Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Tư cách gì?

Tư cách gì?

Mạc Văn Trang
27-12-2018
Khi tôi viết, những người phụ nữ dũng cảm dám đứng lên đấu tranh chống giặc ngoại xâm hay sự áp bức, bất công của các chế độ cai trị, từ Hai Bà Trưng đến nay đều đáng được biết ơn và kính trọng…, thì có bạn bảo, ông lấy tư cách gì mà so sánh mấy phụ nữ chống chế độ, bị tù hiện nay với Hai bà Trưng? 
Câu hỏi rất hay. Đúng là trong xã hội càng phát triển sẽ càng có nhiều người có suy nghĩ, thái độ, quan điểm, lập trường khác nhau khi nhìn nhận, đánh giá một hiện tượng. Điều quan trọng là cần tôn trọng, lắng nghe nhau để tự nhận thức, tự điều chỉnh… Xin chia sẻ đôi điều.
1. Đứng về phía chính quyền cai trị, thì Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Thắng, Út Tịch hay Cấn Thị Thêu, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần thị Nga… (Tuy tầm vóc, ảnh hưởng khác nhau), nhưng đều là những “cái gai” trong mắt nhà cầm quyền, bị coi là “tội chống chính quyền”. Chính quyền nào, khi bị đe dọa, nó cũng xử tội rất ác. Những người trung thành với chính quyền đó thì lên án họ. Nhất là dưới chế độ chuyên chính vô sản của Đảng CS, thì khi đảng đã bảo ai là “chống phá”, là “phản động”… thì toàn hệ thống chính trị phải tin và hành động theo chỉ thị của đảng, của chính quyền…
2. Đứng về nhân dân (xã hội): Xưa nay, dân ta đều phân chia ra, những TỘI PHẠM vì trộm cướp, giết người và những người tù vì yêu nước, vì hoạt động chính trị, nay có khái niệm “tù nhân lương tâm”. Loại thứ nhất dân quan niệm, đền tội là đáng đời! Những loại sau, được dân che chở, giúp đỡ, biết ơn và kính trọng họ. Nhiều người được tôn vinh… (Bố tôi, chị tôi, anh tôi, thời Pháp cai trị (1946 – 1954) đều bị đi tù, vì liên qua đến “Việt Minh”, nên tôi rất thấm thía cái tình của dân. Ở cái làng giặc chiếm đóng, có nhiều mật thám, nhưng gia đình tôi luôn được bà con bí mật thăm hỏi, giúp đỡ. Cho nên hiện nay tôi cũng quan tâm, giúp đỡ những người tù chính trị hay tù nhân lương tâm). Họ bị chính quyền kết tội, nhưng với dân, họ thức tỉnh xã hội trước những phi, lý, bất công …
3. Đứng về phía đồng bào (dân tộc): Người nào là đồng bào mình lâm cảnh hoạn nạn đều đáng thương và cần giúp đỡ. Dân tộc Việt Nam nhờ gắn kết với nhau bởi bản năng sinh tồn trước họa phương Bắc và lòng yêu thương, đùm bọc nhau trong mọi gian nguy, hoạn nạn, mà có sức mạnh trường tồn suốt mấy ngàn năm nay. Mọi triều đại đều bị thay thế. Chỉ sức sống dân tộc là trường tồn, đó là nhờ những người con bất khuất của dân tộc thời nào cũng có, dưới chế độ nào cũng có. Vì thế đồng bào ta, dù ở đâu cũng thương mến, ngưỡng mộ những người vì dân tộc, giống nòi mà tranh đấu.
4. Đứng về phía nhân loại: Những người đấu tranh vì những giá trị phổ quát của nhân loại, như quyền sống, quyền làm người, quyền tự do, dân chủ, bình đẳng… đều cần được tôn trọng, ngưỡng mộ… Vì thế các tổ chức quốc tế mới quan tâm đến các tù nhân lương tâm, nhất là phụ nữ.
5. Còn những người chỉ biết suy bụng ta ra bụng người, cho rằng họ đấu tranh là vì “được thuê tiền”, “bị xúi giục”, “kiếm suất chuồn ra nước ngoài”… thì nói làm chi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.