Thư ngỏ gửi Thủ tướng
29-2-2020
Bức xúc về mối nguy cơ khủng khiếp của dịch Covid-19 đang treo lơ lửng trên đầu nhân dân, không thể không nói lên nỗi lo lắng trong lòng và chắc chắn đó cũng là nỗi lo lắng bức xúc của mọi tầng lớp nhân dân, chúng tôi trân trọng gửi thư đến Thủ tướng nhằm đề đạt đòi hỏi được biết sự thật về thực trạng diễn biến của dịch và cách phòng chống đang được triển khai.
Làm sao không lo lắng và bức xúc được khi các quan chức y tế nước ta tuyên bố “đã kiểm soát được virut Covid-19” trong lúc người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới [WHO] cảnh báo “cửa sổ cơ hội đang khép lại” với việc kiểm soát Covid-19, và các nước cần chuẩn bị cho tình huống có đại dịch (pandemic) và đã nói rõ số trường hợp nhiễm virus corona bên ngoài Trung Quốc “tương đối nhỏ” nhưng mô hình lây nhiễm lại rất đáng lo ngại ... Chúng tôi lo ngại trước những trường hợp không có liên kết dịch tễ rõ ràng, chẳng hạn như họ từng đi du lịch hay có liên hệ gì với một trường hợp đã được xác nhận…”.
Cái bản đồ khoanh vùng các quốc gia có người bị lây nhiễm và có tử vong vì Covid-19 trên màn hình tivi với màu đỏ đáng sợ đang từng ngày, từng ngày lan rộng ra. Theo Tạp chí “The Lancet”, một tạp chí Y tế có uy tín trên thế giới, thì những người mang theo virus có thể là những “người khỏe mạnh”, những người không có triệu chứng cũng có thể lây truyền virus với mức độ cao, những người đã hồi phục từ tình trạng trầm trọng vẫn mang theo một lượng lớn virus có thể lây nhiễm cho người khác. Vì vậy liệu có thể tin được lời tuyên bố “tự tin nói rằng chúng ta có đủ giường nằm điều trị về mặt y tế đối với bệnh nhân. Chúng ta đã phân tuyến tới tuyến huyện, 700 huyện, 1.300 bệnh viện trên toàn quốc có thể điều trị được…” và rồi tại Thanh Hoá đến ngày 21.2, còn hơn 300 người cần theo dõi trong số 3.300 người bị cách ly, nhưng tỉnh này vẫn “tự tin” để chuẩn bị công bố hết dịch!
Và không phải chỉ một tỉnh Thanh. Ấy vậy mà tính đến ngày 26.02.2020, tổng số người ”có tiếp xúc gần hoặc đi về từ vùng dịch” đang được cách ly để theo dõi sức khỏe là 5.474. Tổng số ”mẫu đã xét nghiệm” 1.381 (mẫu dương tính: 16, mẫu âm tính: 1.365). Nếu tỉnh táo một chút thì không thể không hoài nghi về số lượng rất thấp nói trên, chỉ riêng một chuyện có rất đông người Trung Quốc đang làm việc, sinh sống, rồi số người Việt Nam từ Trung Quốc trở về lọt lưới hàng rào kiểm dịch cũng có thể là không ít.
Vì chúng tôi không có được sự “tự tin” ấy nên phải hỏi Ban chỉ đạo Phòng chống đại dịch Covid-19: Thế nào là “đã kiểm soát được”? Hãy chỉ đưa ra một ví dụ: Hiện nay có kiểm soát được cư dân hai nước đang sống hai bên đường biên giới phía Bắc dài 1.435 km hàng ngày qua lại, trong đó liệu có người Trung Quốc nào trong số 5 triệu người Vũ Hán hoảng loạn rời ổ dịch khủng khiếp trước khi thành phố này bị phong toả không? Đã “kiểm soát” như thế nào những người sinh sống hoặc vãng lai ở 6 tỉnh biên giới đã và đang đi lại khắp mọi miền đất nước, không loại trừ trong đó có người Vũ Hán và những người Trung Quốc khác chạy nạn?
Mà đâu chỉ có những công dân của nước láng giềng Trung Quốc, nơi bùng phát dịch Covid-19, mà còn rất nhiều người nước ngoài khác đến và đi. Chỉ nói riêng Hàn Quốc có gần 25.000 người sinh sống ở Việt Nam và có gần 200.000 người Việt Nam sinh sống ở Hàn Quốc. Mỗi ngày có 11 chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam! Thế mà “chỉ cần một ca chủ quan như bệnh nhân số 31 của Hàn Quốc là thành ổ dịch ngay. Nếu phát hiện, cách ly sớm ca này thì tình hình đã không phức tạp như bây giờ”. Mà “kiểm soát” được bằng cách nào khi biên giới giữa ta và Trung Quốc vẫn phải “thông thương”, rồi Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao TQ còn đề nghị Việt Nam sớm khôi phục việc đi lại của công dân Trung Quốc sang Việt Nam? Liệu có một điểm tựa áp lực nào khiến họ Vương đưa ra một đề nghị trái khoáy như thế?
Bài học phải trả cái giá quá đắt về mạng sống con người của nhà cầm quyền Trung Quốc liệu có nhắc nhở gì đối với chúng ta? Khi vi-rút mới được phát hiện tại Vũ Hán (8/12/2019) chính quyền đã bịt miệng các bác sỹ và nhà báo. Khi bắt đầu có người bị chết (11/1/2020) chính quyền vẫn phủ nhận vi-rút mới có thể lây từ người sang người. Tình trạng bất động và lúng túng làm cho vi-rút bùng phát, không thể kiểm soát. Khi tình hình đã bị mất kiểm soát, với hàng chục ngàn người bị lây nhiễm và tử vong thì chính quyền buộc phải có “hành động quyết liệt”, nhưng đã quá muộn!
Bởi lẽ, COVID-19 nguy hiểm nhất là có khả năng tạo những ổ dịch mà lúc đầu không ai để ý, đến khi nó đột ngột xuất hiện với số lượng bệnh nhân quá lớn, thì dù tìm mọi cách cũng không bưng bít nổi, và khó đủ khả năng khống chế, ngay cả với những nước có hệ thống y tế tiên tiến, chứ chưa nói đến thực trạng chăm sóc y tế của chúng ta mà mỗi người đều từng nếm trải, đặc biệt là với người nghèo.
Nếu thảm cảnh rùng rợn ở Vũ Hán do chính người Trung Quốc nói ra là đúng về những lò thiêu di động đã và đang chuyển đến phải làm việc hết công suất để mỗi lò thiêu 30 thi thể chết vì Covid-19, chính quyền đang đặt mua thêm 1 triệu cái nữa, vậy là sẽ phải thiêu 30 triệu thi thể mỗi ngày, bằng gấp đôi dân số New York, thì sẽ thấy rằng bưng bít sự thật, trấn an tâm trạng xã hội bằng những tin tức sai lệch có dụng ý như nhà cầm quyền TQ đã làm, thì càng tạo nên sự bất an trầm trọng, vì người dân sẽ mất lòng tin, xã hội rối loạn không kiểm soát nổi.
Liệu có phải vì vậy mà vừa rồi Tập Cận Bình buộc phải tuyên bố rằng: “Đây là một khủng hoảng y tế trầm trọng nhất trong 70 năm qua” để thừa nhận “đã có một số thiếu sót trong việc xử lý”. Không khó gì để nhận thấy cuộc khủng hoảng y tế đó đang dẫn tới cuộc khủng hoảng chính trị đe doạ trực tiếp sự tồn vong của chế độ toàn trị phản dân chủ Tập Cận Bình. Và nếu sự cảnh báo của các nhà khoa học có uy tín của thế giới về covid-19 có thể là vi rút nhân tạo với những rò rỉ trong quá trình sản xuất “vũ khí sinh học” của TQ là đúng thì cái gì sẽ xảy ra?
Cần nhắc lại là năm 2005, tướng Trì Hạo Điền, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã công khai tuyên bố “dùng vũ khí sinh học quét sạch nước Mỹ”?! * Điều này đã cho thấy tin mà nhiều tờ báo lớn trên thế giới đã đưa không phải là không có căn cứ : “Trung Quốc đã ăn cắp bí mật công nghệ trong các trung tâm y tế nghiên cứu sinh học của Mỹ và Canada, sau đó mang về để sử dụng trong các cơ sở nghiên cứu vũ khí sinh học P400 ở Vũ Hán rồi để sổng vi khuẩn covid-19 được làm ra tại phòng thí nghiệm mà dẫn tới nạn dịch hiện nay”.
Phải chăng đó là “tình trạng thoái hóa giai đoạn cuối” và “sự vô năng của lú lẫn về tổ chức và bất lực của hệ thống … Điều còn lại là tâm trạng vô vọng” như sự lý giải của giáo sư Hứa Chương Nhuận, một học giả Trung Quốc dũng cảm, tác giả của bài viết “Báo động lây lan: Khi phẫn nộ vượt qua sợ hãi”. Sự bưng bít của chính quyền địa phương về dịch Covid-19 dẫn tới bục vỡ khi không thể đối phó được sự bùng phát và lan rộng của nó mà hệ luỵ khó tránh sẽ là sự phân liệt, bất phục tùng và cát cứ vốn luôn tiềm tàng trong một đất nước rộng lớn với hơn 1,4 tỷ người sẽ đẩy người dân Trung Quốc chĩa sự phẫn nộ và tuyệt vọng của họ vào hệ thống chuyên chế toàn trị phản dân chủ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chính đây là điều họ Tập lo nhất!
Sự “mù lòa của chuyên chế” ** dẫn tới sự sụp đổ của một thể chế toàn trị phản dân chủ là điều đang được phơi bày bởi thảm hoạ của Covid-19. Đó là bài học đắt giá cho bất cứ nhà cầm quyền nào! Liệu ở nước ta, sự thật về dịch Covid-19 và diễn biến cực kỳ phức tạp của nó đã thật sự được thông tin một cách trung thực và minh bạch chưa?
Chúng tôi cho rằng câu hỏi của một nhà thơ được nhiều người biết phải chăng cũng là câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra: “ Nhật, Hàn ở xa Tầu, cách cả khoảng biển, điều kiện tốt hơn ta, quản lý đời sống cũng nề nếp hơn ta, tiềm lực kinh tế hơn ta, thuốc và mọi điều kiện điều trị mạnh hơn ta, mà còn 550 người nhiễm, con số người nhiễm tăng từng giờ. Tầu ở sát ta, sang ta như đi chợ, tết qua ta 5 vạn người mà chỉ có 16 người nhiễm thì cũng lạ thật. Ta lại chữa được hết thì tài nhất thế giới rồi …Ngay ở Trung Quốc cũng không thể tính được số người chết. 14 lò thiêu xác hoạt động suốt 24/24 h/ngày suốt gần hai tháng nay mà vẫn không đủ đáp ứng. Người ta còn phải trưng dụng cả lò thiêu rác, thiêu động vật để thiêu người. Nhìn hiện trạng họ mà kinh…Vì thế xin các vị hãy thương dân, vì dân mà cẩn trọng cho”.
Cho dù cố khiêm nhường để nhìn nhận “chúng ta đã thắng chiến dịch mở màn đầu tiên nhưng chưa thắng cả chiến dịch” thì cũng cần tỉnh táo để thấy rằng, trước khi cơn bão ập đến thường có một khoảnh khắc tĩnh lặng đáng sợ. Những kết quả ban đầu trong cái gọi là “chiến dịch mở màn” với con số 16 người bị lây nhiễm trong 2 tuần và nay đã hồi phục, không có tử vong – cứ cho đây là những con số trung thực – thì khả năng bị tái nhiễm vẫn còn đó. Hơn nữa, thời gian ủ bệnh không chỉ là 14 ngày mà còn dài hơn trong khả năng của hệ thống y tế của Việt Nam hiện nay, liệu có dám đoán chắc đã sàng lọc để nắm được số người nhiễm virus, người nhiễm virus không có triệu chứng, người có triệu chứng lâm sàng… để tuyên bố là có thể kiểm soát được?
Đấy là chưa nói đến khả năng thực tế của việc phát hiện, cách ly và chữa trị trong tình thế dịch lan rộng. Thì chẳng phải vừa rồi thành phố HCM đã cảnh báo nguy cơ “vỡ trận” trong trường hợp vượt qua “giới hạn đỏ” của 900 giường bệnh hiện có nhằm cách ly và chữa trị người bị lây nhiễm covid-19 mà mỗi ca lây nhiễm cần khoảng 20 ngày điều trị, mỗi ngày cần 12 bác sĩ và điều dưỡng cho một người bệnh! Để bệnh viện Chợ Rẫy chữa trị thành công 2 bệnh nhân người Trung Quốc lây nhiễm Covid-19 thì đã phải dồn sức của toàn bộ khoa nhiễm, mỗi ngày 3 ca, mỗi ca 1 bác sĩ và 5 điều dưỡng, y tá trong suốt thời gian điều trị. Đúng là “thành tích chữa thành công cho một, hai người không thể áp dụng nếu có 1.000 người được đâu” như lãnh đạo tp HCM đã chỉ ra một cách có trách nhiệm, và trên cả nước thì con số dự phóng còn lớn đến cỡ nào?
Đó là sự thật cần phải được công khai và minh bạch với dân. Để giải toả được những bức xúc và lo lắng dồn nén trong tâm trạng xã hội, xói mòn dẫn đến băng hoại lòng tin của dân thì đang rất cần sự công khai minh bạch những chủ trương, chính sách và giải pháp đang tiến hành trong sự vận hành xã hội mà giọt nước tràn ly sau vụ thảm sát Đồng Tâm là nạn dịch Covid-19.
Chính vì vậy, chúng tôi khẩn thiết gửi đến Thủ tướng Chính phủ đề đạt nói trên.
Trân trọng kính chào.
TP Hồ Chí Minh ngày 27.2.2020
Đồng ký tên:
– Huỳnh Tấn Mẫm, Bác sĩ Y khoa, Nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Đại biểu Quốc Hội Khóa VI, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Tp Hồ Chí Minh, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên
– Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức yêu nước Tp Hồ Chí Minh
– Lê Công Giàu, Tổng Thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn năm 1966, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn TNCSHCM 1975, Phó Tổng Giám đốc Saigon Tourist, Chủ tịch HĐQT Hãng Hàng không Pacific Airline, Giám đốc Công ty SAVIME
– Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã Hội học Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.