Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

Biểu tình có cần "xin"?

Biểu tình có cần "xin"?

An Viên
Sự kiện Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính khiến người dân Việt Nam sục sôi, tức giận. Trong bối cảnh đó, nhà thơ Thái Bá Tân đã lên tiếng bằng cách nói theo lối thơ của mình, trong đó ông “Xin bác Trọng cho phép / Người dân được biểu tình”.
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjckrBRPZNJYY8-7-_b6pNO61LKklsR80KfpM1iwtYbPo3E4396BSVRnAp36hHA2cAZR1pfwcqT6U5M5J4Qvc0S3Vwg-VISpX-0SZDYB1t94H5Qz_lpJNSLVX5uWg2Hz-aSqn1VBfq8KT8/s640/p1040299.jpg
Phóng viên Mai Quốc Ấn trong phản ứng có liên quan đã bày tỏ thẳng thừng trên Facebook cá nhân của mình.
“Còn việc đi biểu tình / Ấy là quyền Hiến định / Chứ không cần phải xin”.
Facebooker Mai Quốc Ấn còn đề cập đến tình trạng mà anh gọi là “nợ đọng Luật Biểu tình”, và anh cho rằng, ở tâm thế là người dân, với vai trò là “chủ xã hội” thì chúng ta nên hỏi chứ không phải xin “công bộc”.
Câu chuyện “đối đáp” qua lại giữa hai người, thuộc hai miền và hai độ tuổi khác nhau mở ra một cuộc tranh luận thú vị về việc, liệu rằng việc biểu tình có cần phải xin?
Biểu tình là quyền hiến định, để cùng với nhau, bằng cách ôn hòa bày tỏ chính kiến của mình. Theo một mô thức hợp pháp, thì chính quyền cấp phép cho đoàn người được tham gia tuần hành, biểu tình. Điều này nhằm giữ cho người biểu tình không gian tự do để diễn đạt, nhưng đảm bảo người biểu tình phản ứng một cách ôn hòa như đã cam kết. Điều này đồng nghĩa, quyền biểu tình được thiết lập thành luật ở bất kỳ quốc gia nào thì cũng luôn gắn với các cụm từ về “bày tỏ, phản kháng, phi bạo lực”. Và “xin giấy phép” luôn là thủ tục đầu tiên, để nhằm tạo không gian biểu tình.
Tuy nhiên, vì có luật, nên quyền biểu tình của thiết lập luôn cả quyền và trách nhiệm của các cơ quan công quyền, trong đó có các quy định chung về các bước dừng cuộc biểu tình nếu thấy xuất hiện các tình huống giới hạn (liên quan đến bạo lực, tội phạm, đạo đức, xâm hại quyền và tự do người khác), hỗ trợ các bước hợp lý để bảo vệ người biểu tình. Tuy nhiên, nhà nước không thể can thiệp vào quyền biểu tình, mặc dù họ không đồng ý với quan điểm của người biểu tình. Và những tình huống giới hạn biểu tình phải được tiến hành bằng các biện pháp ưu tiên như thuyết phục.
Ở đây, “xin phép” nhấn mạnh thủ tục pháp lý, thay vì “xin” - nhấn mạnh tâm thế “xin - cho”.
Luật Biểu tình đáng ra phải xuất hiện từ lâu, tuy nhiên, nó bị treo vì những lo ngại không cần thiết.
Lý lẽ về việc, đưa quyền thành luật có thể xuất hiện những hành vi xâm phạm nghiêm trọng, trong đó người biểu tình hoặc nhóm biểu tình có thể xâm phạm đất đai, phá vỡ hoạt động hợp pháp, đe dọa người khác và buộc họ gia nhập biểu tình. Một trong số đó bao gồm cản trở đường xá hoặc thực hiện các hành vi phá hoại nhằm vào các cửa hàng, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, những lo ngại này là không xác đáng, bởi luật về biểu tình các quốc gia (ngay cả ở Châu Âu) cũng có những điều khoản nhằm quy kết một cuộc biểu tình không hợp pháp để từ đó có những biện pháp giải tán.
Trở lại vấn đề “lo ngại” nêu trên, thực tế đã cho thấy, vì không có Luật Biểu tình nên dẫn đến tiêu tốn một lực lượng an ninh - cảnh sát hùng hậu canh giữ nhà những người hoạt động và vận động dân chủ. Cũng vì không có Luật Biểu tình nên dẫn đến các phản ứng bạo lực của nhóm công quyền nhằm vào người biểu tình ở Tp. HCM, Tp. Hà Nội các năm trước. Tương tự, cũng vì thiếu luật nên dẫn đến các hoạt động bạo loạn vào năm 2014, các hành chặn đường ở một số tỉnh thành.
Bằng cách cấm đoán, thay vì quản lý bằng luật, những nhà lãnh đạo Việt Nam đã đưa bản thân quốc gia vào một thế khó. Nơi mà quyền biểu đạt được thực thi không đầy đủ, bạo lực trong các cuộc biểu tình không bị ngăn chặn, và các hệ quả phát sinh trên các mặt kinh tế - chính trị - xã hội vẫn liên tục diễn theo hướng ngày càng trầm trọng và khó kiểm soát hơn.
Nguyên nhân gốc được lý giải, đó là ngày càng có nhiều cuộc biểu tình thu hút người dân, và bằng cách nào đó nó thay đổi một thể chế, thậm chí là phá vỡ thời gian cầm quyền lâu dài của một cá nhân. Các cuộc biểu tình như thế, được báo chí tuyền truyền của Việt Nam gọi là “cuộc cách mạng màu”. Luật Biểu tình liên tục di dời qua các nhiệm kỳ Quốc Hội đã cho thấy, nỗi sợ cách mạng màu làm biến mất chế độ cao hơn việc “treo luật” làm phai màu tính chính danh của chế độ.
Sẽ khó có thể hình dung thực trạng, khi người dân khát khao được thể hiện sự phẫn nộ trước hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam của Trung Quốc bằng biện pháp biểu tình ôn hòa, thì nhà nước đã phản ứng bằng hàng rào sắt, xe buýt và nhóm côn đồ bịt khẩu trang, với xe loa phát, “đã có đường lối đúng đắn, người dân hãy bình tĩnh, chớ nghe lời xúi giục kẻ xấu”. Với cách “ứng xử bàn tay thép” như thế, thì liệu rằng, khi sơn hà nguy biến thực sự, thì làm sao động viên nhân dân “quyết mình cho tổ quốc, quyết sinh”?
Facebooker Hưởng Trịnh băn khoăn: “Cứ tự biểu tình ôn hoà phản đối quân xâm lược thì chính quyền bắt bớ đàn áp vậy khi có chiến tranh sao lại phải động viên nhân dân đánh giặc? Đồng ý đôi khi có những kẻ lợi dụng biểu tình làm chuyện xằng bậy, nhưng những kẻ đó có thể nhận biết và điều chỉnh bằng luật, quyền biểu đạt ý chí và nguyện vọng của nhân dân là quyền bất khả xâm phạm mà”.
Sự băn khoăn của Hưởng Trịnh là tâm trạng chung của nhiều người, và có lẽ, đến lúc cần phải lên tiếng trở lại, yêu cầu Nhà nước, một lần nữa, đảm bảo giá trị thực tế của Hiến Pháp 2013, trong đó đảm bảo rằng tất cả mọi người có quyền biểu tình ôn hòa (không vũ trang).
A.V.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.