Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

Cùng với thời hậu đại dịch COVID-19 sẽ còn là thời hậu sự thật của nó

Cùng với thời hậu đại dịch COVID-19 sẽ còn là thời hậu sự thật của nó

Nguyễn Trung

            Hiện nay hãy còn quá sớm để nói đến thời hậu đại dịch COVID-19, bởi lẽ SARS COVID-19 hiện còn đang ngấp nghé có thể trở thành đại dịch toàn cầu (pandemic) hay không? Và nếu con người bất lực để cho pandemic này xảy ra, chưa ai nói được thế giới chúng ta đang sống hôm nay sẽ là gì. Song tư duy để chuẩn bị cho phía trước thì không được phép chờ đợi. Chức năng của tư duy cũng có nhiệm vụ như vậy.
            Dựa vào những bài viết, những ý kiến của giới nghiên cứu và giới báo chí nước ngoài cũng như trong nước tôi tiếp cận được, tôi đi đến kết luận: Cùng với thời hậu đại dịch COVID-19, sẽ là thời hậu sự thật của đại dịch này – hiểu theo tinh thần của Yuval Harari.
Trong cuốn “21 bài học cho thế kỉ 21”, xuất bản 08-2018, Harari đã nêu ra đòi hỏi những vấn đề toàn cầu hôm nay phải có câu trả lời mớivà cho rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ hậu sự thật – hàm ý: Mọi sự lừa dối và tin giả dù gian ác hay xảo quyệt đến mức nào, do bất kể quyền lực hay tham vọng nào thực thi, cuối cùng – như kinh nghiệm trong lịch sử của con người (ở đây Harari muốn nói đến lịch sử của Homo Sapiens) đã chỉ ra – hệ quả của mọi tội ác và lừa dối sớm muộn sẽ tự chính nó sẽ phơi bầy ra sự thật. Trong thời đại của tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày nay, lừa dối và tin giả mang những độ lớn với những tốc độ và chiều kích chưa từng có, gây ra những tội ác mới tương ứng chưa từng có, và chính hệ lụy của những tội ác này – cũng với tốc độ và chiều kích chưa từng có – sẽ vạch ra sự thật phũ phàng… [Trong phần này, Harari có một lưu ý đầy trào phúng: Nếu người nào còn nghi ngờ thực tế này, có lẽ anh ta chỉ có may mắn nếu sống chung với những người vượn tinh tinh!]. Đại dịch COVID-19 đang thừa nhận cách suy nghĩ của Harari.
Trước hết xin điểm qua thế giới suy nghĩ gì về đại dịch COVID-19.
Nhiều báo chí và các nhà nghiên cứu các nước phương Tây cho rằng: Từ những hệ quả chưa lường hết được của dịch bệnh SARS COVID-19 hiện nay, các quốc gia của họ phải tỉnh ngộ và xem lại toàn bộ mối quan hệ mọi mặt với Trung Quốc, nhất là (a)tình trạng các nước phương Tây phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, và (b)tình trạng Trung Quốc chẳng những không công khai minh bạch mà còn mang nặng sự mù quáng toàn trị (authoritarian blindness) trong đối nội cũng như đối ngoại, qua đó (c)Trung Quốc đang gây ra nhiều tác động rất nghiêm trọng cho toàn thế giới, chứ không phải chỉ riêng cho Trung Quốc!..  Họ cho rằng sự bùng phát của dịch COVID-19 với nguy cơ trở thành đại dịch toàn cầu mà thế giới hôm nay đang phải hứng chịu, cách ứng xử bưng bít thông tin và thao túng thông tin của Trung Quốc với mọi hệ lụy cho bản thân Trung Quốc và cho toàn thế giới, 60 ngày đầu tiên của nạn dịch đã làm cho tăng trưởng kinh tế thế giới giảm khoảng 1%, và sẽ còn tệ hại hơn nữa nếu COVID-19 trở thành pandemic.., vân vân... Đấy là những minh chứng rõ ràng không thể trối cãi. Chưa nói đến chính sách đối ngoại bá quyền Trung Quốc triển khai từ mấy thập kỷ nay. Mặt khác ngày càng lộ ra nhiều thông tin Trung Quốc đã ăn cắp bí mật công nghệ trong các trung tâm y tế nghiên cứu sinh học của Mỹ và Canada, sau đó mang về Trung Quốc, đã tạo ra, và đã để xổng vi khuẩn covid-19 làm ra được tại phòng thí nghiệm vũ khí sinh học P400 ở Vũ Hán, dẫn tới nạn dịch hiện nay!.. Nhiều nhà nghiên cứu của những nước này cho rằng những hệ lụy của hậu dịch SARS COVID-19 rất lớn không tiền khoáng hậu, sẽ tạo ra trên thế giới một địa chính trị và địa kinh tế toàn cầu khác hẳn với hôm nay mà chưa ai có thể đoán định được… – Tất cả còn tùy thuộc Trung Quốc sẽ ra khỏi đại dịch này như thế nào: sống sót hay suy sụp, thậm chí tan rã..?! Sẽ có nhiều kịch bản cho Trung Quốc hậu dịch bệnh COVID-19, bởi vì đối với Trung Quốc thời kỳ hậu dịch bệnh COVID-19 đồng thời cũng là thời kỳ hậu sự thật đối Trung Quốc bá quyền: Cơn giận dữ COVID-19 của nhân dân Trung Quốc khiến cho chính họ sẽ có thể vượt lên được mọi sợ hãi để xét lại tất cả!.. Còn trước thế giới: Chưa bao giờ gót chân Ashine của Trung Quốc bá quyền lộ rõ như hôm nay, nội bộ Trung Quốc rối ren hơn bao giờ hết với không biết bao nhiêu đồn đoán theo thuyết âm mưu, Trung Quốc hậu đại dịch COVID-19 sẽ không còn là Trung Quốc hôm nay nữa, thế giới sẽ không khoanh tay ngồi yên trước một Trung Quốc như thế... Nạn dịch COVID-19 đã lan ra 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, lan tỏa theo tâm lý bài Trung chưa từng có… Nếu COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu (pandemic) sẽ có thể là trận đại hồng thủy[1]trong thế giới đương đại!!!.. Cũng chưa ai đoán định được cái quán tính của dạ dầy và ma lực của lợi nhuận vốn có như bản năng của loài người sẽ góp phần tích cực hay tiêu cực của nó như thế nào vào cái hỗn loạn chung này…
Các nước phương Tây suy nghĩ như vậy. Còn chúng ta nghĩ gì?
Để trả lời câu hỏi “Còn chúng ta nghĩ gì? – xin điểm qua vài nét về nước ta.
Ví dụ trong chống dịch: Chính phủ chủ trương phải chống dịch như đánh giặc. Cả nước đã và đang thực hiện quyết tâm này trước hết bằng thông tin minh bạch và thông suốt chứ không giấu diếm tình hình dịch bệnh. Thứ đến là chúng ta chống dịch quyết liệt trong những điều kiện và khả năng còn rất hạn hẹp của đất nước, và chống theo cách của chúng ta. Hai đòi hỏi này khiến chúng ta đã phải độc lập tự chủ trong suy nghĩ, tìm ra được những biện pháp thích hợp tối ưu có thể, với mục đích ứng xử kịp thời và chống dịch ngay tại chỗ từng nơi dịch phát sinh. Kết quả bước đầu đạt được như đến nay có thể đánh giá là khả quan – tuy không bao giờ được phép chủ quan. Giả thử chúng ta cũng rập khuôn theo Trung Quốc, ém nhẹm thông tin dịch bệnh vì đủ mọi thứ lý do này nọ, và chống dịch theo kiểu của Trung Quốc, hầu như chắc chắn dịch bệnh đã có thể làm sụp đổ đất nước chúng ta chỉ trong vài tuần lễ đầu tiên – vì nước ta không có lực và sức chịu đựng đối với dịch như Trung Quốc…  Bài học độc lập tự chủ trong tư duy một lần nữa khẳng định như đinh đóng cột tính đúng đắn của nó. Xin đừng lúc nào quên: Toàn bộ thách thức của dịch COVID-19 đối với nước ta còn nguyên vẹn phía trước.
Trong kinh tế, qua chống dịch lần này, chúng ta ngộ ra hai điều vô cùng quan trọng. Trước hết là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia là điều tất yếu. Song thực tế hai tháng chống dịch vừa qua cho thấy ngay từ Đổi Mới 1986, lẽ ra nước ta phải tính đến đa dạng hóa sự phụ thuộc này, và phải có những kịch bản đối phó khác nhau. Hai tháng chống dịch COVID-19 dậy nước ta không thể kéo dài mãi tình trạng 80% toàn bộ sản xuất cho xuất khẩu của kinh tế nước ta phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc, phần lớn nông phẩm chính có thế mạnh của nước ta đều xuất đi Trung Quốc, toàn bộ xuất siêu nước ta có được trong làm ăn với mọi đối tác trên thế giới không đủ bù cho nhập siêu của nước ta riêng từ Trung Quốc! Vân vân… Kéo dài tình trạng này, kinh tế nước ta không lớn lên được, sớm muộn sẽ đi vào ngõ cụt! Bài học thứ nhất này trong kinh tế quan trọng lắm. Thứ đến là bài học thứ hai: Muốn đa dạng hóa sự phụ thuộc lẫn nhau và luôn luôn tìm ra được thị trường thay thế, thị trường mới, kịch bản mới… đòi hỏi sống còn là đất nước ta phải làm chủ được công nghệ cao, phải có đường lối chính sách và chế độ chính trị nào giải phóng được mọi tiềm năng kinh tế của đất nước… Tất cả sao cho từng người lao động, từng doanh nghiệp, từng đơn vị công tác luôn luôn giữ vai trò hạt nhân và đi tiên phong trên mặt trận kinh tế của quốc gia. Đòi hỏi này cao lắm, phải có một nền giáo dục tiên tiến làm căn bản. Đạt được đòi hỏi này, ở nước ta mỗi công dân, thể chế chính trị nhà nước và quốc gia sẽ gắn quyện vào nhau để trở thành là một. Đạt được là mộtnhư thế, chủ nghĩa yêu nước và ý chí quật khởi dân tộc sẽ đạt đỉnh cao mới, nước ta sẽ phát triển năng động và có thể trụ vững trong mọi sóng gió.
Về nội trị, trong gần nửa thế kỷ nay xây dựng và bảo vệ đất nước kể từ khi độc lập thống nhất, không lúc nào ĐCSVN không nhấn mạnh phải có con người tốt thì mới có thể chế chính trị tốt và bộ máy chính quyền vững mạnh. Câu hỏi lớn là: Tại sao quan điểm đúng này không trở thành hiện thực? Mấy thập kỷ nay tham nhũng tiêu cực làm siêu vẹo đất nước mọi mặt, đạo đức và văn hóa xã hội xuống cấp chưa từng thấy, sự phát triển của đất nước bị kìm hãm, nhưng chủ nghĩa tư bản thân hữu nở rộ. Câu trả lời ai cũng mắt thấy tai nghe được là: Nước ta chưa thành công trong việc xây dựng con người tốt và chưa có được chế độ chính trị đảm đương nổi vai trò phải thực hiện của nó. Trả lời như vậy, thực ra là câu hỏi vẫn chưa được giải đáp! Bởi vì yếu tố cốt lõi để phát triển được con người cũng như để xây dựng được thể chế chính trị mạnh là dân chủ! Sự thật là mối nguy trầm trọng nhất đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc suốt mấy thập kỷ vừa qua là tình trạng mất dân chủ – ngay từ trong Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị! Riêng về xây dựng con người, còn phải nhấn mạnh: Không có tự do và dân chủ, không thể phát triển được con người – nghĩa là con người vẫn chưa được giải phóng! Nếu phải khái quát trong một câu về mọi khó khăn của đất nước, đấy sẽ là: Nhiều vấn đề nghiêm trọng của đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cho đến hôm nay có gốc gác là căn bệnh mất dân chủ. Nếu nhận định này được chấp nhận, sẽ có hướng trả lời nước ta phải thay đổi gì, và sẽ tìm ra cách thực hiện.
Cũng xin lưu ý, ngay trong nước ta, một số nhà nghiên cứu cho rằng thực tiễn đa dạng của tình hình toàn cầu hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vừa thúc ép, vừa là cơ hội Việt Nam phải tự thay đổi quyết liệt để thoát khỏi thân phận chư hầu, mở ra cho đất nước con đường phát triển mới!.. Có ý kiến còn nói thực tiễn toàn cầu hiện nay đang là cơ hội để thoát Trung!.. Xin được bàn sau những ý kiến như vậy. Nhưng hôm nay tại đây, trước hết xin hãy cùng nhau làm rõ: Trong thế giới này, có phải đất nước ta đang đứng trước đòi hỏi quyết liệt phải thay đổi để mở ra con đường phát triển mới hay không? Thống nhất được với nhau câu trả lời chính xác cho câu hỏi này, đất nước sẽ có hướng trả lời cho câu hỏi tổng quát: Phải thay đổi cái gì? Thay đổi như thế nào?
Xin mạn phép thử hỏi: Trong tình huống này, nước ta có thể cứ bình chân như vại, và cứ tiếp tục ngựa quen đường cũ được không? Chưa biết Đảng và Nhà nước sẽ có quyết định gì trước thực tiễn mới này, nhất là tại Đại hội XIII sắp tới. Song hôm nay có thể suy đoán trước, nói cho đúng hơn là khẳng định: Nhắm mắt trước thực tiễn mới này của hậu dịch COVID-19, hay bất lực đối với nó – cả hai đều dẫn đến thảm bại lớn cho đất nước.
Thực tiễn chống dịch như đánh giặc hai tháng qua và những kết quả khả quan đạt được vừa đòi hỏi, vừa cổ vũ nước ta phải thay đổi quyết liệt để mở ra con đường phát triển mới, để chiếm lĩnh cho nước ta vị thế quốc gia phải có tại vị trí đầu sóng ngọn gió trong khu vực nước ta đang sống! Việc của quốc gia cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm cao nhất của từng công dân!
N.T. Hà Nội – Võng Thị ngày 27-02-2020



[1] Xem: Truyền thuyết trong kinh thánh của Thiên chúa giáo.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 28-2-20
Nguồn: http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_HauDaiDichCOVID19.html

Nhắc lại một kỷ niệm để tưởng nhớ Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ

Nhắc lại một kỷ niệm để tưởng nhớ Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ

Nguyễn Huệ Chi

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ
Năm 1992, bấy giờ tôi đang là cán bộ của Viện Văn học, hơn nữa lại đang giữ một chức về khoa học cũng có thể gọi là to: Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện. Nhân đang được Viện giao Chủ biên công trình "Thơ văn Lý-Trần", tôi đề nghị với Viện trưởng kiêm Tổng biên tập tờ "Tạp chí Văn học" cho mình chịu trách nhiệm ra một số đặc san về văn học Phật giáo, được Viện trưởng chấp nhận. Trong khi chuẩn bị cho số báo này, tôi nghe phong thanh ở Thái Bình có một nhà sư tài giỏi từ miền Nam bị Nhà nước lưu đày ra đây đã hơn mười năm, vì tội không thừa nhận Hội Phật giáo Việt Nam do Nhà nước cai quản mà chủ trương một tổ chức Phật giáo độc lập lấy tên là Hội Phật giáo Thống nhất, có Ban lãnh đạo do toàn thể hội viên bầu lấy, và có đường lối tu tập riêng của mình. Tiếng tăm vị sư lan tỏa rất xa, từ Thái Bình bay lên đến Hà Nội, với những lời đồn thổi khiến người nghe hết sức tò mò, rằng đây là một nhà Phật học thông thái phi thường, khác xa lớp sư trụ trì ở các chùa miền Bắc trước nay.
Một hôm, vào khoảng đầu tháng 7-1992, có người bạn là nhà nho Nguyễn Tiến Đoàn từ Thái Bình lên Hà Nội, đến nhà thăm tôi. Tôi đem chuyện nhà sư bị lưu đày ra hỏi anh thì không ngờ chính anh đã từng thân hành đến ngôi chùa giam lỏng vị sư này để tìm gặp ông và được ông trao đổi rất cởi mở. Và theo anh, đó quả thực là một bậc thầy về Phật học trước nay anh chưa từng gặp. Thế là tôi liền mời anh Đoàn viết cho một bài về cuộc gặp gỡ hy hữu đó để đăng vào số đặc san tôi đang phụ trách, sẽ được in vào cuối tháng 8-1992. Anh Đoàn hào hứng ngồi tại nhà tôi viết ngay, và viết trong có một buổi là xong. Khi anh "nộp quyển" cho tôi, chúng tôi cùng đọc lại, bàn bạc chỉnh sửa câu chữ với nhau, trong đó chủ trương chỉ để tên vị sư xuất hiện một lần duy nhất ở cuối bài, nhằm tạo nên một ấn tượng mạnh, đọng lại rất lâu trong lòng bạn đọc. Mặt khác chúng tôi cũng tra cứu và bổ sung thêm các chú thích cần thiết cho rõ ra một bài viết học thuật, để khỏi có ai nghi ngờ dụng ý không hay. Thế mà chỉ mấy ngày sau, tôi lại nhận được một lá thư của anh Đoàn gửi từ Thái Bình lên đề nghị cho rút bài lại, không phải vì anh sợ cho mình mà sợ khi in ra có thể ảnh hưởng đến chính tôi. Nhưng tôi trả lời anh, tôi chịu trách nhiệm việc này, rồi quyết định ký vào bản đánh máy cho đưa đi nhà in.
Số đặc san Tạp chí Văn học về Văn học Phật giáo ra mắt vào đầu tháng 9-1992 đã gây được một tiếng vang sâu rộng và nói chung là "an lành", chỉ trừ những số chuyển về Thái Bình là bị thu giữ toàn bộ, nên tác giả Nguyễn Tiến Đoàn từng nhiều lần cất công đi lùng tìm ở các hiệu sách vẫn không mua được một số nào cả. Nhưng về mặt tình cảm, cả anh và tôi đều đã chung nhau một kỷ niệm không thể nào quên trong việc tôn vinh một vị sư tài danh ngay giữa lúc người đó đang trong thân phận một tên tù. Và thời gian cũng cho thấy những gì chúng tôi làm hoàn toàn không lầm lẫn: vị Thượng tọa năm nào bị lưu đày ở Thái Bình chính là Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ lẫy lừng tên tuổi vừa giã từ nhân thế mà người Việt trong nước cũng như nhiều nơi trên thế giới đều bày tỏ tình cảm kính phục, thương tiếc.
Dưới đây, xin ghi lại bài báo của tác giả Nguyễn Tiến Đoàn, bài viết duy nhất trên một tạp chí học thuật chính thống của Việt Nam nói về vị Hòa thượng từ mấy chục năm nay vẫn bị coi là phần tử chống Đảng sừng sỏ, nhằm tưởng niệm anh hồn ngài, cũng là để tưởng nhớ đến người bạn thông thái Nguyễn Tiến Đoàn đã khuất núi từ năm 2015 mà trước khi mất khoảng nửa năm anh còn làm một bài thơ chữ Hán tặng tôi, coi tôi là người bạn tri kỷ trên đời (12).
N.H.C.
Tác giả gửi BVN

               

Trò chuyện với một nhà nghiên cứu Phật học

Nguyễn Tiến Đoàn (*)
Vào khoảng đầu những năm 80, nhân đọc cuốn Thiền học của Giáo sư Nhật Bản D. T. Suzuki qua bản tiếng Pháp do ông bạn già ở chùa Trà Vy, xã Vũ Công là nhà văn Nguyễn Hữu Đang cho mượn, tôi có gặp từ "Satori". Qua văn cảnh cũng có thể luận ra nghĩa của từ đó, song tôi vẫn chưa thể yên tâm. Tôi bèn tìm mấy bộ từ điển tiếng Pháp tra cứu, nhưng đều không thấy ghi từ này, nên trong lòng vẫn áy náy. Tôi tự nhủ, mình là kẻ ngoại đạo, hiểu thế là được rồi. Dẫu sao, một sự mắc mớ về tri thức chưa được giải đáp đến nơi đến chốn vẫn như cái gai trong đầu, mỗi khi chợt nghĩ đến, hoặc cầm đến cuốn sách của nhà Thiền học bậc thầy. Mấy lần tôi đến ông bạn chủ nhân của cuốn sách để hỏi về nghĩa của cái từ hắc búa, thì đều không gặp, khi ông đi Hà Nội, khi thì ông du ngoạn các làng xã trong vùng. Bỗng một hôm có anh thợ mộc gần nhà, tình cờ trong câu chuyện cho biết một tin: có một vị sư ở thành phố Hồ Chí Minh mới ra ở chùa xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư. Người ta nói, vị sư ấy đỗ đến mấy bằng Tiến sĩ, từng đi nhiều nước trên thế giới. Ông là người nghiên cứu, đến chơi mà chuyện trò với nhà sư ấy hẳn là mọi thắc mắc có thể được "giải tỏa". Bấy giờ là khoảng tháng Sáu năm 1982, tôi đang nghiên cứu về xã Hành Dũng Nghĩa (tức xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) nơi có ấp Tả Hành của Tiến sĩ Hy Long Đặng Xuân Bảng, nơi có thành đồn Phan Ba Vành; và cũng đang nghiên cứu tiểu sử Đốc học Nghệ An Nguyễn Doãn Vọng, người thầy học của các Tiến sĩ Phan Đình Phùng, Phan Trọng Mưu, Phan Huy Nhuận, cũng như nghiên cứu về giảng quan phủ Tôn nhân triều Tự Đức, Cử nhân Nguyễn Doãn Cử, người thầy học của vua Hàm Nghi... Tiện đường đi nghiên cứu, một hôm ngay từ rất sớm tôi đã tìm đến ngôi chùa xã Vũ Đoài mong được gặp vị sư như anh thợ mộc thông báo, nhằm hỏi nghĩa từ "Satori" mà lòng vẫn canh cánh không nguôi.
Đây là một ngôi chùa nhỏ cổ kính ven làng thật yên tĩnh, ít người qua lại. Con đường nhỏ quanh co, cỏ mọc um tùm dẫn tôi đến cổng chùa. Tôi dắt xe đi rất chậm để ngắm cảnh. Mùi hương hoa cau, hoa ngâu, hoa đại lan trong gió sớm, tôi thở hít thật sâu, cảm thấy lâng lâng dễ chịu. Nhiều loài rêu mọc trên những viên gạch lát, rêu chân tường, rêu mái ngói như những hoa văn tuyệt hảo của họa sĩ bậc thầy trang trí cho ngôi chùa thêm vẻ trầm tư. Con đường dẫn vào sân sau nơi có căn nhà rạ cũ ba gian hai chái và nhà bếp. Tôi dựa xe đứng ngơ ngẩn một lát chẳng thấy bóng người. Bỗng một bà già ở trong bếp ra, hỏi: "Ông gặp ai?" 
- Tôi muốn gặp... nhà sư.
- Ngài đang ở trên chùa. Ông chờ cho một chút.
Lát sau, xuất hiện trước mặt tôi là một vị sư trạc tuổi quá ngũ tuần, dáng điềm tĩnh, linh lợi. Đặc biệt ông có đôi mắt rất sáng, như xuyên vào tâm tưởng người đối diện với mình (tôi thầm nghĩ, trong Ma Y tướng pháp (1) gọi đó là "hổ nhỡn"), một bộ râu đẹp như râu Đạt Ma và nhất là tinh thần ông tự chủ, hồn nhiên làm cho tôi dễ bắt đầu câu chuyện.
- Thưa ngài, ngài mới ở trong Nam ra?
- Tôi mới ra đây ít hôm. Chẳng hay ông có việc gì cần gặp tôi? 
- Thưa ngài... nhân đọc về Thiền học, có chữ tôi không hiểu, muốn gặp ngài giải nghĩa giùm cho. 
Sau khi nghe tôi tự giới thiệu mình là người nghiên cứu lịch sử, cần đọc rộng các sách nên mới đến với cửa Phật, nhà sư bỗng nở nụ cười rất tươi và nói: "Có lẽ ông nên đến thư viện. Tôi chả có tài liệu, sách vở gì. Tôi đi rất vội. Ông thông cảm". 
Tôi biết nhà sư từ chối không muốn tiếp. Lúng túng vài phút, tôi đánh bạo gặng thêm: 
Mong ngài giải nghĩa cho chỉ một từ thôi. Tôi sẽ không làm phiền ngài ngoài chuyện chữ nghĩa này. 
Thấy tôi khẩn khoản, nhà sư hỏi: 
- Ông định hỏi về chữ gì ? * 
- Thưa ngài, chữ "Satori" trong cuốn "Thiền học" của Suzuki. 
- Nhà xuất bản nào? 
- In ở Paris. Không nhớ tên nhà xuất bản. 
- Ông có biết chữ Hán không ? 
- Thưa ngài. Biết võ vẽ, chữ "tác", chữ "tộ" thôi! 
Thế là nhà sư bỗng chỉ chiếc ghế mời tôi ngồi, rồi cũng ngồi xuống, và thung dung nói liền một mạch, hầu như không cần đắn đo suy nghĩ. Giọng ông càng nói càng say sưa, như phong thái của nhà thuyết pháp Gôvinđa (Anagarika Govinda) (2). Tôi rất chú ý nghe những chỗ chuyển ý, chuyển đoạn khi nhà sư thuyết trình.
Đại lược, ông nói: Ông biết, trong nhận thức luận của Mác (K.Marx) và Bectơrăng Ruxen (Bertrand Russel) (3) có chỗ tiệm cận giống nhau. Quy luật nhận thức là một quá trình đặc biệt và không đơn giản. Nhận thức luận của Phật học có nét tương đồng song phần duy lý trừu tượng thì đa dạng lắm. Nhà sư chiêu một ngụm nước nhấp giọng. Và nói tiếp cho nghe về "Bát thức" trong duy thức luận. Ông đột ngột hỏi tôi: “Ông có biết chữ "Giác", chữ Hán viết thế nào không? Giác là sự nhận thức khách quan với vạn giới, với chính mình. Với chính mình là điều khó lắm. Cái mà Lão Tử nói: "tự tri giả minh, tự thắng giả cường" cũng có chỗ tương đồng nhưng chưa đủ. "Giác" phải được tích tụ nhiều đến độ bão hòa của chủ thể theo một đường hướng tập trung nhất. Từ đó dẫn tới sự bùng nổ nhận thức. Sự bùng nổ ấy là giai đoạn của "Ngộ". Cái nghĩa mà ông cần hỏi là như thế. Vậy Thiền, Gyò, Satori hay Ngộ là đồng nhất, và nếu cân được nó, tất nhiên lại có cấp độ khác nhau ở mỗi chủ thể, mỗi con người. Song ở chủ thể nào cũng phải là sự bùng nổ nhận thức mới gọi là "Satori" được. Chủ thể sau khi bùng nổ là một chủ thể khác trước nó, không thể tưởng tượng được".
Câu chuyện đến đây trở nên hết sức cởi mở và tự nhiên hẳn. Tôi nói: 
- Xin cảm ơn lời giải thích của ngài. Nhân đây có vài điều lặt vặt muốn hỏi ngài nữa. 
Nhà sư lúc này mới chỉ vào chén nước và mở bao Điện Biên mời tôi hút. Điếu thuốc nhiều hơi ẩm đã mềm, hút không cháy. Ông chọn cho tôi một điếu khô nhất trong bao và đánh diêm giùm tôi như để xin lỗi về điếu thuốc ẩm. 
- Thưa ngài, năm 1963 tôi đang ở quân đội có đọc báo biết tin nhà cổ học Trần Huy Bá phát hiện pho tượng chân hia, chân đất ở chùa Bộc gần gò Đống Đa - Hà Nội và công bố là tượng vua Quang Trung. 
Mới nói đến đó nhà sư đã gật đầu, nhìn thẳng vào tôi cười thoải mái, như đã đoán biết toàn bộ ý tôi muốn hỏi. Tôi tiếp: Đến hôm nay thì tôi ngờ quá! Ở chùa Trà Vy ta đây mà tôi mới vừa thoáng thấy, và một số chùa khác nữa tôi cũng đều có gặp những pho tượng tương tự như chùa Bộc. Vậy Quang Trung được thờ làm hậu Phật chăng? 
Nhà sư khẽ đẩy bao thuốc trên bàn về phía tôi, tay khác vê chòm ria. 
- Chuyện ấy giới Phật giáo miền Nam trước đây chúng tôi có biết cả. Đó là một chuyện kể cũng không có gì phức tạp nhưng cách giải thích của học giới khiến người tu Thiền phải buồn cười. Ông đã muốn biết thì tôi xin nói qua. Thực ra đó chỉ là tượng đức Bồ đề Đạt Ma (Bouddhi Dharma), tổ thứ 28 sau Ma Ha Ca Diếp, Đông độ sang Trung Quốc vào thời Lương Vũ Đế (502-547). Đạt Ma tiếp xúc với Vũ Đế, thấy ông ta không hào hứng việc truyền bá đạo Phật và ngài sang nước Ngụy. Chắc ông biết câu: 
"Học đáo Xương Lê chung ngộ đạo
Lý cùng Lương Vũ thủy tôn kinh"
Đấy là môt ví dụ của quá trình "Giác" và "Satori" đến chậm. 
Tôi gật đầu hưởng ứng: Nhưng chậm còn hơn không thưa ngài! 
Nhà sư cười: Ông bênh vực Hàn Dũ rồi! 
Cả hai chúng tôi cùng cười sảng khoái. 
- Khi đạo Phật truyền bá thành công ở đây, ngài Đạt Ma viên tịch. Nhà sư tiếp - có nhiều thuyết, người ta thấy Đạt Ma trở về một chân giày, một chân đất, chiếc giày còn lại ngài treo vào tích trượng. Đời sau lấy hình ảnh đặc trưng này của Đạt Ma tạc tượng ông ở nhà tổ các chùa, tiêu biểu cho Thiền tông do ông khai sáng, cho nên các tượng mới chân có giày và chân không giày. Chỉ có thế thôi. Lời giải thích giản dị của nhà sư làm tôi ngớ ra, bất chợt nhớ lại cả một thời đã qua, giới học thuật miền Bắc chúng ta từng say sưa với phát hiện mới mẻ "Quang Trung hóa Phật"... (5). 
Tôi hỏi thêm một câu: 
- Xin cảm ơn ngài. Tôi không muốn lạm dụng thì giờ của ngài, nhưng xin ngài giải thích thêm cho tôi câu chú "Án ma ni bất minh hồng" mà tôi thấy dường như là một cái gì linh nghiệm ghê gớm đối với tất cả các phái, kể cả phái Lã tổ (6) và một số người luyện Yoga ngày nay ở miên Nam (7). 
Nhà sư lắc đầu vài ba lần chẳng khác con lắc uể oải của chiếc đồng hồ cổ treo tường, nhếch mép hóm hỉnh như muốn bảo với tôi: "Anh là một kẻ bất nhất, tham lam, một tiền A la hán (8) đối với tri thức!". Chính tôi cũng tự cảm thấy như vậy. Song biết làm thế nào khi xu thế câu chuyện đang có chất men "yên sĩ phi lý thuần" (9)? 
Rồi nhà sư lại phấn chấn nói ngay: 
- Có một người Pháp đã bỏ thời gian gần suốt cuộc đời, trong 25 năm nghiên cứu chỉ để viết một cuốn sách nói về nguồn gốc, ý nghĩa lời chú này. Ông ta đã đi đến Ấn Độ, Sơri Lanca, Miến và các nước vùng Trung Á có đạo Phật, lên cả vùng núi Hy Mã. Sau khi thu thập tư liệu, nhân chứng, ông viết cuốn sách dày tới nghìn trang, tự bỏ tiền in 1.000 cuốn không bán, chỉ để biếu các thư viện lớn trên thế giới. Như vậy đấy, người phương Tây họ cũng có nhiều cái kỳ lạ của họ, kỳ lạ như thế thật là tốt! Lời chú ấy hàm chứa nhiều ý nghĩa, không thể nói với ông buổi sáng nay được. Tôi nói rất sơ lược để ông có khái niệm: Lời chú ấy để tịnh tâm, làm cho lòng trong suốt như gương, không chút nhơ bẩn. Sống giữa cuộc đời phiền trọc mà mình vẫn không ô nhiễm. Một trong nhiều nghĩa cơ bản của nó là: "Người ở trong Ta, Ta ở trong Người". 
Người và Ta (viết hoa) lại mang những hàm nghĩa triết học. Người ấy là ai? Là lý tưởng, là Thượng đế siêu nhiên, là Vĩnh hằng - là Trong sáng - là Thánh thiện... Cái Ta, cái Tôi lại cũng khác nhau. Có cái Ta thực và cái Ta ảo, cái tiền Ta và cái hậu Ta, cái Tôi cũng thế. Cái Ta mênh mông và cái Tôi chật hẹp, hữu hạn. Người và Ta - Ta và Người thể nhập với nhau (désintégration) trong những môi trường khác nhau, tình thế khác nhau và chúng sẽ trở thành một sức mạnh phi thường, chế ngự hết thảy trở lực thường xuyên hoặc bất ngờ của lý trí và vật chất. Cái mà ta gọi là trở lực xã hội, trở lực tự nhiên cũng thế. 
Tôi thấy nhà sư nói cũng đã mệt, liền chen một câu: 
- Chắc ngài đã được đọc cuốn sách ấy? 
Ông khẽ gật đầu và tôi liền chuyển sang chuyện "vấn xá, cầu điền" (10) cho nhẹ nhàng đầu óc.
Nhà sư cho tôi biết quê quán ông ở xã Nam Thanh huyện Tiền Hải, thế phát đầu đà từ nhỏ và ra đi khỏi Thái Bình hồi Pháp tạm chiếm năm 1950, rồi đi Hà Nội, qua một số chùa, vào Sài Gòn, sang Ấn Độ nghiên cứu Phật học trong 6 năm và đã đi nhiều nước trên thế giới. 
- Ngài có biết Suzuki không ? 
- Có, tôi có dịp trao đổi với cụ về Thiền học. Bấy giờ cụ đã già, nay thì qua đời rồi! 
- Ngài có trước tác và dịch thuật không? 
- Có. Khoảng 12 tập sách và nhiều luận văn khác kể cả dịch phẩm. 
- Ngài không có sách đọc có cảm thấy buồn không? 
- Không. Sách trong Thiên nhiên - Tự nhiên, trong Cảnh ngộ, trong Suy tưởng, cổ nhân có "Hữu ngôn thư" và "Vô ngôn thư". Bây giờ tôi đang đọc Vô ngôn thư. Thú lắm ! 
Nhà sư nói đến Vô ngôn thư khiến tôi cứ mỉm cười trong bụng, không hiểu cái "vô ngôn thư" mà ông nói đây, có ngụ ý liên hệ gì với "vô y phục" trong truyện "Hoàng đế cởi truồng" của Ăngđecxen (H.C.Andersen) không. Nếu có liên hệ dù là vô thức, vô thường thì thật là trớ trêu và thú vị nhường bao!
Câu chuyện giữa tôi với nhà sư chùa Vũ Đoài kéo dài gần 2 giờ đồng hồ. Lời kết thúc của ông khiến tôi nghẹn nơi cổ họng và thấy quý mến ông hơn giây phút làm quen ban đầu. Trước hết, ông là người con của đồng đất Thái Bình, quê hương của Bảng Đôn, của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm với dáng vẻ, trình độ uyên bác truyền thống của người trí thức Sơn Nam xưa. 
Ông là ai? Khi tôi chào tạm biệt ông, ra đến cửa gặp đồng chí Phó chủ tịch xã... mới biết ông là Thượng tọa Thích Quảng Độ, một nhà Phật học có tên tuổi. Thật là nhờ duyên văn tự mà được trò chuyện cùng ông (11).
Tôi cứ mỉm cười một mình. Sách "Độc thư lạc thú" của học giả đời Thanh Ngũ Chi Hiên trong mục "Di tình" chưa có trường hợp nào như hôm nay tôi gặp.
Âu cũng là một điều kỳ thú ! 
Hà Nội - Hè 1992
N.T.Đ.
Chú thích
(*) Nhà Hán học 
1. Sách xem tướng của Ma Y. Ma Y có nghĩa là áo gai. Có thuyết nói Ma Y là thầy học của Trần Đoàn (?-989) về âm dương học. Ông tu luyện ở núi Hoa Sơn, chuyên mặc áo gai. Nhờ sở dắc học thuật của thầy, sau này Trần Đoàn đứng đầu phái Hà đồ thời Tống, và được Chu Đôn Di phát triển, cải biến để thành một phái trong Lý học thời Tống. 
2. Anagarika Govinda: tác giả cuốn The Way of the White Clouds (Con đường qua mây trắng). Bản dịch tiếng Việt của Nguyên Phong do Làng Văn xuất bản ở Canada, 1990, lấy tên Đường mây qua xứ tuyết (B.T.). 
3. Bertrand Russel (1872-1970): triết gia, nhà lôgic học và hoạt động xã hội nổi tiếng người Anh, từng là Chủ tịch Tòa án quốc tế xử tội đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam. 
4. Dịch nghĩa: Học đến như Hàn Dũ rốt cuộc về cuối đời mới hiểu đạo; Lý lẽ đến cùng như Lương Vũ Đế rồi mới biết tôn quý kinh Phật. 
5. Thực ra việc xác định pho tuợng Phật chùa Bộc là cả một vấn dề học thuật lý thú và không đơn giản, cần được tiếp cận ở nhiều phương diện, kể cả nghệ thuật đặc tả có tính chất tượng trưng của nó. Nhưng do quan niệm một thời chi phối, chúng ta cứ muốn giải thích các vấn đề học thuật theo cảm quan chính trị mà mình sẵn có, nên đã cô lập hoặc quá nhấn mạnh các chi tiết, trong đó có chi tiết một chân không giày, có vẻ "bình dân” của tượng. Xem thêm Văn Tân - Về pho tượng Quang Trung tìm thấy ở chùa Bộc, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 39 (tháng Sáu 1962). Cũng xem thêm hai ý kiến gần dây: 1. Nguyễn Duy Hinh - Về một pho tượng trong chùa BộcNghiên cứu lịch sử, số 3 (250) 1990; 2. Trần Đắc Thọ - Bàn thêm về pho tượng lạ chùa BộcNghiên cứu lịch sử, số 1 (254) 1991 (B.T.). 
6. Lã Tổ: tức Lã Động Tân, người đất Kinh Triệu đời Đường, thi mấy khoa Tiến sĩ không đỗ, sau theo Ly Chung Quyền tu tiên đắc dạo, được đời xếp vào một trong 8 vị tiên (Bát tiên). 
7. Theo Nguyễn Đức Hàn: Tôi luyện Yoga. Bản thảo viết tay 500 trang, chưa xuất bản. Tài liệu của cư sĩ Hương Long, huyện Đông Hưng, Thái Binh, cho mượn. 
8. A la hán (Arhàn): thuật ngữ Phật giáo tiểu thừa, chỉ người đã đạt đến chỗ cực ngộ, diệt hết mọi phiền não, nên được cõi người cung dưỡng, vĩnh viễn vào niết bàn, không còn chịu quả báo luân hồi. Tiền A la hán là người đang muốn đạt đến A la hán (B.T.). 
9. Cách phiên âm tiếng Trung Quốc chữ Inspiration, tức là cảm hứng. 
10. Vấn xá, cầu điền: hỏi thăm nhà cửa, ruộng vườn. 
11. Gần dây, Đại đức Thích Thanh Ninh ở Phân viện Phật học Hà Nội có cho biết, Thượng tọa Thích Quảng Độ hiện đang chủ trì dịch thuật bộ Phật giáo đại từ điển tức bộ sách Phật Quang đại từ diển (xem phần tin) sẽ hoàn thành trong vòng 5 năm (1991-1995) (B.T.).
12. Theo nhiều bạn đề nghị, xin đính kèm bài thơ của Nguyễn Tiến Đoàn viết vào đầu năm 2015 tặng tôi, như sau: 
                                          乙未年寄良友文學院教授阮惠之之几前雅鑑
                                                                阮家肖子惠仁兄
                                                                無畏無移志不倾
                                                                善美有時權力奪
                                                                真人名節固如城
                                                                                         太平省建昌縣良江耕人
                                                                                         书赠於洞菴書室
           Ất Mùi niên, ký lương hữu Văn học viện Giáo thụ Nguyễn Huệ Chi chi kỷ tiền nhã giám
                                              Nguyễn gia tiếu tử Huệ nhân huynh,
                                              Vô úy, vô di, chí bất khuynh.
                                              Thiện mỹ hữu thời quyền lực đoạt,
                                              Chân nhân danh tiết cố như thành.
                                                           Thái Bình tỉnh, Kiến Xương huyện,
                                                           Lương Giang canh nhân,
                                                           thư tặng ư Động Am thư thất.

Vấn đề cốt lõi là cách ly nguồn lây nhiễm chứ không phải hỏi ý kiến phụ huynh

Vấn đề cốt lõi là cách ly nguồn lây nhiễm chứ không phải hỏi ý kiến phụ huynh

Nguyễn Ngọc Chu

Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời
1. Ngày 26/2/2020 bệnh nhân nhiễm virus corona thứ 16 - cuối cùng tại thời điểm này ở Việt Nam - đã xuất viện. Việt Nam còn vài ngàn người bị cách ly, nhưng chưa phát hiện thêm người bị nhiễm virus corona.
Nhưng vẫn có người không tin vào các thông tin đưa ra. Họ sợ thông tin còn bị che dấu. Chuyện che dấu thông tin ở Việt Nam đã thành căn bệnh kinh niên ám ảnh.
Nghi ngờ vẫn còn có người nhiễm virus corona (và thậm chí đã chết vì virus corona) là nguyên nhân chính của sự lo lắng. Tiếp theo là lo lắng bỏ sót không cách ly người bị nhiễm virus corona. Trong đó có sự nghi ngờ hàng vạn người đến từ ổ dịch Trung Quốc và sự khó kiểm soát cửa biên giới trên bộ với Trung Quốc. Cộng vào đó là người nước ngoài đến từ các nước đang lây lan mạnh virus corona như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia. Thêm nữa là người Việt Nam trở về từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
2. Nhưng rất có cơ sở 100 % để tin vào thông tin Chính Phủ đưa ra lần này về dịch virus corona. Từ sự lo lắng và quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ khẳng định của PTT Vũ Đức Đam kiêm phụ trách Bộ Y tế rằng Việt Nam đã thắng lợi đợt đầu, từ tuyên bố của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung “Không công khai, không minh bạch, không tự giác sau này đều phải trả giá hết” – tất cả cho thấy thông tin của Chính Phủ về nhiễm virus corona ở Việt Nam là tin cậy.
3. Ngày 27/2/2020 Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã họp trực tuyến với Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh cùng Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC).
Đại diện của CDC và Văn phòng Các vấn đề toàn cầu, Văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ - đã đánh giá tích cực về nỗ lực của Việt Nam phòng chống COVID-19. Kết quả là CDC đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng. Trước đó, CDC đã đưa vào danh sách này 5 quốc gia/vùng lãnh thổ: Việt Nam, Iran, Singapore, Đài Loan và Thái Lan.
Việc CDC rút Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm lây lan khẳng định thông tin của chính phủ Việt Nam về virus corona là đúng. Đây là ĐIỂM ĐÁNH DẤU CHẤM HẾT CHO SỰ NGHI NGỜ THÔNG TIN. Với quyết định của CDC - công dân Mỹ có thể đến Việt Nam mà không lo sợ lây nhiễm virus corona.
4. Cốt lõi vấn đề tiếp theo là CÁCH LY. Nếu Chính phủ Việt Nam tiếp tục CÁCH LY tuyệt đối các nguy cơ lây nhiễm thì Việt Nam hoàn toàn an toàn.
5. Cho nên việc nghỉ học không phụ thuộc vào nghỉ 1 tuần, nghỉ hết tháng 3 hay nghỉ hết tháng 4… mà phụ thuộc vào an toàn của CÁCH LY. Nếu CÁCH LY không tốt thì nghỉ học cả năm cũng không an toàn.
6. Những vấn đề phức tạp thì ý kiến bao giờ cũng sát sao giữa chống và đồng ý - xung quanh tỷ lệ 50/50. Chẳng hạn như bầu cử tổng thống Mỹ - rất ít khi có tỷ lệ thắng áp đảo 60 -70%, đừng mơ đến 75%. Không bao giờ nhắc đến 90%.
7. Nếu bạn nói cho học sinh đi học bây giờ, thì bạn sẽ bị những phụ huynh muốn con nghỉ đến hết tháng 3 phản đối. Thậm chí họ còn nghi ngờ bạn “không có con cháu đi học” hay "không có lương tâm", “lấy học sinh làm chuột bạch để thí nghiệm”.
8. Lãnh đạo là phải quyết đoán chứ không thể đẽo cày giữa đường. Dân Chủ là ở Dân Chủ trong bầu cử để chọn ra lãnh đạo. Nếu Dân Chủ trong bầu cử chọn lãnh đạo, thì lãnh đạo luôn là người quyết đoán. Ngược lại, nếu lãnh đạo không quyết đoán - tức là đã không được chọn thông qua phương thức Dân Chủ.
9. Với Hà Nội, nếu lãnh đạo Hà Nội tin tưởng vào sự an toàn trong CÁCH LY thì cho đi học ngay đầu tháng 3. Ngược lại, nếu chưa an toàn trong CÁCH LY thì phải làm cho an toàn CÁCH LY thì mới cho đi học. Đi học đầu tháng 3 hay đầu tháng 4 không phụ thuộc vào ý kiến phụ huynh, cũng không phụ thuộc vào Công văn của Bộ GD-ĐT.
Một người lãnh đạo sáng suốt quyết đoán có thể quyết định ngược với 75% ý kiến chống đối. Đây cũng là lúc thử thách bản lĩnh và trí tuệ của Lãnh đạo Hà Nội.
N.N.C.FB Nguyen Ngoc Chu

MỘT LẦN NỮA VẠCH MẶT TỘI ÁC ĐỒNG TÂM (Đợt 5)

MỘT LẦN NỮA VẠCH MẶT TỘI ÁC ĐỒNG TÂM (Đợt 5)

16 tổ chức, 364 cá nhân

Lẽ ra bản tuyên bố này tạm dừng lại sau khi nhiều phương tiện truyền thông của xã hội dân sự kể từ ngày 9-1-2020 cho đến tận gần đây đã liên tục truyền đạt tiếng nói phẫn nộ ngút trời lên án lũ cướp đêm và cướp ngày mà nhà thơ Nguyễn Duy từng chỉ đích danh là “cướp nay có Đảng có Đoàn” - chúng tôi xin thêm: cướp nay có cả Trung đoàn Cảnh Sát Cơ Động vũ trang tận răng của chính viên Bộ trưởng Công an Tô Lâm - về những tội ác rùng rợn chúng gây ra ở Đồng Tâm rạng ngày 9-1-2020 làm rúng động lương tri toàn dân Việt cũng như lương tri người dân nhiều nước trên thế giới. 
Nhưng, giống như một con bệnh ung thư đã di căn, những kẻ cướp của giết người điên rồ bậc nhất ở ngay Thủ đô Hà Nội vẫn không hề có biểu hiện chùn tay, trái lại ba lần kéo tiếp đến Đồng Tâm với thái độ nhơn nhơn hung hãn không suy giảm, toan tính gây nhiều tội ác hèn hạ tiếp theo đối với dân chúng thôn Hoành. 
Vì thế, sau một tháng rưỡi trời âm ỉ, làn sóng ngầm bão táp và cuồng nộ cố nén lại trong tim ngày một chực bùng lên, cực chẳng đã bản tố cáo nghiêm khắc dưới đây lại phải công bố.
Xin mời bạn đọc ký tên lên án tội ác Đồng Tâm tại địa chỉ sau đây:tocaotoiacdongtam@gmail.com
Dù Bộ Công an Việt Nam bưng bít thông tin và truyền thông nhà nước Việt Nam thông tin một chiều nhằm vu khống người dân Đồng Tâm là khủng bố, nhưng qua những dấu tích còn để lại nơi cuộc thảm sát Đồng Tâm diễn ra, qua những sự thật mà những người trong cuộc thảm sát sống sót phải chứng kiến, đến nay đông đảo người dân Việt Nam và lương tri con người trên thế giới đều thấy rõ cuộc thảm sát diễn ra ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội rạng sáng 9.1.2020 là tội ác man rợ giết người dân vô tội, tội ác chống lại nhân dân, chống lại đạo đức con người, chống lại luật pháp nhà nước, chống lại cả văn minh loài người. 
Không cần nhắc lại diễn biến sự kiện ba ngàn cảnh sát vũ trang hiện đại với sự yểm trợ của xe bọc thép và vũ khí điện tử, trong đêm bao vây một làng quê nhỏ bé, hiền hòa, tấn công vào nhà dân đang trong giấc ngủ. Nhưng cần khẳng định ba điều:
Một. Tất cả người dân Đồng Tâm đều đang sống hợp pháp, lương thiện, không có một người dân nào bị truy tố hình sự, không có một bằng chứng, một văn bản pháp luật nào của cơ quan có thẩm quyền buộc tội người dân Đồng Tâm là khủng bố.
Hai. Phá cửa, xông vào nhà, bắn chết dân, đánh dân đến thương tích nặng nề, bắt hai mươi bảy người dân đã bị đánh thừa sống thiếu chết đưa đi mất tích, vơ vét giấy tờ, của cải và tiền bạc trong nhà dân mang đi. Không cần lệnh khám nhà, bắt người, thu giữ tài sản, không cần có bản án tử hình của tòa án, không cần có pháp trường thi hành án, lực lượng mang sắc phục cảnh sát vũ trang nhà nước Việt Nam đã chủ tâm và quyết liệt chà đạp lên luật pháp. Vu cáo người dân Đồng Tâm là khủng bố nhưng chính họ đã sử dụng bạo lực nhà nước phi pháp, thực sự khủng bố, đàn áp man rợ người dân lương thiện Đồng Tâm.
Ba. Đang đêm phá cửa xông vào tận giường ngủ giết một người đang là đảng viên cộng sản, cụ Lê Đình Kình 84 tuổi đời, 58 tuổi đảng, một lão thành cách mạng của đảng cầm quyền, một nhân cách đẹp, một khí phách lớn, kiên cường, bền bỉ, vững tin vào luật pháp nhà nước, vững tin vào lẽ phải, vào nhân dân trong cuộc đấu tranh với quyền lực tham nhũng, một già làng được hầu hết người dân Đồng Tâm kính trọng, tin yêu. Con người như vậy đã bị giết hại và phanh xác quá rùng rợn: Khảo tra, đánh đập bầm dâp khắp thân già. Kề súng tận tim, tận não xả đạn. Mang xác đi mổ bụng, phanh thây.
Khẳng định ba điều trên để thấy rõ rằng trận đánh lớn với ba ngàn cảnh sát vũ trang được trang bị vũ khí hiện đại đánh vào người dân lương thiện Đồng Tâm từ đêm 8.1.2020 được Bộ Công an Nhà nước Việt Nam tổ chức chỉ huy chặt chẽ là một hoạt động phạm pháp hiển nhiên, nghiêm trọng với pháp luật, là một tội ác rùng rợn với con người, là gây chiến tranh thù địch với nhân dân. Đó là vụ án hình sự lớn đặc biệt nghiêm trọng.
Có đầy đủ nhân chứng, vật chứng của những kẻ gây tội ác man rợ với người dân lương thiện Đồng Tâm. Hơn một tháng đã qua, những tên tội phạm vẫn chưa bị khởi tố. Nhưng 22 người dân lương thiện Đồng Tâm, những nạn nhân may mắn còn sống sót của tội ác man rợ rạng sáng 9.1.2020 lại bị công an nhà nước Việt Nam mau lẹ khởi tố với những bằng chứng mơ hồ, áp đặt và ngụy tạo.
Đặc biệt nguy hiểm với xã hội và thách thức với lương tri con người là: Những tên tội phạm được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật đang tiếp tục ngang ngược và trắng trợn dồn dập khủng bố đe dọa tinh thần và tính mạng người dân lương thiện Đồng Tâm. 
Giữa tháng Giêng 2020, những người mặc sắc phục công an Việt Nam nổ súng gây ra vụ thảm sát man rợ Đồng Tâm. Không hề chùn bước, cũng không mảy may tự vấn lương tâm, giữa tháng Hai, những người mang sắc phục công an Việt Nam lại kéo cả đoàn, hung hăng, bặm trợn liên tiếp nhiều lần trở lại nhà người dân đã bị họ giết, tiếp tục làm những việc phi pháp một cách trơ tráo. Ngày 12.2 họ đến đòi lấy cánh cửa mang vết đạn họ bắn đi phi tang. Ngày 13.2 họ mang giấy triệu tập để bắt cụ bà Dư Thị Thành là vợ cụ ông Lê Đình Kình đã bị họ giết man rợ. Ngày 20.2, họ kéo lực lượng đông, áp đảo mấy người đàn bà, đọc lệnh khám nhà cụ Dư Thị Thành. 
Người dân Đồng Tâm thấy rõ những tên tội phạm trở lại nơi chúng giết người dù với cớ gì cũng chỉ nhằm xóa bỏ, lấp liếm dấu vết tội ác. Người dân Đồng Tâm đã mạnh mẽ, dứt khoát bác bỏ mọi đòi hỏi phi lí của những kẻ gây tội ác. Sự trở lại của những bộ mặt côn đồ trong sắc phục tội ác giết người đã làm cho người già cao huyết áp Dư Thị Thành ngất lên, ngất xuống, có nguy cơ tử vong rất cao. Sự trở lại Đồng Tâm của cái ác mặc sắc phục công an đang thực sự tiếp tục khủng bố đe dọa cuộc sống và tính mạng người dân Đồng Tâm.
Với lương tâm con người và trách nhiệm công dân Việt Nam, chúng tôi tuyên bố:
Một. Cực lực lên án việc huy động lực lượng lớn bạo lực nhà nước tổ chức cả chiến dịch lớn phi pháp và tàn bạo tấn công, tàn sát, khủng bố người dân lương thiện xã Đồng Tâm.
Hai. Cực lực lên án lực lượng cảnh sát vũ trang thuộc Bộ Công an Việt Nam hành xử côn đồ chà đạp lên pháp luật: Man rợ bắn giết dân. Côn đồ hành hung và bắt dân. Phá hủy và chiếm đoạt nhiều tài sản, tiền bạc hợp pháp của dân.
Ba. Mọi hành vi xâm hại, chà đạp thô bạo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia, gây tội ác rùng rợn với người dân vô tội, phải bị trừng trị đích đáng. 
Chúng tôi yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao khởi tố và điều tra vụ án giết người, hành hung, bắt người, cướp đoạt tài sản của người dân. Những kẻ chủ mưu, tổ chức, chỉ huy chiến dịch tội ác phi pháp này phải bị xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Đặc biệt tên đồ tể nổ súng sát hại cụ Kình và những tên ác ôn bản chất lưu manh, côn đồ mang sắc phục cảnh sát vũ trang cùng lực lượng an ninh hung bạo đánh đập dân đến thương tích nặng nề, vô pháp bắt bớ dân, phải bị vạch mặt chỉ tên, trừng trị nghiêm khắc.
Chúng tôi cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc, Chính phủ các quốc gia tôn trọng, đề cao Nhân quyền và các tổ chức phi Chính phủ bảo vệ Nhân quyền lên tiếng, chủ động cử các phái đoàn chính thức đến Việt Nam điều tra tội ác chống con người của một nhà nước, trớ trêu thay, vừa được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an và từng giữ chức Chủ tịch lâm thời tháng 1 năm 2020 này.
Tuyên bố từ Việt Nam ngày 23 tháng 2 năm 2020
TÊN TỔ CHỨC VÀ TÊN NGƯỜI KÍ TUYÊN BỐ
I. Tổ chức:
Đợt 1
1. Diễn đàn Bauxite Việt Nam. Đại diện: GS Phạm Xuân Yêm
2. Diễn đàn Xã hội dân sự. Đại diện: Ông Nguyễn Quang A
3. Phong Trào Dân Quyền - Anh Quốc. Điều phối viên: Phạm Văn Chính
4. Khối Tự Do Dân Chủ - 8406 Úc Châu. Đại diện: Kỹ sư Phạm Anh Tuấn
5. Hội Giáo chức Chu Văn An. Đại diện: Vũ Mạnh Hùng
6. Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền. Đại diện: LM Nguyễn Hữu Giải, 69 Phan Đình Phùng, Huế
7. Nối kết Tập Hợp Quốc Dân Việt. Đại diện: LM Nguyễn Văn Lý, 69 Phan Đình Phùng, Huế
8. Tập Hợp Quốc Dân Việt. Đại diện ở Quốc nội: Hoàng Lê Hy Lai, Sài Gòn
9. Phong trào Thăng Tiến Việt Nam. Đại diện ở Quốc nội: Nguyễn Trung Kiên, Sài Gòn
Đợt 2 
10. Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam. Đại diện: nhà văn Nguyên Ngọc
Đợt 3
11. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. Đại diện: Lê Thân – Chủ nhiệm CLB
12. Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam. Đại diện: NBK Phạm Trần Anh
13. Phong trào Yểm trợ Tự do Tôn giáo và Nhân quyền Việt Nam. Đại diện: HT Thích Nguyên Trí
14. Liên minh Dân chủ Tự do cho Việt Nam. Đại diện: Huỳnh Hưng Quốc
15. Tuổi trẻ Yêu nước quốc nội. Đại diện: NS. Trần Vũ Anh Bình
16. Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders - DTD). Đại diện: Giám đốc Vũ Quốc Ngữ
II. Cá nhân
Đợt 1
1. Phạm Đình Trọng, Nhà văn, Sài Gòn
2. Phạm Xuân Yêm, GS Vật lý, Paris, Pháp
3. Nguyễn Huệ Chi, GS Ngữ văn, Hà Nội
4. Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức yêu nước TP HCM
5. Hoàng Dũng, PGS. TS, TP HCM
6. Nguyễn Quang A, Hà Nội
7. Nguyễn Đình Nguyên, TS Y khoa, Australia
8. Phan Thị Hoàng Oanh, TS Hóa học, Sài Gòn
9. Nguyễn Mai Oanh, ThS Kinh tế phát triển, Sài Gòn
10. Đặng Thị Hảo, TS Văn học, Hà Nội 
11. Trần Đức Quế, Chuyên viên hưu trí, Hà Nội
12. Trần Minh Thảo, Viết văn, thành viên CLB Phan Tây Hồ, Bảo Lộc, Lâm Đồng
13. Nguyễn Đắc Diên, BS Y khoa, Sài Gòn
14. Nguyễn Đình Cống, GS ĐHXD, Hà Nội
15. Nguyễn thị Khánh Trâm, Nghiên cứu viên, hưu trí, TP HCM
16. Trần Tiến Đức, Nhà báo độc lập, đạo diễn truyền hình và phim tài liệu
17. Lê Phú Khải, Nhà báo, Sài Gòn
18. Vũ Hồng Ánh, Nghệ sĩ cello, Sài Gòn
19. Bùi Oanh, Hưu trí, Sài Gòn
20. Phan Đắc Lữ, Nhà thơ, Sài Gòn
21. Hà Sĩ Phu, Đà Lạt
22. Võ Văn Tạo, Nhà báo, Nha Trang
23. Ngô Kim Hoa (Sương Quỳnh), Nhà báo tự do, Sài Gòn
24. Lại Thị Ánh Hồng, Nghệ sĩ, Sài Gòn
25. Uyên Vũ, Nhà báo, California, Hoa Kỳ
26. Đào Thu Huệ, Giảng viên đại học, Hà Nội
27. Vũ Ngọc Tiến, Nhà văn, Hà Nội
28. Vũ Thư Hiên, Nhà văn, Paris, Pháp
29. Davis Trần, GS, Chicago, Mỹ
30. Nguyễn Trọng Nghĩa, Thợ điện, Rennes, Pháp
31. Vũ Vân Sơn, Phiên dịch, Berlin, Đức
32. Nguyễn Sơn, R&D Engineer, Arizona, Mỹ
33. Tiến Trọng Nghĩa, Họa sĩ, Sài Gòn
34. Lê Dũng Vova, Nhà báo, Hà Nội
35. Thái Khắc Phú, Sài Gòn
36. Nguyễn Hồng Nga, Nghề tự do, Sài Gòn
37. Trần Quốc Thanh, Houston, Texas
38. Nguyễn Thị Ly Dung, Giáo viên, Sài Gòn
39. Hồ Đắc Tâm, Linh mục, Sài Gòn
40. Lâm Ái, Nội trợ, Sài Gòn
41. Đỗ Văn Hào, Bác sĩ, Sài Gòn
42. Hồ Văn Huy, Luanda, Angola
43. Trần Ngọc Toàn, Nghề tự do, Sài Gòn
44. Bùi Nguyên Viễn, Giảng viên Toán hưu trí, Hai Bà Trưng, Hà Nội
45. Nguyễn Huy Tuyến, Kiến trúc sư, Hà Nội
46. Nguyễn Mạnh, Kinh doanh, Cộng hòa Sec
47. Nguyễn Văn Khánh, Nhà báo, Warszawa, Ba lan
48. Hoàng Xuân Sơn, Luật sư, Sài Gòn
49. Đỗ Thái Bình, Kỹ sư, Sài Gòn
50. Phạm Văn Hiền, Hưu trí, Hải Phòng
51. Bùi Thanh Hiếu, Nhà báo, Berlin, Đức
52. Nguyễn Đức Tường, Tiến sĩ Vật lý, Ottawa
53. Võ Thị Hảo, Nhà văn, Berlin
54. Bắc Phong, Hưu trí, Canada
55. Đoàn Phú Hòa, Phiên dịch, tư vấn, Cộng hòa Sec
56. Vũ Chí Dũng, Kỹ sư, Hà Nội
57. Nguyễn Tuấn Anh, Cựu sỹ quan Vị Xuyên E247, Việt Trì - Phú Thọ
58. Nguyễn Thanh Hằng, Giáo viên hưu trí, TP HCM
59. Phuong Nguyen, Ky su Vi tinh, Massachusetts, Hoa Ky
60. Đặng Doan, Kinh doanh, Gia Nghĩa, Đak Nông
61. MẠNH KIM, Nhà báo tự do
62. Phuong Nguyen-Smith, Dược sĩ – Pharmacist, New York, USA
63. Phùng Chí Kiên, Designer, Hai Bà Trưng, Hà Nội
64. Nguyễn Đăng Hưng, Giáo sư Danh dự Đại Học Liege Bỉ, sống tại Sài Gòn
65. Trịnh Bá Phương, Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội
66. Cấn Thị Thêu, Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội
67. Trịnh Bá Tư, Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội
68. Trịnh Bá Khiêm, Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội
69. Lê Anh Dũng, Lao động tự do, Hải Phòng
70. Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nhà văn, Hoa kỳ
71. Minh Cận, Công dân Việt Nam, Đà Nẵng
72. Bùi Hiền, Hưu trí, Canada
73. Bùi Xuân Hiền, Kế toán, Hà Nội
74. Đặng Xuân Diệu, Kỹ sư, Paris, Pháp
75. Mai Su, 69 tuổi, Hành nghề dọn vệ sinh, Texas, USA
76. Vũ Tony, Thợ tiện, Houston, Texas, USA
77. Huỳnh Thị Kim Liên, Nội trợ, Phú Nhuận, Saigon
78. Bộ Nguyễn, Kỹ sư đường bộ, Canada
79. Nguyễn Công Trình, Lao động tự do, Hà Tĩnh
80. Harry Ngo, Kinh doanh, Atlanta, Georgia, USA
81. Nguyễn Cường, Tư vấn bất động sản, Praha, CH Séc
82. Lm. Antôn Lê Ngọc Thanh, CSsR, Nhà thờ Sáu Bọng, Ấp Lân Quới 2, xã Thạnh Quới, Huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ
83. Nguyễn Nghĩa, Nghệ An
84. Thuỳ Linh, Nhà văn, Hà Nội
85. Mai Văn Tuất (Văn Ngọc Trà), California, Hoa Kỳ
86. Trần Kim Thập, Giáo chức, TP Perth, Australia
87. Nguyễn Nguyên Bình, Nhà văn, Hà Nội
88. Adam Tran, Thợ mộc, Anh Quốc
89. Vũ Linh Huy, Bác sĩ Y khoa, Sarasota, Florida, Hoa Kỳ
90. Vũ Phương Chiến, Lao động, Germany
91. NGUYEN THI THANH HAU, Kinh doanh tự do, Quê quán Hải Phòng, sống tại New Calédonie
92. Tu sĩ Phật giáo Thích Ngộ Chánh, thế danh Nguyễn Đức Lão, Bảo Lộc, Lâm Đồng
93. Cù Huy Hà Vũ, Tiến sĩ Luật, tạm trú tại Hoa Kỳ
94. Nguyễn Thị Dương Hà, Luật sư, tạm trú tại Hoa Kỳ
95. Nguyễn Quốc Việt, 60 tuổi, Kinh doanh tự do, Hà Nội
96. Hà Văn Thuỳ, Nhà văn, Sài Gòn
97. Nguyễn Thị Loan, Kinh doanh, TP HCM
98. Lê Đức Minh, Ls/Bs, Vpls Independence Lawyers, Sydney, Australia
99. Bảo Giang, Văn Bút Úc Châu
100. Duong Hong Lanh, Saigon
101. Nguyễn Đình Thanh, Làm vườn, Bảo Lộc, Lâm Đồng
102. Lưu Thắng, Công nhân, Hoa Kỳ
103. Hà Quang Vinh, Hưu trí, TP HCM
104. Trần Cao Phong, Kỹ sư xây dựng, Hà Nội
105. Nguyễn Mê Linh, TS, TP HCM
106. PHẠM MẠNH TIẾN, KỸ SƯ, NGHỆ AN
107. Trịnh Kim Thuấn, Nông dân, Chợ Mới, An Giang
108. Nguyễn Thuý Hạnh, 57 tuổi, Hưu trí, Hà Nội
109. Đỗ Đăng Giu, Nguyên Giám đốc Nghiên Cứu Đai học Paris 11
110. Nguyễn Mạnh Hùng, Mục sư, Sài Gòn
111. Trần Ngọc Anh, Tiến sỹ CNTT, Tân Bình, TP HCM
112. Lưu Mạnh Hiệp, Kỹ sư, TP HCM
113. Mã Lam, Nhà thơ, Sài Gòn
114. Nguyễn Thị Hương, Nghiên cứu Xã hội học, Hưu trí, TP HCM
115. Phan Ngọc Bửu Châu, Nấu ăn, Bạc Liêu
116. Hoàng Đức Doanh, 75 tuổi, Nghỉ hưu, Phủ Lý, Hà Nam
117. Dương Đình Long, Kỹ sư, Sài Gòn
118. Trần Đức Thạch, Nhà thơ, cựu Tù nhân lương tâm, Nghệ An
119. Phạm Thị Ngọc Hoa, Nội trợ, Sài Gòn
120. Nguyễn Thanh Quang, Kinh doanh, Hà Nội
121. Nguyễn Thị Ái Vân, Nghệ sĩ, Hoa Kỳ
122. Nguyễn Thi Thanh Vân, Lâm Đồng
123. Nguyễn Hằng Nga, Hưu trí, Nha Trang
124. Nguyễn Doãn Đôn, Cử nhân Kinh tế và Tâm lý, Berlin, Đức
125. Phan Văn Thành vào đảng 1982 bỏ đảng 1990
126. Nguyễn Thanh Nguyện, Hưu trí, Vũng Tàu
127. Trần Thị Thảo, Giáo viên hưu trí, Vũng Tàu
128. Nguyễn Văn Pháp, Công nhân, Thanh Hoá
129. Ngô Duy Quyền, Kỹ sư cơ khí, Hiệp Hoà, Bắc Giang
130. Phạm Thành, Nhà báo, nhà văn, Hà Nội
131. Lê Thành Tài, Kỹ sư xây dựng, Bà Rịa Vũng Tàu
132. Nguyễn Tiến Dân, Nhà giáo, Hà Nội
133. Trần Quốc Triệu, Sinh viên, Thái Bình
134. Hoa Vo Rørvik, Điều dưỡng, Valderøya, Nauy
135. Nguyễn Hữu Nhiên, Bình Tân, TP HCM
136. Giaquoc Nguyen, Giáo viên hưu trí, Brooklyn Park, Minnesota, USA
137. Trần Thị Thanh Nhàn, Dạy học, Hà Nội
138. Phạm Trọng Nghĩa, Công chức, Tuyên Quang
139. Nguyễn Đình Ấm, Nhà báo, Hà Nội
140. Lê Phương, Hưu trí, Cầu Giấy, Hà Nội
141. Phạm Mạnh Bính, Nghỉ hưu, Bình Dương
142. Lê Hồng Cẩn, Kỹ sư, Frankfurt, Đức
143. Tôn Gia Khai, Warszawa, Ba Lan
144. Nguyễn Thanh Hằng, Giáo viên, Sài Gòn
145. Nguyễn Minh Phát, Ontario, Canada
146. Chu Anh Mai, Nghề tự do, Hà Nội
147. Bùi Tuấn Dương, Đắk Giong, Đắk Nông
148. Nguyễn Thị Văn, ThS Nghiên cứu Xã hội học, Hưu trí, Hà Nội
149. Triệu Quyết Thắng, Tham gia quân đội VN 1968, Chuyển ngành 02.1977, Tỵ nạn chính trị ở Công hoà LB Đức từ 20.7.1990, Hưu trí tại Germany
150. ĐỖ CẨM SƠN, Hưu trí, USA
151. John Tornado, College Student, Miami, Florida, USA
152. Huỳnh Ngọc Chênh, Sinh năm 1952, Trú quán tại Hà Nội
153. Huỳnh Văn Thắng, TP HCM
154. Nguyễn Trọng Cương, Kỹ sư công nghệ thông tin, Frankfurt, Đức
155. Đinh Hồng Sơn, 70 tuổi, Cán bộ hưu trí, Hoàng Mai, Hà Nội
156. Binh Tran, PharmD., USA
157. VÕ HỒNG LONG, Kỹ sư, Osaka, Nhật Bản
158. Vũ Minh Trí, Kỹ sư đã nghỉ hưu, Cầu Giấy, Hà Nội
159. Bùi Ngọc Anh, Nhà giáo đã nghỉ hưu, TP HCM
160. Vũ Thanh, Nhà báo nghỉ hưu, TP HCM
161. Nguyễn Thị Huần, Dân oan, Vĩnh Phúc
162. Phạm văn Phan, Master in Physical Chemistry, Ret. Houston, USA
163. Phạm Văn Kha, Hưu trí, Sài Gòn
164. Mai Thanh Sơn, PhD., Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ
165. Trần Thị Mai Hương, Peckham, London, UK
166. Trần Văn Tuyển, Peckham, London, UK
167. Lê Văn Thảo, Hưu trí, Hà Nội
168. Vũ Trung Uý, Kinh doanh, CH Séc
169. Trần Đức Hiện, Hưu trí, Thống Nhất, Đồng Nai
170. Nguyễn Văn Nghi, TS Sinh học, Hà Nội
171. Ngô Sĩ Tư, Lái xe (đã nghỉ hưu), Hai Bà Trưng, Hà Nội
172. Lê Văn Oanh, Kỹ sư Xây dựng, Hà Nội
173. Tô Oanh, Giáo viên THPT đã nghỉ hưu, Bắc Giang
174. Trần Thái Hùng, Hoàng Mai, Hà Nội
175. Nguyễn Hữu Tuyến, Kỹ sư hưu trí, Q10, Sài Gòn
176. Trương Thị Minh Sâm, Nội trợ, Đồng Nai
177. Nguyễn Huy Tám, Cử nhân, Cán bộ hưu trí tại TP HCM
178. ĐINH HỮU THUYÊN, Tài xế, Sài Gòn
179. Nguyễn Ái Chi, Hưu trí, Sài Gòn
180. Đinh Đức Long, Tiến sĩ, Bác sĩ, sống tại Sài Gòn
181. Nguyet Dao, USA
182. Trần Trung Sơn, Nghỉ hưu, Nha Trang, Khánh Hoà
183. Đinh Văn Dũng, Công nhân, Ninh Bình
184. Trần Minh Chân, Cựu chiến binh, Cựu Đảng viên Đảng CS VN bỏ Đảng 32 năm, Saarland, CHLB Đức
185. HỒ THỊ HỒNG NHUNG, TS. BS., TP HCM
Đợt 2
186. Chu Hảo, Hà Nội
187. Phạm Quang Hoa, Bác sĩ, Đà Lạt
188. Đoàn Nhật Hồng, Nguyên giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Lâm Đồng
189. Dương Tự Lập, Cựu chiến binh, Nghệ An
190. Nguyễn Phương, Công nhân, Kanagawa, Nhật Bản
191. Nguyên Ngọc, nhà văn, Hội An
192. Trịnh Đình Hòa, Hưu trí, Hà Nội
193. Phạm Minh Tuấn, Long Biên, Hà Nội
194. Đặng Hoàng Phong, Nghệ nhân mỹ nghệ, Bà Rịa Vũng Tàu
195. Nguyễn Hoàng, Kinh doanh, Sài Gòn
196. Trần Xuân Quang, Vinh, Nghệ An
197. Nguyễn Như Hoài, Đà Lạt, Lâm Đồng
198. Nguyễn Loan, Huế, Thừa Thiên-Huế
199. Huỳnh Quang Minh, CN Kinh tế, Quảng Nam
200. Đỗ Thành Nhân, Tư vấn đầu tư, Quảng Ngãi
201. Hồ Quang Huy, Kỹ sư Đường sắt, Nha Trang
202. Trần Công Khánh, Hưu trí, Hải Phòng 
203. Phạm Ngọc Trường, Tours, FRANCE
204. Nguyen Van Tiến, Hưu trí, TP HCM
205. Phan Quốc Tuyên, Kỹ sư Tin học, Thụy Sĩ
206. Tô Lê Sơn, Thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn
207. Trần Bang, Kỹ sư, Thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn
208. Vi Đức Hồi, Cựu tù nhân lương tâm, Lạng sơn
209. Trần Trí Dũng, Kỹ sư, Hà Nội
210. Bùi Nghệ, Nghỉ hưu, Sài Gòn
211. NGUYEN PHUC THANH, DICH GIA, SAIGON
212. Trần Văn Thanh, Công nhân, Pháp
213. Vũ Ngọc Yên, Nhà báo, Stuttgart, CHLB Đức
214. Hoàng Hưng, Nhà thơ - Dịch giả, Sài Gòn
215. Nguyễn Trọng Hoàng, Bác sĩ, Paris, Pháp
216. Trần Ngọc Danh, Tiến sĩ Toán, Houston, Texas, USA
217. Phan Trọng Khang, Thương binh 2/4, Hà Nội
218. Tran Van Hoang, Toronto, Canada
219. Mai Thái Lĩnh, Nhà nghiên cứu, CLB Phan Tây Hồ, Đà Lạt
220. Trần Đức Nguyên, Chuyên gia cao cấp nghỉ hưu, Hà Nội
221. Lê Khánh Hùng, TS. Công nghệ Thông tin, Hà Nội
222. Bùi Minh Quốc, Nhà thơ - Nhà báo, Đà Lạt
223. Hồ Sỹ Hải, Nghỉ hưu, CCB, Hà Nội
224. Nguyễn Nghiêm, Cựu chiến binh Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, TP HCM
225. Tô Xuân Thành, Kỹ sư, Cựu quân nhân, Nghệ An 
226. Hà Dương Tường, Nhà giáo về hưu, Pháp
227. Võ Quang Tu, Hưu trí, Sài Gòn
228. André Menras - Hồ Cương Quyết, Nhà giáo Pháp - Việt
229. Nguyễn Trung Đức, Sinh viên, Germany
230. Tran Tuan Tu, Dr., Faculty of Environment - University of Science - Hochiminh City
231. Nguyen Hoa An, Thương gia, Long Biên, Hà Nội
Đợt 3
232. Phạm Tiền Phong, Hưu trí, Sài Gòn
233. Trần Viết Tuyên, Kiến trúc sư, Nghỉ hưu, Hamburg, CHLB Đức 
234. Luan Tran, Worker, Australia
235. Nguyễn Tiến Lộc, Nhà văn, Canada
236. Nguyễn Thị Cảnh, Hưu trí, Canada
237. Quỳnh Đào, Hoi vien An Xa Quoc Te, Uc Chau
238. Dang Anh Dung, Công dân Việt Nam, Sài Gòn
239. Nguyễn Lê Uyên, Nhà văn, Thủ Đức, SÀI GÒN
240. Nguyễn Văn Nghệ, Làm ruộng, Diên Khánh, Khánh Hòa
241. PHẠM CÔNG NHIỆM, Bác sỹ, Đống Đa, Hà Nội
242. Nguyễn Đại Lộc, Giáo viên, TP HCM
243. Vũ Văn Mạnh, Giáo viên, Thái Bình
244. Vũ Minh Đăng, Kinh doanh, Hà Đông, Hà Nội
245. Nguyễn Đức Thủy, CCB, Điện Biên
246. Trần Thiện Kế, Dược sĩ, Hà Nội
247. Nguyễn Sơn Hà, Kỹ sư Chế biến gỗ, Hai Bà Trưng, Hà Nội
248. Nguyễn Văn Lịch, Kỹ sư Cơ khí, Hưu trí, Đống Đa, Hà Nội
249. Trần Phong Lan, Giáo viên, Bình Dương
250. Đào Tiến Thi, Nhà nghiên cứu Văn học và Ngôn ngữ, Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội
251. Pham Nguyen Thanh Thuy, Ke toan, Ca Mau
252. Nguyễn Mạnh Cường, Kỹ sư Xây dựng, TP. HCM
253. Nguyễn Trọng Hiển, Kinh doanh tự do, Sài Gòn 
254. Võ Thị Thanh Hà, Cán bộ hưu trí, Hà Nội
255. Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Dịch vụ Game, TP. HCM
256. Trần Vũ Anh Bình, Nhạc sĩ, Cựu TNLT, Sài Gòn  
257. Phạm Ngọc Thành, Kỹ sư Công trình, Hà Nội
258. TRẦN Văn Thành, Kỹ sư CNTT, Ngoại ô Paris, Cộng hòa Pháp
259. Trần Thanh Tuấn, Giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên, Hà Nội
260. Nguyễn Công Thanh, Lao động tự do, Sài Gòn
261. Pham Quang Hoa, D. Sc. in Sociology, Hà Nội
262. Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Kuala Lumpur, Malaysia 
263. Ngô Thị Hồng Lâm, Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu
264. Lê Văn Tâm, Nguyên Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, Chiba, Nhật Bản
265. Nguyễn Công Thành, Kỹ sư Xây dựng, Hà Nội
266. Nguyễn Tam Thanh, Cử nhân, Hà Nội
267. Nguyễn Thành Hiệp, Lao động tự do, Bình Định
268. Nguyễn Trần Bảo Quốc, Kỹ sư Xây dựng, TP. HCM
269. Bui duc TINH, Nghỉ hưu, Hà Đông, Hà Nội
270. Nguyễn Đức Quỳ, Cựu giáo chức, Hà Nội
271. Phạm Nguyên Trường, Dịch giả, Vũng Tàu
272. Vinh Anh, CCB, Đống Đa, Hà Nội
273. Trần Văn Tấn, Kỹ sư, Berlin, CHLB Ɖức
274. Đào Văn Tùng, Cán bộ nghỉ hưu, Mỹ Tho, Tiền Giang
275. Bùi Mạnh Tiến, Lái xe, Chí Linh, Hải Dương
276. NGUYỄN THANH VIÊN, Nhân viên văn phòng, Sài Gòn
277. Hà Dương Tuấn, Chuyên gia CNTT đã nghỉ hưu, Paris
278. Lê Thân, Nhà hoạt động xã hội, Sài Gòn
279. Thu Hoa, Nhân viên văn phòng, Hà Nội
280. Vũ Hồng Sử, Làm tự do, Sài Gòn
281. Phạm Antoine Ngọc Nhàn, Giám đốc công ty/ Chủ tịch Hiệp hội Vinhcap, Paris, Pháp
282. Trần Quốc Trung, Cán bộ về hưu, TP. HCM
283. Phạm Hoàng Phiệt, Giáo sư Y học đã nghỉ hưu, TP. HCM
284. Nguyễn Thị Hoan, Bruxelles, Belgium
285. Ngo Kim Dung, Bac si ve huu, Phap
286. Thomas Phạm, Retired, Garden Grove, California, USA
287. Huỳnh Phước Trường, Làm Xây dựng, TP. HCM
288. Nguyễn Quang Nhàn, Cán bộ hưu trí, Đà Lạt
289. Larry Dang, Hưu trí, Vancouver, Canada
290. Nguyễn Văn Dũng, Thüringen, Cộng hoà Liên bang Đức
Đợt 4
291. Dương Thạch, CHLB Đức
292. Lê Văn Được, Kỹ sư Kết cấu xây dựng, Nghệ An
293. Phạm Kỳ Đăng, Làm thơ, Viết báo, Dịch thuật, Berlin, CHLB Đức
294. Linh mục Anthony Đặng Hữu Nam, Nhà thờ Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, Yên Thành, Nghệ An
295. LƯƠNG HỒNG ANH, Hưu trí, Budapest, Hungaria
296. Lâm Đăng Châu, Nghỉ hưu, Hannover, CHLB Đức
297. Bùi Quang Vơm, Kỹ sư, Paris, Pháp
298. Phan Antoinette, Buôn bán, Pháp
299. Trần Thị Đức, Sinh viên, người Hải Phòng, ở Anh quốc
300. Ông Tư Bình, Hưu trí, Oregon, Hoa Kỳ
301. Phạm Anh Cường, Kỹ sư, Hà Nội
302. Nguyễn Ngọc Thach, Hưu trí, Sài Gòn
303. Le dinh Hong, Ke toan, Vancouver, Canada
304. Phan Thành Vinh, Lái xe, TP. HCM
305. ĐẶNG VĂN SINH, Chí Linh, Hải Dương
306. Đỗ trọng Linh, Hoa Kỳ
307. Vũ Đức Phong, Kỹ sư Xây dựng, Lille, Pháp
308. Nguyễn Ngọc Xuân, Nông dân đã nghĩ hưu, Bà Rịa - Vũng Tàu
309. Bùi Hương Lan, Về hưu, Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
310. Nguyễn Tuệ-Hải, Hưu trí, Canberra, Australia
311. Nguyễn Hữu Đổng, Giáo viên nghỉ hưu, Hà Nội
312. Ngô Vũ Xuân, Anaheim City, USA
313. Lâm Thu Xuân, Anaheim City, USA
314. Ngô Thị Thứ, Hưu trí, Sài Gòn
315. Huynh thu Thanh, Nguyen KS Đai truyen hinh TP HCM, Giang vien Anh van tu do, TP. HCM
316. Trần Hưng Thịnh, Hưu trí, Hoàng Mai, Hà Nội
317. Van Thuan Tran, Cong hoa Lien bang Duc
318. Trần Công Thắng, Bác sỹ, Na Uy
319. Trương Thế Kỷ, München, Germany
320. Trần Văn Toàn, Công nhân, TP. HCM
321. Quảng Tánh Trần Cầm, Nhà thơ, Hoa Kỳ
322. Nguyễn Phong, R&D Engineer, Florida, Hoa Kỳ
323. Nguyễn Thanh Phương, Software Engineer, Florida, Hoa Kỳ
324. Nguyễn Tuấn Hải, Giám đốc công ty, Hà Nội
Đợt 5
325. Đỗ Tuyết Khanh, Thông dịch viên, Geneva, Thụy Sĩ
326. Hoàng Anh Tuấn, Ingolstadt, Germany
327. Trần Ngọc Thành, Wien, Cộng hòa Áo
328. Hùng Phạm, Hưu trí, Canada
329. Lê Vũ Hùng, Surrey, British Columbia, Canada
330. John Nguyễn, Kỹ sư, Houston, Texas, USA
331. Lê Đoàn Trung, Nguyên GD Nghiên cứu CNRS, Pháp
332. Đỗ Quyên, Nhà văn, Canada
333. Lê Trung Tuấn, Kỹ sư Cơ khí - Hồi hưu, Filderstadt, Đức Quốc
334. Ngô Thái Văn, Maryland, Hoa Kỳ
335. Thái Văn Dậu, Dân oan Khu liên hợp Bình Dương
336. Võ Văn Tấn, Dân oan Khu liên hợp Bình Dương
337. Nguyễn Văn Danh, Dân oan Khu liên hợp Bình Dương
338. Nguyễn Văn Giới, Dân oan Khu liên hợp Bình Dương
339. Thái Văn Thiện, Dân oan Khu liên hợp Bình Dương
340. Võ Thị Thu, Dân oan Khu liên hợp Bình Dương
341. Thái Văn Bì, Dân oan Khu liên hợp Bình Dương
342. Nguyễn Ngọc Trí, Dân oan Khu liên hợp Bình Dương
343. Thái Thị Hò, Dân oan Khu liên hợp Bình Dương
344. nguyễn Thị Bẩn, Dân oan Khu liên hợp Bình Dương
345. Nguyễn Thị Bân, Dân oan Khu liên hợp Bình Dương
346. Nguyễn Thị Muông, Dân oan Khu liên hợp Bình Dương
347. Nguyễn Thị Rẽ, Dân oan Khu liên hợp Bình Dương
348. Phan Thị Lập, Dân oan Khu liên hợp Bình Dương
349. Nguyễn Ngọc Thạch, Dân oan Khu liên hợp Bình Dương
350. Lê Văn Việt, Dân oan Khu liên hợp Bình Dương
351. Ngô Thị Tẻo, Dân oan Khu liên hợp Bình Dương
352. Ngô Văn Trung, Cử nhân Toán Cơ, Thủy Nguyên, Hải Phòng
353. Anph. Nguyễn An Phong, Linh mục Công giáo, Saigon
354. Lê Đức Thọ, Quận 9, TP. HCM
355. Võ Sac, Hưu trí, Hoa Kỳ
356. Vo Ngoc Phuoc, Nghia Phu, Quang Ngai
357. Nguyễn Ngọc Thành, Biên Hoà, Đồng Nai
358. LÝ THÀNH ĐẠT, Hưu trí, TP. HCM
359. NGUYỄN LÊ THU MỸ, Hưu trí, TP. HCM
360. Trần Ngọc Sơn, Kỹ sư, Paris
361. Nguyễn Thanh Hằng, Dược sĩ, Paris
362. Đỗ Như Ly, Kỹ sư - Hưu trí, Sài Gòn
363. Hà Thúc Huy, Tiến sỹ Hóa học, Sài Gòn
364. LÊ MINH HOÀNG, Mönchengladbach, Germani
Xin mời bạn đọc ký tên lên án tội ác Đồng Tâm tại địa chỉ sau đây:tocaotoiacdongtam@gmail.com

Quan hết thời cũng thành dân oan

Quan hết thời cũng thành dân oan

Đỗ Thành Nhân

Gần đây, nhiều người đã chứng kiến những chiến sĩ công an nhân dân mang băng rôn đứng giữa thủ đô Hà Nội biểu tình đòi đất. Trong khi trước đó, báo công an chuyên chụp mũ những người biểu tình nhận tiền của Việt Tân tổ chức biểu tình gây mất an ninh trật tự, chống phá đảng, nhà nước.
Ngay chính những người công an, lực lượng có trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự, chống biểu tình, đến khi oan ức mà không ai chịu giải quyết thì cũng mang băng rôn ra biểu tình. Trong suy nghĩ của họ có khi nào chống đảng, nhà nước hay không? thực tế Việt Tân có tài trợ cho họ tổ chức biểu tình hay không?
Tôi nghĩ là không, bởi vì đơn giản họ chỉ đòi hỏi quyền lợi cũng như bao nhiêu người dân oan ức khác trên cả nước.
(Hình 1. Công an biểu tình ở Đông Anh, Hà Nội, đòi ‘quyền lợi nhà đất’; nguồn ảnh: https://www.youtube.com/watch?v=9yTum5Tr7AE)
Thực tế là sau khi hết làm quan rồi, nhiều người nghỉ hưu không còn quyền lực, lại trở thành dân oan của chính thể chế do bản thân mình đã tham gia tạo ra. Thậm chí ngay cả những người từng ban hành quyết định thu hồi, cưỡng chế đất đai cũng không ngoại lệ. Bây giờ họ cũng bị cưỡng chế thu hồi đất một cách oan ức.
Dự án “Khu dân cư IV-B3 kết hợp chỉnh trang đô thị, thành phố Quảng Ngãi” được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định 856/QĐ-UBND ngày 20/11/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Việc thu hồi đất, cưỡng chế đất đai không theo đúng quy định pháp luật, đằng sau đó có nhiều khuất tất. Báo chí nhà nước đưa tin rồi sau đó cũng im luôn (https://motthegioi.vn/bat-dong-san-c-99/quang-ngai-cuong-che-dat-cho-cong-ty-dong-khanh-lam-khu-dan-cu-109846.html). Còn người dân thì vẫn tiếp tục đeo đuổi khiếu nại hơn một năm nay. Đặc biệt trong số dân oan cũng có những người trước kia cũng từng là quan chức, cán bộ lãnh đạo địa phương tham gia quản lý đất đai.
Hình 2: Là Quyết định số 142/QĐ-UBND, ngày 04/02/2020, về việc thụ lý và giao Chánh Thanh tra tỉnh thẩm tra, xác minh khiếu nại lần hai của ông Võ Quang Phát ở Tổ 13, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi (ủy quyền cho ông Nguyễn Hải ở số nhà 245 đường Phan Đình Phùng, thành phố Quảng Ngãi thực hiện khiếu nại).
Ghi chú: ông Nguyễn Hải nguyên là phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Quảng Ngãi.
(Hình 2. Quyết định thẩm tra, xác minh khiếu nại lần hai của ông Nguyễn Hải - nguyên Phó Chủ tịch thành phố Quảng Ngãi)
Hình 3: Là Quyết định số 174/QĐ-UBND, ngày 07/02/2020, Về việc thụ lý và giao Chánh Thanh tra tỉnh thẩm tra, xác minh khiếu nại lần hai của ông Phạm Hoài Hải, bà Trần Thị Toan (địa chỉ: số nhà 67 đường Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Nghiêm, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi).
Nguồn https://vanban.quangngai.gov.vn/thongtin/vanban/detail?id=110597 Ghi chú: ông Phạm Hoài Hải nguyên là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. 
(Hình 2. Quyết định thẩm tra, xác minh khiếu nại lần hai của ông Phạm Hoài Hải - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi)
***
Cuộc chiến pháp lý bảo vệ quyền lợi giữa đương chức và cựu lãnh đạo cấp tỉnh, cấp thành phố chưa biết đến khi nào dừng:
- một bên là cựu Phó Chủ tịch thành phố, Phó Chủ tịch tỉnh đã trở thành dân cùng với những người dân đen và dân đỏ khác (ghi chú: “dân đỏ” là dân có thẻ đảng, có lương hưu).
- và một bên là các vị lãnh đạo tỉnh, thành phố đang chuẩn bị trở thành dân; quan trọng là được doanh nghiệp đứng phía sau.
Vòng 1, cấp Thành phố giải quyết, chính quyền quyết định dân thua; không chấp nhận, dân tiếp tục khiếu nại.
Vòng 2, Thanh tra cấp tỉnh đang giải quyết từng người một đã gửi các quyết định nói trên.
Chưa biết có tiếp tục Vòng 3 ở cấp Trung ương hay không ?
***
Dưới góc độ pháp luật về đất đai và kinh doanh bất động sản; ngay từ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư đã tạo ra sự không minh bạch, đúng hơn là một lỗ hổng pháp lý để cho chính quyền thành phố và nhà đầu tư lợi dụng thu hồi đất của dân với giá rẻ mạt để doanh nghiệp kinh doanh siêu lợi nhuận. Dùng quyền lực nhà nước cưỡng chế lấy đất làm dự án, rồi sau đó mới cho doanh nghiệp thỏa thuận hỗ trợ, chẳng khác nào “cướp xong, nuốt không trôi mới quay lại trả tiền”.
Người dân khiếu nại Quyết định 856/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư (https://vanban.quangngai.gov.vn/thongtin/vanban/detail?id=84081) không đủ cơ sở để thu hồi đất theo Điều 62 Luật đất đai và không đủ cơ sở để đầu tư kinh doanh bất động sản. Với nội đơn khiếu nại 20 trang giấy A4, nhưng chính quyền Thành phố không trả lời vào nội dung đơn. Chính quyền không thừa nhận sai khi cưỡng chế lấy đất của dân, nhưng mặt khắc lại yêu cầu nhà đầu tư phải thỏa thuận để người dân rút đơn khiếu nại !
Cả hai ông nguyên là phó Chủ tịch tỉnh Phạm Hoài Hải và phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Hải đến khi trở thành người dân mới thấm thía nỗi oan ức của người dân bị mất đất và đồng hành cùng dân khiếu nại đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình.
Xưa ông bà từng nói: quan nhất thời, dân vạn đại.
Những người làm quan, những chiến sĩ công an cũng nên nghĩ đến lúc sẽ không còn quyền lực, trở thành những người dân đen đúng nghĩa.
***
P/S: Liên quan đến dự án này trước đây cũng đã có các bài viết:
Bài 1. “CƯỚP NAY CÓ ĐẢNG CÓ ĐOÀN HẲN HOI” 
https://www.facebook.com/dtnqnvn/posts/517942285788525https://www.facebook.com/ijavn.org/posts/1005583199638362https://www.facebook.com/tiengdanbao/posts/2089707974440567https://boxitvn.blogspot.com/2019/04/cuop-nay-co-ang-co-oan-han-hoi.htmlhttp://danlambaovn.blogspot.com/2019/03/cuop-nay-co-ang-co-oan-han-hoi.htmlhttp://nhanquyenchovn.blogspot.com/2019/03/cuop-nay-co-ang-co-oan-han-hoi-o-thanh.htmlhttps://ethongluan.org/index.php/doc-bai-luu-tru/3018-cu-p-nay-co-d-ng-h-n-hoi-d-thanh-nhanhttps://nhanammedia.net/y-tai-ngon-ngoai/cuop-nay-co-dang-co-doan-han-hoi-bai-1/

Bài 2 “NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ” 

https://www.facebook.com/dtnqnvn/posts/517950309121056https://www.facebook.com/ijavn.org/posts/1059303844266297https://www.facebook.com/tiengdanbao/posts/2209905665754130https://baotiengdan.com/2019/06/14/nhung-nguoi-khon-kho/https://danlambaovn.blogspot.com/2019/06/nhung-nguoi-khon-kho.html https://nhanammedia.net/y-tai-ngon-ngoai/nhung-nguoi-khon-kho-bai-2/Đ.T.N.
Tác giả gửi BVN

MỘT LẦN NỮA VẠCH MẶT TỘI ÁC ĐỒNG TÂM (Đợt 4)

MỘT LẦN NỮA VẠCH MẶT TỘI ÁC ĐỒNG TÂM (Đợt 4)

16 tổ chức, 324 cá nhân

Lẽ ra bản tuyên bố này tạm dừng lại sau khi nhiều phương tiện truyền thông của xã hội dân sự kể từ ngày 9-1-2020 cho đến tận gần đây đã liên tục truyền đạt tiếng nói phẫn nộ ngút trời lên án lũ cướp đêm và cướp ngày mà nhà thơ Nguyễn Duy từng chỉ đích danh là “cướp nay có Đảng có Đoàn” - chúng tôi xin thêm: cướp nay có cả Trung đoàn Cảnh Sát Cơ Động vũ trang tận răng của chính viên Bộ trưởng Công an Tô Lâm - về những tội ác rùng rợn chúng gây ra ở Đồng Tâm rạng ngày 9-1-2020 làm rúng động lương tri toàn dân Việt cũng như lương tri người dân nhiều nước trên thế giới. 
Nhưng, giống như một con bệnh ung thư đã di căn, những kẻ cướp của giết người điên rồ bậc nhất ở ngay Thủ đô Hà Nội vẫn không hề có biểu hiện chùn tay, trái lại ba lần kéo tiếp đến Đồng Tâm với thái độ nhơn nhơn hung hãn không suy giảm, toan tính gây nhiều tội ác hèn hạ tiếp theo đối với dân chúng thôn Hoành. 
Vì thế, sau một tháng rưỡi trời âm ỉ, làn sóng ngầm bão táp và cuồng nộ cố nén lại trong tim ngày một chực bùng lên, cực chẳng đã bản tố cáo nghiêm khắc dưới đây lại phải công bố.
Xin mời bạn đọc ký tên lên án tội ác Đồng Tâm tại địa chỉ sau đây:tocaotoiacdongtam@gmail.com
Dù Bộ Công an Việt Nam bưng bít thông tin và truyền thông nhà nước Việt Nam thông tin một chiều nhằm vu khống người dân Đồng Tâm là khủng bố, nhưng qua những dấu tích còn để lại nơi cuộc thảm sát Đồng Tâm diễn ra, qua những sự thật mà những người trong cuộc thảm sát sống sót phải chứng kiến, đến nay đông đảo người dân Việt Nam và lương tri con người trên thế giới đều thấy rõ cuộc thảm sát diễn ra ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội rạng sáng 9.1.2020 là tội ác man rợ giết người dân vô tội, tội ác chống lại nhân dân, chống lại đạo đức con người, chống lại luật pháp nhà nước, chống lại cả văn minh loài người. 
Không cần nhắc lại diễn biến sự kiện ba ngàn cảnh sát vũ trang hiện đại với sự yểm trợ của xe bọc thép và vũ khí điện tử, trong đêm bao vây một làng quê nhỏ bé, hiền hòa, tấn công vào nhà dân đang trong giấc ngủ. Nhưng cần khẳng định ba điều:
Một. Tất cả người dân Đồng Tâm đều đang sống hợp pháp, lương thiện, không có một người dân nào bị truy tố hình sự, không có một bằng chứng, một văn bản pháp luật nào của cơ quan có thẩm quyền buộc tội người dân Đồng Tâm là khủng bố.
Hai. Phá cửa, xông vào nhà, bắn chết dân, đánh dân đến thương tích nặng nề, bắt hai mươi bảy người dân đã bị đánh thừa sống thiếu chết đưa đi mất tích, vơ vét giấy tờ, của cải và tiền bạc trong nhà dân mang đi. Không cần lệnh khám nhà, bắt người, thu giữ tài sản, không cần có bản án tử hình của tòa án, không cần có pháp trường thi hành án, lực lượng mang sắc phục cảnh sát vũ trang nhà nước Việt Nam đã chủ tâm và quyết liệt chà đạp lên luật pháp. Vu cáo người dân Đồng Tâm là khủng bố nhưng chính họ đã sử dụng bạo lực nhà nước phi pháp, thực sự khủng bố, đàn áp man rợ người dân lương thiện Đồng Tâm.
Ba. Đang đêm phá cửa xông vào tận giường ngủ giết một người đang là đảng viên cộng sản, cụ Lê Đình Kình 84 tuổi đời, 58 tuổi đảng, một lão thành cách mạng của đảng cầm quyền, một nhân cách đẹp, một khí phách lớn, kiên cường, bền bỉ, vững tin vào luật pháp nhà nước, vững tin vào lẽ phải, vào nhân dân trong cuộc đấu tranh với quyền lực tham nhũng, một già làng được hầu hết người dân Đồng Tâm kính trọng, tin yêu. Con người như vậy đã bị giết hại và phanh xác quá rùng rợn: Khảo tra, đánh đập bầm dâp khắp thân già. Kề súng tận tim, tận não xả đạn. Mang xác đi mổ bụng, phanh thây.
Khẳng định ba điều trên để thấy rõ rằng trận đánh lớn với ba ngàn cảnh sát vũ trang được trang bị vũ khí hiện đại đánh vào người dân lương thiện Đồng Tâm từ đêm 8.1.2020 được Bộ Công an Nhà nước Việt Nam tổ chức chỉ huy chặt chẽ là một hoạt động phạm pháp hiển nhiên, nghiêm trọng với pháp luật, là một tội ác rùng rợn với con người, là gây chiến tranh thù địch với nhân dân. Đó là vụ án hình sự lớn đặc biệt nghiêm trọng.
Có đầy đủ nhân chứng, vật chứng của những kẻ gây tội ác man rợ với người dân lương thiện Đồng Tâm. Hơn một tháng đã qua, những tên tội phạm vẫn chưa bị khởi tố. Nhưng 22 người dân lương thiện Đồng Tâm, những nạn nhân may mắn còn sống sót của tội ác man rợ rạng sáng 9.1.2020 lại bị công an nhà nước Việt Nam mau lẹ khởi tố với những bằng chứng mơ hồ, áp đặt và ngụy tạo.
Đặc biệt nguy hiểm với xã hội và thách thức với lương tri con người là: Những tên tội phạm được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật đang tiếp tục ngang ngược và trắng trợn dồn dập khủng bố đe dọa tinh thần và tính mạng người dân lương thiện Đồng Tâm. 
Giữa tháng Giêng 2020, những người mặc sắc phục công an Việt Nam nổ súng gây ra vụ thảm sát man rợ Đồng Tâm. Không hề chùn bước, cũng không mảy may tự vấn lương tâm, giữa tháng Hai, những người mang sắc phục công an Việt Nam lại kéo cả đoàn, hung hăng, bặm trợn liên tiếp nhiều lần trở lại nhà người dân đã bị họ giết, tiếp tục làm những việc phi pháp một cách trơ tráo. Ngày 12.2 họ đến đòi lấy cánh cửa mang vết đạn họ bắn đi phi tang. Ngày 13.2 họ mang giấy triệu tập để bắt cụ bà Dư Thị Thành là vợ cụ ông Lê Đình Kình đã bị họ giết man rợ. Ngày 20.2, họ kéo lực lượng đông, áp đảo mấy người đàn bà, đọc lệnh khám nhà cụ Dư Thị Thành. 
Người dân Đồng Tâm thấy rõ những tên tội phạm trở lại nơi chúng giết người dù với cớ gì cũng chỉ nhằm xóa bỏ, lấp liếm dấu vết tội ác. Người dân Đồng Tâm đã mạnh mẽ, dứt khoát bác bỏ mọi đòi hỏi phi lí của những kẻ gây tội ác. Sự trở lại của những bộ mặt côn đồ trong sắc phục tội ác giết người đã làm cho người già cao huyết áp Dư Thị Thành ngất lên, ngất xuống, có nguy cơ tử vong rất cao. Sự trở lại Đồng Tâm của cái ác mặc sắc phục công an đang thực sự tiếp tục khủng bố đe dọa cuộc sống và tính mạng người dân Đồng Tâm.
Với lương tâm con người và trách nhiệm công dân Việt Nam, chúng tôi tuyên bố:
Một. Cực lực lên án việc huy động lực lượng lớn bạo lực nhà nước tổ chức cả chiến dịch lớn phi pháp và tàn bạo tấn công, tàn sát, khủng bố người dân lương thiện xã Đồng Tâm.
Hai. Cực lực lên án lực lượng cảnh sát vũ trang thuộc Bộ Công an Việt Nam hành xử côn đồ chà đạp lên pháp luật: Man rợ bắn giết dân. Côn đồ hành hung và bắt dân. Phá hủy và chiếm đoạt nhiều tài sản, tiền bạc hợp pháp của dân.
Ba. Mọi hành vi xâm hại, chà đạp thô bạo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia, gây tội ác rùng rợn với người dân vô tội, phải bị trừng trị đích đáng. 
Chúng tôi yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao khởi tố và điều tra vụ án giết người, hành hung, bắt người, cướp đoạt tài sản của người dân. Những kẻ chủ mưu, tổ chức, chỉ huy chiến dịch tội ác phi pháp này phải bị xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Đặc biệt tên đồ tể nổ súng sát hại cụ Kình và những tên ác ôn bản chất lưu manh, côn đồ mang sắc phục cảnh sát vũ trang cùng lực lượng an ninh hung bạo đánh đập dân đến thương tích nặng nề, vô pháp bắt bớ dân, phải bị vạch mặt chỉ tên, trừng trị nghiêm khắc.
Chúng tôi cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc, Chính phủ các quốc gia tôn trọng, đề cao Nhân quyền và các tổ chức phi Chính phủ bảo vệ Nhân quyền lên tiếng, chủ động cử các phái đoàn chính thức đến Việt Nam điều tra tội ác chống con người của một nhà nước, trớ trêu thay, vừa được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an và từng giữ chức Chủ tịch lâm thời tháng 1 năm 2020 này.
Tuyên bố từ Việt Nam ngày 23 tháng 2 năm 2020
TÊN TỔ CHỨC VÀ TÊN NGƯỜI KÍ TUYÊN BỐ
I. Tổ chức:
Đợt 1
1. Diễn đàn Bauxite Việt Nam. Đại diện: GS Phạm Xuân Yêm
2. Diễn đàn Xã hội dân sự. Đại diện: Ông Nguyễn Quang A
3. Phong Trào Dân Quyền - Anh Quốc. Điều phối viên: Phạm Văn Chính
4. Khối Tự Do Dân Chủ - 8406 Úc Châu. Đại diện: Kỹ sư Phạm Anh Tuấn
5. Hội Giáo chức Chu Văn An. Đại diện: Vũ Mạnh Hùng
6. Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền. Đại diện: LM Nguyễn Hữu Giải, 69 Phan Đình Phùng, Huế
7. Nối kết Tập Hợp Quốc Dân Việt. Đại diện: LM Nguyễn Văn Lý, 69 Phan Đình Phùng, Huế
8. Tập Hợp Quốc Dân Việt. Đại diện ở Quốc nội: Hoàng Lê Hy Lai, Sài Gòn
9. Phong trào Thăng Tiến Việt Nam. Đại diện ở Quốc nội: Nguyễn Trung Kiên, Sài Gòn
Đợt 2 
10. Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam. Đại diện: nhà văn Nguyên Ngọc
Đợt 3
11. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. Đại diện: Lê Thân – Chủ nhiệm CLB
12. Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam. Đại diện: NBK Phạm Trần Anh
13. Phong trào Yểm trợ Tự do Tôn giáo và Nhân quyền Việt Nam. Đại diện: HT Thích Nguyên Trí
14. Liên minh Dân chủ Tự do cho Việt Nam. Đại diện: Huỳnh Hưng Quốc
15. Tuổi trẻ Yêu nước quốc nội. Đại diện: NS. Trần Vũ Anh Bình
16. Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders - DTD). Đại diện: Giám đốc Vũ Quốc Ngữ
II. Cá nhân
Đợt 1
1. Phạm Đình Trọng, Nhà văn, Sài Gòn
2. Phạm Xuân Yêm, GS Vật lý, Paris, Pháp
3. Nguyễn Huệ Chi, GS Ngữ văn, Hà Nội
4. Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức yêu nước TP HCM
5. Hoàng Dũng, PGS. TS, TP HCM
6. Nguyễn Quang A, Hà Nội
7. Nguyễn Đình Nguyên, TS Y khoa, Australia
8. Phan Thị Hoàng Oanh, TS Hóa học, Sài Gòn
9. Nguyễn Mai Oanh, ThS Kinh tế phát triển, Sài Gòn
10. Đặng Thị Hảo, TS Văn học, Hà Nội 
11. Trần Đức Quế, Chuyên viên hưu trí, Hà Nội
12. Trần Minh Thảo, Viết văn, thành viên CLB Phan Tây Hồ, Bảo Lộc, Lâm Đồng
13. Nguyễn Đắc Diên, BS Y khoa, Sài Gòn
14. Nguyễn Đình Cống, GS ĐHXD, Hà Nội
15. Nguyễn thị Khánh Trâm, Nghiên cứu viên, hưu trí, TP HCM
16. Trần Tiến Đức, Nhà báo độc lập, đạo diễn truyền hình và phim tài liệu
17. Lê Phú Khải, Nhà báo, Sài Gòn
18. Vũ Hồng Ánh, Nghệ sĩ cello, Sài Gòn
19. Bùi Oanh, Hưu trí, Sài Gòn
20. Phan Đắc Lữ, Nhà thơ, Sài Gòn
21. Hà Sĩ Phu, Đà Lạt
22. Võ Văn Tạo, Nhà báo, Nha Trang
23. Ngô Kim Hoa (Sương Quỳnh), Nhà báo tự do, Sài Gòn
24. Lại Thị Ánh Hồng, Nghệ sĩ, Sài Gòn
25. Uyên Vũ, Nhà báo, California, Hoa Kỳ
26. Đào Thu Huệ, Giảng viên đại học, Hà Nội
27. Vũ Ngọc Tiến, Nhà văn, Hà Nội
28. Vũ Thư Hiên, Nhà văn, Paris, Pháp
29. Davis Trần, GS, Chicago, Mỹ
30. Nguyễn Trọng Nghĩa, Thợ điện, Rennes, Pháp
31. Vũ Vân Sơn, Phiên dịch, Berlin, Đức
32. Nguyễn Sơn, R&D Engineer, Arizona, Mỹ
33. Tiến Trọng Nghĩa, Họa sĩ, Sài Gòn
34. Lê Dũng Vova, Nhà báo, Hà Nội
35. Thái Khắc Phú, Sài Gòn
36. Nguyễn Hồng Nga, Nghề tự do, Sài Gòn
37. Trần Quốc Thanh, Houston, Texas
38. Nguyễn Thị Ly Dung, Giáo viên, Sài Gòn
39. Hồ Đắc Tâm, Linh mục, Sài Gòn
40. Lâm Ái, Nội trợ, Sài Gòn
41. Đỗ Văn Hào, Bác sĩ, Sài Gòn
42. Hồ Văn Huy, Luanda, Angola
43. Trần Ngọc Toàn, Nghề tự do, Sài Gòn
44. Bùi Nguyên Viễn, Giảng viên Toán hưu trí, Hai Bà Trưng, Hà Nội
45. Nguyễn Huy Tuyến, Kiến trúc sư, Hà Nội
46. Nguyễn Mạnh, Kinh doanh, Cộng hòa Sec
47. Nguyễn Văn Khánh, Nhà báo, Warszawa, Ba lan
48. Hoàng Xuân Sơn, Luật sư, Sài Gòn
49. Đỗ Thái Bình, Kỹ sư, Sài Gòn
50. Phạm Văn Hiền, Hưu trí, Hải Phòng
51. Bùi Thanh Hiếu, Nhà báo, Berlin, Đức
52. Nguyễn Đức Tường, Tiến sĩ Vật lý, Ottawa
53. Võ Thị Hảo, Nhà văn, Berlin
54. Bắc Phong, Hưu trí, Canada
55. Đoàn Phú Hòa, Phiên dịch, tư vấn, Cộng hòa Sec
56. Vũ Chí Dũng, Kỹ sư, Hà Nội
57. Nguyễn Tuấn Anh, Cựu sỹ quan Vị Xuyên E247, Việt Trì - Phú Thọ
58. Nguyễn Thanh Hằng, Giáo viên hưu trí, TP HCM
59. Phuong Nguyen, Ky su Vi tinh, Massachusetts, Hoa Ky
60. Đặng Doan, Kinh doanh, Gia Nghĩa, Đak Nông
61. MẠNH KIM, Nhà báo tự do
62. Phuong Nguyen-Smith, Dược sĩ – Pharmacist, New York, USA
63. Phùng Chí Kiên, Designer, Hai Bà Trưng, Hà Nội
64. Nguyễn Đăng Hưng, Giáo sư Danh dự Đại Học Liege Bỉ, sống tại Sài Gòn
65. Trịnh Bá Phương, Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội
66. Cấn Thị Thêu, Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội
67. Trịnh Bá Tư, Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội
68. Trịnh Bá Khiêm, Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội
69. Lê Anh Dũng, Lao động tự do, Hải Phòng
70. Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nhà văn, Hoa kỳ
71. Minh Cận, Công dân Việt Nam, Đà Nẵng
72. Bùi Hiền, Hưu trí, Canada
73. Bùi Xuân Hiền, Kế toán, Hà Nội
74. Đặng Xuân Diệu, Kỹ sư, Paris, Pháp
75. Mai Su, 69 tuổi, Hành nghề dọn vệ sinh, Texas, USA
76. Vũ Tony, Thợ tiện, Houston, Texas, USA
77. Huỳnh Thị Kim Liên, Nội trợ, Phú Nhuận, Saigon
78. Bộ Nguyễn, Kỹ sư đường bộ, Canada
79. Nguyễn Công Trình, Lao động tự do, Hà Tĩnh
80. Harry Ngo, Kinh doanh, Atlanta, Georgia, USA
81. Nguyễn Cường, Tư vấn bất động sản, Praha, CH Séc
82. Lm. Antôn Lê Ngọc Thanh, CSsR, Nhà thờ Sáu Bọng, Ấp Lân Quới 2, xã Thạnh Quới, Huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ
83. Nguyễn Nghĩa, Nghệ An
84. Thuỳ Linh, Nhà văn, Hà Nội
85. Mai Văn Tuất (Văn Ngọc Trà), California, Hoa Kỳ
86. Trần Kim Thập, Giáo chức, TP Perth, Australia
87. Nguyễn Nguyên Bình, Nhà văn, Hà Nội
88. Adam Tran, Thợ mộc, Anh Quốc
89. Vũ Linh Huy, Bác sĩ Y khoa, Sarasota, Florida, Hoa Kỳ
90. Vũ Phương Chiến, Lao động, Germany
91. NGUYEN THI THANH HAU, Kinh doanh tự do, Quê quán Hải Phòng, sống tại New Calédonie
92. Tu sĩ Phật giáo Thích Ngộ Chánh, thế danh Nguyễn Đức Lão, Bảo Lộc, Lâm Đồng
93. Cù Huy Hà Vũ, Tiến sĩ Luật, tạm trú tại Hoa Kỳ
94. Nguyễn Thị Dương Hà, Luật sư, tạm trú tại Hoa Kỳ
95. Nguyễn Quốc Việt, 60 tuổi, Kinh doanh tự do, Hà Nội
96. Hà Văn Thuỳ, Nhà văn, Sài Gòn
97. Nguyễn Thị Loan, Kinh doanh, TP HCM
98. Lê Đức Minh, Ls/Bs, Vpls Independence Lawyers, Sydney, Australia
99. Bảo Giang, Văn Bút Úc Châu
100. Duong Hong Lanh, Saigon
101. Nguyễn Đình Thanh, Làm vườn, Bảo Lộc, Lâm Đồng
102. Lưu Thắng, Công nhân, Hoa Kỳ
103. Hà Quang Vinh, Hưu trí, TP HCM
104. Trần Cao Phong, Kỹ sư xây dựng, Hà Nội
105. Nguyễn Mê Linh, TS, TP HCM
106. PHẠM MẠNH TIẾN, KỸ SƯ, NGHỆ AN
107. Trịnh Kim Thuấn, Nông dân, Chợ Mới, An Giang
108. Nguyễn Thuý Hạnh, 57 tuổi, Hưu trí, Hà Nội
109. Đỗ Đăng Giu, Nguyên Giám đốc Nghiên Cứu Đai học Paris 11
110. Nguyễn Mạnh Hùng, Mục sư, Sài Gòn
111. Trần Ngọc Anh, Tiến sỹ CNTT, Tân Bình, TP HCM
112. Lưu Mạnh Hiệp, Kỹ sư, TP HCM
113. Mã Lam, Nhà thơ, Sài Gòn
114. Nguyễn Thị Hương, Nghiên cứu Xã hội học, Hưu trí, TP HCM
115. Phan Ngọc Bửu Châu, Nấu ăn, Bạc Liêu
116. Hoàng Đức Doanh, 75 tuổi, Nghỉ hưu, Phủ Lý, Hà Nam
117. Dương Đình Long, Kỹ sư, Sài Gòn
118. Trần Đức Thạch, Nhà thơ, cựu Tù nhân lương tâm, Nghệ An
119. Phạm Thị Ngọc Hoa, Nội trợ, Sài Gòn
120. Nguyễn Thanh Quang, Kinh doanh, Hà Nội
121. Nguyễn Thị Ái Vân, Nghệ sĩ, Hoa Kỳ
122. Nguyễn Thi Thanh Vân, Lâm Đồng
123. Nguyễn Hằng Nga, Hưu trí, Nha Trang
124. Nguyễn Doãn Đôn, Cử nhân Kinh tế và Tâm lý, Berlin, Đức
125. Phan Văn Thành vào đảng 1982 bỏ đảng 1990
126. Nguyễn Thanh Nguyện, Hưu trí, Vũng Tàu
127. Trần Thị Thảo, Giáo viên hưu trí, Vũng Tàu
128. Nguyễn Văn Pháp, Công nhân, Thanh Hoá
129. Ngô Duy Quyền, Kỹ sư cơ khí, Hiệp Hoà, Bắc Giang
130. Phạm Thành, Nhà báo, nhà văn, Hà Nội
131. Lê Thành Tài, Kỹ sư xây dựng, Bà Rịa Vũng Tàu
132. Nguyễn Tiến Dân, Nhà giáo, Hà Nội
133. Trần Quốc Triệu, Sinh viên, Thái Bình
134. Hoa Vo Rørvik, Điều dưỡng, Valderøya, Nauy
135. Nguyễn Hữu Nhiên, Bình Tân, TP HCM
136. Giaquoc Nguyen, Giáo viên hưu trí, Brooklyn Park, Minnesota, USA
137. Trần Thị Thanh Nhàn, Dạy học, Hà Nội
138. Phạm Trọng Nghĩa, Công chức, Tuyên Quang
139. Nguyễn Đình Ấm, Nhà báo, Hà Nội
140. Lê Phương, Hưu trí, Cầu Giấy, Hà Nội
141. Phạm Mạnh Bính, Nghỉ hưu, Bình Dương
142. Lê Hồng Cẩn, Kỹ sư, Frankfurt, Đức
143. Tôn Gia Khai, Warszawa, Ba Lan
144. Nguyễn Thanh Hằng, Giáo viên, Sài Gòn
145. Nguyễn Minh Phát, Ontario, Canada
146. Chu Anh Mai, Nghề tự do, Hà Nội
147. Bùi Tuấn Dương, Đắk Giong, Đắk Nông
148. Nguyễn Thị Văn, ThS Nghiên cứu Xã hội học, Hưu trí, Hà Nội
149. Triệu Quyết Thắng, Tham gia quân đội VN 1968, Chuyển ngành 02.1977, Tỵ nạn chính trị ở Công hoà LB Đức từ 20.7.1990, Hưu trí tại Germany
150. ĐỖ CẨM SƠN, Hưu trí, USA
151. John Tornado, College Student, Miami, Florida, USA
152. Huỳnh Ngọc Chênh, Sinh năm 1952, Trú quán tại Hà Nội
153. Huỳnh Văn Thắng, TP HCM
154. Nguyễn Trọng Cương, Kỹ sư công nghệ thông tin, Frankfurt, Đức
155. Đinh Hồng Sơn, 70 tuổi, Cán bộ hưu trí, Hoàng Mai, Hà Nội
156. Binh Tran, PharmD., USA
157. VÕ HỒNG LONG, Kỹ sư, Osaka, Nhật Bản
158. Vũ Minh Trí, Kỹ sư đã nghỉ hưu, Cầu Giấy, Hà Nội
159. Bùi Ngọc Anh, Nhà giáo đã nghỉ hưu, TP HCM
160. Vũ Thanh, Nhà báo nghỉ hưu, TP HCM
161. Nguyễn Thị Huần, Dân oan, Vĩnh Phúc
162. Phạm văn Phan, Master in Physical Chemistry, Ret. Houston, USA
163. Phạm Văn Kha, Hưu trí, Sài Gòn
164. Mai Thanh Sơn, PhD., Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ
165. Trần Thị Mai Hương, Peckham, London, UK
166. Trần Văn Tuyển, Peckham, London, UK
167. Lê Văn Thảo, Hưu trí, Hà Nội
168. Vũ Trung Uý, Kinh doanh, CH Séc
169. Trần Đức Hiện, Hưu trí, Thống Nhất, Đồng Nai
170. Nguyễn Văn Nghi, TS Sinh học, Hà Nội
171. Ngô Sĩ Tư, Lái xe (đã nghỉ hưu), Hai Bà Trưng, Hà Nội
172. Lê Văn Oanh, Kỹ sư Xây dựng, Hà Nội
173. Tô Oanh, Giáo viên THPT đã nghỉ hưu, Bắc Giang
174. Trần Thái Hùng, Hoàng Mai, Hà Nội
175. Nguyễn Hữu Tuyến, Kỹ sư hưu trí, Q10, Sài Gòn
176. Trương Thị Minh Sâm, Nội trợ, Đồng Nai
177. Nguyễn Huy Tám, Cử nhân, Cán bộ hưu trí tại TP HCM
178. ĐINH HỮU THUYÊN, Tài xế, Sài Gòn
179. Nguyễn Ái Chi, Hưu trí, Sài Gòn
180. Đinh Đức Long, Tiến sĩ, Bác sĩ, sống tại Sài Gòn
181. Nguyet Dao, USA
182. Trần Trung Sơn, Nghỉ hưu, Nha Trang, Khánh Hoà
183. Đinh Văn Dũng, Công nhân, Ninh Bình
184. Trần Minh Chân, Cựu chiến binh, Cựu Đảng viên Đảng CS VN bỏ Đảng 32 năm, Saarland, CHLB Đức
185. HỒ THỊ HỒNG NHUNG, TS. BS., TP HCM
Đợt 2
186. Chu Hảo, Hà Nội
187. Phạm Quang Hoa, Bác sĩ, Đà Lạt
188. Đoàn Nhật Hồng, Nguyên giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Lâm Đồng
189. Dương Tự Lập, Cựu chiến binh, Nghệ An
190. Nguyễn Phương, Công nhân, Kanagawa, Nhật Bản
191. Nguyên Ngọc, nhà văn, Hội An
192. Trịnh Đình Hòa, Hưu trí, Hà Nội
193. Phạm Minh Tuấn, Long Biên, Hà Nội
194. Đặng Hoàng Phong, Nghệ nhân mỹ nghệ, Bà Rịa Vũng Tàu
195. Nguyễn Hoàng, Kinh doanh, Sài Gòn
196. Trần Xuân Quang, Vinh, Nghệ An
197. Nguyễn Như Hoài, Đà Lạt, Lâm Đồng
198. Nguyễn Loan, Huế, Thừa Thiên-Huế
199. Huỳnh Quang Minh, CN Kinh tế, Quảng Nam
200. Đỗ Thành Nhân, Tư vấn đầu tư, Quảng Ngãi
201. Hồ Quang Huy, Kỹ sư Đường sắt, Nha Trang
202. Trần Công Khánh, Hưu trí, Hải Phòng 
203. Phạm Ngọc Trường, Tours, FRANCE
204. Nguyen Van Tiến, Hưu trí, TP HCM
205. Phan Quốc Tuyên, Kỹ sư Tin học, Thụy Sĩ
206. Tô Lê Sơn, Thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn
207. Trần Bang, Kỹ sư, Thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, Sài Gòn
208. Vi Đức Hồi, Cựu tù nhân lương tâm, Lạng sơn
209. Trần Trí Dũng, Kỹ sư, Hà Nội
210. Bùi Nghệ, Nghỉ hưu, Sài Gòn
211. NGUYEN PHUC THANH, DICH GIA, SAIGON
212. Trần Văn Thanh, Công nhân, Pháp
213. Vũ Ngọc Yên, Nhà báo, Stuttgart, CHLB Đức
214. Hoàng Hưng, Nhà thơ - Dịch giả, Sài Gòn
215. Nguyễn Trọng Hoàng, Bác sĩ, Paris, Pháp
216. Trần Ngọc Danh, Tiến sĩ Toán, Houston, Texas, USA
217. Phan Trọng Khang, Thương binh 2/4, Hà Nội
218. Tran Van Hoang, Toronto, Canada
219. Mai Thái Lĩnh, Nhà nghiên cứu, CLB Phan Tây Hồ, Đà Lạt
220. Trần Đức Nguyên, Chuyên gia cao cấp nghỉ hưu, Hà Nội
221. Lê Khánh Hùng, TS. Công nghệ Thông tin, Hà Nội
222. Bùi Minh Quốc, Nhà thơ - Nhà báo, Đà Lạt
223. Hồ Sỹ Hải, Nghỉ hưu, CCB, Hà Nội
224. Nguyễn Nghiêm, Cựu chiến binh Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, TP HCM
225. Tô Xuân Thành, Kỹ sư, Cựu quân nhân, Nghệ An 
226. Hà Dương Tường, Nhà giáo về hưu, Pháp
227. Võ Quang Tu, Hưu trí, Sài Gòn
228. André Menras - Hồ Cương Quyết, Nhà giáo Pháp - Việt
229. Nguyễn Trung Đức, Sinh viên, Germany
230. Tran Tuan Tu, Dr., Faculty of Environment - University of Science - Hochiminh City
231. Nguyen Hoa An, Thương gia, Long Biên, Hà Nội
Đợt 3
232. Phạm Tiền Phong, Hưu trí, Sài Gòn
233. Trần Viết Tuyên, Kiến trúc sư, Nghỉ hưu, Hamburg, CHLB Đức 
234. Luan Tran, Worker, Australia
235. Nguyễn Tiến Lộc, Nhà văn, Canada
236. Nguyễn Thị Cảnh, Hưu trí, Canada
237. Quỳnh Đào, Hoi vien An Xa Quoc Te, Uc Chau
238. Dang Anh Dung, Công dân Việt Nam, Sài Gòn
239. Nguyễn Lê Uyên, Nhà văn, Thủ Đức, SÀI GÒN
240. Nguyễn Văn Nghệ, Làm ruộng, Diên Khánh, Khánh Hòa
241. PHẠM CÔNG NHIỆM, Bác sỹ, Đống Đa, Hà Nội
242. Nguyễn Đại Lộc, Giáo viên, TP HCM
243. Vũ Văn Mạnh, Giáo viên, Thái Bình
244. Vũ Minh Đăng, Kinh doanh, Hà Đông, Hà Nội
245. Nguyễn Đức Thủy, CCB, Điện Biên
246. Trần Thiện Kế, Dược sĩ, Hà Nội
247. Nguyễn Sơn Hà, Kỹ sư Chế biến gỗ, Hai Bà Trưng, Hà Nội
248. Nguyễn Văn Lịch, Kỹ sư Cơ khí, Hưu trí, Đống Đa, Hà Nội
249. Trần Phong Lan, Giáo viên, Bình Dương
250. Đào Tiến Thi, Nhà nghiên cứu Văn học và Ngôn ngữ, Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội
251. Pham Nguyen Thanh Thuy, Ke toan, Ca Mau
252. Nguyễn Mạnh Cường, Kỹ sư Xây dựng, TP. HCM
253. Nguyễn Trọng Hiển, Kinh doanh tự do, Sài Gòn 
254. Võ Thị Thanh Hà, Cán bộ hưu trí, Hà Nội
255. Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Dịch vụ Game, TP. HCM
256. Trần Vũ Anh Bình, Nhạc sĩ, Cựu TNLT, Sài Gòn  
257. Phạm Ngọc Thành, Kỹ sư Công trình, Hà Nội
258. TRẦN Văn Thành, Kỹ sư CNTT, Ngoại ô Paris, Cộng hòa Pháp
259. Trần Thanh Tuấn, Giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên, Hà Nội
260. Nguyễn Công Thanh, Lao động tự do, Sài Gòn
261. Pham Quang Hoa, D. Sc. in Sociology, Hà Nội
262. Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Kuala Lumpur, Malaysia 
263. Ngô Thị Hồng Lâm, Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu
264. Lê Văn Tâm, Nguyên Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, Chiba, Nhật Bản
265. Nguyễn Công Thành, Kỹ sư Xây dựng, Hà Nội
266. Nguyễn Tam Thanh, Cử nhân, Hà Nội
267. Nguyễn Thành Hiệp, Lao động tự do, Bình Định
268. Nguyễn Trần Bảo Quốc, Kỹ sư Xây dựng, TP. HCM
269. Bui duc TINH, Nghỉ hưu, Hà Đông, Hà Nội
270. Nguyễn Đức Quỳ, Cựu giáo chức, Hà Nội
271. Phạm Nguyên Trường, Dịch giả, Vũng Tàu
272. Vinh Anh, CCB, Đống Đa, Hà Nội
273. Trần Văn Tấn, Kỹ sư, Berlin, CHLB Ɖức
274. Đào Văn Tùng, Cán bộ nghỉ hưu, Mỹ Tho, Tiền Giang
275. Bùi Mạnh Tiến, Lái xe, Chí Linh, Hải Dương
276. NGUYỄN THANH VIÊN, Nhân viên văn phòng, Sài Gòn
277. Hà Dương Tuấn, Chuyên gia CNTT đã nghỉ hưu, Paris
278. Lê Thân, Nhà hoạt động xã hội, Sài Gòn
279. Thu Hoa, Nhân viên văn phòng, Hà Nội
280. Vũ Hồng Sử, Làm tự do, Sài Gòn
281. Phạm Antoine Ngọc Nhàn, Giám đốc công ty/ Chủ tịch Hiệp hội Vinhcap, Paris, Pháp
282. Trần Quốc Trung, Cán bộ về hưu, TP. HCM
283. Phạm Hoàng Phiệt, Giáo sư Y học đã nghỉ hưu, TP. HCM
284. Nguyễn Thị Hoan, Bruxelles, Belgium
285. Ngo Kim Dung, Bac si ve huu, Phap
286. Thomas Phạm, Retired, Garden Grove, California, USA
287. Huỳnh Phước Trường, Làm Xây dựng, TP. HCM
288. Nguyễn Quang Nhàn, Cán bộ hưu trí, Đà Lạt
289. Larry Dang, Hưu trí, Vancouver, Canada
290. Nguyễn Văn Dũng, Thüringen, Cộng hoà Liên bang Đức
Đợt 4
291. Dương Thạch, CHLB Đức
292. Lê Văn Được, Kỹ sư Kết cấu xây dựng, Nghệ An
293. Phạm Kỳ Đăng, Làm thơ, Viết báo, Dịch thuật, Berlin, CHLB Đức
294. Linh mục Anthony Đặng Hữu Nam, Nhà thờ Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, Yên Thành, Nghệ An
295. LƯƠNG HỒNG ANH, Hưu trí, Budapest, Hungaria
296. Lâm Đăng Châu, Nghỉ hưu, Hannover, CHLB Đức
297. Bùi Quang Vơm, Kỹ sư, Paris, Pháp
298. Phan Antoinette, Buôn bán, Pháp
299. Trần Thị Đức, Sinh viên, người Hải Phòng, ở Anh quốc
300. Ông Tư Bình, Hưu trí, Oregon, Hoa Kỳ
301. Phạm Anh Cường, Kỹ sư, Hà Nội
302. Nguyễn Ngọc Thach, Hưu trí, Sài Gòn
303. Le dinh Hong, Ke toan, Vancouver, Canada
304. Phan Thành Vinh, Lái xe, TP. HCM
305. ĐẶNG VĂN SINH, Chí Linh, Hải Dương
306. Đỗ trọng Linh, Hoa Kỳ
307. Vũ Đức Phong, Kỹ sư Xây dựng, Lille, Pháp
308. Nguyễn Ngọc Xuân, Nông dân đã nghĩ hưu, Bà Rịa - Vũng Tàu
309. Bùi Hương Lan, Về hưu, Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
310. Nguyễn Tuệ-Hải, Hưu trí, Canberra, Australia
311. Nguyễn Hữu Đổng, Giáo viên nghỉ hưu, Hà Nội
312. Ngô Vũ Xuân, Anaheim City, USA
313. Lâm Thu Xuân, Anaheim City, USA
314. Ngô Thị Thứ, Hưu trí, Sài Gòn
315. Huynh thu Thanh, Nguyen KS Đai truyen hinh TP HCM, Giang vien Anh van tu do, TP. HCM
316. Trần Hưng Thịnh, Hưu trí, Hoàng Mai, Hà Nội
317. Van Thuan Tran, Cong hoa Lien bang Duc
318. Trần Công Thắng, Bác sỹ, Na Uy
319. Trương Thế Kỷ, München, Germany
320. Trần Văn Toàn, Công nhân, TP. HCM
321. Quảng Tánh Trần Cầm, Nhà thơ, Hoa Kỳ
322. Nguyễn Phong, R&D Engineer, Florida, Hoa Kỳ
323. Nguyễn Thanh Phương, Software Engineer, Florida, Hoa Kỳ
324. Nguyễn Tuấn Hải, Giám đốc công ty, Hà Nội
Xin mời bạn đọc ký tên lên án tội ác Đồng Tâm tại địa chỉ sau đây:tocaotoiacdongtam@gmail.com