Thứ Hai, 2 tháng 3, 2020

Cánh đồng Nọc Nạn của nhà giáo

Cánh đồng Nọc Nạn của nhà giáo

2-3-2020
Đừng coi việc kiểm điểm ông thầy bán quá giá khẩu trang là chuyện nhỏ, để dừng lại ở tính chất đạo đức của vụ việc.
Câu chuyện của nó thoạt nghe đơn giản và buồn cười, nhưng lại đang chứa đựng những câu hỏi cốt lõi nhất cho tiến bộ và phát triển của xã hội. Nó khác gì một cánh đồng Nọc Nạn trong nhận thức về lề lối quản lí xã hội của chúng ta.
Ở vùng đất mà trường học và nhà giáo được đón nhận như một trung tâm trí thức ở nông thôn thì vì sao nó có thể dung chứa tập tính đấu tố trong quản trị hoạt động? Đó là câu hỏi không làm chúng ta nhức nhối như cách mà nông dân đồng Nọc Nạn bị tước đoạt đất đai do mình khai phá. Dù nó, đang phá hủy không chỉ nhân cách của người thầy mà cả thiết chế trường học vốn thiết yếu với tiến bộ của xã hội.
Người ta không thấy ở nó khả năng hủy diệt sinh lực xã hội với sức lây lan kinh khủng. Nó dường như còn được bảo trợ bằng lối sống lấy sự im lặng làm chiếc khẩu trang trừ họa cho bản thân.
Một tổ chức có mục tiêu đào tạo con người thành công dân lại chỉ hành xử bằng logic của cấp trên, bề trên, biến nó thành thánh chỉ vượt lên cả pháp quyền;
Một tập thể trí thức dễ dàng bị điều khiển bởi thứ quyền lực vu vạ, đấu đá con người;
Một môi trường lao động được thiết kế đầy đủ chức năng bảo vệ sự chính đáng của cá nhân đã bị diễn biến, bị chuyển hoá thành công cụ “tránh voi chẳng xấu mặt nào”;
Một người thầy chỉ có thể thừa nhận mình vi phạm một cái gì đó thuộc về chính trị chứ không phải là luật pháp hay các qui phạm xã hội;
Một xã hội mà chỉ bằng các biện pháp ràng buộc hành chính con người bị triệt tiêu tính chính đáng của cá nhân;
Đó không chỉ là tình huống cá biệt xảy ra với một người, một tổ chức, một địa bàn, mà phải chăng nó đang là hiện trạng phổ biến trong cách thức vận hành xã hội của chúng ta?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.