Thứ Hai, 2 tháng 3, 2020

LS. TRẦN ĐÌNH DŨNG LÊN TIẾNG VỀ VỤ ÁN TRẦN VŨ HẢI

LS. TRẦN ĐÌNH DŨNG LÊN TIẾNG VỀ VỤ ÁN TRẦN VŨ HẢI


LS Trần Đình Dũng

Vụ xử tội LS Trần Vũ Hải: Không thể tùy tiện cưỡng ép “Hành vi trốn thuế” thành “Tội trốn thuế”
Hành vi nguy hiểm và trái pháp luật của công dân hàng ngày xảy ra trong cộng đồng, nhưng không phải hành vi nào cũng trở thành tội phạm. Chẳng hạn hành vi gây thương tích cho người khác 12%, thì trong đó chỉ khu biệt một số như hành vi “cố ý gây thương tích” thành tội phạm. Còn các hành vi như “gây thương tích trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh”, “GTT do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”… vẫn không bị coi là tội phạm.

Nhà lập pháp khi soạn điều luật hình sự ngoài hậu quả ra, còn xem xét tới các yếu tố khác nữa. Cho nên chỉ khu biệt một số hành vi trong nhóm cùng loại hành vi để qui định thành tội danh.

“Hành vi trốn thuế” cũng vậy. Trong cộng đồng có nhiều loại hành vi trốn thuế nhưng không phải cứ có việc trốn thuế trên 100 triệu là thành “Tội trốn thuế”.

Tôi không phải luật sư biện hộ cho LS Trần Vũ Hải tại phiên tòa vừa rồi. Vì vậy tôi lưu ý hai vấn đề: Một là các điểm để lập luận vô tội các LS tham gia biện hộ đã nêu ra hết rồi và ở đây tôi chỉ bàn đến hành vi và tội danh; Hai là tôi không nói tới các bị cáo có trốn thuế hay không mà chỉ nói giả dụ có trốn khoản thuế đó thì cũng không thể thành Tội trốn thuế.

Các bị cáo bị công tố và tuyên xử Tội trốn thuế theo Khoản 1 Điều 161 Bộ luật hình sự 1999, SĐBS 2009 (chứ không phải Khoản 1 Điều 200 BLHS 2015, SĐBS 2017). Cơ quan tiến hành tố tụng cáo buộc ông Lắm, bà Hạnh trốn thuế do ký HĐ công chứng thấp hơn giá bán thật để trốn thuế và cáo buộc LS Trần Vũ Hải (bên mua nhà) đồng phạm giúp sức khi ký kết hợp đồng công chứng thấp hơn giá mua bán thật.

=> XEM XÉT THEO ĐIỀU 161 BLHS 1999 LÀ NHẦM LẪN

Điều 161 BLHS 1999 chỉ qui định “Người nào trốn thuế với số tiền từ một trăm triệu…” chứ không mô tả “Trốn thuế là gì”.


Điều 200 BLHS 2015 nêu rõ dưới dạng liệt kê hành vi “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng…”.

Theo hai điều luật “Tội trốn thuế” này thì khi truy tố phải theo điều luật nào có lợi cho bị cáo. Nguyên tắc này được qui định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc Hội về việc thi hành BLHS.

Chúng ta thấy rõ, Điều 200 BLHS 2015 liệt kê hành vi không có hành vi nào của “Trốn thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Nên phải áp dụng Điều 200 để đánh giá hành vi của đối tượng bị cáo buộc. Chứ không phải biện minh do mức hình phạt Điều 161 BLHS 1999 thấp hơn Điều 200 BLHS 2015, để rồi áp dụng Điều 161 BLHS 1999 cho hợp với hành vi.

Chúng ta lưu ý, Điều 161 BLHS 1999 do qui định chung chung “Người nào trốn thuế…” nên trong thực tế gây hiểu nhầm và có thể làm hàm oan cho bao nhiêu người. Chính vì kiểu lập pháp điều luật quá sơ sài này mà khi ban hành Bộ luật hình sự 2015 Quốc Hội đã bỏ đi và viết lại “Tội trốn thuế” dưới dạng mô tả liệt từng hành vi (Điều 200 BLHS 2015).

Có thể nói, xem xét hành vi trốn thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất (nếu có) của những người bị cáo buộc trong vụ án theo Điều 161 Bộ luật hình sự 1999, SĐBS 2009 là cưỡng ép trái tinh thần Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam.
 

 
==> TRỐN THUẾ CHUYỂN NHƯỢNG QSDĐ KHÔNG PHÙ HỢP VỚI BẤT KỲ HÀNH VI PHẠM TỘI NÀO ĐƯỢC LIỆT KÊ TẠI ĐIỀU 200 BLHS 2015 (SĐBS 2017)

Điều 200 BLHS 2015, SĐBS 2017 qui định như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;

b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

c) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;

d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;

đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.”;

Trong số 9 hành vi liệt kê này thì nhiều người níu vào hai hành vi d (Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động…) và hành vi đ (Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để…). Còn lại các hành vi kia đều không ăn nhập gì tới trốn thuế chuyển quyền SDĐ.

Chúng ta phải hiểu rằng:

+ Đối với hành vi (d) là dùng cho hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào. Hai yếu tố tương đồng nhau của hoạt động kinh doanh sản xuất, không thể áp vào chuyển quyền SDĐ của cá nhân (trừ tổ chức kinh doanh bất động sản);

+ Đối với hành vi (đ) là Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp. Ở đây (trường hợp vụ án) không có chứng từ không hợp pháp nào nộp lên cơ quan thuế để xác định tiền thuế mà bên nộp thuế đã nộp “tài liệu hợp pháp” là hợp đồng có công chứng.

Trong pháp luật hình sự không thể cứ có hơi hướm liên quan là áp vào, mà nó phải là hành vi thật rõ ràng đúng với tinh thần lập pháp của điều luật. Trong trường hợp chưa phù hợp giữa mô tả tội danh và hành vi thì phải suy đoán không phù hợp (tức không có tội) chứ không được suy đoán ngược lại. Đó là nguyên tắc “Suy đoán vô tội” qui định tại Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Như vậy, việc công tố các ông bà Lắm, Hạnh để cáo buộc LS Trần Vũ Hải đồng phạm giúp sức theo Điều 161 BLHS 1999 là nhầm lẫn, cưỡng ép hành vi để “biến thành tội danh”, thay vì xem xét bởi Điều 200 BLHS 2015 và xác định không phạm tội trốn thuế.

Trong số hành vi trốn thuế, có những hành vi khi phát hiện cũng chỉ bị truy thu, ở cấp độ xử lý khác hơn có hành vi bị xử phạt hành chính, ở cấp độ khác là có 9 hành vi trốn thuế từ 100 triệu trở lên bi xử lý hình sự. Trong thực tế có vài chục hành vi (kiểu) trốn thuế.

Tôi nghĩ rằng, không thể cáo buộc tội trốn thuế trong trường hợp này nếu xét xử một cách khách quan toàn diện.

Tôi kiến nghị Vị Chánh án TAND Cấp cao kháng nghị giám đốc bản án theo đường hướng xác định các bị cáo không phạm tội trốn thuế do “Hành vi không nộp đúng thuế chuyển nhượng QSDĐ” không thể coi là hành vi phạm “Tội trốn thuế”.

2 nhận xét :

  1. Vụ án này không lớn, nhưng cách xét xử thì thối nức cả phiên tòa.
    Giới luật sư không làm cho ra nhẽ, khiến LS Trần Vũ Hải chịu oan thì từ nay trở đi, thế lực thù địch của dân Việt sẽ còn lộng hành hơn nữa. 
    Trả lời
  2. Thuộc "án điểm, án chỉ đạo" thì kiến nghị gì cho mệt!
    Trả lời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.