Thứ Tư, 4 tháng 3, 2020

Cảm nhận về công lý của người Việt Nam

Cảm nhận về công lý của người Việt Nam

3-3-2020
Cảm nhận về công lý của người Việt Nam là điều rất đáng nghiên cứu. Đọc truyện cổ tích cũng sẽ thấy người Việt vốn được cổ vũ để làm chuyện nghĩa hiệp, bảo vệ công lý.
Tuy nhiên, có lẽ cảm nhận công lý đó thường bị bó buộc bởi tính cách thực dụng. Lần xem lại thì dường như những cuộc đấu tranh công lý trước giờ thường phải gắn với một con người cụ thể nào đó. Có thể là sự vùng lên chống lại tên bạo chúa để đòi lại lẽ phải, hoặc ra tay nghĩa hiệp cứu một mỹ nhân xinh đẹp, một con người hoạn nạn. Điều thiếu vắng hình như là sự đứng lên để bảo vệ một ý tưởng, một lý tưởng, hay đơn giản là một điều đúng, bất chấp nạn nhân là ai và nhân vật phản diện là người thế nào. (Rất mong có ý kiến phản biện cho đoạn này vì có thể mình đã bỏ qua một cái gì đó).
Điều này phần nào giải nghĩa cho phản ứng của nhiều người đối với câu chuyện thầy giáo bị cảnh cáo vì bán khẩu trang lời 400đ/chiếc. Rõ ràng đây là một câu chuyện sai trái và bất công và không ngạc nhiên khi người ta đứng về phía thầy giáo ấy. Nhưng rất nhiều người tỏ vẻ bực dọc, tức tối, và thậm chí là buông xua khi thầy giáo ấy viết đơn nhận lỗi. Nhiều người thậm chí cho rằng nhận lỗi như vậy tức là đã không còn xứng đáng để được bảo vệ, là sự hèn hạ…
Kì thực, đấu tranh chống bất công vốn dĩ không thể chỉ dựa vào sự chính trực của nạn nhân hay sự ác độc của phản diện, mà phải đứng trên lập trường của cảm nhận đúng – sai. Nếu chúng ta đấu tranh chỉ để bảo vệ một nạn nhân trong sáng, thì tức là không một ai có thể đứng ra bảo vệ một tội phạm cướp giật bị vu oan cho giết người, hay một cô gái mại dâm bị chính quyền ức hiếp. Đó cũng là lý do mà rất nhiều người quay lưng lại với dân Đồng Tâm khi cho rằng khi họ sử dụng vũ khí tức là họ đã từ bỏ cái “đạo đức” mà họ vốn đại diện. Tương tự, nó cũng sẽ khiến ta xuề xoà khi quy trách nhiệm cho kẻ gây ra bất công vì một vị sư đức cao vọng trọng xứng đáng được thông cảm cho lời rao dạy sai trái hay không nên đấu tranh chống tiêu cực nếu đằng sau nó là vị hoàng đế vốn được xem là anh minh.
Tất nhiên, những phản ứng như vậy là rất phù hợp với bản năng con người và nói như vậy không phải là để chê trách cái cảm xúc đó. Nhưng như những tầng ý nghĩa của cuộc sống, bước cao hơn để đấu tranh chống bất công không phải là để bảo vệ một nạn nhân hay chống lại một kẻ thù mà là để bảo vệ một ý tưởng, một lẽ phải, bất chấp đạo đức của nạn nhân hay uy tín của kẻ ác.
Lục Vân Tiên vốn dĩ có biết đâu Kiều Nguyệt Nga ngồi sau tấm rèm khi chàng “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.