Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

Bản tin ngày 1-7-2019

Bản tin ngày 1-7-2019

Tin Biển Đông
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, chiều 28/6, tàu cá của ông Hồ Bá Lâm ở Nghệ An, mang số hiệu NA 95899 TS, cùng 19 ngư dân, bị tàu Pacific 01, của Công ty CP Vận tải và thương mại quốc tế có trụ sở tại quận 1, TP.HCM, đâm chìm, tại vùng biển phía nam đảo Bạch Long Vỹ. Kết quả, 19 ngư dân rơi xuống biển, vớt được 9 người và 1 thi thể, 9 người mất tích.
Nghi ngờ ngư dân mắc kẹt trong tàu cá bị chìm, Bộ Giao thông “cầu cứu” Bộ Quốc phòng, theo trang An Ninh Thủ Đô. Vị trí tàu chìm có độ sâu hơn 60 m và khẳn năng, phương tiện của lực lượng tìm kiếm cứu nạn (TKCN) dân sự khó có khả năng đáp ứng được yêu cầu lặn tìm kiếm các thuyền viên bị nạn. Nên Bộ GTVT đã tải đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN và Bộ Quốc phòng hỗ trợ các biện pháp cần thiết, bao gồm chuyện sử dụng thiết bị chuyên dùng can thiệp khẩn cấp.
Chủ tàu hàng thừa nhận ‘đâm’ trúng tàu cá, cam kết sẽ bồi thường, theo báo Tuổi Trẻ. Mặc dù sau đó chủ tàu hàng là ông Nguyễn Phước Quy Phong, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải và thương mại quốc tế, đồng ý “chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về người và tài sản theo quy định của pháp luật”, nhưng khi sự cố xảy ra, chủ tàu hàng đã yêu cầu các thuyền viên ký vào biên bản, vụ tai nạn là do tàu hàng và tàu cá “va chạm nhau”, chứ không phải do tàu hàng đụng tàu cá.
Ông Trần Hữu Tiến, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, nói: “Tôi nghe người thân các thuyền viên phản ánh là sau khi được cứu, họ phải ký vào biên bản theo hình thức hai tàu va chạm nhau chứ không phải tàu tôi đâm tàu anh. Đây là cách đánh tráo hình thức. Tôi rất buồn và không hài lòng với cách xử lý này. Có gây ra tai nạn hay không thì lúc này cũng không nên làm việc đó, mà phải ưu tiên tập trung vào việc tìm người, đây mới là điều quan trọng nhất“.
Đưa thi thể ngư dân Nguyễn Văn Hoà về đất liền. Ảnh: PLTP
Trung Quốc thông báo diễn tập gần một tuần ở Biển Đông, VnExpress đưa tin. Ngày 29/6/2019, Cục Hải sự Trung Quốc xác nhận, quân đội nước này sẽ tổ chức đợt diễn tập quân sự kéo dài 5 ngày tại khu vực bên trong 4 địa điểm có tọa độ 13.4800, 114.1000; 12.4800, 114.1000; 12.4800, 116.0200; 13.4800, 116.0200. Khu vực diễn tập này nằm ở phía bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Không chỉ thông báo diễn tập, Trung Quốc còn “yêu cầu mọi tàu bè không qua lại khu vực rộng khoảng 22.500 km2 này trong thời gian cuộc diễn tập được tổ chức từ 0h ngày 29/6 tới 24h ngày 3/7”. Qua đó có thể thấy, cái gọi là “áp lực” từ chính quyền Trump không hề khiến Trung Quốc phải nhượng bộ hay lùi bước ở Biển Đông.
Quốc vụ khanh Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Baptiste Lemoyne thông báo, Pháp sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông để ‘bảo vệ luật pháp quốc tế’, theo báo Thanh Niên. Ông Lemoyne cho biết: “Pháp quyết thúc đẩy và bảo vệ luật pháp quốc tế. Đó là lý do hải quân của chúng tôi thường tuần tra ở Biển Đông và chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động này”.
Vụ bê bối ở Sở VHTT & DL Thanh Hóa: 3 quan chức bị bắt
Truyền thông nhà nước đưa tin, hôm 30/6, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ ba nhân vật gồm: Lê Văn Nam, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thanh Hóa, cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kiêm Giám đốc Trung tâm huấn luyện thi đấu thể dục thể thao; ông Phạm Hồng Minh, Phó giám đốc Trung tâm và ông Hoàng Trung Thắng, Trưởng bộ môn đấu kiếm của Trung tâm. Ông Thắng là con cô ruột ông Phạm Hồng Minh.
Báo Thanh Niên đưa tin: Khởi tố, bắt giam nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Thanh Hóa. Ông Lê Văn Nam, cựu PGĐ Sở VH-TT&DL Thanh Hóa bị bắt vì các sai phạm liên quan đến tài chính. Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa nhận đơn tố cáo những sai phạm diễn ra trong thời gian dài ở Trung tâm Huấn luyện – Thi đấu thể dục thể thao tỉnh này, nơi ông Nam là giám đốc.
Cụ thể, “trên cương vị là giám đốc trung tâm, ông Lê Văn Nam đã có nhiều sai phạm trong tài chính, như ăn chặn tiền công, tiền chế độ tập luyện, khai khống số lượng vận động viên… để rút tiền ngân sách nhà nước”.
Gần một tuần trước, Tiếng Dân có đăng các bài viết của tác giả Nguyễn Thanh Hiền, nói về các chiêu trò mưu mẹo của các quan chức thể thao tỉnh này, đã rút tiền của nhà nước, bỏ túi riêng ra sao.
Tin Thủ Thiêm
Chiều 29/6, tổ đại biểu đơn vị 2 HĐND TP HCM do ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM dẫn đoàn, đã tiếp xúc cử tri quận 2 trước kỳ họp dự định diễn ra ngày 11/7. Người dân đã bày tỏ sự không hài lòng trước bản kết luận thanh tra vụ sai phạm ở khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm, do Thanh tra Chính phủ công bố vài ngày trước.
VnExpress dẫn lời người dân Thủ Thiêm: Thanh tra Chính phủ chưa chỉ rõ cá nhân sai phạm. Ông Nguyễn Xuân Đức, ở phường Cát Lái lưu ý, suốt 20 năm qua, nhiều dân oan Thủ Thiêm phải phải ly tán khắp nơi để mua nhà, bán nhà, ở trọ nhưng kẻ làm sai vẫn chưa phải chịu trách nhiệm: “Kết luận của Chính phủ chỉ nói đến cơ quan nào vi phạm, tổ chức nào làm sai, chứ chưa nhắc gì đến đời sống người dân. Đây là đại án của cả nước, chứ không phải của riêng quận 2”.
Còn bà Nguyễn Thị Hà, cử tri phường Bình An nói: “Thành phố đã sai phạm nhiều năm như vậy nhưng vì sao với quyền giám sát của mình, các đại biểu HĐND không phát hiện ra. Chúng tôi cần TTCP làm rõ các sai phạm của lãnh đạo, sau đó làm rõ vấn đề ranh quy hoạch rồi mới đến đền bù cho dân”.
Hôm 29/6, ông Lê Thanh Hải có bài phát biểu về “Thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đạt được sau 50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”: Toàn văn phát biểu của ông Lê Thanh Hải nêu 6 bài học không được quên.
Qua bài phát biểu này, có thể thấy, độ trơ trẽn của ông Hải đạt tới trình độ thượng thừa, khi ông kêu gọi “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng… qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực cả trong nhận thức và hành động, góp phần ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên…”
Báo Lao Động đặt câu hỏi: Thành phố cam kết hoàn tiền nhưng… ai trả? Bài viết thống kê, ngoài kiến nghị Thủ tướng yêu cầu TPHCM phải hoàn trả hơn 23.300 tỉ đồng, TTCP còn đề nghị UBND TPHCM kiểm tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng đối với khoản lãi trên số tiền tạm ứng từ ngân sách nhà nước khoảng 10.503 tỉ đồng, xử lý đối với khoản chênh lệch hơn 17.000 tỉ đồng, cùng một số khoản khác.
“Như vậy ngoài hơn 26.300 tỉ đồng phải hoàn trả, TPHCM và nhiều doanh nghiệp ở KĐTM Thủ Thiêm còn sẽ ‘đau đầu’ khi số tiền hàng chục nghìn tỉ khác được làm rõ”. Một số người hoài nghi về khả năng lãnh đạo thành Hồ có thể “ói” ra được chừng ấy tiền.
– Kết luận thanh tra Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Nhiều khuyết điểm, vi phạm của UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan(VTV). – Phó thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc với TP.HCM về dự án Thủ Thiêm(TN). – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM: TPHCM đang tích cực khắc phục vi phạm ở Thủ Thiêm (SGGP). – ‘Tối hậu thư’ về thu hồi hàng chục nghìn tỷ bị thất thoát ở Thủ Thiêm  Để không còn những “nước mắt Thủ Thiêm” (VNN). – Thủ Thiêm: Sao không bồi thường mà chỉ bắt quan ‘ói ra’?(VOA). – Ông Lê Thanh Hải: Kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng (ĐV). – Ông Lê Thanh Hải-nguyên bí thư và cựu chủ tịch UBND Tp HCM có thể vào ‘lò’ vụ Thủ Thiêm?(RFA).
Tin nhân quyền
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Bắt tạm giam ông Phạm Văn Điệp sử dụng mạng xã hội chống phá Đảng, Nhà nước. Ngày 29-6, ông Phạm Văn Điệp, 54 tuổi, đã bị Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng, tội “làm, tàng trữ, phát tán, hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.
Ông Phạm Văn Điệp bị bắt tạm giam. Ảnh: Công an Thanh Hóa/ báo TT
Ông Phạm Văn Điệp từng đi du học ở Nga, tham gia vào “Đảng Dân chủ 21”. Ông thường về VN thách thức đảng CSVN, trước đó ông bị bắt ở Lào và bị kết án 21 tháng tù giam, tội “sử dụng lãnh thổ nước CHDCND Lào chống lại nước láng giềng”, thọ án xong, ông về VN. Ông bị cáo buộc thường xuyên “nói xấu chính quyền”, liên tục đăng tải các bài viết và livestream các clip “kích động” người dân biểu tình phản đối dự án xây dựng quảng trường biển Sầm Sơn.
Ai bảo kê Alibaba xúc phạm công an, chính quyền và bán “dự án ma”?
VOV có bài: Bất động sản Alibaba tung hoành Đông Nam Bộ. Theo đó, thị trường BĐS ở khu vực Đông Nam Bộ đang “diễn biến rất phức tạp. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân dù không được cấp phép xây dựng nhưng vẫn tổ chức phân lô, bán nền đã gây nên tình trạng hỗn loạn”. Riêng Tập đoàn địa ốc Alibaba, từ năm 2017 đến nay đã tự vẽ ra nhiều dự án “ma” với hàng trăm hecta đất tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận.
Chỉ riêng ở tỉnh Đồng Nai, tình trạng “dự án ma” hoành hành “đã xảy ra từ mấy năm trước, chính quyền địa phương cũng đã liên tục cảnh báo, ngăn chặn và đề nghị công an vào cuộc điều tra”, nhưng đến nay lãnh đạo Alibaba vẫn đứng ngoài vòng pháp luật.
Báo Sài Gòn Giải Phóng đặt câu hỏi: Vì sao Alibaba vẫn ngoài vòng pháp luật? Bài viết lưu ý, “nếu vụ việc Alibaba vỡ lở, những người chức trách ở các địa phương nơi có các ‘dự án ma’ không thể vô can, bởi đã không kịp thời ngăn chặn sự bành trướng và hoạt động ngoài vòng pháp luật của Alibaba”.
Báo Người Đưa Tin cập nhật vụ 2 nhân viên Alibaba bị tạm giam: Người thừa nhận, kẻ ngoan cố. Theo đó, tại cơ quan điều tra, cô Nguyễn Huỳnh Tú Trinh, người từng ra lệnh cho nhân viên Alibaba đập phá phương tiện của lực lượng cưỡng chế Bà Rịa – Vũng Tàu, thừa nhận, “đã chỉ đạo, cho người đến đập máy múc nhưng cho rằng đó là bảo vệ tài sản công dân. Trinh từ chối trình bày nội dung liên quan đến chỉ đạo của công ty địa ốc Alibaba”.
Còn Trần Quốc Tĩnh “thành khẩn khai báo về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản là từ sự chỉ đạo của Nguyễn Huỳnh Tú Trinh… Tĩnh đã đập gương chiếu hậu, kính chắn gió và đèn chiếu hậu của xe múc, mục đích là để xe không thấy đường múc nữa”.
Vụ Asanzo có mùi của Vingroup?
Vụ PV báo Tuổi Trẻ bị dọa giết sau khi phanh phui bê bối của Asanzo, báo Kiến Thức có bài: Lãnh đạo báo Tuổi Trẻ nói gì về việc nhóm PV điều tra vụ Asanzo bị đe dọa. Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đã xác nhận thông tin, PV báo Tuổi Trẻ “liên tục nhận được những tin nhắn khủng bố vào số điện thoại, trang mạng xã hội cá nhân. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng lạ mặt đi trên ôtô đến trước tòa soạn báo Tuổi Trẻ”.
Hôm qua, nhà báo Ngô Nguyệt Hữu viết“hai hôm trước khi đọc thông tin này trên Tuổi Trẻ, tôi có nhờ mấy anh em am tường thông tin của anh em xã hội dò hỏi thì được biết, một nhóm anh em xã hội nhận hơn 2 tỷ của một người có số điện thoại đuôi tứ quý 6666 để thanh toán nhóm nhà báo Tuổi Trẻ cùng người thân của một nhà báo trong nhóm nhà báo này. May mà sự vụ xấu đã không xảy ra vì được can thiệp đúng thời điểm. Câu chuyện có lẽ sẽ chưa dừng lại ở đây, khi các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra những nghi vấn Asanzo có nhiều sai phạm”.
Nhà báo Trung Bảo phản hồi: “Mình đọc trên báo Tuổi Trẻ thấy chuyện các anh em phóng viên làm vụ Asanzo có dấu hiệu bị theo dõi hoặc bị nhắn tin đe doạ. Mình tin báo Tuổi Trẻ đang lo lắng đề phòng các rủi ro cho phóng viên của mình. Điều đó đúng và phải như vậy. 
Đến khi đọc thấy vài bạn chia sẻ cái status của một cậu công an đi viết báo rằng, có nhóm giang hồ nào đó nhận hợp đồng 2 tỷ đi xử các nhà báo thì mình hiểu ngay. Mình đi làm báo và ít nhiều nhìn thấy các trò lắt léo của cái nghề này. Các bạn, có bao giờ các bạn thấy một con cá đang nằm trên thớt lại doạ sẽ ‘xử’ con dao chưa? Nếu thấy rồi thì các bạn đã gặp một con cá rất là kiên cường và bản lĩnh“.
Theo thông tin mà chúng tôi nhận được từ một nhà báo khác, nhưng chưa có điều kiện kiểm chứng, đó là Vingroup thuê báo chí đánh Asanzo, để Vingroup nhảy vào thị trường các mặt hàng điện tử. Cũng như Vingroup lobby Chính phủ và Bộ Công thương đánh thuế xe nhập khẩu để ngăn dòng xe nhập, ép người tiêu dùng Việt Nam sắp tới phải mua toàn bộ hàng hóa của Vingroup.
Báo Thời Đại đưa tin: Ông chủ Asanzo gửi thư ngỏ giãi bày khó khăn. Trên trang Facebook chính thức của Tập đoàn Asanzo, Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Tam gửi thư ngỏ tới khách hàng và các nhà phân phối. Ông Tam cho biết, “tập đoàn đang gặp khó. Các tài khoản của Tập đoàn Asanzo đã bị đóng băng, các nhà phân phối và đại lý đã ngưng bán hàng, 2.000 công ăn việc làm đang bị đe doạ”.
Cán bộ cướp tài sản của dân
Báo Lao Động đưa tin: Cán bộ Chi cục Thi hành án dân sự cướp 80 triệu đồng vì… thua bạc. Chiều 30/6, Công an tỉnh Bắc Kạn xác nhận, đã khởi tố và bắt tạm giam đối với 4 đối tượng có hành vi cưỡng đoạt tài sản. Trong đó có một nhân viên lái xe hợp đồng của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Kạn, tên Lý Ngọc Tiệp và một cán bộ văn thư cùng cơ quan, tên Nguyễn Đức Khang.
Theo thông tin từ phía công an, ngày 12/6, một nhóm 3 người thuê phòng nghỉ tại TP Bắc Kạn, thì gặp nhóm của Tiệp, Khang tại đây. Hai nhóm đánh bài ăn tiền, sáng 13/6, do nghi ngờ nhóm kia đánh bài bịp, nhóm của Tiệp, Khang đã gọi điện cho đồng bọn cầm hung khí đến đòi lại số tiền thua bài và cưỡng đoạt một số tài sản.
Đối tượng Nguyễn Đức Khang, cán bộ văn thư của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Kạn tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an Bắc Kạn/LĐ
Từ trưởng thôn tới “tú ông”
Công an huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk bắt quả tang “tú ông” U70 từng làm trưởng thôn 12 năm chứa mại dâm, báo Dân Việt đưa tin. Ông Lê Đình Hán bị bắt tạm giam để điều tra hành vi chứa mại dâm. Ông Hán thừa nhận, năm 2017, ông mở quán Karaoke Bin Bin rồi thuê một số cô gái đến phục vụ. Khi khách có nhu cầu mua dâm, ông Hán điều những cô gái này phục vụ ngay tại phòng hát.
Trước đó, công an đã kiểm tra và bắt quả tang 3 đôi nam nữ đang mua bán dâm tại quán karaoke do ông Hán làm chủ. “Trước khi mở quán Karaoke, ông Hán từng được tín nhiệm bầu làm thôn trưởng thôn Hòa Nam 2 suốt 12 năm liền”.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.