Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

Bi quan về phong trào dân chủ?

Bi quan về phong trào dân chủ?

4-3-2020
Đọc cuốn “The Failure of Democracy in South Korea” được viết năm 1974 bởi chính khách Sungjoo Han (mà về sau được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ ngoại giao năm 1993), mình đi từ ngạc nhiên này tới bất ngờ khác.
“Kết quả là, không một nhóm nào hay một cá nhân nào trong một đảng (đối lập) có thể thương thảo để lập thành liên minh với các đảng khác.” – Han viết về phong trào đấu tranh dân chủ những năm 1960.
Khi viết chuyên đề “Phong trào Dân chủ Á châu” trên Luật Khoa, đã có lúc, mình nghĩ rằng loạt bài về Hàn Quốc đã hoàn thành, và còn tưởng rằng bản thân am hiểu tường tận câu chuyện chuyển đổi chính trị ở các nước Đông Á. Cho đến khi gặp gỡ các bác đấu tranh ở Hàn thời những năm 1970, nghe bao lý giải mới mẻ, mới nhận ra rằng còn nhiều cam go ẩn trong phong trào tranh đấu nước bạn. Bèn nhờ ông bạn bên Đức tìm mua giúp cuốn sách cũ kỹ này.
Hàn Quốc đã kinh qua gần 40 năm tranh đấu chống độc tài, song người dân cũng đã được nếm trải một chút không khí dân chủ dưới thời Trương Miễn trước khi bị Phác Chính Hy đảo chính.
Phong trào đấu tranh dân chủ Hàn Quốc, nhất là sau khi chính quyền dân chủ của Trương Miễn thất bại, không phải là một thực thể thống nhất để gọi tên và vinh danh một cách đơn thuần, như chúng ta vẫn thường làm.
Những đấu đá chính trị, tranh giành sức ảnh hưởng, cùng với các xung đột về đường lối đấu tranh và tấn công phe nhóm đã là một vấn đề không hề nhỏ bên trong chính phong trào ấy. Những chỉ trích, thất vọng, xen lẫn bi quan, đến từ phía người dân và nhất là giới “nhân sỹ trí thức” đông đảo, được hiển lộ trong các nghiên cứu xuất bản trong thập niên 70 và 80. Cuốn sách của Han, tuy không rõ có phục vụ mục tiêu chính trị nào hay chăng, song đã phản ánh bối cảnh của phong trào đấu tranh thời buổi ấy.
Khi không gian dân sự lẫn không gian chính trị ngày càng được cơi nới, việc nảy sinh các bất đồng và xung đột sẽ không có gì đáng ngạc nhiên. Song, Han và các cộng sự đã bi quan trước tình trạng chia rẽ của một lực lượng vốn đã quá mỏng trước một chính quyền quá mạnh. Bằng chứng của cuộc bầu cử 1987 cho thấy, Lô Thái Ngu, người được chính quyền cũ chỉ định, đã đắc cử ghế Tổng thống khi mà ba ông Kim (lãnh đạo ba đảng đối lập) đã không tìm thấy tiếng nói chung.
Trong ấn phẩm của Han, ông cũng trích dẫn những tiểu luận về dân tộc tính của người Hàn (thứ bậc và ưa trật tự theo lối phong kiến, phù hợp với thể chế độc tài), hay những phỏng đoán bi quan về tương lai dân chủ hoá. Nghe không quá xa lạ với những hồ nghi và tranh cãi ở các nước độc tài ngày nay.
Song, mười ba năm sau khi Han ra mắt cuốn sách này, Nam Hàn có Đạo luật Bầu cử Tổng thống với cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên năm 1987. Vài năm sau đó, Kim Vịnh Tam, một trong những lãnh đạo đối lập nổi tiếng trong phong trào đấu tranh, đã đắc cử ghế Tổng thống Nam Hàn.
Có quá nhiều biến cố đã diễn ra trong mười ba năm ấy, để rồi những phân tích sắc sảo của giới quan sát rằng “Hàn Quốc khó lòng có được một nền dân chủ” đã bị thực tế phủ nhận hoàn toàn. Suy cho cùng, các bình luận dù của giới chuyên gia hạng nhất cũng chỉ nên là một loại tài liệu tham khảo, thay vì dùng để tiên tri.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.