu Chính phủ có quyền ra lệnh không được bán khẩu trang quá giá, có nghĩa là Chính phủ đã xác lập quyền quản lí trực tiếp mặt hàng khẩu trang. Như vậy thì Chính phủ phải ban hành các qui định cụ thể về việc phân phối khẩu trang, để bảo đảm người dân có khẩu trang, mà không bị mang đi xuất khẩu gần hết, dẫn đến việc rất ít người dân, và cả các cơ sở y tế, có thể mua được mặt hàng này.
Có người cho rằng việc Chính phủ không thể can thiệp vào việc xuất khẩu khẩu trang là do qui định của luật. Nếu nói như vậy thì Chính phủ cũng không thể ra qui định can thiệp vào thị trường. Việc Chính phủ ra qui định không bán khẩu trang quá giá, rút giấy phép các đơn vị bán quá giá, mà không có biện pháp ngăn chặn xuất khẩu làm cho nhiều người có suy nghĩ, rằng có sự can thiệp của các nhóm lợi ích vào các qui định, để bọn gian thương bất chấp an ninh về sức khỏe của người dân, xuất khẩu khẩu trang kiếm lời.
Trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, việc Chính phủ xác lập quyền quản lí mặt hàng khẩu trang là cần thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ ra một yêu cầu bán đúng giá, mà không thực hiện các biện pháp đồng bộ khác, dẫn đến việc con buôn thao túng mặt hàng khẩu trang, và người dân thì không có để bảo vệ sức khỏe, các bệnh viện thiếu khẩu trang để khám chữa bệnh, thì rõ ràng là Chính phủ đã yếu kém trong khâu này.
Trong giai đoạn này, Chính phủ, từ cấp cao nhất, cần phải có qui định cụ thể về quản lí các mặt hàng thiết yếu cho an ninh sức khỏe của người dân, như khẩu trang, nước rửa tay, các hóa chất xét nghiệm Sars Cov 2, các thuốc kháng virus…
Thậm chí, nếu dịch bùng phát, các nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, thịt… có nguy cơ bị vơ vét, đầu cơ, thì Chính phủ cũng cần ngay lập tức xác nhận quyền quản lí, và ban hành các chính sách đồng bộ, bảo đảm người dân, và cả các bệnh viện, không bị bỏ rơi như đối với mặt hàng khẩu trang hiện nay.
Và, các cấp thừa hành thấp hơn của Chính phủ, cần phải phản biện lại các qui định của Chính phủ cấp cao, như TPHCM đã làm trong việc cho học sinh nghỉ học. Chứ không phải nhắm mắt ban hành những khuyến cáo gây hại cho sức khỏe người dân, hay gây oan khuất cho người dân.
_____
Mời đọc thêm: Thầy giáo bị kiểm điểm vì bán cho học sinh 3.000 đồng một khẩu trang(Zing). – Thầy giáo bán khẩu trang 3.000 đồng, có cần cả lãnh đạo tỉnh vào cuộc?(TT). – Sợ cho cái khẩu trang ở Đầm Dơi!(PNTP). – Thầy giáo Cà Mau bán khẩu trang trục lợi… 10.000 đồng! (Báo Sạch). – Thầy giáo bị kiểm điểm vì bán 20 khẩu trang lãi 8.000 đồng: “Mình sai thì phải nhận sai thôi” (TTT). – Võ Xuân Sơn: Biến nạn nhân thành tội đồ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.