Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

Thảm họa quốc gia?

Thảm họa quốc gia?

1-7-2019
Việt Nam có cháy rừng. Cháy rất lớn ở bốn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Huế (trước đó, rừng Đà Nẵng cũng cháy). Cho đến lúc này đã có ít nhất 2 người dân đã được xác định tử vong do “giặc lửa”. Con số diện tích rừng bị cháy đến giờ được thông tin trên báo chí đã gần khoảng 300ha.
Có thể gọi là thảm hoạ quốc gia của Việt Nam chưa? Bởi tại Hàn Quốc, với 1 người bị chết và 380ha rừng cháy rụi, Chính phủ nước này đã gọi sự cố cháy rừng là thảm hoạ quốc gia.
Nhưng con số biết nói khác của Hàn Quốc trong vụ cháy nói trên khi nó chưa dứt và được gọi là thảm hoạ quốc gia: 11 người bị thương, hơn 4.200 người phải tới nơi tránh trú, ít nhất 300 ngôi nhà và nhiều công trình tại Goseong, Sokcho và Gangneung Bị lửa phá huỷ,.v.v..
Từng tham gia đưa tin chữa cháy lớn tại Tp.HCM, tôi biết chắc chắn sẽ có người bị thương, dẫu là chiến sĩ PCCC chuyên nghiệp. Nhưng các lực lượng khác và người dân không được huấn luyện bài bản đi chữa cháy tại những điểm nóng nói trên không hề thấy nhắc đến chuyện bị thương. Từng đi đến những điểm trường cắm bản, những đồn trạm biên phòng và nhà dân nơi vùng rừng và giáp rừng nhưng tôi vẫn không hề thấy nhắc đến các thiệt hại nhà cửa ấy.
Năm 2018, trực thăng của Binh đoàn 18 đi chữa cháy rừng ở… Indonesia được báo chí đưa tin nhanh chóng. Cháy rừng tại chính quê hương mình thì…
Một lần nữa phải thắc mắc với Chính phủ ngay ngày đầu tuần rằng cháy rừng diễn ra mấy hôm nay có thể coi là thảm hoạ quốc gia chưa? (Tôi phải viết ngay điều này thay vì post bài viết về việc ký kết EVFTA và IPA hôm qua của Việt Nam với Châu Âu.)
Phải hỏi, bởi có người nhìn thấy những thảm hoạ khác của quốc gia từ vụ cháy!
Trên báo Pháp luật Việt Nam, người viết Ngô Đức Hành đã thẳng thắn: “Trước cơ quan Công an, can phạm khai chỉ là do bất cẩn khi đốt rác trong vườn. Lý do thật đơn giản. Chỉ một khinh suất, cả quê hương phải gánh chịu hậu quả. Vụ cháy rừng Hà Tĩnh cũng “phơi bày” ra tất cả hiện trạng về năng lực con người, thiết bị trong trường hợp thảm họa.
Lửa trước gió ngùn ngụt, địa hình rừng núi phức tạp… tuy nhiên, chúng ta chỉ có bấy nhiêu thứ: cao nhất là xe chữa cháy của lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Còn lại, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian và thủ công.
Cái “phơi bày” đáng lo ngại nhất là nhận thức về pháp luật của chính quyền xã, phường những nơi có rừng và vùng đệm. Thử hỏi để trắc nghiệm xem dân các vùng này mấy ai biết về Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật Lâm nghiệp (trước đây gọi là Luật Bảo vệ và phát triển rừng)? Mấy ai biết về “Tội hủy hoại rừng” được quy định, hướng dẫn tại Điều 243 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 và khung hình phạt cao nhất là 15 năm để họ sống có ý thức và trách nhiệm. Và nữa, trước hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, tiềm ẩn nguy cơ cháy, chính quyền nơi có rừng, vùng đệm của rừng có động thái gì cảnh báo, tuyên truyền, nhắc nhở người dân không?”
Dự báo thời tiết nói chiều tối hôm nay có mưa ở Hà Tĩnh. Đó là một tin vui vô cùng… thụ động trước giặc lửa.
Có gọi là thảm hoạ quốc gia không thì Chính phủ, hay nói đúng hơn là tập hợp ý kiến các Uỷ viên Bộ Chính trị, quyết định.
Chỉ là cần nhắc lại cảm thán đau đớn đêm qua mà tôi phải bật ra:
Một quốc gia thảm hoạ là ngay cả khi có thảm hoạ quốc gia mà vẫn không công bố. Trong khi đó, nhân dân hoàn toàn không ý thức đủ thảm hoạ đang lớn dần thêm vì bận chửi mắng, trách móc và đòi hỏi lẫn nhau hay các tham gia thú vui đời thường khác.
Tin rằng điều này đúng với không chỉ thảm hoạ do cháy mà còn đúng với bất cứ thảm hoạ nào khác đã diễn ra hay đang chực chờ diễn ra trên đất nước này.
_____
Một số hình ảnh trên mạng:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.