Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019

GS Hoàng Tụy - Khí phách "chí sỹ đất Quảng"

GS Hoàng Tụy - Khí phách "chí sỹ đất Quảng"

Tô Văn Trường
Quảng Nam là nơi "địa linh nhân kiệt" đã sản sinh ra những bậc anh hùng lỗi lạc của đất nước. Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu kiên cường đứng trên mặt thành đốc chiến chống quân Pháp xâm lược đến phút cuối cùng, đã tự vẫn để bảo toàn khí tiết. 
Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng trong những giờ phút cam go sau Cách mạng Tháng Tám là tấm gương kiên trung trước vận nước được Hồ Chủ tịch trước khi đi thăm Pháp và dự hội nghị Fontainebleau tin cậy gửi lời tâm huyết "Dĩ bất biến ứng vạn biến". Các vị ấy đã để lại danh thơm "Chí sỹ đất Quảng" mãi mãi cho đời. 
Và hôm nay lại một "Chí sỹ đất Quảng" nữa ra đi trong sự tiếc thương của tất cả chúng ta. Đó là GS Hoàng Tụy, người nổi tiếng trong giới toán học thế giới với công trình về lý thuyết “Toán tối ưu toàn cục”, và định danh “Lát cắt Tụy” làm vẻ vang cho dân tộc. Kết quả nghiên cứu của GS Hoàng Tụy cho phép thực hiện có cơ sở lựa chọn lời giải bài toán đa trị mô phỏng, dự báo, thiết kế,… các quá trình phức tạp nhiều biến số không biết trước trong tự nhiên, kỹ thuật và kinh tế. 
Nhưng hơn cả, ông là nguòi nổi tiếng với tư duy thông tuệ, với cách hành xử bản lĩnh, khí phách và khiêm nhường, xứng đáng là người Thầy lớn, người Anh, người Bạn chân tình không chỉ đối với các học trò ông mà còn đối với tất cả những ai đã gặp ông, dù chỉ một lần. 
Thật là tuyệt vời khi chúng ta biết GS Hoàng Tụy chính là cháu gọi Tổng đốc Hoàng Diệu bằng ông. Như vậy, trong huyết quản GS Hoàng Tụy đã chảy dòng máu "Chí sỹ đất Quảng" theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
GS Hoàng Tụy có lúc thừa nhận mình cô đơn vì tính thẳng thắn nhiều lúc làm mất lòng một số người nhưng ông không thể làm khác được vì đó là sự trung thực, luôn nói thật với suy nghĩ của mình. Ông Võ Văn Kiệt một người có công trong việc “đổi mới” và “mở cửa” bắt đầu công cuộc thay đổi và phát triển kinh tế, rất quý trọng GS Hoàng Tụy vì ông hiểu rõ tâm và tầm của nhà khoa học lớn và mang đậm cốt cách của người con xứ Quảng. 
Ông Kiệt cũng thường nói: “Cần phải bền bỉ hơn, sâu sắc hơn”. Nghe thật hay, thật nhẫn nại, thể hiện đúng thời thế phải thế, nhưng cũng phản ánh một tâm trạng đôi khi, có thể, rất cô đơn, phải làm việc và ra quyết định trong một bối cảnh không dễ dàng, trước những công việc có tầm ảnh hưởng lớn đến vận mệnh của nhân dân, đất nước.
Ngày nay, các quốc gia, công ty, các cá nhân được huấn luyện và đào tạo để thích nghi với môi trường làm việc luôn biến động, thay đổi. Khủng hoảng kinh tế, xung đột chính trị, quân sự, xung đột nhóm lợi ích xã hội, biến đổi môi trường khí hậu, chủ nghĩa dân tộc, chính sách bảo hộ luôn là thử thách đối với tất cả mọi người, mọi tổ chức và dân tộc. 
Thực tế, cách làm việc “one man show” đã lạc hậu và được thay bằng “team work”. Người ta, luôn nhấn mạnh khả năng làm việc theo nhóm, khả năng phối hợp đồng đội để giành thắng lợi sau cùng cho mỗi dự án hay như trong mỗi trận bóng đá, khả năng tuân thủ chiến thuật của huấn luyện viên kết hợp với kỹ năng riêng của các cá nhân cầu thủ sẽ phát huy tối đa sức mạnh của đội bóng. 
Nếu không có phương pháp, tổ chức tốt, chúng ta rất dễ sa vào tình trạng “sùng bái cá nhân”, “thần thánh hóa lãnh tụ” không khác gì cách làm việc “one man show” trong thời kỳ kinh tế chỉ huy, thời chiến, với quy mô nhỏ, cách làm mang tính gia đình, tiểu nông không phù hợp nữa với thời đại ngày nay. Có đổi mới cách làm việc thì một số cá nhân vì hoàn cảnh phải làm việc như một “one man show” sẽ không phải cô đơn, lặng lẽ, làm việc một mình, trình diễn một mình, khóc cho nhân tình thế thái một mình nữa.
Tôi nhớ nhất kỷ niệm cách đây khoảng 5 năm, theo lời mởi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, GS Hoàng Tụy và tôi đã có cuộc tọa đàm riêng với Anh Đam suốt 3 tiếng đồng hồ tại Văn phòng Chính phủ xung quanh vấn đề về đầu tư cho giáo dục, triết lý, cách tổ chức thi cử, sách giáo khoa v.v…
GS Hoàng Tụy với trí nhớ mẫn tiệp, vận dụng các lý thuyết và thực tế ở trong và ngoài nước thảo luận sôi nổi, thẳng thắn làm cho những người trong cuộc quên cả thời gian. Lúc ra về, trước khi vào nhà, GS Hoàng Tụy đã ôm tôi rất chặt, rồi bảo: ”Buổi thảo luận hôm nay rất hữu ích. Giáo dục là lĩnh vực rất phức tạp, đụng đến toàn dân. Anh Đam là người có trí tuệ, nhân cách và am hiểu thực tế. Cần ủng hộ Anh ấy làm việc”. 
Giáo sÆ° Hoàng Tụy   
Gần đây, khi đã 92 tuổi, trước lúc đi xa về cõi vĩnh hằng, trong lúc còn tỉnh táo, GS Hoàng Tụy vẫn gửi gắm lại với đời, với thế hệ trẻ nhiều lời căn dặn, nhiều mong ước. Người ta thường nói công danh sự nghiệp đều là phù vân. Nhưng cuộc đời không phải là phù vân. Tiếc là GS Hoàng Tụy còn bao nhiêu việc muốn làm cho đất nước, cho dân tộc nhưng nhiều việc vẫn còn dở dang, cần các thế hệ sau ông tiếp tục vì một tương lai tươi sáng cho đất nước như ông lúc sinh thời hằng mong ước.
Xin kính cẩn nghiêng mình và cúi đầu trước hương linh GS Hoàng Tụy một chí sỹ mẫu mực, một tấm lòng son sắt vì đất nước, dân tộc và khoa học.
Người là phù vân hay là tinh vân nhỉ?
Đời không ngơi nghỉ cùng với thời gian
“Vết cắt Tuỵ” xưa còn mãi với non ngàn
Đầy ắp gian nan, buồn vui và sướng khổ
Từ giã cõi trần về nơi tiên tổ
Nghiệp và đời ở đó cõi tinh vân!
T.V.T.
Tác giả gửi BVN. 
Xin xem thêm:
Bauxite Việt Nam: Giáo sư Hoàng Tụy từ trần Nguyên Ngọc: Những lời cuối cùng của thầy Hoàng Tụy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.