Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

Tiền có là giấy lộn cũng cần đắn đo

Tiền có là giấy lộn cũng cần đắn đo

Trong ngày 24 tháng 7, tờ Lao Động giới thiệu hai bài viết về hai dự án nhiệt điện cùng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Theo đó, PVN đề nghị chi thêm cho Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 (tọa lạc tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) 11.600 tỉ và xin xem xét giải cứu do nhà thầu (Tập đoàn Power Machines của Nga) ngưng thi công vì bị Mỹ cấm vận (1). Còn Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (tọa lạc tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) thì cần được cấp thêm hàng chục ngàn tỉ, nếu không, 32.000 tỉ đã chi để thực hiện dự án này coi như… vứt đi (2).
Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 lẽ ra đã phải hoàn tất cách nay bốn năm (2015) nhưng tới cuối năm ngoái, lúc nhà thầu phải ngưng thi công vị bị Mỹ cấm vận mới chỉ đạt được 77,5% khối lượng. Không thấy PVN cho biết, đó có phải là lý do khiến tổng vốn đầu tư tăng thêm 11.600 tỉ (từ 29.500 tỉ đồng thành 41.200 tỉ) hay không? Chỉ biết rằng, giữa nhà thầu chính và các nhà thầu phụ đang có nhiều vướng mắc: Nhà thầu chính không thể thanh toán cho các nhà thầu phụ bằng Mỹ kim. Khối lượng xây dựng và lắp đặt rất thấp do thiếu thiết kế, thiết bị không đồng bộ… PVN đề nghị Thủ tướng lập một Tổ Công tác đặc biệt để… hướng dẫn giải quyết!
Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng gần giống như vậy. Lẽ ra công trình xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 phải hoàn tất vào năm 2016 nhưng đến nay – quá hạn ba năm – mới chỉ đạt được 84% khối lượng. Do chỉ định nhà thầu (Tổng Công ty Xây lắp dầu khí – PVC) không đủ năng lực, lại còn chi sai nguyên tắc để nhà thầu chiếm dụng 1.080 tỉ, tổng vốn đầu tư cho dự án đã tăng thêm 11.000 tỉ (từ 31.000 tỉ thành 42.000 tỉ) (3). Giống như Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, PVN đang nợ các nhà thầu tham gia Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 hàng ngàn tỉ. Nói cách khác, nếu hai dự án này phá sản, không chỉ công quỹ tổn thất khoảng 60.000 tỉ, quốc gia gánh thêm nợ nần mà còn làm nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho dự án phá sản.
***
Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 và Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tạo ra tình huống “bỏ thì thương, vương thì tội”.
“Bỏ” có nghĩa là chấp nhận vứt đi hơn 60.000 tỉ đã rót vào hai dự án, ngược lại – làm cho xong – cũng sẽ phải chi thêm hơn 20.000 tỉ nữa.
Các viên chức hữu trách trong chính phủ và lãnh đạo PVN vừa đồng loạt dọa rằng, không cấp thêm tiền thì hơn 60.000 tỉ sẽ thành gạch vụn và sắt vụn, thậm chí không cấp thêm tiền thì vài năm nữa Việt Nam sẽ thiếu… điện! Chưa kể ông Trần Sĩ Thanh, Chủ tịch PVN, chỉ trích gay gắt “thể chế, cơ chế, luật pháp” đang bó tay PVN trong việc thực hiện các dự án xây dựng những nhà máy nhiệt điện mà tập đoàn này là chủ đầu tư. Ông cho rằng phải xem những người dám ký phiếu thanh toán là… anh hùng (4).
Tại sao chỉ ký phiếu thanh toán mà… đáng mặt anh hùng? Đáng mặt anh hùng vì PVN tê liệt, tan tác sau khi lãnh đạo PVN nhiều thời kỳ dắt nhau vào tù vì đủ thứ sai phạm trong đủ loại dự án và Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 từng là một trong những lý do khiến những Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch PVN), Phùng Đình Thực (cựu Tổng Giám đóc PVN), Nguyễn Quốc khánh (cựu Phó Tổng Giám đốc PVN), Ninh Văn Quỳnh (Kế toán trưởng PVN), Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch, Tổng Giám đốc PVC), Vũ Đức Thuận (Tổng Giám đốc PVC),… bị cách ly hoặc vô thời hạn hoặc có thời hạn với xã hội.
Thưở ấy, trước những thiệt hại tính bằng hàng chục ngàn tỉ đồng, những cá nhân như ông Trần Sĩ Thanh cũng bảo là tại… “thể chế, cơ chế, luật pháp”!
Có lẽ nên bàn chuyện “thiếu điện” và thực hiện các dự án phát triển nguồn điện vào một dịp khác. Lần này, trong phạm vi bài này chỉ xin phép ngắm nghía thêm về “thể chế, cơ chế, luật pháp” – thứ mà khi mở ra như đã mở cho PVN và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã từng làm mất hàng trăm ngàn tỉ và lúc khép lại như ông Trần Sĩ Thanh vừa chỉ trích, hứa hẹn sẽ tiếp tục mất cả trăm ngàn tỉ nữa.
Muốn thể hiện một tỉ, ngoài số 1 người ta còn phải viết thêm chín số 0 – đâu có ít. Vậy mà thất thoát bạc tỉ đã trở thành bình thường đối với quản lý – sử dụng công quỹ tại Việt Nam. Người ta ước đoán, mỗi tờ giấy bạc mệnh giá 500.000 đồng Việt Nam nặng khoảng 1 gram. Vì một tỉ có 2.000 tờ giấy bạc loại này nên một tỉ gồm toàn giấy bạc loại 500.000 sẽ nặng chừng hai ký. Trọng lượng một trăm ngàn tỉ đối với giấy bạc loại 500.000 vào khoảng 200 tấn – không nhẹ.
Cách quản lý – sử dụng công quỹ ở Việt Nam khiến nhiều người cho rằng, trong mắt các viên chức hữu trách thuộc cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền, tiền chẳng khác gì giấy lộn. Song dẫu là giấy lộn chẳng lẽ cũng không cần tiết kiệm? Tiền hay giấy lộn đều từ mồ hôi, nước mắt, đời sống hiện tại của 95 triệu công dân Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tương lai của các thế hệ hậu sinh. Khi vận hành loại “thể chế, cơ chế, luật pháp” biến mồ hôi, nước mắt, đời sống hiện tại của dân lành và tương lai con cháu thành giấy lộn, chẳng lẽ ngay cả chuyện chừa giấy lộn cho đồng bào lau mồ hôi, chùi nước mắt đảng ta cũng thấy không đáng để bận tâm?
Chú thích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.