Phù thuỷ
24-3-202
Vào thế kỷ thứ 14, có một đại dịch xảy ra, được cho là bệnh dịch hạch, nó lan từ châu Á sang châu Âu, giết chết gần nửa dân số châu Âu. Số người chết (chỉ riêng vì bệnh này) ở châu Âu ước tính lên đến 50 triệu người.
Đại dịch gây ra một nỗi sợ kinh hoàng, nhưng tại thời điểm đó, người ta cho rằng, nó do quỷ và các phù thuỷ gây ra. Hàng trăm ngàn người bị quy kết là phù thuỷ và bị thiêu sống ở khắp châu Âu.
Khi người ta càng hoảng sợ, giới cầm quyền bất lực, thì tôn giáo chính là chỗ dựa, là phán quyết sống còn. Điều này cũng giải thích việc sùng đạo ở châu Âu và phong trào bài xích người Do Thái cũng lớn mạnh từ đây.
Tại thời điểm đó, ngoại trừ dịch hạch, thì thương hàn và các cuộc chiến cũng giết khá nhiều người, nhưng nỗi sợ lớn nhất không phải là bệnh dịch hay chiến tranh, mà nỗi sợ lớn nhất chính là sợ bị quy cho là “phù thuỷ”. Phản đối triều đình: phù thuỷ, cãi lại các vị chắc sức tôn giáo: phù thuỷ, nông dân làm thất mùa cũng có thể là phù thuỷ, có chửa hoang: phù thuỷ, thậm chí ăn mặc hơi đẹp chút cũng bị coi là phù thuỷ… Có hàng loạt phim và sách về các câu chuyện bi thảm thời này, các bạn nên xem, từ khoá là “black death”.
Những người được cho là “phù thuỷ” thường bị bắt trói gô, mặc cho họ ra sức kêu oan. Đám đông, cùng với binh lính, sẽ dựng ngay một dàn thiêu, và thiêu sống họ, đôi khi, là cả gia đình họ.
Nỗi sợ và ám ảnh dịch bệnh khiến người ta bất chấp tất cả, đám đông hoảng loạn cần những phù thủy để đem thiêu và mỗi ngày, lại có một phù thuỷ mới, cứ thế, xã hội cần những phù thuỷ để thiêu, chủ yếu cho bớt sợ. Tất nhiên, chúng ta đều biết, chẳng có vị phù thuỷ nào cả, chẳng có ai đáng phải chết chỉ vì nỗi sợ của người khác, của đám đông.
Bây giờ, mặc dù là thời đại của công nghệ tối tân rồi, nhưng những phù thuỷ ấy, cách này hay cách khác, vẫn rất cần thiết mỗi khi có khủng hoảng. Vâng, đám đông vẫn cần ai đó để đem thiêu, cho hả lòng họ.
Một vị chức sắc tôn giáo đi lễ từ ngày 3 đến ngày 17/3, tại thời điểm VN vẫn an toàn và (theo tường trình của vị này) chưa có thông báo cách ly, nhưng lại bị quy kết vào tội “trốn cách ly”. Một người gửi tiền nhờ dân phòng mua táo giùm trong lúc ở trong vùng cách ly, ngay lập tức bị hiến tế thành kẻ “được voi đòi Hai Bà Tưng”.
Một vài phụ huynh thương con đi tiếp tế cho các cháu ở khu cách ly (mà việc này ở thời điểm đó chưa bị cấm) khi lên mạng đã biến các cháu du học sinh thành cậu ấm cô chiêu ích kỷ này nọ… họ bị truyền thông, bị công đồng mạng ném đá không thương tiếc.
Ngay cả bây giờ, tại thời điểm này, người ta vẫn cố gọi virus đó là Vũ Hán, và bằng cách này hay cách khác, quy tội cho người TQ về việc để đại dịch lan ra. Tôi nghĩ gọi tên gì không quan trọng, quan trọng là TQ đã thiệt hại quá nhiều, cả về nhân mạng lẫn kinh tế, nên việc rủa xả họ, cũng chẳng làm chúng ta tốt đẹp hơn và chẳng giúp gì cho việc chống dịch.
Thực ra, theo tôi, TQ cũng khá nhanh trong việc phong toả, cách ly và thậm chí cấm người TQ ra nước ngoài tại thời điểm đỉnh dịch, điều này hạn chế khá nhiều việc dịch lan ra tại thời điểm đó. Tuy nhiên, về sau là phần chủ quan mất cảnh giác, không phải riêng VN mà cả châu Âu và Mỹ.
Thậm chí, tôi thấy lác đác trên mạng có người hả hê với việc nước Ý đang tăng dần số người chết mỗi ngày, chỉ vì nước này từng ủng hộ TQ trong “vành đai và con đường”, tôi thấy điều này thật xấu xí.
Đại dịch đang diễn ra, tâm lý lo lắng và sợ hãi là tất nhiên, nhưng hãy lo lắng và sợ hãi trong yêu thương và chia sẻ, đừng cố tìm những vị phù thuỷ để thiêu sống họ trên truyền thông, việc đó chỉ làm chúng ta gần với thời trung cổ hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.