Thêm một bất cập, yếu kém trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự hiện nay
2-8-2018
Trong cuốn hồi ký của ông Lý Quang Diệu có tiêu đề ‘Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất’, ông Diệu đã tường thuật lại công cuộc chống tham nhũng của đất nước Singapore do ông khởi xướng, điều đã giúp đất nước của ông xếp vào hàng ngũ các quốc gia ít tham nhũng nhất khu vực Châu Á vào năm 1997, trên cả Hồng Kong và Nhật Bản, xếp thứ 7 trên toàn thế giới cho thành tích vắng mặt tham nhũng vào năm 1998.
Từ năm 1960 vấn đề tham nhũng tại Singapore được ông nêu ra không khác gì tình trạng tham nhũng trong mọi mặt đời sống xã hội Việt Nam ngày nay. Tham nhũng trong bộ máy hành chính quan liêu từ nhỏ đến lớn trong các phạm vi như thủ tục hải quan, cảnh sát giao thông, chăm sóc bệnh viện, xây nhà trái phép .v.v..
Đối với những đối tượng nhỏ ông Lý Quang Diệu đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, hủy bỏ việc cấp giấy phép hoặc phê chuẩn trong những việc ít quan trọng.
Để đấu tranh đối với đối tượng cao cấp ông Lý Quang Diệu đã thực hiện một chương trình sắt đá, đó là tiến hành sửa luật nâng cao khả năng diệt trừ tham nhũng. Trong đó ông cho biết ‘Luật hiện hành quy định chứng cứ do kẻ đồng phạm khai ra không có giá trị tin cậy trừ khi được chứng minh. Chúng tôi đã thay đổi, cho phép các quan tòa chấp nhận lời khai của kẻ đồng phạm là chứng cứ’.
Là một luật sư trước khi tham gia hoạt động chính trị, ông Lý Quang Diệu đã rất biết vận dụng các yếu tố pháp lý trong việc làm sạch bộ máy.
Trong đó thay đổi hiệu quả nhất mà ông thừa nhận đó là vào năm 1960 luật pháp cho phép quan tòa xem những chứng cứ cho thấy kẻ bị tố cáo đang sống ở mức sống vượt quá khả năng kinh tế của anh ta hoặc có những tài sản mà thu nhập của anh ta không thể giải thích được, đó là bằng chứng xác thực chứng minh rằng người bị tố cáo đã nhận hối lộ.
Ông cũng kể lại một loạt các nhân sự cao cấp trong đó có những người là đồng chí thân thiết công tác với ông nhiều năm bị cáo buộc tham nhũng, họ đã nhận những khoản tiền của doanh nghiệp để có những chính sách làm lợi cho doanh nghiệp. Những người này đều bị xử lý nghiêm khắc, người thì đi tù, người thì tìm đến cái chết để tránh nỗi đau đớn quá mất mặt do bị khai trừ xử lý.
Việt Nam thì sao?
Thật đáng ngạc nhiên là từ lâu nay pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam đã quy định lời khai của bị can hay kẻ đồng phạm đều đã là chứng cứ.
Tức là cái quy định được sửa đổi có tính chất sắt đá mang hơi hướng quân phiệt độc tài của ông Lý Quang Diệu thì lại là cái đã có từ lâu ở Việt Nam.
Lời khai cũng là chứng cứ, luật Việt Nam đã quy định vậy, nhưng việc vận dụng thì lại có nhiều ‘uyển chuyển linh động’ theo kiểu đối với dân thường thì không cho nó thoát, nhưng đối với quan chức thì lại đòi hỏi phải thêm những bằng chứng rõ ràng hơn.
Đòi hỏi những bằng chứng rõ ràng hơn là một điều đáng hoan nghênh, nhưng nếu không thể có thêm những bằng chứng rõ ràng hơn thì sao?
Đòi hỏi những bằng chứng rõ ràng để kết án, đó là một cách làm tốt, nhưng nếu chỉ phụ thuộc vào việc phải có bằng chứng rõ ràng mới có thể kết án thì đó lại là một cách làm sai, bộc lộ nhận thức giản đơn về những vấn đề vốn dĩ phức tạp của khoa học tư pháp vốn đòi hỏi phải vận dụng đến những đặc tính lý trí con người.
Việc xử án cứ phải có chứng cứ rõ ràng là cách làm không tôn trọng tính phức tạp của thực tiễn, theo lẽ rằng không phải vụ án nào cũng có chứng cứ rõ ràng, không phải khi nào chân lý cũng biểu lộ rõ rệt về sự đúng sai, mà nhiều khi thực tế chỉ cung cấp bày ra trước mắt những sự thiếu hụt không đầy đủ, đòi hỏi tư duy lý trí con người phải vận động bù đắp vào để thấy được chân lý.
Bổ trợ cho điều đó con người đã xây dựng quy trình thủ tục tư pháp gồm Hội đồng xét xử nhiều người và quy trình xét xử theo hai cấp, để nhằm đạt đến sự đúng đắn chính xác trong phán đoán ngõ hầu đạt đến chân lý khách quan. Còn nếu cứ phải có chứng cứ rõ ràng thì chỉ cần một người xét xử là được và cũng chẳng cần phải xét xử qua hai cấp.
Từ thực tiễn hiện nay tôi cho rằng hệ thống tư pháp VN cần hiệu chỉnh lại đường lối giải quyết các vụ án, phải thay đổi toàn diện quan điểm điều tra, truy tố và xét xử, dẫn dựa vào luận lý nhiều hơn và chấm dứt ngay kiểu làm án phụ thuộc vào lấy cung, bắt ép bị can phải khai báo.
Mà chính từ kiểu làm án như vậy, đòi hỏi những bằng chứng thô để phù hợp với trình độ nhận thức thấp, đã dẫn đến những hành vi bức cung nhục hình thông qua giam giữ kéo dài và môi trường giam giữ đày đọa khắc nghiệt, hủy hoại nhân phẩm tư cách con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.