Luật cấm phá thai từ góc nhìn lập pháp
Nguyễn Trang Nhung
2018-12-23
2018-12-23
Theo dõi các cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề phá thai và luật cấm phá thai được châm ngòi từ chiến dịch "Mẹ ơi. Đừng giết con!",[1] tôi thấy rằng hầu hết những người ủng hộ luật cấm phá thai sở dĩ ủng hộ luật này đơn thuần vì cho rằng thai nhi có quyền sống và phá thai là tội ác.
Khó có thể phủ nhận rằng thai nhi có quyền sống, dù nhiều hay ít, và phá thai là tội ác, hay nhẹ hơn (theo quan điểm của một số người) là sai trái về mặt đạo đức. Song liệu lý do này có đủ để ban hành luật cấm phá thai hay không, và ngoài cơ sở đạo đức, việc ban hành luật cấm phá thai cần dựa trên các cơ sở nào?
Từ góc nhìn lập pháp, lý do này là không đủ. Để ban hành luật nói chung và luật cấm phá thai nói riêng, các nhà lập pháp phải dựa trên tối thiểu một cơ sở khác, đó là tác động dự báo của luật. Việc ban hành luật chỉ có thể biện minh được nếu luật đó được dự báo là cải thiện được tình hình, và ngược lại.
Cụ thể hơn, việc ban hành luật cấm phá thai chỉ có thể biện minh được nếu luật cấm phá thai được dự báo là làm giảm vấn nạn phá thai (giảm ở đây là theo một số tiêu chí có thể đo lường được, chẳng hạn tỷ lệ phá thai và tỷ lệ tử vong ở mẹ). Bằng không, luật cấm phá thai là không thể biện minh được.
Việc ban hành luật cấm phá thai chỉ có thể biện minh được nếu luật cấm phá thai được dự báo là làm giảm vấn nạn phá thai (giảm ở đây là theo một số tiêu chí có thể đo lường được, chẳng hạn tỷ lệ phá thai và tỷ lệ tử vong ở mẹ). Bằng không, luật cấm phá thai là không thể biện minh được.
Tất nhiên, dự báo ở đây phải dựa trên nghiên cứu khoa học. Để dự báo tác động của luật, các chủ thể có trách nhiệm sẽ thực hiện nghiên cứu khoa học trực tiếp hoặc gián tiếp. Báo cáo đánh giá tác động đúng nghĩa không phải là kết quả của các suy luận sơ sài và cảm tính như cấm phá thai thì vấn nạn phá thai sẽ giảm.
Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật 2015 quy định rằng các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng luật thực hiện đánh giá tác động của chính sách thông qua báo cáo đánh giá tác động.[2] Nội dung đánh giá tác động chính sách phải nêu rõ "vấn đề cần giải quyết; mục tiêu của chính sách; giải pháp để thực hiện chính sách; tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp", v.v.[3] Luật này cũng quy định các chủ thể đó phải có trách nhiệm "tổ chức nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan để hỗ trợ cho việc lập đề nghị xây dựng luật".[4]
Cho nên, đối với luật cấm phá thai, đánh giá tác động phải có nội dung vừa nêu và phải dựa trên các nghiên cứu tín cậy về phá thai trên thế giới, đặc biệt là các nghiên cứu của các tổ chức quốc tế khả tín. Tổ chức Y tế Thế giới và Viện Guttmacher là hai tổ chức như vậy. Các nghiên cứu với quy mô toàn cầu của họ cho thấy rằng luật cấm hoặc hạn chế ngặt nghèo phá thai không làm giảm tỷ lệ phá thai, thậm chí có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực hơn do phá thai không an toàn.[5]
Dựa trên các nghiên cứu của hai tổ chức đó cũng như nhiều nghiên cứu khác (với một số kết quả tương tự), có thể dự báo rằng luật cấm phá thai tại Việt Nam, nếu có, rất có thể sẽ không cải thiện được tình hình, thậm chí rất có thể sẽ làm vấn nạn phá thai trầm trọng hơn.
Đáng tiếc là, ngay cả khi được chỉ ra rằng các nghiên cứu trên thế giới cho thấy luật cấm phá thai không hiệu quả, và rất có thể phản tác dụng, nhiều người ủng hộ luật cấm phá thai vẫn nhất quyết rằng cần có luật cấm phá thai tại Việt Nam. Điều này có thể là vì: (1) họ chỉ cần biết cơ sở đạo đức mà không cần biết tác động dự báo của luật cấm phá thai, hoặc (2) họ đặt cơ sở đạo đức cao hơn tác động dự báo của luật cấm phá thai, hoặc (3) họ mơ hồ cho rằng luật cấm phá thai sẽ có hiệu quả nếu được thực hiện nghiêm chỉnh và/hoặc được kết hợp với một số giải pháp nào đó, v.v. Có ý kiến thậm chí cho rằng nên áp dụng hình phạt tử hình cho người phá thai.
Luật cấm phá thai nếu được ban hành dựa trên thái độ và suy nghĩ như trên sẽ chủ yếu là kết quả của sự duy ý chí.
Có lẽ không khó để nhận ra rằng không phải mọi tội ác đều ngăn chặn được hoặc giảm thiểu được bởi luật cấm. Với các tội ác nào mà luật cấm không (hoặc rất có thể không) cải thiện được tình hình, việc ban hành luật cấm là không nên, hoặc thậm chí phải bị phản đối, nếu luật cấm đó làm (hoặc rất có thể làm) tình hình tồi tệ hơn.
Vậy có các giải pháp nào cho vấn nạn phá thai hay không nếu không phải là luật cấm phá thai? Như nhiều người đã chỉ ra, các giải pháp đó là giáo dục giới tính, nâng cao hiểu biết, nhận thức về tình dục an toàn, sức khỏe sinh sản, và nâng cao hiểu biết, nhận thức về quyền thai nhi đồng thời với quyền sinh sản của phụ nữ (thay vì chỉ nhắm tới quyền sinh sản của phụ nữ), và xử lý các cơ sở phá thai không an toàn một cách nghiêm chỉnh với các chế tài cứng rắn hơn, v.v.
Chú thích:
[1] Website của chiến dịch
https://meoidunggietcon.com
https://meoidunggietcon.com
[2] Điểm c, Khoản 1, Điều 34 và Khoản 3, Điều 35 Luật BHVBQPPL 2015
[3] Khoản 2, Điều 35 Luật BHVBQPPL 2015
[4] Điểm b, Khoản 1, Điều 34 Luật BHVBQPPL 2015
[5] Xem thêm bài ‘Phá thai: Nên hay không nên cấm’, RFA (17/12/2018)
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/abortion-forbidden-or-no-121720...
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/abortion-forbidden-or-no-121720...
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.