“Uy tín của Tập Cận Bình bị sứt mẻ”
Steffen Richter phỏng vấn Willy Lam
Dịch giả: Nguyễn Văn Vui
3-8-2018
Lần đầu tiên, nhà lãnh đạo độc đoán Tập Cận Bình của Trung Quốc đang bị chỉ trích từ trong nước: Ông ta bị cho là đã không có đối sách thỏa đáng với Trump. Chuyên gia Willy Lam cho chúng ta biết chuyện gì xảy ra phía sau hậu trường chính trị Trung Quốc.
Từ ngày Mao Trạch Đông thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến nay, không một nhà chính trị nào đã lãnh đạo một cách độc đoán như Tập Cận Bình ngày nay. Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch đảng cầm quyền Cộng sản Trung Quốc (CSTQ) đã làm tất cả để kiểm soát chặt chẽ và nắm quyền điều khiển trong mọi lĩnh vực quốc gia, dù là chính trị, xã hội, truyền thông hay kinh tế. Những ý kiến khác biệt hầu như không được chấp nhận, sự đàn áp trong nước ngày càng gia tăng. Dưới sự lãnh đạo của Tập, các thành quả kinh tế của Trung Quốc được dùng để làm sức ép cho chính sách đối ngoại của mình, và chế độ độc tài đang mở rộng về kinh tế cũng như quân sự.
Trước tình thế đó, trong chính phủ Mỹ của Donald Trump cũng như tại các quốc gia khác sự kháng cự đã gia tăng lâu nay. Có mới chăng là các chỉ trích trong nội bộ đảng CSTQ về tài lãnh đạo của Tập ngày càng công khai. Bên cạnh các nhà kinh tế đã từng phê phán cách ứng phó của Tập Cận Bình đối với Mỹ, lần đầu tiên vào cuối tháng Bảy qua, một bản chỉ trích toàn diện về chính sách cứng rắn của Tập bởi một giáo sư luật từ Đại học Thanh Hoa nổi tiếng ở Bắc Kinh đã được phổ biến công khai. Willy Lam là một trong những chuyên gia am tường về tầng lớp ưu tú của Trung Quốc, về Đảng Cộng sản và lãnh đạo của nó là Tập Cận Bình. Chúng tôi đã nói chuyện với ông để tìm hiểu thêm về những gì xảy ra phía sau loạt phê phán mới này ở Trung Quốc.
ZEIT ONLINE: Tầng lớp ưu tú của CSTQ rất hiếm khi có những tranh cãi nội bộ lọt được ra ngoài. Tuy nhiên gần đây đã có những dấu hiệu đầu tiên về sự bất mãn đối với phong cách lãnh đạo của chủ tịch đảng Tập Cận Bình. Việc này nên được hiểu như thế nào?
Willy Lam: Có hai lý do chính khiến người dân Trung Quốc, kể cả những người thuộc tầng lớp ưu tú, không hài lòng với ông Tập. Một là vào tháng Ba vừa qua, ông ta đã vận động để được Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) thông qua làm chủ tịch nước suốt đời. Lý do thứ hai và quan trọng hơn là nhóm chóp bu chính trị đã cho rằng cách ứng xử của Trung Quốc trước những thách thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một thất bại, đặc biệt là trong việc tranh chấp thương mại giữa đôi bên.
ZEIT ONLINE: Như vậy thì Tập Cận Bình đã được cố vấn sai hay sao?
Willy Lam: Có những dấu hiệu cho thấy đội ngũ của ông Tập không được nhất trí. Dường như có sự bất đồng ý kiến giữa ông và người cố vấn kinh tế thân cận nhất của ông là Phó Chủ tịch Lưu Hạc (Liu He), người chịu trách nhiệm về quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Thay vì phụ trách lãnh vực chính là Mỹ, ngày nay Lưu Hạc phải đi chăm lo cho các xí nghiệp nhà nước và các vấn đề an toàn công nghiệp, cả hai lãnh vực thực sự không quan trọng cho lắm. Có vẻ như Lưu đã bị Tập cho ra rìa bởi vì Lưu không ngăn tránh được tranh chấp thương mại với Trump.
Nếu thực như vậy thì hiện nay trong tập đoàn lãnh đạo không có ai gọi là có khả năng thay thế được ông Lưu và có đủ thẩm quyền để đưa ra một chiến lược đối với những thách thức ngày càng phức tạp hơn của Trump. Cuối cùng nhận xét chung là chủ tịch đảng đã không có cách ứng phó thích hợp cho chính sách trừng phạt thuế quan của Trump, mà đó là thách thức lớn nhất trong thời gian gần đây đối với nền kinh tế Trung Quốc.
ZEIT ONLINE: Những người phê phán Tập Cận Bình thực sự đang lo lắng chuyện gì?
Willy Lam: Đảng CSTQ cầm quyền nhưng không có tính chính danh vì không qua các cuộc bầu cử dân chủ. Trung Quốc là một chế độ chuyên quyền. Nền cai trị của họ dựa trên hai trụ cột: tăng trưởng kinh tế và chủ nghĩa dân tộc, chính chủ nghĩa này được thúc đẩy bởi chiêu bài của ông Tập về “Giấc mơ Trung Quốc”, theo đó Trung Quốc sẽ thay chỗ đứng của Hoa Kỳ, thành cường quốc thế giới vào năm 2049. Đây là hai cơ sở mang lại tính chính danh cho nền cai trị của họ lâu nay, nhưng hiện giờ cả hai đang bị lung lay.
Trễ nhất là khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung xảy ra, thì những vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế Trung Quốc lần lượt phơi bày trước công chúng, đặc biệt là số nợ chính phủ khổng lồ và sự kiểm soát quá mức đối với doanh nghiệp nhà nước. Tăng trưởng kinh tế TQ trong hai năm qua chủ yếu chỉ nhờ vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quốc nội cũng như vào một thị trường bất động sản quá nóng – mà quả bong bóng này đang đe dọa nổ tung bất cứ lúc nào. Ngay cả trước khi có tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ, vào năm 2015 sự sụp đổ trên các thị trường chứng khoán đã tiêu hủy tài sản khá lớn của người dân. Điều này đã làm dân chúng mất lòng tin vào tương lai, họ cũng không còn tin tưởng vào một sự tăng trưởng kinh tế dài hạn như trong ba thập kỷ qua nữa. Nếu Đảng CSTQ không thực hiện được các điều họ đã hứa hẹn về kinh tế, thì tính chính danh của họ sẽ bị đặt thành vấn đề.
ZEIT ONLINE: Vậy quyền lực của Tập Cận Bình có bị nguy không?
Willy Lam: Vị trí số một của Tập Cận Bình trong nhà nước và đảng vẫn còn nguyên vẹn, bởi vì ông ta hoàn toàn kiểm soát được quân đội và công an. Quyền lực của ông ta vẫn ổn định, nhưng đây là lần đầu tiên uy tín của Tập bị sứt mẻ. Người ta có thể thấy điều này qua hai diễn biến. Khi đứng trước những chỉ trích nội bộ ngày càng gia tăng với đường lối cầm quyền của mình, Tập Cận Bình đã đi tìm sự hỗ trợ từ các tỉnh, từ các lãnh đạo vùng, các cán bộ cao cấp trong các thành phố lớn. Kỳ lạ thay, từ những nhân vật chính trị nặng ký địa phương này không hề có sự hồi âm ủng hộ nào cả.
Sự tổn thương uy tín của Tập còn thể hiện qua diễn biến thứ hai: Ông ta bị chỉ trích công khai bởi chính những người trí thức hàng đầu trong nước. Họ cáo buộc ông ta đã cản trở sự cởi mở của Trung Quốc và đi ngược với chính sách cải cách thị trường dưới thời Đặng Tiểu Bình. Và họ cũng bất mãn khi ông Tập đem ra sử dụng lại các mô thức cai trị của Mao Trạch Đông, chẳng hạn như tôn sùng cá nhân và cầm quyền suốt đời.
ZEIT ONLINE: Ông chủ tịch nước và phe ủng hộ ông ta sẽ phản ứng như thế nào với tình trạng bất mãn này?
Willy Lam: Tập Cận Bình là một người rất ngoan cố, ông ta sẽ không quay lại với chính sách cải cách của Đặng Tiểu Bình đâu. Nhưng Tập sẽ tìm kiếm sự thỏa hiệp với các thành phần bất mãn của giới chóp bu và có lẽ phải chia sẻ quyền lực với các địch thủ của mình trong đảng.
ZEIT ONLINE: Trong lịch sử gần đây, có khi nào một lãnh đạo đảng bị chỉ trích nhiều như Tập Cận Bình hay không?
Willy Lam: Không, đây là lần đầu tiên. Lấy thí dụ Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của Tập. Hồ là một nhà chính trị yếu hơn nhiều, được ít hỗ trợ từ quân đội và đảng hơn. Nhưng uy tín của ông Hồ không bao giờ bị đe dọa như ông Tập ngày nay, nhất là khi chúng ta nhìn trong bối cảnh ông Tập là một nhà cầm quyền cứng rắn hơn, kiểm soát công an và quân đội mạnh hơn nhiều.
Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng ông Tập bị áp lực rất lớn từ bên ngoài, bởi vì cuộc chiến thương mại cuối cùng thực ra là một biểu hiện của cuộc xung đột văn hóa giữa một bên là thuyết kinh tế tư bản laissez-faire, do Mỹ dẫn đầu phương Tây, và bên kia là thuyết kinh tế tư bản nhà nước, chủ yếu tập trung vào kiểm soát chặt chẽ, do những người cộng sản chuyên chế ở Trung Quốc chủ trương. Tuy Trung Quốc đã có nhiều thành công ngoạn mục trong những thập kỷ gần đây, nhưng hôm nay Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ bị lép vế trong cuộc chạy đua này. Người Trung Quốc đã nhìn ra những mặt yếu kém của mô hình Trung Quốc và chính điều này làm tổn hại nghiêm trọng đến tính chính danh cầm quyền của đảng CSTQ.
Chú thích: Willy Lam là Phó Giáo sư về ngành Nghiên cứu Trung Quốc tại viện Đại học Hồng Kông. Willy Lam được biết đến như là một trong những chuyên gia am tường về tầng lớp ưu tú của Trung Quốc, về đảng CSTQ và lãnh tụ của nó là Tập Cận Bình. Willy Lam là tác giả của năm cuốn sách về Trung Quốc, trong đó có cuốn “Chính trị Trung Quốc trong kỷ nguyên của Tập Cận Bình: Phục hưng, cải cách, hay thoái bộ?”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.