Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018

Vì sao Tổng Trọng ‘tái chỉ định’ Trương Minh Tuấn làm Phó ban Tuyên giáo trung ương?

Vì sao Tổng Trọng ‘tái chỉ định’ Trương Minh Tuấn làm Phó ban Tuyên giáo trung ương?

Thiền Lâm
Trương Minh Tuấn cũng là nhân vật được một số dư luận xem là ‘sát thủ báo chí’, nắm giữ quyền sinh quyền sát đối với gần hết khối báo chí nhà nước, cũng là người đặc biệt tỏ ra ‘cực đỏ’ và ‘kiên định chủ nghĩa xã hội’ từ năm 2016 khi chính thức nhậm chức Bộ trưởng Bộ TT-TT”. – Thiền Lâm
Tội danh ăn cắp công quỹ đến gần 8000 tỷ bằng thủ đoạn ma mãnh bày ra thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) của ông Tuấn thì đã được chính ĐCS thích dấu lên khuôn mặt của ông ta rồi. Bây giờ ông Tổng Trọng lại đưa ông ta trở về chức Phó ban Tuyên giáo vì cái phẩm chất “cực đỏ” và “kiên định chủ nghĩa xã hội” của ông này, thế hóa ra “cực đỏ” và “kiên định chủ nghĩa xã hội” là cùng một bản chất với “cực tham nhũng”, tham nhũng đến 8000 tỷ hay sao? Thật không còn định nghĩa nào sáng tỏ hơn về thực chất cái sự đỏ và cái lý tưởng XHCN của người cộng sản.
Bauxite Việt Nam
Chúng ta sẽ chứng kiến ông Trương Minh Tuấn trong vai trò Phó ban tái cử sắp phát ra những lời "chống diễn biến", “chống suy thoái” còn hơn cả gang thép, gang thép hơn nhiều những lời đã phát trước đây.
Nguyễn Huệ Chi
Chỉ vài ngày sau khi Trương Minh Tuấn phải nhận thông báo bị ‘thôi giữ chức’, mà thực chất là bị cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), đồng nghĩa với việc bị cách chức Bộ trưởng Bộ này, vì sao lại thêm một quyết định chỉ định Trương Minh Tuấn làm Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương?
Bởi vào tháng Tám năm 2016 ông Tuấn đã được Nguyễn Phú Trọng chỉ định ngồi vào cái ghế ấy kiêm chức Bộ trưởng TT-TT.
Phải chăng ông Trọng sợ rằng hai năm qua công luận đã quên bẵng Trương Minh Tuấn là người của Ban Tuyên giáo trung ương, nên hai năm sau phải công bố một quyết định mới nhằm ‘tân trang’ cho nhân vật này?
Cái ghế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương phải chăng là động tác vớt vát ‘thể diện và uy tín’ cho Trương Minh Tuấn?
Vào đầu tháng Bảy năm 2018, cái cách ‘cảnh cáo Trương Minh Tuấn’ – mà vai trò ‘tổng đạo diễn’ hiển nhiên thuộc về Tổng bí thư Trọng – đã khiến người ta dễ hình dung hơn về một chủ ý, hay sâu xa hơn nữa là một thâm ý của ông Trọng trong sách lược phân biệt đối xử giữa ‘củi nhà’ và ‘củi rừng’ cùng tương lai chiến dịch ‘chống tham nhũng’ của ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’.
Cái cách kỷ luật trên có vẻ giống như một kiểu ‘đánh bùn sang ao’ để cứu vớt Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn khỏi phải theo chân cựu Ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng vào tù.
https://www.baocalitoday.com/wp-content/uploads/2018/08/trong.png
Tình cảm ưu ái của Nguyễn Phú Trọng (phải) dành cho Trương Minh Tuấn (trái) là khá rõ. Ảnh: Tin tức hàng ngày
Kết quả kỷ luật trên cũng xác nghiệm mối lo ngại của dư luận ngay trước đó về việc Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã ‘chạy án’ và thoát tội là có cơ sở.
Tình cảm ưu ái của Nguyễn Phú Trọng dành cho Trương Minh Tuấn là khá rõ, khác hẳn với trường hợp Đinh La Thăng, dù Trương Minh Tuấn ‘ứng’ với Đinh La Thăng bởi tính chất ‘rất nghiêm trọng’ trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Vào tháng Năm năm 2016, ngay sau khi bị kết luận ‘rất nghiêm trọng’ vào thời kỳ còn là chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bị kỷ luật và phải rời hai cái ghế Ủy viên Bộ chính trị lẫn Bí thư Thành ủy TP.HCM quá màu mỡ, dù được chỉ định làm Phó trưởng ban Kinh tế trung ương, nhưng vụ Thăng bị khởi tố và tống giam bảy tháng sau đó đã khiến lộ rõ ý đồ của Nguyễn Phú Trọng: đưa Thăng về Ban Kinh tế trung ương là do ‘biện pháp tình thế’, tức Tổng Trọng chưa thể ‘xử’ Thăng ngay vào thời điểm đó, mà chỉ để tạm tại Ban Kinh tế trung ương như một cách ‘nhốt quyền lực vào lồng’, chờ cơ hội thuận lợi sẽ tống Thăng vào ‘lò’.
Còn Trương Minh Tuấn từ năm 2016 đã nổi lên như một ngôi sao sáng trên chính trường Việt Nam với thành tích lặp đi lặp lại không biết ngán ngẩm công cuộc ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ của người thầy Nguyễn Phú Trọng. Về mặt tư tưởng hệ và cách thức giáo điều, Trương Minh Tuấn hiển nhiên đã tỏ ra đồng cảm tuyệt đối với nhà mác xít Nguyễn Phú Trọng và dành được thiện cảm của ông Trọng.
Trương Minh Tuấn cũng là nhân vật được một số dư luận xem là ‘sát thủ báo chí’, nắm giữ quyền sinh quyền sát đối với gần hết khối báo chí nhà nước, cũng là người đặc biệt tỏ ra ‘cực đỏ’ và ‘kiên định chủ nghĩa xã hội’ từ năm 2016 khi chính thức nhậm chức Bộ trưởng Bộ TT-TT.
Không chỉ cần thiết cho Nguyễn Phú Trọng trong chủ trương kiên định ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’, Trương Minh Tuấn còn có thể trở thành nhân vật khó có thể thay thế vào lúc này khi luật An ninh mạng đã được một Quốc hội ‘nghị gật’ cắm đầu bấm nút thông qua và một Tổng bí thư muốn ‘vận dụng’ luật này để ‘bảo vệ chế độ’ và áp chế mọi tiếng nói khác biệt chính kiến. Trương Minh Tuấn chính là công cụ đắc lực để một đảng toàn trị và độc đoán được bảo vệ và kéo dài hơi thở phập phù ngày nào hay ngày nấy.
Khác hẳn ‘củi rừng’ Đinh La Thăng mà đã bị Nguyễn Phú Trọng sẵn lòng xử án tù giam đến 31 năm, Trương Minh Tuấn lại là một dạng ‘củi nhà’, để dù có bị kỷ luật và bị cách chức thì vẫn có thể ‘hạ cánh an toàn’.
Nhưng Trương Minh Tuấn cũng bị nghi ngờ rất lớn về ‘âm mưu chia chác’ bởi nhân vật này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho Nguyễn Bắc Son, để Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG.
Trương Minh Tuấn cũng là quan chức bị đồn đoán rất nhiều về việc đã nhận một ngôi biệt thự trị giá hàng triệu USD của Phạm Nhật Vũ – em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và là một trong những kẻ chủ mưu vụ AVG nhưng cho tới nay vẫn không hề xuất hiện tên tuổi trong kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ về vụ AVG cũng như trong công bố khởi tố và bắt giam của Bộ Công an.
Giờ đây, quan chức nhúng chàm Trương Minh Tuấn lại nghiễm nhiên trở thành sếp của hơn 800 tờ báo nhà nước và có quyền răn dạy về ‘đạo đức cách mạng’.
Trong chiến dịch được xem là ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng, vụ ‘Mobifone mua AVG’ và cá nhân Trương Minh Tuấn được dư luận đặc biệt chú tâm. Giờ đây khi tất cả mọi người chứng kiến ông Trọng xử vụ Trương Minh Tuấn quá nhẹ nhàng theo cách ‘đập chuột sợ vỡ bình’, điều được ông Trọng tuyên xưng là ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ sẽ hoàn toàn vô giá trị trong con mắt thế thái nhân tình, còn tất cả những tụng danh dành cho ông Trọng như ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh quân’, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và gần đây nhất là ‘Người đốt lò vĩ đại’ sẽ chỉ còn gió thoảng mây bay và chẳng còn nghĩa lý gì nữa.
T.L.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.