Lời từ biệt Văn đoàn Độc lập Việt Nam
Lê Phú Khải
27-7-2019
Sau cuộc chiến nàng là hiện thân của trầm cảm
Thở bằng mang
Và yêu bằng vây
Mỗi ngày nàng thả vào trong hộp giấy
Một cuộc hành trình…
(Thơ Vũ Thành Sơn)
Một thằng bé ném hòn đá xuống hồ Con Rùa
Và thành phố chết đuối biến mất
Cơ thể tôi đang dần thối rữa
Bộ phận sinh dục thì theo cách của một vòi nước không thể khóa chặt
Tuôn xối xả những chất lỏng màu đỏ
Tôi muốn thay một cái khóa tốt hơn để văn chặt máu bên trong mà
Vì một lí do nào đó, nó cứ kêu đòi phải chảy ra khỏi cơ thể tôi
Ngay cả máu cũng không cần cơ thể này
Cơ thể tôi
Đã thối rữa
Và
Thành phố này vẫn
Chết đuối
(Cơ thể thối rữa và thành phố chết đuối. Thơ Vũ Lập Nhật)
Những câu thơ điên loạn trên được đăng trên mạng Văn Việt của Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam. Cả hai tác giả Vũ Thành Sơn và Vũ Lập Nhật đều được Văn Việt “phát hiện” và trao giải thơ trước sự ngạc nhiên và phẫn nộ của bạn đọc trong ngoài nước.
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã có bài phê phán gay gắt giải thưởng thơ và các bài thơ được giải thưởng của Văn Việt. Trước sự phê phán gay gắt và xác đáng của nhà thơ Trần Mạnh Hảo và đông đảo bạn đọc, từ Paris xa xôi, nhà văn Vũ Thư Hiên, thành viên Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập đã lên tiếng, đại ý, nếu Văn Việt thấy mình đúng thì lên tiếng bảo vệ các giải thưởng thơ của Văn Việt, nếu thấy sai thì “dũng cảm nhận sai”.
Nhưng những người chủ trương trao giải thơ Văn Việt và tổ trưởng tổ thơ của Văn Việt lại cao ngạo vô lối, tuyên bố: Không thèm chấp!
Kẻ viết bài này là người bị “ném đá” nhiều nhất vì biết tôi, Lê Phú Khải, là người đầu tiên, từ đầu năm 2014 đã đề xuất phải thành lập một hội độc lập của nhà văn Việt Nam. Từ đó đã ra đời Ban Vận Động thành lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam.
Nhiều bạn đọc sau khi đọc thơ được giải thưởng của Văn Việt và đọc bài phê phán thơ được giải thưởng của Văn Việt của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, đã gọi điện cho tôi và xỉ mắng rằng: Tưởng các ông thế nào, hóa ra cũng chẳng hơn gì hội Nhà Văn của ông Hữu Thỉnh khi hội nhà văn quốc doanh đó tâng bộc, tôn vinh thứ “thơ thiền” bịp bợm Hoàng Quang Thuận.
Nhân danh “đa dạng, đa nguyên” trong văn học như khi tuyên bố ra mắt Ban Vận Động thành lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam, ngày 3.3.2014, người ta đã trao giải thưởng thơ cho những “bài thơ” làm bẩn tiếng Việt, làm hại thơ Việt, gây ngộ nhận cho lớp trẻ làm thơ hiện nay thì thật đáng phẫn nộ vì nó có tội với tiếng Việt, với văn hóa Việt, tâm hồn Việt.
Thật ra những thứ thơ văn điên loạn này, nhân danh cách tân, đổi mới đã ra đời ở phương Tây từ thế kỉ 19. Người tiêu biểu là Baudelaire (1821 – 1867) với tập thơ Hoa Ác (Fleurs du Mal. 1857) Cuộc sống cô đơn, nghèo khổ, bệnh tật, tạo cho Baudelaire tâm lí chán chường, bi ai. Baudelaire muốn thoát khỏi đau khổ bằng rượu, bằng thuốc phiện và bằng cả sự nổi loạn cũng không làm ông dứt ra khỏi đau buồn. Baudelaire cho rằng, thơ văn xuôi của ông có khả năng diễn đạt những rung động sâu xa của tâm hồn, những biến động bất chợt của ý thức.
Nước Pháp tự do cho những trường phái trừu tượng, siêu thực, ấn tượng, vô thức. . . nảy nở. Nhưng rồi cuộc sống hiện thực mà nhân dân đã nhận ra trong câu ngạn ngữ bất hủ của mình: Khó nhất là viết cho dễ hiểu (Rien n’est plus difficile que d’écrire facile) đã đưa các nhà văn, nhà thơ Pháp về với những giá trị thẩm mĩ truyền thống của nhân dân mình. Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp lại yêu quí Anatole France (1844 – 1924). Vì người Pháp cho rằng: Cái gì không trong sáng không phải là tiếng Pháp. Anatole France chính là tiếng Pháp.
Đi bắt chước cái người ta đã loại bỏ từ cả trăm năm trước để nhân danh đổi mới thơ Việt, trao giải cho thơ điên Vũ Lập Nhật, Vũ Thành Sơn, Phapxa Chan thì thật lố bịch và bế tắc hết chỗ nói!
Tuyên bố ngày 3.3.2014 của Ban Vận Động thành lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam đã phê phán văn học Việt Nam đương thời là “thờ ơ với trách nhiệm xã hôi, vô cảm trước thời cuộc”. Vậy thì những bài thơ được giải của Văn Việt có quay lưng với máu và nước mắt của ngư dân đang bị giặc Tàu bắn giết, cướp bóc ngoài biển Đông hay không? Có quay lưng với đồng bào đang mất đất, mất nhà ở Thủ Thiêm, ở Lộc Hưng, Sài Gòn hay không?
Trong khi đó những bài viết đầy trách nhiệm công dân của chính thành viên của Văn Đoàn Độc Lập như nhà văn Phạm Đình Trọng, nhà lí luận Hà Sỹ Phu lại bị từ chối là “không có văn”, “chưa đến lúc đăng”!
Là người đầu tiên đề xuất thành lập hội Nhà Văn Độc Lập Việt Nam, sau đó vào buổi sáng đầu năm 2014 tại nhà hàng đường Tú Xương, Sài Gòn, cùng với sáu người: Bùi Chát, Hoàng Dũng, Hoàng Hưng, Phạm Đình Trọng, Lê Phú Khải, Tống Văn Công đã mời nhà văn Nguyên Ngọc làm Chủ tịch Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam. Nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận lời và ngày 3.3.2014 đã chính thức ra đời Ban Vận Động thành lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam.
Nhân danh là thành viên sáng lập, tôi tuyên bố ra khỏi Ban Vận Động thành lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam. Từ nay không còn liên quan gì đến tổ chức Văn Đoàn Độc Lập. Tôi cũng có lời xin lỗi bạn đọc gần xa của Văn Việt thời gian qua, về những vần thơ điên được giải thưởng của Văn Việt. Riêng với nhà văn Nguyên Ngọc, tôi vẫn giữ nguyên lòng kính trọng với người đã có những đóng góp thực sự cho sự đổi mới văn học Việt Nam.
Sài Gòn, ngày 27.07.2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.